30-7-2023
Đề thi môn văn năm 1958, “Anh/ chị hãy cho cảm tưởng về một mùa xuân sau bốn năm hòa bình thắng lợi”, bài văn của trò Đinh Văn Ngụ được điểm 5, vì viết lại cái Tết 1954 rất thật tình, một cái Tết “không có gì ăn, không có một chỗ ở rõ ràng… nằm trong chăn khóc thầm”. Trò Bính cũng được thầy Trị cho điểm cao vì viết về năm ấy, cái “năm đau khổ nhất”.
Nhưng, khi ty Giáo dục đọc được, “đang dạy văn cấp 3 ở thị xã, thầy Trị bị điều đi dạy văn cấp 2 ở Hương Sơn”.
“Từ năm đó trở đi không thầy giáo nào dám chấm điểm cao cho những bài văn viết trải lòng thật sự”.
Hà Tĩnh là một xứ nghèo, “cứ ai có cái nhà ngói là bị đôn lên địa chủ”.
“Tấm biển địa chủ dựng trước sân, tôi hất đi thì hôm sau thằng bạn học cùng trường đến dựng lên”. Sau tấm biển ấy là lý lịch. Lý lịch được phê bằng “những dòng chữ sai chính tả nhưng có thể định đoạt số phận của một con người”.
Trò Ngụ mất chín năm mới được vào đại học vì những dòng phê trong lý lịch dù thi 3 môn đều điểm 5 [tuyệt đối].
Cho dù ra khỏi Hà Tĩnh cũng chưa chắc đã sống, đã được học hành; nhưng chỉ thoát ra khỏi Hà Tĩnh thì mới có ít nhiều hy vọng. Xác Nguyễn Đình Sum buộc đá được tìm thấy dưới dòng sông cụt, “nếu Sum được đi học, Hà Tĩnh sẽ có thêm một Phan Đình Diệu”.
Một trong hai người có ảnh hưởng nhất đến giáo sư Hà Văn Tấn là thầy Ngụy Cao Hiền, người có thể làm thơ bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Latin. Người đánh thức lòng yêu nước của học sinh thông qua những bài sử không cần giáo án.
“Chúng tôi vào giảng đường đại học thì thầy Ngụy Cao Hiền bị bắt giam. Vào dịp ấy vợ thầy sinh con và mất. Thầy chỉ xin hoãn bắn một tháng để xin sữa cho con mà không được”.
Có lẽ, các thế hệ sinh viên khi nghe các bài giảng của nhà giáo nhân dân Trần Văn Chút không biết, “Tôi rời khỏi nhà được 2 tháng thì cha tôi mất [sau khi từ trại giam về, ông bị giữ tại nhà không cho ai tiếp tế, đói mà chết], mẹ muốn chết để thoát cảnh đọa đày nên bắt cóc ăn…”, hai chị em, bạn của thầy, “buộc dây vào nhau nhảy xuống giếng”.
“Đoạn Đời Niên Thiếu” này của nhà giáo Trần Văn Chút chưa phải là bi kịch nhất so với bi kịch của những nhân vật khác trong cuốn sách này.
Không có chính thể nào không có sai lầm. Nhưng, trong một chính thể mà khi một chính sách vừa manh nha hoặc mới ra đời các ý kiến phản biện đều bị dập tắt, chính thể ấy sẽ đi từ sai lầm này tới sai lầm khác. Phan Thúy Hà cứ thắc mắc vì sao trong cải cách Hà Tĩnh chết nhiều thế [phần lớn là không có thống kê]. Tôi nghĩ, có lẽ vì Hà Tĩnh quá đông “thành phần cốt cán”.
Những cuốn sách của Phan Thúy Hà như Gia Đình, Đoạn Đời Niên Thiếu… rất cần được dạy trong trường phổ thông. Che giấu quá khứ sẽ không bao giờ có thể đi tới tương lai với con đường đúng đắn. Ban Tuyên Giáo Hà Tĩnh mà mua những cuốn sách này trang bị cho đội ngũ dư luận viên, thì thành phần cốt cán của thời hiện đại có thể sẽ bớt hung hãn và ít lặp lại sai lầm như trong quá khứ.
Những người con Hà Tĩnh có lẽ ít ai biết, người hàn lâm nhất trong tứ trụ sử học của Việt Nam [thời đại Hồ Chí Minh], giáo sư Hà Văn Tấn lại phải giấu cho đến khi qua đời những câu thơ như cấu từ gan ruột:
“Tôi thân một thằng bạn/ Người tận mãi chân trời/ Hỏi đến quê hương hắn/ Hắn mỉm cười xa xôi/ Tôi biết rồi/ Hắn không còn quê nữa/ Đôi mắt không ứa lệ/ Mà hình như long lanh…/ Cha hắn chết rồi…/ Mấy thằng em giai nhỏ/ Bỏ nhà ra đi/ Làm gì/ Hắn nào có biết…/ Ước gì ngủ suốt một đời/ Chẳng bao giờ tỉnh giấc/ [Bởi] Trong mơ có nụ cười/ Tỉnh chỉ còn tiếng nấc” [Cha của GS Hà Văn Tấn cũng chết đói vì đội không cho ai tiếp tế, bài thơ này ông viết cho mình vào năm 1957, năm 2018 mới tìm thấy trong di cảo của ông].
Nhưng, những người có mặt trong cuốn sách Đoạn Đời Niên Thiếu của Phan Thúy Hà vẫn là những người may mắn hơn. “Còn có hôm nay” để ôn lại một đoạn đời đau đớn. Phần lớn bạn bè họ hoặc thất học, lam lũ ở quê, hoặc không sống sót qua thời niên thiếu.
Đã đọc Gia Đình thì không thể không đọc cuốn sách này. Phan Thúy Hà vẫn viết như không viết, vẫn rất ngắn gọn. Ngắn gọn như đanh lại, không chỉ của chữ nghĩa.