Tại các cuộc đàm phán mới đây về hòa bình Ukraine ở Ảrập Xêút, Bắc Kinh không chỉ gửi đi các đại biểu mà dường như đã thay đổi lập trường thân Nga của họ. Ngoài ra, ở trong nước, Trung Nam Hải đang xử lý dư luận về quan hệ Trung – Nga rất khác so với trước đây.
Vào ngày 05/08, các quan chức cấp cao từ 42 quốc gia trên thế giới, bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ và Ukraine, đã gặp nhau tại thành phố cảng Jeddah của Ảrập Xêút để tham gia các cuộc đàm phán quốc tế nhằm chấm dứt chiến tranh Nga – Ukraine.
Cuộc gặp mặt là một phần trong nỗ lực ngoại giao của Ukraine nhằm giành thêm sự ủng hộ, ngoài sự ủng hộ từ các quốc gia phương Tây. Kyiv đã tiếp cận các nước đang phát triển – những nước còn chần chừ chọn phe trong cuộc xung đột.
Không có tuyên bố chung nào được đưa ra sau cuộc họp ở Jeddah, nhưng theo một quan chức Liên minh châu Âu, các nước đã nhất trí rằng “sự tôn trọng đối với toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine cần phải là trọng tâm của bất kỳ giải pháp hòa bình nào”.
Những người tham gia cũng đồng ý tổ chức một cuộc gặp mặt khác trong khoảng 6 tuần, theo một quan chức cấp cao của Ukraine – người đã phát biểu như vậy trước các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Kyiv.
Cuộc họp ở Jeddah diễn ra sau các cuộc đàm phán sơ bộ ở Copenhagen vào tháng 6 mà Trung Quốc đã từ chối tham dự, mặc dù được mời. Do đó, sự hiện diện của Trung Quốc tại Jeddah được một số người coi là điểm nhấn của các cuộc đàm phán hòa bình lần này.
Dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh thay đổi lập trường thân Nga
Nhận xét về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thay đổi lập trường, nhà bình luận thời sự Dakang nói trên chương trình Youtube của mình vào ngày 06/08 rằng, nếu ĐCSTQ đồng ý tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, điều đó có nghĩa là Crimea và 4 vùng lãnh thổ khác do Nga chiếm đóng không còn thuộc về Nga, và điều này tương đương với việc Bắc Kinh rút lại sự ủng hộ dành cho Moscow.
“Đó là vấn đề liên quan đến các nguyên tắc cơ bản. Vì vậy, đây là một dấu hiệu lớn cho thấy ĐCSTQ muốn thay đổi hướng đi”, ông Dakang nói.
Kể từ khi chiến tranh nổ ra vào tháng 2 năm ngoái, ĐCSTQ chưa bao giờ lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Bắc Kinh vẫn duy trì chặt chẽ quan hệ kinh tế và ngoại giao với Moscow. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thậm chí còn nói rằng hợp tác chiến lược Trung – Nga “không có điểm dừng, không có vùng cấm và không có giới hạn trên”.
Truyền thông trong nước thay đổi giọng điệu
Trước các cuộc đàm phán hòa bình, hai hành vi bất thường của ĐCSTQ liên quan đến quan hệ Trung – Nga đã thu hút nhiều sự chú ý.
Ngày 04/08, trong một bài đăng trên tài khoản WeChat chính thức, Đại sứ quán Trung Quốc tại Nga đã chỉ trích cơ quan biên giới Nga vì “hành động thực thi pháp luật có tính tàn bạo” của họ. Đây được coi là một động thái cực kỳ hiếm hoi của Bắc Kinh.
Hóa ra 5 công dân Trung Quốc – những người đã cố gắng vào Nga bằng ô tô từ một cảng ở Kazakhstan vào ngày 29/0 7 – đã bị hủy thị thực du lịch và bị từ chối nhập cảnh. Từ một video do 5 công dân Trung Quốc này tải lên, Đại sứ quán Trung Quốc biết được rằng lính biên phòng Nga đã liên tục khám xét và thẩm vấn họ trong 4 giờ đồng hồ.
Theo bài đăng trên WeChat, các quan chức ở Đại sứ quán Trung Quốc đã gặp Bộ Ngoại giao Nga, Tổng cục trưởng Lực lượng Biên phòng Liên bang và Tổng cục An ninh Liên bang. Họ chỉ trích “hành vi thực thi pháp luật quá mức và dã man” của cơ quan biên giới Nga, đồng thời nói rằng vụ việc không phù hợp với quan hệ Trung – Nga vốn thân thiện hiện nay.
Họ cũng yêu cầu phía Nga ngay lập tức thực hiện các biện pháp để loại bỏ tác động tiêu cực và đảm bảo rằng các vụ việc tương tự sẽ không xảy ra trong tương lai.
Vụ việc đã gây chấn động lớn trên Weibo và trở thành tiêu đề trên một số phương tiện truyền thông Trung Quốc. Một cư dân mạng bình luận trên Weibo rằng: “Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm tôi thấy một lời phàn nàn [chính thức] chống lại người Nga. Điều này có nghĩa là gì?”.
Chỉ vài tuần trước đó, vào ngày 20/07, lãnh sự quán Trung Quốc tại Odessa, Ukraine, đã bị hư hại trong một cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga; nhưng chính quyền Trung Quốc không đưa ra lời phản đối nào.
Hành vi bất thường thứ hai đó là, cảnh sát Internet của ĐCSTQ cho phép cư dân mạng nước này chỉ trích việc Nga ủng hộ hợp tác Trung – Nga – Belarus; họ không xóa những nhận xét mà họ từng cho là “có hại” như họ vẫn làm trước đây.
Ngày 01/08, hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đã đăng một bài bằng tiếng Trung trên tài khoản Weibo chính thức của mình với tiêu đề: “Chuyên gia Nga: Củng cố trục Bắc Kinh – Moscow – Minsk là cực kỳ có lợi cho Nga”.
Tờ báo dẫn lời các chuyên gia Nga cho rằng một hiệp định thương mại tự do về dịch vụ và đầu tư giữa Trung Quốc và Belarus sẽ không chỉ làm tăng khối lượng thương mại giữa hai nước này mà còn đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng thương mại giữa Nga và Belarus.
Ngay sau khi bài viết được đăng tải, đã xuất hiện nhiều bình luận bên dưới bài viết mang tính lên án nặng nề. Một trong những bình luận được ủng hộ nhất có nội dung: “Vậy là quý vị [Nga] muốn kéo chúng tôi [Trung Quốc] vào vũng nước bùn này? Quý vị nghĩ quý vị là [nhà độc tài phát xít Ý] Mussolini hay sao?”.
Rõ ràng, việc sử dụng từ “trục” trong bài viết đã khiến cư dân mạng Trung Quốc cảm thấy xúc phạm, vì thuật ngữ này thường gắn liền với “cái ác” và thường ám chỉ các đồng minh phát xít trong Thế chiến II. Một số cư dân mạng Trung Quốc đã để lại bình luận lên án thuật ngữ “trục”; một số thậm chí còn kêu gọi Bộ Ngoại giao Trung Quốc can thiệp để giải quyết vấn đề.
Giữa làn sóng chỉ trích này, RIA Novosti đã biên tập lại bài viết vào ngày hôm sau, thay từ “trục” bằng từ “hợp tác”.
Trong suốt quá trình, cảnh sát Internet khét tiếng của Trung Quốc đã không xóa bất kỳ bình luận nào chỉ trích bài đăng của RIA; những lời quở trách này vẫn còn trên Weibo cho đến ngày nay.
Ông Dakang cho biết trong chương trình của mình rằng thực sự có một số thay đổi thú vị đang diễn ra ở Trung Quốc liên quan đến quan hệ của nước này với Nga, và rằng ông Tập Cận Bình có thể sẽ sớm chính thức thay đổi hướng đi. Nhưng ông Dakang tin rằng mọi chuyện đã quá muộn.
“Kết quả của cuộc chiến đã rất rõ ràng, đó chỉ là vấn đề thời gian. Sẽ không có nhiều lợi ích nếu [ĐCSTQ] thay đổi lập trường vào lúc này”, ông nói.
“Phương Tây đã vạch ra chiến lược tổng thể của mình — đối phó với Nga trước, sau đó mới đối phó với ĐCSTQ. Không có cơ hội để tạo ra bất kỳ thay đổi lớn nào. Ngoài ra, nếu quý vị [Trung Quốc] muốn thay đổi hướng đi, liệu Nga có dễ dàng để quý vị đi không?”.
Theo The Epoch Times
Xuân Hoa biên dịch