Bên cạnh những thiệt hại to lớn về người, tài sản và sinh kế, lũ lụt tại Hà Bắc cũng đã tàn phá các khu công nghiệp công nghệ cao quy mô lớn trên địa bàn. Một tài liệu nội bộ đã tiết lộ mức thiệt hại khổng lồ của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.
Sau khi một lượng mưa kỷ lục bao trùm Bắc Kinh, Thiên Tân và một số khu vực xung quanh tỉnh Hà Bắc vào tuần trước, chính quyền Trung Quốc đã cố tình chuyển hướng nước lũ sang các khu vực lân cận ở tỉnh Hà Bắc để bảo vệ Bắc Kinh và trung tâm chính trị mới Hùng An, khiến các thành phố, làng mạc và những vùng đất đất nông nghiệp rộng lớn bị nhấn chìm trong làn nước dâng nhanh.
Trong số đó, thành phố Trác Châu và các khu vực lân cận bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bên cạnh những thiệt hại to lớn về người, tài sản và sinh kế, lũ lụt cũng đã tàn phá các khu công nghiệp công nghệ cao quy mô lớn trên địa bàn. Theo một tài liệu nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mà The Epoch Times có được, thiệt hại kinh tế ước tính đối với các công ty công nghệ nhà nước Trung Quốc là rất lớn.
Thành phố Trác Châu có khu phát triển kinh tế cấp tỉnh, bao gồm Khu phát triển kinh tế Jingnan, Khu phát triển công nghiệp công nghệ cao và Khu phát triển kinh tế Songlindian, theo một bài báo của hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc Global Times vào ngày 16/11/2021. Nhiều tổ chức chính phủ trung ương và các doanh nghiệp lớn của nhà nước đã thành lập các chi nhánh và công ty con của họ tại Trác Châu. Theo tài liệu, tất cả đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt.
Văn bản nội bộ ngày 07/08 là một dạng dữ liệu chưa đầy đủ về ước tính thiệt hại kinh tế của một số doanh nghiệp trong vùng phát triển kinh tế.
Các ghi chú cho thấy rằng do một số dự án vẫn bị ngập trong nước lũ, một số nơi sâu tới 20 feet và một số không thể tiếp cận được do đường sá bị phá hủy, các thiệt hại liên quan chỉ là ước tính và các thiệt hại cụ thể có thể vẫn chưa được xác minh.
Thiệt hại khổng lồ của các doanh nghiệp nhà nước
Trong số các doanh nghiệp được ghi nhận, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc (CSIC), doanh nghiệp quân đội sản xuất tàu sân bay, chịu thiệt hại nặng nhất. Sáu trong số các công ty con và dự án của họ bị mất thiết bị và tài sản trị giá hàng trăm triệu nhân dân tệ (CNY).
Theo ước tính sơ bộ, dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Điện lực Trung Quốc tại Khu công nghiệp Khoa học và Công nghệ Thiết bị Hàng hải Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc đã chịu thiệt hại 10 triệu CNY (1,38 triệu USD).
Thiệt hại ước tính ban đầu cho dự án Zhuozhou CSIC 612 là 6,15 triệu CNY (khoảng 850.000 USD).
Trong dự án xây dựng khu phức hợp thương mại thuộc Khu công nghiệp Khoa học và Công nghệ Thiết bị Hàng hải Trác Châu của CSIC, thiệt hại ước tính sơ bộ lên tới khoảng 25,2 triệu CNY (3,48 triệu USD).
Dự án xây dựng khu dân cư thuộc Khu công nghiệp Khoa học và Công nghệ Thiết bị Hàng hải Trác Châu của CSIC có thiệt hại ước tính sơ bộ là 205,5 triệu CNY (28,4 triệu USD).
Trong phần đầu tiên của dự án xây dựng cơ sở công nghiệp công nghệ quang điện của Khu công nghiệp Khoa học và Công nghệ Hàng hải Trác Châu của CSIC, thiệt hại ước tính ban đầu là 60 triệu CNY (8,3 triệu USD).
Và dự án xây dựng giai đoạn đầu Cơ sở Công nghiệp Trác Châu của Công ty TNHH Công nghệ Thông tin Vạn Lý Trường Thành CSIC Trác Châu chịu thiệt hại ước tính sơ bộ là 50 triệu CNY (6,9 triệu USD).
Các công ty khác chịu tổn thất lớn bao gồm Viện Nghiên cứu Sắt thép Trung Quốc Cơ sở Trác Châu, với ước tính sơ bộ là 104,3 triệu CNY (14,4 triệu USD); Khu công nghệ và khoa học thông minh Tianbao, với ước tính sơ bộ là 40 triệu CNY (5,53 triệu USD); và Beijing Aerospace Sanfa High-Tech Co., Ltd. Xinrui Electromechanical Chi nhánh Trác Châu, với mức thiệt hại ước tính 150 triệu CNY (20,7 triệu USD).
Tập đoàn Inspur đã chịu thiệt hại ước tính khoảng 53,12 triệu CNY (7,34 triệu USD) do lũ lụt tại dự án trung tâm dịch vụ dữ liệu lớn của họ ở Khu phát triển công nghiệp công nghệ cao Trác Châu. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1,8 tỷ CNY (249 triệu USD) và tổng diện tích xây dựng là 4,6 triệu feet vuông, theo cổng thông tin Sohu.com của Trung Quốc.
The Epoch Times đã gọi điện cho một số doanh nghiệp ở khu phát triển kinh tế Trác Châu vào ngày 10/08. Đường dây điện thoại của họ hoặc bận hoặc cuộc gọi đã được chuyển sang chế độ trả lời tự động. Cuộc gọi đến dự án xây dựng khu dân cư của Khu công nghiệp Khoa học và Công nghệ Thiết bị Hàng hải Trác Châu của CSIC đã được kết nối, nhưng nhân viên đã vội vàng dập máy khi biết đó là một cơ quan truyền thông đang gọi.
Dongping (hóa danh), một người cung cấp thông tin nằm trong hệ thống của ĐCSTQ ở Trác Châu, nói với The Epoch Times vào ngày 10/08 rằng nước trong khu vực phát triển kinh tế đã hạ xuống cùng ngày và một phần phù sa đã được dọn sạch. Bây giờ, các ngôi làng và thị trấn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt. Ngoài ra, được biết rằng PetroChina có một tổ hợp động cơ trong khu vực phát triển kinh tế, với mức thiệt hại là 800 triệu CNY (110,55 triệu USD).
“Công ty lớn nhất ở đây là PetroChina, và họ là những người đóng góp doanh thu thuế lớn”, Dongping nói.
Các thiệt hại của PetroChina không được liệt kê trong nguồn dữ liệu tổn thất kinh tế không đầy đủ nói trên.
Lợi thế và sự hy sinh của Trác Châu
Dongping cho biết, một trong những lợi thế của Trác Châu là có khu phát triển công nghệ cao, chủ yếu là do Trác Châu rất gần Bắc Kinh, thuận tiện cho các nhà nghiên cứu khoa học. Ví dụ, các máy chủ quan trọng của một số doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu của chính quyền trung ương ĐCSTQ được đặt ở đó, cũng như các bộ phận R&D của họ.
“[Trác Châu] rất gần với trụ sở của các công ty, và … điều kiện ở đây tốt hơn nhiều so với Hùng An, và các cơ sở vật chất hỗ trợ tương đối tốt. Mọi người đều sẵn sàng đến đây thay vì Hùng An. Hùng An ở xa, cơ sở vật chất hỗ trợ tụt hậu. Từ đây [Trác Châu] đến Bắc Kinh chưa đầy một giờ đồng hồ”.
Hùng An là trung tâm chính trị mới theo kế hoạch của nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình. Nằm giữa Bắc Kinh và Hùng An, thành phố Trác Châu và các khu vực lân cận – nơi sinh sống của khoảng một triệu người – đã bị ngập lụt khi chính quyền quyết định hy sinh các khu vực này để chống lũ.
Ông Wang Weiluo, một chuyên gia thủy văn làm việc tại Đức, trước đây đã nói với The Epoch Times rằng việc kiểm soát lũ lụt của ĐCSTQ dựa trên nhu cầu chính trị của nó.
“Toàn bộ thiết kế kiểm soát lũ lụt của [ĐCSTQ] không tập trung vào sự an toàn tính mạng của người dân. Các khu đô thị chính của Bắc Kinh hoặc Thiên Tân, nơi đặt chính quyền trung ương và Khu vực mới Hùng An mới được xây dựng là trọng tâm bảo vệ của nó”, ông Wang nói.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch