Ông Tập Cận Bình đã tăng cường sự kiểm soát về ý thức hệ sau khi phá vỡ quy tắc để tại nhiệm nhiệm kỳ 3 với tư cách là người có quyền lực tối cao ở Trung Quốc. Hiện nay phong trào học “Tư tưởng Tập Cận Bình” bao trùm cả ngành tài chính Trung Quốc có vốn nước ngoài tham gia, ảnh hưởng sâu đối với bầu không khí kinh doanh tại Trung Quốc.
Nhân viên nước ngoài cũng phải học “tư tưởng Tập”
Bloomberg hôm 8/8 đưa tin, “Tư tưởng Tập Cận Bình” đang trở thành chủ đề không thể tránh khỏi trong giới ngân hàng và doanh nhân trên khắp Trung Quốc. Vài tháng sau nhiệm kỳ 3 của ông Tập, các buổi học về “Tư tưởng Tập Cận Bình” cũng trở thành bắt buộc đối với nhân viên của nhiều công ty nhà nước và tư nhân. Ngay cả nhân viên của các công ty đa quốc gia như công ty quản lý quỹ lớn nhất thế giới BlackRock cũng đã bị cơ quan quản lý mời tham gia buổi thuyết trình về chủ đề này.
Nguồn thạo tin cho hay, vài tháng gần đây ngân hàng đầu tư lớn nhất của Trung Quốc là CICC [có vốn nước ngoài] đã phải tăng cường học “Tư tưởng Tập Cận Bình”, vì nhà chức trách không hài lòng với CICC trong vấn đề này.
Một người khác cho biết, tất cả các bộ phận Ngân hàng Giao thông Trung Quốc (thuộc sở hữu nhà nước) kể từ cuối năm 2022 hàng tháng đã phải tổ chức các buổi học “Tư tưởng Tập Cận Bình”, từng người tham dự sẽ được yêu cầu chia sẻ hiểu biết của bản thân, đánh giá tác động có thể có đối với ngành tài chính.
Một số nhân viên tại một công ty năng lượng nhà nước ở Bắc Kinh cho biết, họ ngày càng bị buộc phải tham gia các khóa học đặc biệt “Tư tưởng Tập Cận Bình”. Một nhân viên (giấu tên) chia sẻ, những cuộc họp như vậy thường tập trung vào bài phát biểu mới nhất của ông Tập…
Tháng 4 năm nay, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động chiến dịch dưới danh nghĩa “giáo dục chuyên đề” để tìm hiểu “Tư tưởng Tập Cận Bình”. Ngày 22/5, phụ tá thân cận Thái Cơ (Cai Qi) của ông Tập, người phụ trách vấn đề tư tưởng, đã nhấn mạnh thúc đẩy Tư tưởng Tập Cận Bình “đi vào não, vào trái tim, vào tâm hồn” mọi người.
Ví dụ, kể từ đầu năm nay, các doanh nghiệp như Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Tập đoàn Thực phẩm Bright đã cử người đến Nhà tưởng niệm lớn nhất của ĐCSTQ ở Thượng Hải để tham gia các buổi nghe giảng “Tư tưởng Tập”. Tờ Nhân dân Nhật báo của ĐCSTQ đưa tin hôm 3/5 rằng các doanh nghiệp và các công ty tài chính do trung ương quản lý cần thúc đẩy các hoạt động tìm hiểu “Tư tưởng Tập Cận Bình”.
Lo ngại khiến hiệu quả kinh tế suy giảm
Mặc dù các lãnh đạo doanh nghiệp buộc phải hợp tác với chính quyền trong việc phát động nhiều hoạt động học tập “Tư tưởng Tập Cận Bình”, nhưng những gì cưỡng ép đều khiến người ta bất mãn.
Bloomberg chỉ ra nhiều người boăn khoăn không biết có ích lợi gì khi dành vài giờ mỗi tuần để nghiên cứu những lời phát ngôn mơ hồ của ông Tập Cận Bình, người ta cũng lo ngại vấn đề sẽ ảnh hưởng xấu đến hiệu quả công việc.
Giáo sư Victor Shih tại Đại học California (Mỹ) chuyên nghiên cứu về chính sách ngân hàng ở Trung Quốc, cho biết: “Cứ mỗi giờ nhân viên dành để làm những việc khác thì đồng nghĩa họ lại không làm việc chuyên môn chính của họ”.
Nói với Bloomberg, học giả Xu Chenggang (người Hoa) tại Trung tâm Kinh tế và Thể chế Trung Quốc – Đại học Stanford cho hay, ông Tập Cận Bình luôn lo ngại về sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Trung Quốc và các vấn đề liên quan khác có thể gây ra mối đe dọa cho chế độ, vì thế cần “đảm bảo rằng không ai có thể đe dọa chế độ và vai trò lãnh đạo của ĐCSTQ”.
Dữ liệu kinh tế mới nhất của Trung Quốc trong tháng 7 cho thấy triển vọng kinh tế vẫn đáng lo ngại. Theo dữ liệu chính thức được công bố hôm 8/8, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 năm nay đã giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái (tính theo đồng USD) – mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2/2020; còn nhập khẩu giảm 12,4% – mức giảm lớn nhất kể từ tháng 1 năm nay.
Tuy nhiên có những dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách hiện đang nới lỏng giám sát chặt chẽ đối với các công ty công nghệ – điều vẫn được thúc đẩy trong vài năm qua. Ngoài ra, họ liên tục cam kết hỗ trợ cho các công ty tư nhân, điều mà vốn dĩ vài năm qua họ đã thẳng tay đàn áp các công ty tư nhân như về công nghệ và giáo dục.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng giới doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc phổ biến hiểu rằng bây giờ ĐCSTQ phải như vậy vì kinh tế Trung Quốc khó khăn. Bài phát biểu năm 2019 của nhà kinh tế Hướng Tùng Tác (Xiang Songzuo) lại được họ lan truyền, theo đó ông nói rằng tâm lý chung của các doanh nhân tư nhân là:
Doanh giới nước ngoài khó giao tiếp với quan chức ĐCSTQ hơn
“Luật phản gián” của ĐCSTQ cũng gây thay đổi bầu không khí, vì có nhiều điều cấm kỵ về ngôn ngữ hơn trong các cuộc trao đổi giữa các doanh nhân, học giả nước ngoài và quan chức ĐCSTQ. Theo những người trong cuộc, các câu trích dẫn lời ông Tập Cận Bình trong trao đổi hiện ngày càng lạm phát.
Một bài báo khác của Bloomberg hôm 8/8 nói rằng đối với các chủ ngân hàng, nhà kinh tế và doanh nhân nước ngoài trở về Trung Quốc sau thời gian trước đó Trung Quốc đóng cửa biên giới kéo dài 3 năm vì COVID-19, họ phải đối mặt với một tình huống mới.
Bài viết dẫn lời kể của hơn 10 người (một số người yêu cầu giấu tên) cho biết, lời mời ăn tối được coi là kiêng kị và bị chối một cách lịch sự, những buổi nói chuyện nhạt nhẽo về các chủ đề kiêng kỵ như giảm phát thay thế cho việc trao đổi ý kiến một cách trung thực. Trong bối cảnh ông Tập ngày càng cảnh giác hơn với Mỹ và các đồng minh của Mỹ, các quan chức từng thân quen giờ đây lo sợ vi phạm luật chống gián điệp mới được mở rộng.
Chủ tịch Cliff Kupchan của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cho biết, ông vẫn có thể gặp gỡ những người liên hệ lâu năm trong chuyến công du nước ngoài [đến Trung Quốc] đầu tiên sau hơn 3 năm, nhưng hiện nay họ [quan chức ĐCSTQ] không còn nói lên quan điểm riêng.
“Tôi đã được nghe nhiều lời trích dẫn từ Tập Cận Bình hơn bất kỳ chuyến đi nào trước đó”, ông nói.
Trong hoàn cảnh phục hồi kinh tế của Trung Quốc chững lại và viễn cảnh mờ mịt ngày càng thấy rõ, thực trạng đó có nguy cơ làm xói mòn thêm niềm tin vốn đã bị lung lay của các công ty và nhà đầu tư nước ngoài.
Không chỉ khiến niềm tin của dòng vốn nước ngoài bị lung lay mà thậm chí có những người phải tháo chạy, ví như giám đốc điều hành người Canada Bob Pickard của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) (được thành lập dưới chi phối của ĐCSTQ) đã tuyên bố từ chức ngày 14/6 và trốn khỏi Trung Quốc, ông cáo buộc ĐCSTQ thao túng AIIB.
Trên thực tế, trong báo cáo của Đại hội 20 ĐCSTQ vào tháng 10 năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp có vốn nước ngoài và ngoài công lập. Cái gọi là “doanh nghiệp ngoài công lập” do ĐCSTQ định nghĩa bao gồm doanh nghiệp tư nhân trong nước, nước ngoài [tại Trung Quốc], và doanh nghiệp đầu tư từ Đài Loan, Hồng Kông và Macao.
Ngày 27/2 tờ Financial Times của Anh tiết lộ, để thể hiện lòng trung thành chính trị, 1 trong 4 công ty kế toán hàng đầu thế giới là công ty EY (chi nhánh Trung Quốc) yêu cầu nhân viên của mình đeo huy hiệu Đảng của ĐCSTQ tại nơi làm việc. Đây là phong trào do “Ủy ban Thẩm định kế toán viên Bắc Kinh của ĐCSTQ” phát động.
Kể từ tháng 10 năm ngoái khi ông Tập Cận Bình được bầu lại làm Tổng bí thư ĐCSTQ, các doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc đều đã triển khai các hoạt động chính trị tương tự.
Theo Hải Trung, Epoch Times