Trân Văn
29-7-2023
Còn nếu so hai “Hanley Passport Index” được công bố trong năm nay với “Hanley Passport Index” công bố năm ngoái thì sẽ thấy thứ hạng của Việt Nam trong “Hanley Passport Index” tăng là nhờ có thêm Burundi ở Đông Phi – quốc gia nghèo nhất trên thế giới – chịu… miễn thị thực.
Kết quả mới nhất mà Hanley (doanh nghiệp chuyên tư vấn về di trú) vừa công bố được chính quyền Cộng hòa XHCN Việt Nam xem là “tin vui” (1). Hanley khảo sát, xếp hạng và công bố “Hanley Passport Index” theo định kỳ và dựa vào chỉ số này, thiên hạ có thể xác định mức độ hữu dụng của hộ chiếu mỗi quốc gia.
Có 199 quốc gia và lãnh thổ được Henley khảo sát và xếp hạng. Hộ chiếu do chính quyền Cộng hòa XHCN Việt Nam cấp phát vừa đạt hạng 82. Đại diện chính quyền Cộng hòa XHCN Việt Nam bảo đó là “tin vui” vì đã tăng sáu hạng so với đầu năm nay (hạng 88), còn so với năm ngoái thì tăng đến 10 hạng (hạng 92).
Cần chú ý là nếu so “Hanley Passport Index” mới nhất với “Hanley Passport Index” mà Hanley công bố hồi đầu năm nay thì số quốc gia và lãnh thổ chấp nhận miễn visa hoặc đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh cho những người sử dụng hộ chiếu Việt Nam không hề thay đổi: Chỉ có 55.
Còn nếu so hai “Hanley Passport Index” được công bố trong năm nay (một vào tháng 1/2023 và một vào tháng này) với “Hanley Passport Index” công bố năm ngoái thì sẽ thấy thứ hạng của Việt Nam trong “Hanley Passport Index” tăng là nhờ có thêm Burundi ở Đông Phi – quốc gia nghèo nhất trên thế giới – chịu… miễn thị thực.
Chưa hết, cho dù Henley khảo sát và xếp hạng mức độ hữu dụng của hộ chiếu thuộc 199 quốc gia và lãnh thổ nhưng “Hanley Passport Index” mới nhất chỉ có 104 hạng vì có nhiều trường hợp đồng hạng (2). Sở dĩ hộ chiếu Việt Nam tăng sáu hạng vì bảng xếp hạng đã giảm từ 109 hạng (hồi đầu năm nay) còn… 104 hạng (bây giờ).
Đó cũng là lý do mà mức độ hữu dụng của hộ chiếu Afghanistan tuy tiếp tục đội sổ, số quốc gia và lãnh thổ chấp nhận miễn visa hoặc đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh cho những người sử dụng hộ chiếu Aghanistan vẫn chỉ là 27 nhưng thứ hạng của hộ chiếu Afghanistan vẫn tăng từ hạng 109 lên hạng 104 [2].
Ngoài những yếu tố như vừa đề cập, có nên hồ hởi khi so với những quốc gia nhỏ hơn cả về diện tích lẫn dân số, tài nguyên chẳng có gì đáng để kể, lại cùng khu vực vốn từng bị xem là chậm phát triển như Singapore nhưng mức độ hữu dụng của hộ chiếu cao hơn khỏang bốn lần so với Việt Nam (192/55)?
***
Sau những thông tin liên quan đến tình trạng nhiều thanh niên “cất bằng đại học”, nhiều giáo viên, kể cả công chức cấp thấp bỏ việc để ra nước ngoài bán sức nuôi thân, trợ giúp gia đình (3) là phong trào – từ học sinh đến phụ huynh cùng lắc đầu với việc tiếp tục trau dồi học vấn ở bậc đại học, dốc hết tiền để dành hoặc vay mượn, thế chấp nhà cửa, ruộng vườn nhằm tìm cho những đứa trẻ vừa tốt nghiệp trung học phổ thông cơ hội bỏ xứ tha hương cầu thực – đang lan rộng ở các tỉnh phía Bắc miền Trung (4).
Thực trạng này là phần tiếp theo của giai đoạn tuy đã bắt đầu từ lâu nhưng chưa biết đến khi nào mới kết thúc: Có chịu học hay không cũng vẫn không tìm được việc làm. Nếu may mắn tìm được việc làm thì thu nhập không đủ nuôi thân, tất nhiên không thể chăm sóc thêm cho những người phụ thuộc.
Không cần ngẫm nghĩ nhiều cũng có thể mường tượng được tương lai xứ sở sẽ ra sao khi học vấn không hứa hẹn đem lại bất kỳ kết quả tốt đẹp nào và càng ngày càng nhiều người – đặc biệt giới trẻ – tin rằng, lối thoát duy nhất chính là bằng mọi giá phải ra ngoại quốc để được làm những công việc chỉ cần sử dụng tay chân.
Có nhiều lý do khiến mức độ hữu dụng của hộ chiếu một quốc gia cao hay thấp. Thực trạng như đã biết và đang thấy tại Việt Nam là một trong những lý do mà dù rất muốn nhưng chính quyền Việt Nam không thể cải thiện thứ hạng của hộ chiếu Việt Nam trong “Hanley Passport Index”.
Tuy nhiên vấn đề đáng bàn hơn cả chính là không những không băn khoăn, chính quyền Việt Nam còn cố gắng biến thực trạng đáng bận tâm ấy thành… “tin vui”, song song với việc chế tạo rồi rắc… “tin vui” là nỗ lực gieo… “tự hào” về… “vị thế, uy tín quốc tế”, về giai đoạn mà… “đất nước chưa bao giờ… ‘được’ như thế này” (5).
Song đó cũng chưa phải là đỉnh về tâm và tầm của đảng CSVN – tổ chức chính trị “tài tình, sáng suốt”, đang điều hành xứ sở thông qua chính phủ Cộng hòa XHCN Việt Nam. Đỉnh này nằm ở chỗ bất kể thực trạng tồi tệ thế nào, tương lai u ám ra sao thì công dân Việt Nam vẫn không được phép hoài nghi.
Tại Cộng hòa XHCN Việt Nam, “lạc quan” là một… nghĩa vụ mà tất cả mọi người từ già đến trẻ, bất kể giới tính, nghề nghiệp phải… chu toàn. Nếu không là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “cơ hội chính trị” thì trăn trở, bất mãn với thực tại cũng bị xem là “non nớt, nhẹ dạ” nên bị “các thế lực thù địch, phản động kích động, lợi dụng”.
Chú thích
(1) http://nld.com.vn/thoi-su/bo-ngoai-giao-bao-tin-vui-ve-ho-chieu-viet-nam-20230720164721241.htm
(2) https://www.henleyglobal.com/passport-index/ranking
(3) https://vnexpress.net/cat-bang-dai-hoc-di-xuat-khau-lao-dong-4605830.html