Sau khi Ấn Độ ra quyết định cấm xuất khẩu gạo để kiềm chế lạm phát giá lương thực trong nước, trên thị trường quốc tế lập tức có sự điều chỉnh khi gạo Thái Lan và Việt Nam đều tăng giá so với 1 tuần trước.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/7, Việt Nam xuất khẩu gần 4,5 triệu tấn gạo, thu về 2,39 tỷ USD. (Ảnh minh họa: Mr. Amarin Jitnathum/Shutterstock)
Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ngày 28/7 được giao dịch ở mức 558 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với phiên ngày 27/7 và tăng 25 USD/tấn so với ngày 19/7.
Bên cạnh đó, gạo 25% tấm cũng tăng 25 USD/tấn, từ mức 513 USD/tấn phiên 19/7 lên 538 USD/tấn phiên 28/7. Như vậy, gạo 5% tấm, 25% tấm xuất khẩu của Việt Nam tăng lần lượt 35,1% và 36,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Hôm 27/7, một tuần sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng thường, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan đã lên 603 USD/tấn, cao hơn 59 USD so với một tuần trước đó và cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), lúa (thóc) hạt dài được thu mua tại ruộng từ 6.650 – 6.750 đồng/kg (tăng 200 đồng/kg so với tuần trước), lúa thường từ 6.800 – 6.850 đồng/kg (tăng 100 đồng/kg).
An Giang là địa phương có sản lượng lúa lớn đứng thứ 2 cả nước (sau tỉnh Kiên Giang) với tổng sản lượng gần 4 triệu tấn/năm. Trong đó, xuất khẩu khoảng 550.000 tấn gạo/năm.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho biết việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng thường đã tạo điều kiện cho giá lúa hiện nay ở An Giang cao, dao động từ 6.700 – 6.900 đồng/kg. Đây là cơ hội để nông dân An Giang tăng giá trị từ cây lúa.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải tính đến kịch bản giá gạo năm 2008, khi đó có thời điểm lên tới hơn 1.000 USD/tấn.
Năm nay, sản xuất lúa của Việt Nam khá thuận lợi, các nguồn cung đảm bảo ổn định, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/7, Việt Nam xuất khẩu gần 4,5 triệu tấn gạo, thu về 2,39 tỷ USD. Giới chuyên gia dự báo 6 tháng cuối năm tiếp tục là cơ hội để các quốc gia, trong đó có Việt Nam, gia tăng sản lượng gạo xuất khẩu.
Ấn Độ hiện chiếm 40% xuất khẩu gạo thế giới, nên việc quốc gia này cấm xuất khẩu gạo (trừ gạo Basmati) cộng với khí hậu khắc nghiệt hơn tác động xấu đến sản xuất lúa, gạo toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu mua lương thực phục vụ tiêu dùng và tích trữ đồng thời kéo giá gạo tăng cao trong thời gian tới.
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng thứ 3 thế giới nên sẽ chịu ảnh hưởng tích cực từ việc Ấn Độ dừng xuất khẩu.
Tuy nhiên, cơ hội này cũng đặt ra bài toán cho Việt Nam về việc vừa đảm bảo nhu cầu từ các đối tác nhập khẩu trong nửa cuối năm 2023 là cần ít nhất 4 triệu tấn gạo, nhưng vẫn phải cân đối đủ cho việc dự trữ và tiêu dùng trong nước.
Đức Minh