Theo một báo cáo vừa công bố của Công ty chứng khoán, tính từ đầu năm 2023, theo thống kê đã có khoảng 82 doanh nghiệp thông báo về việc trễ hạn thanh toán gốc, lãi trái phiếu với tổng giá trị của trái phiếu chậm trả ước tính khoảng 183.000 tỷ đồng.
Theo MBS Research, riêng trong quý 2/2023, có thêm nhiều doanh nghiệp thông báo trễ hạn trả lãi, gốc trái phiếu với giá trị lưu hành ước tính gần 24.300 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 82 doanh nghiệp thông báo về việc chậm/hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu với ước tính tổng giá trị của trái phiếu chậm trả là khoảng 183.000 tỷ đồng, báo Đầu Tư đưa tin.
Trong đó, nhóm ngành bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 73% khối lượng trễ hạn trả.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành khoảng 65.250 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm ngoái, đây được cho là giai đoạn khó khăn nhất của thị trường khi lượng giá trị phát hành giảm mạnh trong vòng 5 năm trở lại đây.
Trong nửa đầu năm 2023, kỳ hạn bình quân gia quyền của các trái phiếu huy động là 3,79 năm, lãi suất huy động bình quân 10,1%, cao hơn so với mức 7,9% lãi suất trung bình của năm 2022.
Trong vài năm liên tục, bất động sản và ngân hàng là 2 nhóm ngành chiếm tỷ lệ phát hành trái phiếu cao nhất toàn thị trường.
Nửa đầu năm nay, bất động sản vẫn là nhóm ngành có tỷ trọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất, chiếm hơn 50% tổng giá trị trái phiếu phát hành tính từ đầu năm.
Các doanh nghiệp bất động sản phát hành giá trị lớn nhất trong nửa đầu năm 2023 gồm Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Hưng Yên (trị giá 7.200 tỷ đồng), Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh Doanh Nam An (trị giá 4.700 tỷ đồng) và Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Ngôi sao Phương Nam (trị giá 4.695 tỷ đồng).
Theo ghi nhận, thị trường trái phiếu còn nhiều vụ việc chưa thể giải quyết khiến niềm tin chưa khôi phục, đơn cử vụ việc hủy 9 lô trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh trị giá 10.000 tỷ đồng vào tháng 4/2022, đến nay vẫn chưa thể hoàn trả tiền lại cho người mua.
Đức Minh