Bắc Kinh coi vũ khí tấn công thần kinh (NeuroStrike) và chiến tranh tâm lý là thành phần cốt lõi trong chiến lược chiến tranh bất đối xứng chống lại Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ.
Ông Sean Lin (Lâm Hiểu Húc) – nhà vi trùng học, cựu giám đốc phòng thí nghiệm tại Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed (Mỹ) và là người sống sót sau vụ thảm sát Thiên An Môn – là đồng tác giả của một báo cáo có tiêu đề: “Xác định, Nhắm mục tiêu và Đánh sập chương trình Tấn công Thần kinh của Đảng Cộng sản Trung Quốc“. Ông nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times rằng: “Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã xác lập chỗ đứng là người đi đầu thế giới trong việc phát triển vũ khí tấn công thần kinh (NeuroStrike)”.
Báo cáo dài 12 trang của ông và những người khác đã đánh giá mối đe dọa do chương trình NeuroStrike của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra đối với Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời vạch ra một chiến lược để chống lại nó.
Theo báo cáo, NeuroStrike nhắm mục tiêu vào não người bằng cách sử dụng công nghệ phi sát thương làm suy giảm khả năng nhận thức, suy giảm năng lực đánh giá tình huống, gây ra suy thoái thần kinh về lâu dài, và làm suy yếu các chức năng nhận thức bình thường.
Chiến tranh Không Tiếp xúc
Năm 2014, Trung Quốc đã nêu rõ “tam chủng chiến pháp” của họ, với ý định đạt được những kết quả mà trước kia chỉ có thể đạt được thông qua sử dụng lực lượng quân sự. “Tam chủng chiến pháp” gồm chiến tranh tâm lý, chiến tranh truyền thông và chiến tranh pháp lý, dùng để đạt được các mục tiêu của Chiến tranh Không Tiếp xúc (No Contact Warfare) — chiến tranh không thương vong.
“Hội chứng Havana” bí ẩn — căn bệnh thần kinh (được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 2016) đã tấn công các nhân viên Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Cuba, ở Trung Quốc và các nơi khác — đã thể hiện chính xác nhất một khía cạnh của NeuroStrike.
Một số nạn nhân kể lại rằng, các triệu chứng bắt đầu “với sự xuất hiện đột ngột của một tiếng động lớn được cho là có tính định hướng, và kèm theo cơn đau ở một hoặc cả hai tai hoặc khắp một vùng rộng trên đầu” và “đôi khi sau đó là các vấn đề về thị giác và các khó khăn về nhận thức”, theo tài liệu nghiên cứu về căn bệnh – do Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ thực hiện dưới sự tài trợ của Bộ Ngoại giao.
Một ủy ban 19 người gồm các chuyên gia khoa học và chuyên gia y tế tham gia nghiên cứu tin rằng vũ khí của vụ tấn công bí ẩn này rất có thể là năng lượng vi sóng định hướng.
Vượt trên cả vũ khí vi sóng
Tuy nhiên, theo báo cáo mới, NeuroStrike và việc PLA vũ khí hóa khoa học thần kinh có sức đáng sợ vượt xa vũ khí vi sóng cũ.
Ông Lin nói rằng mục tiêu tổng thể của ĐCSTQ với NeuroStrike là tác động đến tâm trí và cảm xúc của một cá nhân.
Theo báo cáo, NeuroStrike sẽ được sử dụng để kiểm soát toàn bộ dân số Trung Quốc cũng như để tạo ra một loạt vũ khí tác động đến nhận thức.
Ông Lin cho biết NeuroStrike là một chương trình chiến lược rõ ràng của ĐCSTQ và PLA. “Chúng tôi [các tác giả của báo cáo] không nói rằng ĐCSTQ đã đạt được những khả năng như vậy về mọi mặt, nhưng nó là ý định chiến lược của họ”.
Chiến lược toàn diện
ĐCSTQ đã áp dụng và tích hợp nhiều công nghệ, bao gồm cả phương pháp di truyền, để tấn công và kiểm soát tâm trí cũng như nhận thức của kẻ thù bằng cách tác động đến hệ thần kinh, trạng thái tinh thần, v.v. của đối thủ.
“Điều đáng sợ là mọi người vô thức và đột ngột có một nỗi sợ hãi trong tâm trí họ, và cảm xúc của quý vị bị điều khiển bởi nó. Ví dụ, một người lính ban đầu có ý chí chiến đấu sẽ đột nhiên cảm thấy chán nản hoặc thất vọng và trở nên không phòng bị. Đó là cách PLA tiêu diệt kẻ thù về mặt tâm lý, một phần trong quá trình kiểm soát não bộ của kẻ thù”, ông Lin nói.
Với chính sách hợp nhất quân sự – dân sự, PLA đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu và phát triển hệ thống tế bào thần kinh, sự kết nối não người – máy tính, vũ khí vi sóng và hệ thống kiểm soát thông tin bằng siêu máy tính, ông nói thêm. “Đây không còn là một cuộc thảo luận trên lý thuyết nữa, mà họ đang đạt tiến bộ theo hướng đó”.
“Hãy tưởng tượng quân đội PLA (ít nhất là một phần trong quân đội) đã có miễn dịch; những người này được đưa đến một khu vực địa lý nào đó nơi một chủng vi khuẩn cụ thể đã bị vũ khí hóa được giải phóng trước khi họ đến, mục đích là để chuẩn bị mặt bằng và loại bỏ các điểm kháng cự. Sau đó, mọi nguồn kháng cự (đối thủ) còn lại trên mặt đất sẽ được xử lý thông qua vũ khí NeuroStrike của ĐCSTQ – thứ tạo ra nỗi sợ hãi tột độ và/hoặc các hình thức nhận thức không nhất quán khác, từ đó dẫn đến việc [đối phương] không thực hiện bất kỳ hành động nào”, trích báo cáo.
Theo ông Lin, Đài Loan là khu vực mà PLA có thể áp dụng chiến lược này. “Trước trận chiến, PLA trước tiên có thể thực hiện một chiến dịch tuyên truyền – được thiết kế tỉ mỉ để chống lại Đài Loan, sau đó nếu có cơ hội đổ bộ, họ sẽ trang bị cho quân chiến đấu của mình một số vũ khí vi sóng đặc biệt để tác động đến trạng thái tinh thần của lính bên đối phương”.
Báo cáo chỉ ra rằng Học viện Khoa học Quân y (AMMS) là trung tâm Nghiên cứu và Phát triển quan trọng của PLA về NeuroStrike.
Tháng 12/2021, AMMS đã bị đưa vào danh sách đen theo chính sách kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ, theo Washington Times vào thời điểm đó.
“Trung Quốc [hiện] chưa sở hữu cơ sở quốc phòng và công nghiệp để có thể sản xuất các công nghệ cần thiết để vận hành chương trình NeuroStrike mà có năng lực kỹ thuật đủ phục vụ tham vọng chiến lược của ĐCSTQ và PLA”, báo cáo cho biết.
Tuy nhiên, theo các tác giả của báo cáo, Hoa Kỳ vẫn cần nhanh chóng đưa ra các biện pháp trừng phạt nhắm chính xác vào chính sách kết hợp dân sự – quân sự của ĐCSTQ.
Ông Lin nói rằng mục đích của báo cáo là để nhắc nhở cộng đồng quốc tế về tính nguy hiểm của chiến tranh không giới hạn và của các phương tiện công nghệ khác nhau của ĐCSTQ, đồng thời cảnh báo các nhà nghiên cứu toàn cầu về ý định thực sự của ĐCSTQ đằng sau việc nghiên cứu và phát triển tế bào thần kinh.
Theo The Epoch Times
Xuân Hoa biên dịch