Trung Quốc chính thức công bố tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vào tháng 3 là 19.7%. Tuy nhiên, một phó giáo sư tại Đại học Bắc Kinh thông qua nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ thất nghiệp thực tế của thanh niên Trung Quốc phải cao tới 46.5%.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố tỷ lệ thất nghiệp thành thị được khảo sát ở Trung Quốc Đại Lục là 5,2% trong tháng 6, không thay đổi so với tháng trước. Trong số đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16 đến 24 tuổi là 21,3%, tăng 0,5% so với tháng trước và lập mức cao kỷ lục mới. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm người ở độ tuổi từ 25 đến 29 là 4,1% trong tháng Sáu.
Vào tháng 5, tỷ lệ thất nghiệp trong cuộc khảo sát lao động đối với những người từ 16 đến 24 tuổi và 25 đến 29 tuổi lần lượt là 20,8% và 4,1%.
Mới đây, trang tin Caixin trích dẫn nghiên cứu của PGS. Đại học Bắc Kinh, bà Trương Đan Đan (Zhang Dandan), chỉ ra rằng nếu tính cả 16 triệu người không làm việc, chẳng hạn như nhóm người “nằm ườn” và “ăn bám” là thất nghiệp, thì tỷ lệ thất nghiệp thực tế của thanh niên Trung Quốc trong tháng Ba là 46,5%, cao hơn nhiều so với thông báo chính thức của Trung Quốc là 19,7%.
Con số tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc trong tháng Ba cao tới 46,5%, quá xa so với mức 19,7% mà Trung Quốc chính thức công bố. Điều này khiến ngoại giới đặt nghi vấn về dữ liệu do chính quyền công bố đã bị làm sai lệch hoàn toàn từ trước đến nay.
Theo một báo cáo của trang “6do.world” vào ngày 20/7, ông Lại Vinh Vĩ, giám đốc điều hành của Hiệp hội truyền cảm hứng Đài Loan (Taiwan Inspiration Association), nói rằng Chính phủ Trung Quốc rõ ràng đã làm sai lệch tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên. Theo những người bạn dạy học ở Trung Quốc Đại Lục của ông chia sẻ, Chính phủ gây áp lực lên các trường học để tô vẽ về vấn đề thất nghiệp.
Ông cho biết: “Nhiều chính sách của trường học sẽ được nới lỏng. Ví dụ, nếu sinh viên chỉ đi làm một giờ một tuần, hoặc là gia sư trong một giờ thì không được coi là thất nghiệp. Nếu không tìm được dù chỉ một giờ làm gia sư, giáo viên sẽ tìm cách để sinh viên ký và giả vờ làm việc thông qua bạn bè hoặc người thân làm việc trong công ty. Thực tế, bản thân sinh viên đó không làm việc ở đó, mà chỉ là dùng cách này để tạo số liệu giả.”
Cũng có cư dân mạng chỉ ra, chính quyền Trung Quốc hoặc truyền thông tạo ra từ mới để che giấu “thất nghiệp“. Ví dụ, không tìm được việc làm = chậm đi làm; nhóm thu nhập thấp = nhóm đợi giàu; thường xuyên không có việc làm = thất nghiệp mang tính ma sát; nhóm người thất nghiệp = làm việc linh hoạt; nhóm người phụ thuộc = con cái toàn thời gian.
Thông tin tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc lên tới 46,5% trong tháng Ba, đã làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi giữa các cư dân mạng Đại Lục.
Một số người đã chế giễu:
“Mỗi tuần đi giao đồ ăn 2 giờ thì không được coi là thất nghiệp.”
“Bán hàng online trên Xianyu không phải là thất nghiệp.”
“Họ chỉ không nói lý do tại sao lại có tỷ lệ thất nghiệp cao đến thế.”
“Việc làm linh hoạt không phải là đã được đưa ra từ 2 năm trước sao, vì như thế thì có thể không tính vào tỷ lệ thất nghiệp.”
“Cháu trai tôi đã không tìm được việc làm trong hơn 1 năm qua rồi, 20 tuổi không có trình độ học vấn, không có kỹ năng, muốn đến nhà máy vặn ốc vít cũng không nhận vì không có việc cho công nhân làm.”
Một số người dùng Twitter cho biết: “Làm việc trong 1 giờ được tính là có việc làm, đăng ký tài khoản trên Xianyu có nghĩa là tự do kinh doanh, nhưng tỷ lệ thất nghiệp thực tế cao hơn nhiều so với 46,5%.”
“Tỷ lệ thất nghiệp chung sẽ không thấp hơn 80%.”
“Không ngoài dự liệu, thông tin về tỷ lệ thất nghiệp cao sẽ bị chặn ngay lập tức.”
“Tôi chưa bao giờ thất nghiệp, mọi người đều chậm đi làm thôi!”
Lý Mộc Tử, Vision Times