Phân tích: Ông Tập Cận Bình ‘lo ngay ngáy’ về an ninh lương thực

Grace Hsing • Cathy Yin-Garton

Phân tích: Ông Tập Cận Bình ‘lo ngay ngáy’ về an ninh lương thực
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, tại một ngôi làng gần Cáp Nhĩ Tân, miền bắc Trung Quốc, ngày 7/9/2023. (Ảnh: Reuters/The Epoch Times chụp màn hình)

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã có chuyến thăm không báo trước tới tỉnh Hắc Long Giang. Ông Tập nhấn mạnh rằng Hắc Long Giang đóng vai trò quan trọng như “đá dằn” cho an ninh lương thực nội địa của Trung Quốc.

Thuật ngữ “đá dằn” chỉ loại đá đặt ở khoang dưới cùng của con tàu nhằm giữ cho tàu ổn định. Nhờ có đá dằn mà con tàu đỡ lắc lư và tránh bị lật úp khi biển động.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tập trung đưa tin về các động thái và lời phát biểu của ông Tập trong suốt chuyến đi từ ngày 6 đến ngày 8/9. Giới phân tích tin rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang chuẩn bị một kho dự trữ lương thực chiến lược để đối phó với các hạn chế thương mại mà các quốc gia dân chủ tự do có thể áp đặt lên Trung Quốc trong tương lai.

Theo những gì ông Tập đã nói thì vấn đề an ninh lương thực đang trở thành ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh. Trong bối cảnh ĐCSTQ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị phức tạp như hiện nay, Trung Nam Hải muốn giảm thiểu tối đa khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực.

An ninh lương thực là tối quan trọng

Khi đưa tin về những phát biểu của ông Tập, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã 8 lần sử dụng thuật ngữ “chiến lược”. Họ nói rằng ông Tập đang đi một nước cờ rất quan trọng khác trên bàn cờ lớn về các vấn đề toàn cầu, nhằm đảm bảo hơn nữa nguồn dự trữ lương thực của Trung Quốc.

Truyền thông nhà nước cũng thừa nhận rằng bối cảnh toàn cầu đang thay đổi theo hướng bất lợi cho ĐCSTQ: “Thế giới đang trải qua những thay đổi lớn chưa từng có, bước vào thời kỳ hỗn loạn và chuyển đổi”; “trong thời kỳ ngày càng bất ổn và khó lường như thế này, các sự kiện ‘thiên nga đen’ và ‘tê giác xám’ có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.

Một quầy gạo ở một khu chợ ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Peter Parks/Getty Images)

Có thể thấy, ĐCSTQ hiện coi an ninh lương thực ở tỉnh Hắc Long Giang là phần trọng yếu trong chiến lược bảo vệ và duy trì sự cai trị của chế độ này ở Trung Quốc.

Theo truyền thống, miền nam Trung Quốc là khu vực sản xuất lương thực chủ đạo. Mỗi khi miền Bắc thiếu lương thực, lương thực sẽ được vận chuyển từ miền Nam lên miền Bắc. Tuy nhiên, trong 20 năm trở lại đây, đã xuất hiện xu hướng vận chuyển lương thực thực phẩm từ Bắc vào Nam.

Ba tỉnh đông bắc Trung Quốc đã trở thành vùng sản xuất lương thực lớn nhất cả nước, đóng góp tới ¼ tổng sản lượng lương thực trong nước. Trong đó, tỉnh Hắc Long Giang — nằm ở cực bắc Trung Quốc — là kho ngũ cốc lớn nhất đất nước, cung cấp tới ⅓ lượng ngũ cốc toàn quốc, tương đương với việc cung cấp cho mỗi người ở Trung Quốc 50 kg ngũ cốc mỗi năm, theo dữ liệu chính thức. Người Trung Quốc trung bình tiêu thụ từ 60 đến 100 kg gạo mỗi năm.

Hắc Long Giang cũng là nơi sản xuất gạo japonica chất lượng cao nhiều nhất Trung Quốc, liên tục đạt năng suất cao nhất trong hơn một thập kỷ. Năm 2021, sản lượng gạo của Hắc Long Giang đạt hơn 29 triệu tấn, chiếm 13,69% tổng sản lượng gạo cả nước.

Tỉnh này không chỉ có sản lượng lương thực cao mà còn sản xuất thực phẩm chất lượng cao. Bắc Kinh coi Hắc Long Giang là cơ sở lương thực quân sự lớn nhất của Đảng. Kho ngũ cốc lớn thứ hai của Trung Quốc ở Hà Nam đã đặc biệt lựa chọn các giống lúa japonica chất lượng cao từ Hắc Long Giang để cải thiện chất lượng nguồn cung thực phẩm cho quân đội.

Kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, ông đã kêu gọi quân đội tích cực chuẩn bị cho chiến tranh, do vậy, nhiều tỉnh thành đã liên tục củng cố mạng lưới nguồn cung thực phẩm cho quân đội của họ. Ngũ cốc dự trữ tại tỉnh Hắc Long Giang cũng được đưa vào danh sách lương thực dự trữ cho các tỉnh, thành phố quan trọng khác.

Tại Chiết Giang – tỉnh giáp Đài Loan và trực thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông của quân đội Trung Quốc, trong danh sách (được công bố vào năm 2022) gồm các thực thể làm nhiệm vụ dự trữ hàng hóa và các kho hàng có liên quan của họ, khoảng 10 kho ngũ cốc là ở Hắc Long Giang.

Lo sợ bị cấm vận

5 năm trước, trong cuộc thanh tra một số trang trại lớn ở Hắc Long Giang, ông Tập đã kêu gọi người dân Trung Quốc hãy nắm chắc trong tay bát cơm, hạt thóc của mình. Lời kêu gọi này kể từ đó đã được truyền thông nhà nước nhắc lại nhiều lần. Ông Tập cũng nói: “Miễn là không có vấn đề lớn về lương thực thì tình hình của Trung Quốc sẽ ổn định”.

Ông Tập coi an ninh lương thực là an ninh quốc gia, là điều thiết yếu cho sự ổn định của ĐCSTQ. Hệ thống tuyên truyền của ĐCSTQ nhiều lần nhấn mạnh rằng lương thực thực phẩm là một bộ phận của quốc phòng, cũng là con bài thương lượng chiến lược trong trò chơi với “các thế lực thù địch”, chẳng hạn như Hoa Kỳ.

Ông David Zhang – người dẫn chương trình China Insider của NTD The Epoch Times – cho biết vào ngày 12/9 rằng lương thực thực phẩm là mối quan tâm chiến lược lâu dài của Bắc Kinh. Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu lương thực lớn; các công ty Trung Quốc đã mua rất nhiều đất nông nghiệp và cơ sở sản xuất thịt lợn trên toàn thế giới, đặc biệt ở các nước như Hoa Kỳ, Canada và Brazil, một phần là để đảm bảo an ninh lương thực nội địa. Ông cho hay, nỗi sợ lớn nhất của Trung Nam Hải là: vấn đề lương thực có thể dẫn đến sự bất ổn trong chế độ.

(Từ trái sang phải) Ông Gordon Chang – chuyên gia về Trung Quốc, ông John Bachman và ông David Zhang – người dẫn chương trình China Insider đang cùng thảo luận về Trung Quốc, trên chương trình John Bachman Now. (Ảnh: John Bachman Now/The Epoch Times chụp màn hình)

Ông Zhang lưu ý rằng ông Tập đang chuẩn bị cho một kịch bản mà trong đó, Hoa Kỳ và các đồng minh có thể sử dụng các lệnh hạn chế xuất khẩu lương thực thực phẩm sang Trung Quốc như “vũ khí” để ngăn chặn ĐCSTQ thực hiện các hành động gây hấn đối với Đài Loan.

Chuyến thăm của ông Tập tới Hắc Long Giang và sự nhấn mạnh của ông về an ninh lương thực là một phần của sự chuẩn bị này. Tuy nhiên, lũ lụt nghiêm trọng trong năm nay đã khiến sản lượng lúa mì và gạo ở Trung Quốc giảm đáng kể, trong khi một số quốc gia đã hạn chế xuất khẩu lương thực sang Trung Quốc do giá gạo tăng vọt.

Lũ lụt làm trầm trọng thêm rủi ro về lương thực

Vào tháng 8 năm nay, bão Doksuri đã gây ra mưa lớn và lũ lụt chưa từng có ở vùng đông bắc Trung Quốc. 90.000 ha hoa màu ở Hắc Long Giang bị lũ lụt tàn phá. Những cánh đồng lúa tại những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất như Vũ Xương và Shangzhi đã bị nhấn chìm hoàn toàn.

Đặc biệt, Vũ Xương chiếm 1/10 diện tích trồng lúa của tỉnh Hắc Long Giang, đồng thời là vùng sản xuất lúa một vụ lớn nhất Trung Quốc. Lúa trong giai đoạn ra hoa quan trọng đã bị ngập nước hơn 3 ngày nên khó có khả năng sinh hạt; nhiều nông dân trong vùng lo ngại rằng năng suất sẽ sụt giảm nghiêm trọng hoặc thậm chí mất mùa hoàn toàn.

Trước cơn bão Doksuri, lũ lụt vốn đã ảnh hưởng đến nhiều khu vực tại Trung Quốc. Các ruộng lúa mì rộng lớn ở miền Trung như tỉnh Hà Nam đã bị lũ lụt làm ngập úng, khiến năng suất giảm đáng kể. Lúa mì ở khu vực này chiếm hơn ¾ tổng sản lượng cả nước. Đây là tổn thất lớn nhất về sản lượng lúa mì mùa hè tại Hà Nam trong một thập kỷ qua.

Bắc Kinh, tỉnh Hà Bắc và các khu vực khác cũng hứng chịu lũ lụt nghiêm trọng. Đặc biệt, vùng Trác Châu chìm trong nước lũ khi chính quyền xả nước không báo trước. Ngoài thiệt hại nghiêm trọng về mùa màng, nước lũ còn gây thiệt hại cho các cơ sở lưu trữ ngũ cốc.

Văn phòng ở Bắc Kinh của hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings cho biết mưa lớn tại các tỉnh đông bắc chuyên sản xuất ngũ cốc của Trung Quốc sẽ làm tăng nhu cầu nhập khẩu gạo của quốc gia này, từ đó làm tăng áp lực lên giá gạo toàn cầu vốn đã ở mức cao.

Nhập khẩu số lượng lớn

Cuộc chiến Nga – Ukraine đã khiến giá lương thực toàn cầu liên tục tăng. Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ được công bố vào tháng 7 đã tạo ra “hiệu ứng gợn sóng” đến thị trường toàn cầu, với chỉ số giá gạo tăng 9,8% trong tháng 8 so với tháng trước đó, đạt mức cao nhất trong 15 năm, càng làm trầm trọng thêm lạm phát lương thực toàn cầu.

Tuy nhiên, giá cả tăng vọt không ngăn được Trung Quốc liên tục nhập khẩu số lượng lớn lương thực thực phẩm từ khắp nơi trên thế giới.

Theo số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 110 triệu tấn thực phẩm từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay; tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu đậu tương đạt 72 triệu tấn; tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu dầu thực vật lên tới 6 triệu tấn, tăng 114,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu tổng cộng 1,81 triệu tấn gạo, giảm đáng kể so với mức 6,19 triệu tấn của năm ngoái do tác động kép của giá gạo tăng mạnh và sự mất giá liên tục của đồng nhân dân tệ so với đồng đô-la Mỹ. Tuy nhiên, nhập khẩu lúa mì của Trung Quốc trong cùng thời gian này đạt 7,9 triệu tấn, tăng 62,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù lượng lương thực nhập khẩu ngày càng tăng, ĐCSTQ luôn phủ nhận rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực. Các quan chức Bộ Nông nghiệp tuyên bố vào năm 2020 rằng dự trữ lương thực của Trung Quốc luôn đầy đủ, với tỷ lệ “dự trữ trên tiêu dùng” cao hơn nhiều so với mức 17-18% do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc đề xuất, đặc biệt đối với hai loại ngũ cốc chính là lúa mì và gạo – với lượng dự trữ gần bằng mức tiêu thụ trong một năm của toàn bộ dân số.

Về vấn đề này, ông Zhang cảnh báo rằng số liệu thống kê chính thức của ĐCSTQ thường là số liệu bịa đặt, thậm chí nếu Trung Quốc có nhiều lương thực như vậy thì cũng sẽ được coi là dự trữ chiến lược.

Ông nói: “Việc ông Tập Cận Bình liên tục nhập khẩu thực phẩm cho thấy ông ấy đang bước vào con đường của một cuộc chiến lương thực. Ông ấy càng nỗ lực tiến về phía trước thì càng ít có khả năng đạt được sự an toàn và ổn định”.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch

Related posts