Kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng hơn ‘Thập kỷ mất mát’ của Nhật Bản

Jessica Mao • Olivia Li

Trong khi một số nhà phân tích cho rằng nền kinh tế Trung Quốc hiện đang trì trệ theo cách tương tự như Nhật Bản vào đầu “Thập kỷ mất mát”, một nhà kinh tế chỉ ra rằng các vấn đề của Trung Quốc nghiêm trọng hơn so với Nhật Bản trong những năm 1990.

Trung Quốc hiện đang vật lộn với những khó khăn kinh tế leo thang, khi xuất khẩu và nhu cầu trong nước liên tục suy giảm, trong khi đầu tư tư nhân suy yếu và lĩnh vực bất động sản từng phát triển bùng nổ đang nhanh chóng đánh mất động lực.

Trong khi một số nhà phân tích cho rằng nền kinh tế Trung Quốc hiện đang trì trệ theo cách tương tự như Nhật Bản vào đầu “Thập kỷ mất mát”, một nhà kinh tế chỉ ra rằng các vấn đề của Trung Quốc nghiêm trọng hơn so với Nhật Bản trong những năm 1990.

Một thập kỷ mất mát là tình huống trong đó một quốc gia hoặc khu vực trải qua suy thoái kinh tế kéo dài trong khoảng một thập kỷ. Những ví dụ điển hình bao gồm Vương quốc Anh sau Thế chiến II, Mỹ Latinh sau suy thoái kinh tế kéo dài vào những năm 1980 và Nhật Bản sau vụ vỡ bong bóng vào những năm 1990.

Ngay sau khi Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế quý II, nhiều phương tiện truyền thông phương Tây nhận ra rằng sự phục hồi của nước này trong quý đầu tiên đã chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Gần đây hơn, tờ Wall Street Journal dự đoán rằng “Thập kỷ mất mát” của Trung Quốc đối với các nhà đầu tư đang xảy ra.

Các yếu tố nghiêm trọng hơn

Ông Tạ Điền, một chuyên gia kinh tế, nói với The Epoch Times vào ngày 25/07 rằng nền kinh tế Trung Quốc rõ ràng đang suy thoái nghiêm trọng.

Ông Tạ là Giáo sư về Kinh doanh tại Đại học Nam Carolina Aiken.

Một số người cho rằng Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng giảm phát. Ông Xie chỉ ra rằng, vẫn chưa chắc liệu giảm phát có phải là điều không thể tránh khỏi ở Trung Quốc hay không. Tuy nhiên, Trung Quốc phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng với sự đổ vỡ của bong bóng bất động sản và đang có những dấu hiệu cảnh báo sớm về một cuộc khủng hoảng tài chính.

Ông Tạ nói: “Một số người nói rằng Trung Quốc đang ở trong một tình huống tương tự như ‘Thập kỷ mất mát’ của Nhật Bản, và thực sự có một số điểm tương đồng”. “Đúng là Nhật Bản đã trải qua sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và thị trường nhà ở vào thời điểm đó, và nền kinh tế Nhật Bản đã chậm lại trong suốt những năm 1990. Trên thực tế, Thập kỷ mất mát [của Nhật] kéo dài hơn một thập kỷ, nó đã được kéo dài thành 20, 30 năm. Nhưng sự thực thì, tình hình hiện tại của Trung Quốc vẫn rất khác so với tình hình của Nhật Bản vào những năm 1990”.

Trước hết, việc các công ty Nhật Bản đầu tư và mở rộng quá mức dẫn đến bong bóng bất động sản và lãng phí tài nguyên là hành động của các công ty chứ không phải hành động của chính phủ. Nhật Bản, với tư cách là một quốc gia, không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự phá sản của các công ty này. Ngược lại, các vấn đề của Trung Quốc xuất phát từ tình huống do chính phủ dẫn dắt, ông Tạ nói.

“Nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc đều đã tham gia vào lĩnh vực bất động sản. Các khoản nợ của các chính quyền cơ sở này, các khoản nợ của các nền tảng tài chính và các khoản nợ có đòn bẩy cao của các ngân hàng quốc doanh do cho vay bất động sản đều là vấn đề của chính phủ, hay nói cách khác là vấn đề của toàn dân”, ông ấy tiếp tục. “Những người giàu có và quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các đại diện kinh doanh của họ trong ngành bất động sản và một số nhà phát triển đã được hưởng lợi từ việc này, nhưng trên thực tế, tất cả người dân Trung Quốc hiện đang mắc nợ, điều này rất khác với tình huống ở Nhật Bản”.

Tiêu dùng, đầu tư tài sản cố định và xuất khẩu được gọi chung là “cỗ xe tam mã”, động lực chính của nền kinh tế Trung Quốc.

Ông Tạ chỉ ra rằng ở Trung Quốc ngày nay, cả ba yếu tố này đều bị đình trệ.

“Trung Quốc đang trải qua sự sụt giảm lớn đối với cả nhập khẩu và xuất khẩu, việc xây dựng cơ sở hạ tầng quá mức và nhu cầu trong nước chậm lại, nhưng Nhật Bản không gặp phải những vấn đề này. Đối với người dân Nhật Bản, chưa bao giờ có vấn đề về mức sống hay mức tiêu dùng, cũng như chưa bao giờ họ phải chịu tỷ lệ thất nghiệp cao như ở Trung Quốc”, ông Tạ nói tiếp.

Nhìn lại, một số nhà phân tích đã đưa ra một số quan điểm mới về Thập kỷ mất mát của Nhật Bản, nói rằng mặc dù trải qua một thập kỷ suy thoái kinh tế nhưng Nhật Bản không xuất hiện vấn đề xã hội nghiêm trọng nào. Ngoài ra, môi trường kinh tế của Nhật Bản đã trải qua những thay đổi ổn định kể từ đó và các công ty Nhật Bản cũng điều chỉnh lại trong giai đoạn này và giành lại vị trí dẫn đầu về công nghệ trong lúc tiếp tục phát triển công nghệ của mình. Vì vậy, tình hình ở Nhật khác với Trung Quốc.

“Nếu bạn khẳng định có sự tương đồng, thì nhìn bề ngoài, sự vỡ bong bóng bất động sản đã xảy ra ở cả hai quốc gia. Nhưng xét về các vấn đề thực tế thì không có sự tương đồng nào cả”, ông Tạ nói.

Điều này là do đã không có bất ổn xã hội hay bất ổn chính trị ở Nhật Bản, cũng như không có bất kỳ vấn đề nào với cấu trúc xã hội. Mặt khác, nếu giá nhà đất ở Trung Quốc tiếp tục giảm, cùng với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và thu nhập bị thu hẹp, sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và sự ổn định của xã hội sẽ bị đe dọa nghiêm trọng và hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với ở Nhật Bản, ông Tạ nói.

Những số liệu ảm đạm

Trong tháng 6, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 02/2020. Tổng nhập khẩu giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức sụt giảm 2,3% so với tháng trước. Hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu đều thấp hơn kỳ vọng của thị trường.

Vào ngày 10/07, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố dữ liệu CPI cho tất cả các tỉnh của Trung Quốc trong tháng 6. Trong đó, CPI tại 17 tỉnh giảm so với cùng kỳ.

Ngoài ra, Chỉ số giá sản xuất (PPI) đã giảm 5,4% trong tháng 6, cao hơn 0,8 điểm phần trăm so với mức giảm trong tháng 5. Theo dữ liệu chính thức, đây là tháng thứ 6 liên tiếp có sự gia tăng suy giảm và là mức thấp nhất kể từ tháng 01/2016. Một khu phức hợp nhà ở chưa hoàn thành của nhà phát triển Trung Quốc Kaisa Group tại Quảng Châu ở tỉnh Quảng Đông phía nam Trung Quốc vào ngày 16/07/2022. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)

Vào ngày 15/07, giá bán bất động sản nhà ở tại 70 thành phố lớn và vừa ở Trung Quốc đã được công bố như dự kiến. Giám đốc thống kê của Cục Thống kê Quốc gia giải thích dữ liệu bán hàng, nói rằng giá bán chung của bất động sản nhà ở trong tháng 6 đã giảm so với tháng trước và hoạt động của thị trường bất động sản trong tháng 6 vẫn nằm dưới mức mong đợi.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc thừa nhận, dù có nhiều chính sách kích thích nhưng thị trường bất động sản đã hạ nhiệt kể từ tháng 4, do một bộ phận đáng kể người mua nhà có nhu cầu mua nhà vẫn thiếu niềm tin vào thị trường, có tâm lý “chờ đợi và quan sát”.

Một số công ty bất động sản niêm yết hạng A [công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến] đã buộc phải hủy niêm yết trong ba tháng qua, vì giá cổ phiếu của họ tụt xuống dưới 1 nhân dân tệ (0,14 USD) trong 20 ngày giao dịch liên tiếp, trong khi hơn 15 công ty bất động sản trên Sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong vẫn đang bị đình chỉ.

Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao của Trung Quốc cũng đã gây ra nhiều báo động. Cục thống kê báo cáo rằng tỷ lệ thất nghiệp của người lao động trong độ tuổi 16 – 24 đạt mức kỷ lục 21,3% trong tháng 6. Tuy nhiên, bà Zhang Dandan, một học giả tại Đại học Bắc Kinh, cho biết nếu khoảng 16 triệu cá nhân – những người chọn không làm việc và sống dựa vào cha mẹ – đều được coi là thất nghiệp, thì tỷ lệ thất nghiệp thực tế của thanh niên trong tháng 3 lên tới 46,5%.

Ngay cả từ dữ liệu kinh tế do chính chính quyền Trung Quốc công bố, tình hình kinh tế hiện tại ở Trung Quốc cũng tương tự như vào đầu “Thập kỷ mất mát” của Nhật Bản. ĐCSTQ vốn có một lịch sử lâu dài trong việc làm sai lệch tất cả các loại số liệu thống kê để che đậy các vấn đề, do đó, tình trạng thực sự của nền kinh tế Trung Quốc có thể còn tồi tệ hơn nhiều.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Related posts