Ngày 28/7, Singapore đã treo cổ một nữ tù nhân, người bị kết án vì tội buôn bán bất hợp pháp khoảng 30 gram heroin vào nước này trong năm 2018. Đây là trường hợp phụ nữ bị kết án tử hình đầu tiên tại Singapore trong gần 2 thập kỷ. Vụ hành quyết đã dấy lên sự phản đối từ các cơ quan giám sát nhân quyền quốc tế.
Cục phòng chống Ma túy Trung ương của Singapore (CNB) cho biết, bà Saridewi Djamani, 45 tuổi, quốc tịch Singapore, đã bị xử tử hình vào ngày 28/7, đây cũng là vụ hành quyết thứ hai trong vòng một tuần tại nước này. Bà Saridewi là nữ tù nhân đầu tiên bị hành quyết một cách hợp pháp kể từ năm 2004, khi đó một phụ nữ 36 tuổi cũng nhận án tử hình vì tội buôn bán ma túy.
Trong một tuyên bố hôm 28/7, bà Chiara Sangiorgio, một chuyên gia về cải cách hình phạt tử hình của Tổ chức Ân xá Quốc tế, đã gọi các vụ hành quyết là “bất hợp pháp”, cho rằng chúng “làm nổi bật sự tàn nhẫn và bi thảm trong việc thiếu hoàn toàn những cải cách hình phạt tử hình ở Singapore.” Bà Sangiorgio tuyên bố chính quyền Singapore đang tiếp tục vi phạm “luật lệ và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.”
Vụ hành quyết bà Saridewi là vụ thứ 15 từ lúc Singapore khôi phục lại các ca tử hình vào tháng 3/2022, sau khi hoạt động này bị tạm dừng trong 2 năm vì đại dịch COVID-19. Từ lúc khôi phục, đảo quốc này đã thực hiện trung bình 1 vụ hành quyết mỗi tháng.
Trong phiên tòa của mình, bà Saridewi đã bào chữa không thành công rằng bà không có khả năng cung cấp những lời khai chính xác cho cảnh sát vì bản thân đang bị cai nghiện ma túy trong quá trình thẩm vấn.
CNB bổ sung trong một tuyên bố vào ngày 28/7: “Bà Saridewi đã được chấp thuận đầy đủ thủ tục tố tụng theo luật và được cố vấn pháp lý đại diện trong suốt quá trình.” Cơ quan này cũng lập luận thêm rằng kháng cáo xin tổng thống Singapore Halimah Yacob khoan hồng đã không thành công.
Các nhà chức trách Singapore khẳng định luật ma túy nghiêm khắc của nước này được rất nhiều nhóm cộng đồng ủng hộ và giữ cho đất nước ‘vắng bóng’ tội phạm liên quan đến ma túy một cách tương đối. Các nhà phê bình như bà Sangiorgio của Tổ chức Ân xá Quốc tế phản đối điều này. Bà Sangiorgio nhận định rằng “không có bằng chứng” cho thấy án tử hình có tác dụng ngăn chặn sự xuất hiện của ma túy.
Theo tờ Guardian, ông Michel Kazatchkine của Ủy ban Toàn cầu về Chính sách Ma túy đồng tình với bà Sangiorgio: “Điều này về cơ bản là vi phạm luật nhân quyền quốc tế, bởi vì nó là một hình phạt không tương xứng.”
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, Singapore là một trong 4 quốc gia gần đây đã tiến hành các vụ hành quyết liên quan đến tội phạm ma túy, Trung Quốc, Iran và Ả Rập Saudi là những quốc gia còn lại.
Vy An (Theo RT)