Việt Nam: Mỗi năm có khoảng 200.000 người đột quỵ, tăng nhiều ở người trẻ

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân sau điều trị đột quỵ. (Ảnh: hcmcpv.org.vn)

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ với tỉ lệ tử vong là 20%, bệnh đang có xu hướng tăng ở những người trẻ.

Trong buổi hội nghị đào tạo chỉ đạo tuyến của bệnh viện vào chiều 21/7, bác sĩ Trần Thị Kim Tuyết – Khoa Vật lý trị liệu Phục hồi chức năng, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cho biết tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, tỉ lệ tử vong 20% và có xu hướng tăng ở những người trẻ. Riêng tại Bệnh viện Thống Nhất, số bệnh nhân đột quỵ tăng nhiều và mặt bệnh đa dạng hơn.

Vị bác sĩ này cho hay đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 sau bệnh tim mạch vành, để lại di chứng hết sức nặng nề. Sau đột quỵ, có khoảng 70% người bệnh khuyết tật về chức năng vận động, cảm giác, ngôn ngữ, nhận thức, rối loạn nuốt, rối loạn tiểu tiện, nhận thức. Khoảng 75% người không trở lại làm việc, 85% ảnh hưởng chức năng chi trên.

Biến chứng sau đột quỵ có thể là teo cơ, cứng khớp; đau khớp vai, bán trật khớp vai bên liệt; loét tì đè; nhiễm trùng viêm phổi do hít sặc, xẹp phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu… Tuy nhiên, phục hồi chức năng có thể phòng ngừa và điều trị các biến chứng, thương tật thứ cấp; xử trí các rối loạn, khiếm khuyết sau đột quỵ

Việc phục hồi chức năng đột quỵ não càng sớm càng tốt (sau 24 giờ) khi các điều kiện về huyết động cho phép. Trong đó chăm sóc phục hồi chức năng chi trên cho bệnh nhân đột quỵ cần phải chăm sóc toàn diện, tích cực và đưa ra các bài tập cá thể hóa trên từng người bệnh.

Bác sĩ Tuyết nhấn mạnh thêm: “Theo khuyến cáo của Hội tim mạch và hội đột quỵ Mỹ, vận động sớm trong vòng 24 giờ với cường độ cao có thể làm giảm kết quả có lợi sau 3 tháng. Phục hồi chức năng sớm có thể có hại cho người bệnh chảy máu não nặng, đặc biệt lưu ý, người bệnh đột quỵ nặng”

Bên lề hội nghị, BS chuyên khoa 1 Lê Thị Thúy Uyên – Phó trưởng Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Thống Nhất trao đổi thêm rằng trong thời gian gần đây, số bệnh nhân đột quỵ được điều trị và quản lý tại khoa tăng nhiều và mặt bệnh càng đa dạng hơn.

Theo đó, tại khoa có 58 giường nhưng số bệnh nhân thực tế luôn dao động 64-68 ca, thậm chí có thời điểm lên đến 70 bệnh nhân.

Do đó, Bệnh viện phải kê thêm giường bệnh. Bệnh nhân đột quỵ tại đây sẽ được điều trị toàn diện, khi đủ điều kiện xuất viện sẽ được về nhà và được hẹn tái khám và tập phục hồi chức năng ngoại trú.

Theo bác sĩ Uyên, hiện khoa điều trị được tất cả dạng, các giai đoạn của đột quỵ. Ví dụ, bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ cấp thì được tiêm huyết khối để tái thông (bằng dụng cụ), phối hợp với ngoại thần kinh để phẫu thuật bệnh nhân.

Vào năm 2000, bệnh viện đã đạt tiêu chuẩn vàng trong điều trị đột quỵ. Đến nay, với những số liệu và kết quả có được thì khoa đạt tiêu chuẩn bạch kim, tuy nhiên còn chờ công nhận chính thức.

Bên cạnh điều trị đột quỵ, điểm “sáng” của khoa là điều trị người bệnh bị sa sút trí tuệ. Là bệnh viện lão khoa nên số lượng bệnh nhân bị sa sút trí tuệ tại bệnh viện tương đối lớn, bác sĩ Uyên cho hay.

Thạch Lam

Hai điều tra viên Công an TP. Hạ Long bị đề nghị tước danh hiệu

Công an TP. Hạ Long trong một kỳ đại hội đảng hồi tháng 5/2020. (Ảnh: halongcity.gov.vn)

Hai điều tra viên Công an TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) bị cáo buộc có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp trong một vụ lừa đảo qua mạng xã hội, bị đề xuất mức phạt cao nhất trong ngành, tước quân tịch.

Trưa 22/7, Công an TP. Hạ Long công bố đã báo cáo Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, đề nghị xử lý kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân đối với 2 điều tra viên công tác tại đơn vị.

Hai điều tra viên bị đề nghị kỷ luật là ông Hà Huy Đạt và ông Nguyễn Xuân Nam, cùng là cán bộ điều tra thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hạ Long.

Theo tin công bố, trong quá trình giải quyết tin báo, điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, Công an TP. Hạ Long đã phát hiện điều tra viên Đạt và điều tra viên Nam có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hạ Long đã trao đổi thông tin vụ việc trên cho Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao để điều tra theo thẩm quyền, đồng tiếp tục phối hợp xác minh, xử lý các trường hợp vi phạm khác (nếu có).

Theo Điều 367 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án.

Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp bao gồm như tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội; tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội; tội ra bản án trái pháp luật; tội ra quyết định trái pháp luật; tội dùng nhục hình; tội bức cung; tội làm sai lệch hồ sơ vụ án; tội lợi dụng chức vụ quyền hạn giữ người trái pháp luật…

Khi có dấu hiệu vi phạm xâm phạm đến hoạt động tư pháp, cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ xác minh, điều tra. Trong trường hợp có dấu hiệu của hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, cơ quan này sẽ ra quyết định khởi tố, điều tra vụ án.

Sơn Nguyên

Related posts