Chuyện đầu tuần: Giáo sư phong bì

Chu Mộng Long

31-7-2023

Đầu tuần, thấy có người chửi nhà thơ Trần Mạnh Hảo khi vơ tất cả các loại giáo sư vào trong một rọ, gọi là “Giáo sư phong bì”. Thú thật, tôi là học trò của nhiều giáo sư, cũng từng thấy tổn thương và nghĩ ông Trần Mạnh Hảo hàm hồ.

Tuy nhiên, xét đến cùng, mọi khái quát đều có tính hàm hồ. Bởi các khái quát chỉ bao quát cái chung, cái phổ biến, không bao quát được cái cá biệt, ngoại lệ. Cũng như tôi nói, hối lộ đã thành thói quen tự động, cả đưa và nhận thì lập tức có bạn phản biện rằng, cũng có vài ba doanh nghiệp ăn nên làm ra mà không cần hối lộ.

Những phản biện như vậy trở thành vô cảm, mất lương tri khi họ không nghĩ, một hiện tượng như hối lộ khi trở thành cái chung, cái phổ biến thì cái cá biệt, ngoại lệ là sự trong sạch ắt bị ném ra ngoài lề xã hội, và hiện tượng hối lộ đã trở thành bản chất của một hệ thống. Nó đang hủy hoại nhân tính, bóp méo thị trường cạnh tranh năng lực, đội giá thành sản phẩm mà chính nhân dân là người gánh chịu. Cái cá biệt, ngoại lệ đang trong sạch cũng không thể trong sạch nổi hoặc bị cuốn phăng theo dòng thác lũ của cái bẩn thỉu, cái ác.

Người phát hiện cái xấu, cái ác tuyên chiến thẳng thừng với cái xấu, cái ác để ngăn chặn kịp thời, dẫu có khái quát hàm hồ thì vẫn là người tâm huyết và có trách nhiệm xã hội. Kẻ lấy vài cái cá biệt, ngoại lệ thổi lên làm ngọn đuốc để che giấu cái xấu, cái ác để loè thiên hạ và chụp mũ, kết tội người có tâm huyết, có trách nhiệm xã hội, chỉ có thể là kẻ trí trá, lưu manh, vô trách nhiệm hoặc độc ác với cộng đồng.

Chuyện “giáo sư phong bì” như là trung tâm của vấn đề đưa và nhận hối lộ. Trung tâm vì vạn sự đều “do giáo dục mà nên”. Không ngẫu nhiên mà các vụ án Việt Á, Chuyến bay giải cứu lộ ra rất nhiều giáo sư, tiến sĩ. “Lộ ra”, tức là chỉ bề nổi của tảng băng, mà phần chìm bắt đầu từ cái nôi giáo dục đẻ ra, huấn luyện, chi phối, và thúc đẩy các ngành nghề khác làm theo nó.

Một em bé ngay từ mầm non đã phải chạy trường, chạy lớp, chạy điểm thì đến khi chạy vị trí việc làm, chạy thành tích, chạy học hàm, học vị, chạy quan… cho đến chạy dự án, công trình, phạm tội thì làm nốt luôn việc “chạy án” là chuyện đương nhiên trong một cơ chế tự động của sự hình thành phẩm chất lưu manh và năng lực hối lộ. Câu hỏi đặt ra là ai thúc đẩy cái động cơ “chạy” như cơn thác lũ của thời đại vậy?

Trong vụ án Chuyến bay giải cứu, nhiều doanh nghiệp khai, đến phút khẩn cấp cuối cùng phải cậy đến Văn phòng Chính phủ, máy bay mới cất cánh bay được. Vậy mà đến cái cửa cao nhất này cũng ăn chặn, thì biết thoát lối nào? Nếu doanh nghiệp muốn trong sạch, không “chạy”, mà dám đứng ra tố luôn Chính phủ thì khác nào tội “Chống chính quyền, chống nhà nước”?

Ai ở trong hoàn cảnh ấy đều khó thoát thân phận như Kiều, đành “cũng liều nhắm mắt đưa chân”, thậm chí “tấm lòng trinh bạch từ sau xin chừa”, chấp nhận phải sống trong kiếp tôi tớ hay lầu xanh nhơ nhớp.

Quay lại chuyện “Giáo sư phong bì”, tôi hầu các bạn chuyện thật 100%. Một lần bị nhốt cả tuần làm đề thi cao học, trong một bữa ăn tối, nhiều người bàn tán về chuyện đi làm phó giáo sư. Có bạn thiện chí hỏi tôi: “Ông đủ tiêu chuẩn rồi thì cũng nên đi làm cái phó giáo sư đi!”

Tôi lắc đầu: “Tôi không đủ tiền. Mà nếu đủ tiền, với số tiền vài ba trăm triệu ấy, tôi để dành nuôi vợ con và làm việc khác có ý nghĩa hơn. Vả lại, cái tiêu chuẩn ngoài tiêu chuẩn là cúi đầu khom lưng chịu nhục, tôi không bao giờ có được”. Mọi người im lặng.

Bỗng một ngài vừa làm xong Phó giáo sư lên tiếng: “Tôi đi làm Phó giáo sư không tốn đồng nào!”

Tôi cười ruồi, vì phẩm chất, năng lực anh này, tôi biết rõ. Viết một câu đơn giản còn sai chính tả, ngữ pháp, có lần thẩm định đề Tiếng Việt của anh ta, một trang mà tôi yêu cầu sửa đến chục lỗi thì đủ biết có “trong veo” khi đi làm Tiến sĩ, rồi Phó giáo sư không?

Tôi im lặng giữ thể diện cho anh ta. Nhưng một bạn, dù đủ phẩm chất và năng lực, nhưng từng làm Phó giáo sư bị trượt lập tức lên tiếng: “Tôi từng nhầm tưởng đủ tiêu chuẩn thì cứ nộp hồ sơ rồi thi một cách trong sáng là đạt. Nhưng không ngờ trượt thẳng cẳng vì thiếu… phong bì. Lần hai, có người mách tôi ra Hà Nội trước một tháng và đi từng người trong Hội đồng mới đạt chuẩn Phó giáo sư”.

Bất ngờ, nhiều Phó giáo sư nói: “Thà im lặng còn được xem là người tử tế. Anh nào nói đi làm Phó giáo sư, Giáo sư trong veo, không phong bì là nói phét”. Một anh đứng lên nói tuột luôn: “Anh nào trong số ngồi đây đã làm Phó giáo sư không phong bì thì giơ tay lên!” Không ai dám giơ tay, kể cả cái anh Phó giáo sư trên kia. Anh ta bẽn lẽn: “Có những cái cần tốn tiền thì phải tốn tiền thôi. Cái ơn cái nghĩa thì phải trả. Lẽ nào người ta làm không công cho mình?”

***

Thêm một chuyện tôi đã từng kể. Một lần, có 2 học viên cao học đến nhà tôi gửi cho quà và cái phong bì. Tôi làm phản biện, để đảm bảo khách quan, nên tôi từ chối. Bất ngờ trước giờ ngồi hội đồng, trong quán cà phê, giữa rất nhiều đồng nghiệp, người hướng dẫn 2 học viên ấy mắng tôi te tát: “Mày cực đoan, không nhận quà hay phong bì khác nào ỉa vào mặt bọn tao! Mày đi học không cống nộp phong bì hay sao mà không nhận quà 2 học trò của tao?”

Thì ra là vậy. Tôi nói: “Có! Dù giới hạn trả phí tàu xe cho thầy ở xa hay bữa liên hoan bảo vệ luận án, nhưng tôi đã thấy bẩn thỉu. Số tiền ấy có thầy nhận và nhiều thầy kiên quyết không nhận. Buổi bảo vệ luận án ai cũng biết, tôi cãi đến cùng khi có ý kiến phản biện không đúng, chấp nhận bị đánh trượt. Đó là lý do tôi phải từ chối phong bì khi làm thầy và ngồi các hội đồng. Các thầy nhận phong bì là quyền của các thầy, coi như tôi không nghe, không biết, không thấy!”

Chuyện cũng đã lâu, kể lại để thấy cái sự nhức nhối mà cụ Tổng, người rất tự tin về sự gương mẫu của cán bộ, đến lúc cũng thốt lên trước cử tri: Bây giờ tôi nghe nói người ta làm gì cũng phải “bôi trơn”, “ông đưa chân giò bà thò chai rượu” làm hỏng hết đạo đức, tư tưởng của cán bộ. Trong cái danh hiệu “Giáo sư phong bì” mà ông Trần Mạnh Hảo nói, ai đó không thừa nhận, hoặc là bốc phét, hoặc là vô cảm, thậm chí lưu manh, trí trá.

Có thể có nhiều Giáo sư đảm bảo phẩm chất và năng lực để xứng đáng được gọi là Giáo sư, nhưng giữa cái dòng thác lũ đưa và nhận hối lộ, cụ thể là cái phong bì, liệu có ông nào dám đứng ngoài lề, tức ngoài cuộc chơi? Chẳng hạn, các ông chưa từng đưa, hoặc chưa một lần nhận phong bì, trong đào tạo, trong làm các dự án, công trình, làm sách giáo dục? Ai làm lẫn lộn giá trị thật và giả trong cái học hàm cao quý là Giáo sư?

Xin thưa, bây giờ đến tôn giáo mà nạn hối lộ thần thánh để giải vong, giải nghiệp, tức không tự sám hối mà chạy tội, còn diễn ra công khai thì đừng chối cãi cho ra vẻ “trong veo” nữa!

Hay là các ông đưa và nhận phong bì một cách tự động theo truyền thống mà không biết mình đã phạm tội, đợi đến khi bị tống vào lò thì mới biết đó là phạm tội, như một số bị can vừa rồi nói giữa tòa?

______

Chú thích ảnh của tác giả: “Giáo sư phong bì” mà muốn xuất khẩu lao động thì cứ cho xuất hết đi để đất nước trong sạch!

Bình Luận từ Facebook

Related posts