Đà Nẵng kỷ niệm đời người

Đặng Duy Hưng 

Con đường Trưng Nữ Vương mới gần 4 giờ sáng đã nghe tiếng người gọi nhau ơi ới. Anh giật mình thức dậy nhìn qua thấy vợ mở mắt cười: “Anh cũng không ngủ được sao! Thôi dậy vệ sinh xong rồi mình đi dạo phố tập thể dục với em!”

Dù đây không phải lần đầu tiên trở về quê hương thăm gia đình nhưng anh vẫn chưa  quen âm thanh ồn ào ngoài đường lúc sáng sớm. Nhớ lần đầu tiên trở lại quê nhà nghe tiếng mưa rơi trên tôn nhà, anh giật mình run sợ như tiếng súng thời nội chiến. Anh kể cho vợ: “Dù bao năm qua cái ám ảnh của tiếng súng chiến tranh người giết người vẫn khó quên!”

Nàng ôm anh: “Em may mắn lúc lên 5 tuổi miền nam đã chuyển qua chế độ khác nên không biết gì?”

Hai đứa đi về phía Cổ Viện Chàm với tường mới quét màu vàng nghệ. Nhà nàng ở chỉ cách đó mấy chục mét nên thường nghe trẻ con kể nhau những câu chuyện hoang tưởng đồn đãi như ngựa vàng xuống ăn cỏ hay hồn oan dân Chiêm khóc than nuối tiếc thủ đô Đồ Bàn. Tuy chỉ cách nhau 8 tuổi nhưng kiến thức giữa anh và vợ có khoảng cách cả một thế hệ. Nàng lúc nào  thích nghe anh kể chuyện lịch sử Chế Bồng Nga vị vua Chămpa oanh liệt một thời, hay chuyện tình Trần Khắc Chân và công chúa Huyền Trân được  ghi vào sử sách cuộc hôn nhân gán ghép liên quan đến lịch sử nguyên thuỷ thành phố Đà Nẵng khi về tay dân tộc Việt…

“Sao anh biết nhiều về lịch sử đất nước mà cũng đi học 12 năm như em?” Nàng hỏi.

“Ngày xưa nền giáo dục cởi mở học sinh có cơ hội tìm tòi phát biểu ý nghĩ khác biệt. Anh thích nhất môn lịch sử với mộng mơ thành thầy giáo nên cố gắng đọc thật nhiều.” Anh trả lời.

Nàng không hỏi thêm bởi điều đó sẽ động mạnh vào vết thương giấc mơ làm thầy giáo không thành!

Anh cầm tay nàng dẫn qua đường khi vượt qua tháp thu phát đài truyền hình Đà Nẵng. 

“Lúc vừa lớn lên, năm 1975 ập vào đổi đời nên chẳng còn gì để chơi đùa! Tụi anh hay rủ nhau ra đây nhảy xuống tập bơi qua bên kia sông. Tắm dòng nước mát để quên đi hết những cơn đau là con cái của kẻ thất trận.”

Đường Trần Phú vẫn còn nhiều cây xanh hai bên bóng mát. Đứng trước nhà thờ Chánh tòa, gọi thân thương là nhà thờ con gà, dấu ấn người Pháp con gà Galois từ thuở xâm lược thuộc địa vẫn còn ghi đậm khó quên. 

Nghe ai kêu, anh quay đầu lại nhìn dáo dác quanh tìm. Hóa ra là ba thằng bạn thân là Hoàng, Tuấn , Dũng ngồi uống cà phê trong góc phố. Gặp nhau tay bắt, mặt mừng nhưng anh xin lỗi đang bận hẹn tối đi ra quán Gió đầu cầu Rồng nhậu. Anh là vậy đó, lúc nào cũng tôn trọng tình bạn thiếu thời ghi đậm vào tâm tư không thể nào quên. Nàng hiểu chặng đường cuộc đời anh bước qua với bao gian khổ của những kẻ sinh ra vào buổi giao thời. Nàng chẳng biết gì về chuyện sắp hàng mua lương thực; xe đò phải chạy bằng than giữa mùa hè rực lửa hay nồi cơm trộn với khoai sắn trộn chung.

Chuyến hành trình lênh đênh trên biển rộng, anh đánh nhau mấy lượt với thần chết nên thay đổi tâm tính  rất nhiều. Và sau đó, ngày tháng đầu tiên sống tha hương đi chung với sự khốn nạn tình người thấm sâu tâm tư những đau đớn mất mát! 

Anh đưa ngón tay chỉ về phía ánh nắng bình minh phía trước sau khi đi vào đường Phạm Phú Thứ ra sông Hàn. Mặt trời bắt đầu ngủ dậy lấp ló ngoài biển Sơn Trà xa xa. Bên hông cầu, hàng chục ghe nhỏ ghé vào bờ đem hải sản đánh từ khuya ra bán. Tiếng trả giá ồn ào làm buổi sáng lúc mặt trời trời mọc thêm sức sống. 

“Em không bao giờ quên việc anh lúc nào đi chơi với bạn cũng nhớ đem nghêu hấp hay món ăn đồ biển về cho em và con.” Nàng nói.

Ít ai hiểu nàng yêu anh mặn nồng bởi bản tính của anh luôn chăm sóc và nghĩ đến vợ con, bao năm tháng cùng nhau chia sẻ hoạn nạn bấp bênh cơn sóng cuộc đời sau hôn nhân.

Đi ngang góc hẻm Hùng Vương góc trái chợ Hàn anh cầm tay nàng: “Anh chắc chắn sẽ không bao giờ quên quán ăn Phương Ký lần đầu tiên hẹn gặp em.”

Nàng gật đầu nắm tay anh thật chặt bước nhanh về phía trước. Mùi bánh mì quốc doanh dù đi du lịch qua bao đất nước vẫn không đâu thay thế được! Đi tới một chút nữa là khu triển lãm đã đóng cửa lâu lắm rồi! Chẳng còn gì nữa để kể tội cho những gì xảy ra 48 năm về trước.

Nàng thú thật: “Khi đi xem Air Supply diễn với anh ở đây, nghe nhạc hay nhưng chẳng hiểu bao nhiêu chữ tiếng anh!” Nàng than thở tiếc nuối lô đất đậm đà kỷ niệm luyến ái. 

Hôm nay vẫn giống như miếng đất hoang bên kia đường rạp Trưng Vương. Xưa và nay vẫn gọi công viên Quách thị Trang hằn vết thương hận thù ngày ấy. Người con gái tóc còn xanh đôi mắt mang hình viên đạn ngã xuống tranh đấu thời đệ nhất cộng hòa đàn áp Phật giáo. 

Mái trường Phan Chu Trinh phượng đỏ đầy sân chơi nơi anh làm cha mẹ hãnh diện khi đậu vào lớp 6 trước năm 1975. Thi thêm một lần nữa sau này vào lớp 10 nhưng tâm tư anh lúc đó đã hoàn toàn chán nản suy sụp.

Anh nhớ một lần trả lời khi con gái hỏi về quá khứ kỷ niệm quê nhà: “Những ngày tháng năm trước khi ba và mẹ đám cưới đã thành quá khứ với buồn vui lẫn lộn khó quên. Ba sẽ nhớ mãi không bao giờ quên những kỷ niệm buồn vui nhưng không hận thù. Giữ làm gì chỉ như đeo tảng đá trong tâm tư cả cuộc đời. Với ba, mái ấm gia đình chúng ta là quan trọng nhất.”

Mới đó mà thời gian trôi nhanh gần 30 năm bên nhau. Ai có thể đo được tình cảm hai con người lo lắng cho nhau trên vùng đất lạ? Cố gắng cân bằng tin tưởng dựa vào nhau để dồn hết cho mái ấm gia đình nho nhỏ. Không có thế lực bên ngoài hay người thân yêu nhất có thể dèm pha chia rẽ!

Dọc đường Phan Chu Trinh hàng quán bắt đầu mở ra buôn bán. Nàng nói nhỏ: “Anh xem, không ngờ ông nhà Châu Căn Tấn vẫn còn khỏe mạnh!”

Nhìn theo hướng mắt của nàng, anh thấy người đàn ông Hoa Kiều một thời to bự nhất thành phố. Ít ai ngờ đến hôm nay gia đình ông vẫn còn ở đây! Ông vẫn vậy bắt ghế ra ngồi trước nhà bên cạnh mấy hủ rượu thuốc hà thủ ô.

Rạp chiếu phim Lê Độ không còn nữa, trở thành nhà sách Phương Nam.

Hai khách sạn Đông Phương và Thái Bình Dương một thời là niềm tự hào của thành phố Đà Nẵng,  Ngã Năm vẫn nhộn nhịp giao thông nhưng dường như thiếu cái gì đó phong cách trung tâm thành phố thuở nào.

Quẹo qua Trần Bình Trọng ngang cái kiệt lớn Ngô Gia Tự anh kể chuyện thời xưa: “Trong cái kiệt này trước năm 1975, nơi đây được mang tên bác sĩ Yersin, cha đẻ thuốc chủng ngừa. Trong xóm có chả bà Đụa nổi tiếng và cái nhà đầu hẻm là nơi anh sinh ra lớn lên.”

Nàng trợn mắt ngạc nhiên khi nghe cái tên trụy lạc như Xóm Chuối ở gần đó. Xóm nghèo thường được gán ghép đi chung với tội phạm, hoạt động đắng cay trăm bề!

Ra đường Hùng Vương, anh tiếc nuối nhìn sân đá bóng Chi Lăng đã không còn nữa! Chợ Cồn xa xa ngay ngã tư với Ông Ích Khiêm vẫn náo nhiệt với siêu thị Big C bên kia đường. 

Đi bộ chút xíu nữa là khu chợ trời, hôm nay vẫn như xưa không có gì thay đổi! Đường rầy xe lửa đi ngang xóm nghèo hôm nay biến mất, đổi lại là một khuôn mặt mới với con đường Nguyễn Hoàng cùng tên với người bạn thân, mới sáng tinh mơ tiếng mặc cả từng món hàng xen lẫn tiếng còi xe. Chùa Tỉnh Hội, nơi anh lạy Phật mỗi tuần một ngày trong 5 năm học tiểu học Bồ Đề. Vui buồn tuổi thơ lẫn lộn với lựu đạn cay biểu tình tranh đấu, và mái nhà xưa cuối đường gần bùng binh Hoàng Diệu, cùng những ngày đuổi bắt trốn tìm đá bóng thâu đêm quên đi cái đói hàng ngày thời bao cấp. Vào nhà, anh thắp cho ba má mấy cây hương trước khi qua chùa Bát Nhã lạy Phật. Thầy đã mất lâu lắm rồi, chỉ để lại những lời dạy dỗ tìm chân lý cho đời sau. Người trụ trì mới còn khá trẻ từ phòng nói vọng ra với chú tiểu: “Con hãy để thí chủ đó vào lạy bàn thờ!”

Mấy năm sau này chùa không cho phép ai vào chánh điện theo quy định phòng cháy chữa cháy địa phương. Trong chùa Phật bà vẫn oai nghiêm qua bao năm tháng chiến tranh hận thù hại nhau, người ta đến đây với niềm tin vào ơn trên thắp hương lạy bà ngày một đông hơn. 

Đâu đây có tiếng sét đánh chớp báo hiệu cho một trận mưa đầu hè. Hai đứa bước nhanh về phía Lê Đình Dương Quán nhậu Bà Thôi.

Anh âu yếm hỏi: “ Em còn đi bộ nổi không?”

“Không có sao! Lúc nào em cũng sẵn sàng cùng anh đi đến cuối cuộc đời!”

Trời bắt đầu mưa những giọt nước rớt mạnh xuống đất khô. Anh kéo tay vợ vào nhà trước mặt tránh mưa, đứng dưới bờ che tạm bợ ở quán bún nghèo. 

Tiếng động lớn đâu đây đập mạnh vào cửa sổ làm anh giật mình thức dậy. Anh ngó qua bên thấy nàng vẫn còn say giấc điệp trong khi ngoài kia mưa gió thổi vào làm rung cửa sổ. Hóa ra anh đang ngủ một giấc mơ tuyệt vời! Nằm suy nghĩ, giờ anh mới phát hiện những người bạn thân và ông Châu Căn Tấn trong mộng đều đã thành người thiên cổ!

“Cảnh xưa còn đó, người cũ đâu rồi!”

Có ai tha phương cầu thực mà không mơ một ngày nào đó trở về quê hương dù lúc đó khuôn mặt đã già cỗi, thân tàn hay chỉ còn là đống tro cốt!

Hôm nay sau chuyến đi chơi xa về Paso Robles mà anh sắp xếp từ tháng trước. Hội chợ miền trung tiểu bang năm nào cũng náo nhiệt từ giữa năm đến cuối tháng 7. Những trò chơi vui nhộn gợi anh nhớ về kỷ niệm đẹp ngày Tết quen nhau. Cái nóng hừng hực lửa ở thị trấn làm anh chợt nghĩ về 11 mùa hè liên tục cùng con gái về Đà Nẵng qua biển Mỹ Khê tắm. Thời gian thấm thoát trôi nhanh, hôm nay con gái đã trưởng thành theo chồng xây dựng mái ấm gia đình nhỏ ở phương xa. Nàng chỉ cửa hàng chuyên bán đùi gà tây nướng: “Nhớ mua thêm vài đùi về cho người thân trong gia đình.”

Nguyên một ngày vui chơi ăn uống dạo quanh hội chợ ngồi nghe nhạc đến mệt nhoài, nằm bên nàng khuya đó anh hỏi: “Em muốn tụi mình đi đâu kỷ niệm 30 năm hôn nhân?”

“Anh quyết định đi đâu em theo đó!”

Tâm tư anh chợt nghĩ về mảnh đất lành có mái nhà xưa, đầy ắp kỷ niệm vui buồn thuở ấy, giống như cuốn phim chiếu chậm từ đen trắng qua đủ màu sắc đỏ vàng xanh…

Anh thiếp đi trong giấc ngủ nhẹ nhàng không ưu tư! Dường như đâu đó có ai nói thầm vào trong tai

Long time no see my friend!
Lâu ngày không gặp người bạn thân mến!

Đặng Duy Hưng 

Related posts