Ấn Độ: Tích cực tìm kiếm người sống sót sau khi lũ lụt, lở đất giết chết 65 người
Hôm thứ Ba (15/8), lực lượng cứu hộ Ấn Độ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm những người bị mất tích trong lũ lụt và lở đất vốn đã giết chết ít nhất 65 người, trong đó có 11 người thiệt mạng trong vụ sập một ngôi đền nổi tiếng.
Những trận mưa xối xả kéo dài nhiều ngày đã cuốn trôi các phương tiện, phá hủy các tòa nhà và phá hủy những cây cầu trên dãy Himalaya.
Lũ lụt và sạt lở đất thường xuyên xảy ra trong mùa gió mùa ở Ấn Độ, gây ra sự tàn phá trên diện rộng.
Ít nhất 52 người đã thiệt mạng ở bang Himachal Pradesh kể từ Chủ nhật, với hàng nghìn người khác mắc kẹt sau khi đường xá, đường dây điện và mạng lưới thông tin liên lạc bị gián đoạn.
“Nhiều nhân viên nhất có thể đang được triển khai cho công tác cứu hộ và cứu nạn”, thủ hiến bang Sukhvinder Singh Sukhu cho biết trong một tuyên bố vào cuối ngày thứ Hai.
Ông Sukhu cho biết trước đó có tới 20 người khác có thể bị mắc kẹt dưới đống đổ nát sau trận lở đất, đồng thời kêu gọi người dân ở trong nhà và tránh đến gần các con sông.
Hình ảnh từ các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề ở Himachal Pradesh cho thấy các thi thể được kéo ra khỏi đống đất đen có các tòa nhà và mái nhà đổ nát.
Ít nhất 11 người thiệt mạng khi một vụ lở đất gây ra sự sụp đổ của một ngôi đền nổi tiếng dành cho vị thần Shiva của đạo Hindu ở thủ phủ bang Shimla.
“Công tác cứu hộ đang diễn ra và chúng tôi lo ngại rằng ít nhất 10 người nữa vẫn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát”, chủ tịch ủy ban quản lý thiên tai quận Aditya Negi cho biết, theo AFP.
Ở những nơi khác trong bang, người ta nhìn thấy các tuyến đường sắt lơ lửng sau khi mặt đất bên dưới chúng bị cuốn trôi.
Ông Sukhu cho biết bang đã giảm quy mô các hoạt động kỷ niệm Ngày Độc lập hàng năm vào thứ Ba, ngày đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ thuộc địa Anh, để tập trung vào các nỗ lực cứu hộ.
Thủ tướng Narendra Modi, phát biểu từ Pháo đài Đỏ ở New Delhi trong bài phát biểu ngày lễ hàng năm, nói rằng những thảm họa thiên nhiên gần đây đã gây ra “những rắc rối không thể tưởng tượng được” cho các gia đình trên khắp đất nước.
“Tôi bày tỏ sự đồng cảm với tất cả họ và tôi đảm bảo với họ rằng chính quyền tiểu bang và trung ương sẽ làm việc cùng nhau”, ông nói với đám đông.
Ngoài các sự cố trên, ít nhất 13 người nữa cũng đã thiệt mạng kể từ thứ Sáu ở bang Uttarakhand lân cận, các quan chức cho biết hôm thứ Ba.
Năm người đã bị chôn vùi khi một vụ lở đất xảy ra tại một khu nghỉ dưỡng gần nơi tập yoga nổi tiếng Rishikesh bên bờ sông Hằng.
Gần 350 con đường xung quanh Uttarakhand đã bị cấm lưu thông, theo bản tin thảm họa của bang.
Một số thị trấn và làng mạc ven sông ở cả hai bang đều có nguy cơ bị lũ quét do dự báo mưa lớn.
Gió mùa mang đến cho Nam Á khoảng 80% lượng mưa hàng năm và rất quan trọng đối với cả nông nghiệp và sinh kế của hàng triệu người. Nhưng nó cũng mang đến sự tàn phá hàng năm dưới dạng sạt lở đất và lũ lụt.
Những ngày mưa gió mùa không ngừng đã giết chết ít nhất 90 người vào tháng trước, trong khi thủ đô New Delhi chứng kiến sông Yamuna – con sông chảy qua siêu đô thị – đạt mức cao nhất kể từ năm 1978.
Các nhà dự báo thời tiết cho rằng mưa lớn sẽ tiếp tục trên khắp dãy Himalaya của Ấn Độ cho đến ít nhất là thứ Sáu.
Nhật Minh (theo AFP)
Trung Quốc phản đối cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ về vi phạm quyền của Triều Tiên
Trung Quốc đã phản đối một cuộc họp được lên kế hoạch của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vi phạm nhân quyền ở Triều Tiên, nói rằng nó sẽ chỉ “tăng cường đối đầu và đối kháng”, một phát ngôn viên của phái bộ Liên Hợp Quốc của Trung Quốc tại New York cho biết hôm thứ Hai (14/8).
Hoa Kỳ, Albania và Nhật Bản đã yêu cầu tổ chức cuộc họp và nó sẽ được tổ chức vào thứ Năm. Đây sẽ là cuộc họp công khai chính thức đầu tiên của Hội đồng gồm 15 thành viên về vấn đề này kể từ năm 2017.
Người phát ngôn phái đoàn Liên Hợp Quốc của Trung Quốc cho biết: “Trung Quốc không thấy có giá trị nào đối với việc tổ chức một cuộc họp như vậy của Hội đồng và sẽ phản đối điều đó”, đồng thời cho biết thêm rằng nhiệm vụ của Hội đồng là “duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, chứ không phải nhân quyền”.
“Một cuộc họp của Hội đồng về nhân quyền ở CHDCND Triều Tiên nằm ngoài nhiệm vụ của Hội đồng, chính trị hóa các vấn đề nhân quyền và chỉ nhằm tăng cường đối đầu và đối kháng”, người phát ngôn nói.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã kêu gọi tăng cường sản xuất tên lửa để giúp đảm bảo “sức mạnh quân sự áp đảo” và sẵn sàng cho chiến tranh, truyền thông nhà nước KCNA cho biết hôm thứ Hai, khi Hàn Quốc và Hoa Kỳ chuẩn bị cho các cuộc tập trận quân sự hàng năm.
Hiện chưa rõ liệu Trung Quốc có gọi một cuộc bỏ phiếu theo thủ tục để cố gắng ngăn chặn cuộc họp của Hội đồng Bảo an về vi phạm nhân quyền hay không, nhưng một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cho biết họ tin tưởng rằng họ có tối thiểu 9 phiếu cần thiết để tiến hành cuộc họp. Quyền phủ quyết không áp dụng đối với các vấn đề về thủ tục.
Triều Tiên đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc lạm dụng [nhân quyền] và đổ lỗi cho các biện pháp trừng phạt gây ra tình trạng nhân đạo nghiêm trọng. Kể từ năm 2006, nước này đã chịu lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc về tên lửa đạn đạo và các chương trình hạt nhân, nhưng có những trường hợp miễn trừ viện trợ.
Vào tháng 3, Hoa Kỳ đã cáo buộc Trung Quốc cố gắng che giấu sự tàn bạo của Triều Tiên với thế giới bằng cách chặn trang web phát sóng cuộc họp không chính thức của các thành viên Hội đồng Bảo an về cáo buộc Bình Nhưỡng vi phạm nhân quyền.
Hội đồng đã tổ chức các cuộc họp chính thức hàng năm về vấn đề này trong ba năm qua, nhưng sau những cánh cửa đóng kín. Từ năm 2014 đến 2017, Hội đồng đã tổ chức các cuộc họp công khai hàng năm về vi phạm nhân quyền ở Bắc Triều Tiên.
Một báo cáo mang tính bước ngoặt của Liên Hợp Quốc năm 2014 về nhân quyền của Triều Tiên đã kết luận rằng các giám đốc an ninh của Triều Tiên – và có thể là chính nhà lãnh đạo Kim – phải đối mặt với công lý vì giám sát một hệ thống tàn bạo kiểu Đức Quốc xã do nhà nước kiểm soát.
Lê Vy
Tàu thăm dò của NASA phát hiện bí mật mới của sao Hỏa
Dữ liệu của tàu thăm dò InSight của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thu thập được cho thấy sao Hỏa đang quay nhanh hơn trước đây.
Cụ thể, tàu đổ bộ InSight được trang bị một bộ công cụ, bao gồm ăng-ten và bộ phát đáp vô tuyến gọi là RISE. Các thiết bị này được sử dụng để theo dõi vòng quay của sao Hỏa trong 900 ngày đầu tiên tàu đổ bộ thực hiện nhiệm vụ trên hành tinh.
Với những dữ liệu ghi nhận, các nhà thiên văn học đã xác định vòng quay của hành tinh Đỏ đang tăng khoảng 4 mili giây mỗi năm, rút ngắn độ dài của một ngày trên sao Hỏa xuống một phần nghìn giây mỗi năm. Một ngày trên sao Hỏa dài hơn một ngày trên Trái đất khoảng 40 phút.
Gia tốc tăng dường như cực kỳ nhỏ. Cho đến hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được nguyên nhân khiến vòng quay của sao Hỏa nhanh hơn. Tuy nhiên, họ nghi ngờ đó có thể là do băng tích tụ ở các cực của sao Hỏa hoặc sự gia tăng của các vùng đất sau khi bị băng bao phủ. Khi khối lượng của một hành tinh dịch chuyển theo cách này, nó có thể khiến hành tinh đó quay nhanh hơn.
Theo một báo cáo nghiên cứu tháng 6 đăng trên tạp khí khoa học Nature, các phát hiện, dựa trên phân tích dữ liệu InSight được chia sẻ trước khi tàu thăm dò cạn điện và ngừng hoạt động.
Ban đầu, tàu thăm dò InSight, sứ mệnh đầu tiên nghiên cứu bên trong sao Hỏa, được cho là kéo dài khoảng hai năm sau khi tàu hạ cánh vào tháng 11/2018. Tuy nhiên, NASA đã kéo dài sứ mệnh thêm hai năm nữa. Tàu thăm dò InSight tiếp tục thu thập dữ liệu về sao Hỏa cho đến khi nó dừng hoạt động hẳn vào tháng 12/2022.
Tàu thăm dò InSight được trang bị những công cụ với những tiến bộ trong công nghệ vô tuyến vốn là một cải tiến vượt bậc so với những gì tàu đổ bộ Viking trong những năm 1970 và Pathfinder trong những năm 1990. Việc nâng cấp lên Mạng không gian sâu hoặc các ăng-ten khổng lồ được đặt tại ba điểm chiến lược trên Trái Đất để chuyển tiếp thông tin từ các tàu không gian cũng nâng cao độ chính xác của dữ liệu do InSight thu thập và gửi về Trái Đất.
Các nhà khoa học đã sử dụng Mạng không gian sâu để truyền tín hiệu tới RISE trên InSight, sau đó phản xạ tín hiệu trở lại Trái Đất. Những tín hiệu được chuyển tiếp này đã giúp các nhà nghiên cứu theo dõi những thay đổi tần số nhỏ do dịch chuyển Doppler gây ra.
Tác giả chính của nghiên cứu Sebastien Le Maistre, điều tra viên tại Đài thiên văn Hoàng gia Bỉ, cho biết: “Những gì chúng tôi đang tìm kiếm là những biến thể chỉ vài chục cm trong suốt một năm trên sao Hỏa. Phải mất một thời gian rất dài và rất nhiều dữ liệu để tích lũy trước khi chúng tôi có thể nhìn thấy những biến thể này”.
Phan Anh
Số người chết trong vụ cháy rừng Hawaii có thể tăng lên 300
Trong bối cảnh lực lượng cứu hộ tiếp tục dọn dẹp đống tro tàn của thị trấn Lahaina, Hawaii (Mỹ), với hy vọng tìm kiếm thêm các nạn nhân sau trận hỏa hoạn Maui kinh hoàng hồi tuần trước, giới chức Hawaii cảnh báo rằng số nạn nhân thiệt mạng, hiện đã gần 100, có thể tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba trong những ngày và tuần tới.
Trong một bản cập nhật vào sáng thứ Hai (14/8), các quan chức của Quận Maui tuyên bố rằng 96 người được xác nhận đã thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn. Đây là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử của tiểu bang Hawaii.
Hàng trăm thi thể vẫn đang mất tích, bất chấp sự trợ giúp của chó nghiệp vụ trong nỗ lực tìm kiếm.
Phát biểu trước báo giới, Cảnh sát trưởng quận Maui John Pelletier cho biết, tính đến tối thứ 12/8, các đội tìm kiếm cùng với chó nghiệp vụ được huấn luyện để phát hiện các thi thể mới chỉ tìm kiếm được khoảng 3% diện tích của khu vực xảy ra hỏa hoạn.
Cùng ngày, tại cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Quản trị viên Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) Deanne Criswell cho biết, chó nghiệp vụ tìm tử thi đang trên đường đến Lahaina, nhưng công cuộc tìm kiếm này là “cực kỳ nguy hiểm” và tốn thời gian.
“Có những công trình kiến trúc chỉ còn trụ vững một phần, và các kỹ sư cần phải dọn sạch trước để đảm bảo các đội tìm kiếm và cứu hộ có thể vào bên trong an toàn”, bà nói.
Thống đốc tiểu bang Hawaii Josh Green cho biết trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm 14/8 trong chương trình “CBS Mornings” rằng ông dự đoán số người thiệt mạng sẽ tăng lên đáng kể khi các đội tìm kiếm tiếp tục công việc của họ.
‘Nhiều câu chuyện bi thảm’
Phát biểu trước báo giới hôm 14/8, ông Green cho hay, khi người dân liên lạc với bạn bè và thân nhân, số người vẫn mất tích đang giảm xuống, cụ thể là tổng số người vẫn mất tích giảm từ hơn 2.000 xuống còn khoảng 1.300 người.
Ông nói thêm rằng lực lượng cứu hộ có thể sẽ tìm thấy từ 10 đến 20 thi thể mỗi ngày. Ông Green cho biết nỗ lực tìm kiếm có thể mất khoảng 10 ngày, mặc dù “không thể dự đoán chính xác là bao lâu”.
Điều đó có nghĩa là số người thiệt mạng có thể tăng thêm 100 – 200 người hoặc hơn, nâng tổng số người thiệt mạng lên tới 300.
“Chúng tôi đã chuẩn bị tâm lý cho nhiều câu chuyện bi thảm”, ông Green nói, đồng thời cho biết thêm rằng đám cháy lan nhanh “đến mức cướp đi sinh mạng” và “không chừa một ai”.
‘Những cảnh tượng thống khổ’
Ngọn lửa bùng phát vào ngày 8/8, chỉ vài ngày sau khi Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ đưa ra cảnh báo rằng gió giật mạnh từ cơn bão Dora, kết hợp với điều kiện thời tiết đặc biệt khô hạn, đã làm tăng nguy cơ cháy rừng.
Trong một video được phát trên mạng xã hội hôm 13/8, ông Green cho biết ngọn lửa đã thiêu rụi gần 2.700 công trình kiến trúc ở Lahaina, với thiệt hại ước tính khoảng 5,6 tỷ USD.
Ông Green nói thêm: “Tôi xin nói với quý vị điều này: Với tư cách là một bác sĩ, đó là một cảnh tượng đau lòng ở Maui”.
“Tôi thực sự cho rằng số người thiệt mạng sẽ còn tăng lên”, ông nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ tuyên bố thảm họa
Tuần trước, Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố thảm họa lớn ở Maui, cam kết viện trợ liên bang cho hòn đảo này.
FEMA đang giám sát phản ứng của liên bang, bao gồm phân phối viện trợ, cũng như khoản thanh toán trị giá 700 USD cho các nhu yếu phẩm quan trọng như nước, thuốc men và nơi ở.
Ông Green gọi phản ứng của Washington trong những ngày gần đây là “toàn diện”.
“Chúng tôi đang huy động toàn bộ lực lượng của chính phủ để cố gắng làm mọi thứ có thể nhằm xoa dịu nỗi đau [của người dân]”, ông nói.
Hôm 14/8, cư dân ở các khu vực Lahaina và Upper Kula vẫn được khuyến cáo về nguồn nước không an toàn.
“Nên sử dụng nước đóng chai để uống, đánh răng, làm đá và chế biến thức ăn cho đến khi có thông báo mới. Cư dân không được xử lý nước theo bất kỳ cách nào để đảm bảo an toàn”, khuyến cáo ngày 13/8 nêu rõ. Cảnh báo này vẫn còn hiệu lực cho đến khi có thông báo mới.
Giới chức của Quận Maui hôm 14/8 cho biết, đám cháy ở Upcountry/Kula đã thiêu rụi khoảng 678 mẫu Anh (khoảng 2,7 km vuông), đã được khống chế 60%, với các điểm nóng còn lại trong các khe và các khu vực khó tiếp cận khác.
Đám cháy Lahaina, ước tính bao phủ 2.170 mẫu Anh (khoảng 8,8 km vuông), đã được khống chế 85%. Lực lượng cứu hỏa được giao nhiệm vụ theo dõi và đối phó với bất kỳ đợt bùng phát nào.
Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân của vụ hỏa hoạn. Nhiều người sống sót khẳng định họ không nhận được cảnh báo nào trước khi ngọn lửa càn quét thị trấn với tốc độ chóng mặt.
Khi gió giật lên đến 80 dặm (khoảng 129 km) một giờ thổi bùng ngọn lửa lan nhanh, một số cư dân buộc phải nhảy xuống Thái Bình Dương để thoát khỏi biển lửa.
Thống đốc Hawaii, cùng với các quan chức khác, đã tuyên bố sẽ điều tra hệ thống thông báo khẩn cấp và ứng phó hỏa hoạn của bang sau khi hệ thống còi báo động được thiết kế để thông báo cho người dân về những rủi ro tiềm ẩn không phát ra âm thanh.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch
Cháy trạm xăng kinh hoàng ở Nga: 35 người chết, nhiều người bị thương
Theo giới chức Nga, hàng chục người đã thiệt mạng vào ngày 14/8 trong một vụ nổ và hỏa hoạn ở thành phố Makhachkala, thuộc vùng Dagestan phía nam nước Nga.
“Phát hiện thêm 5 thi thể nữa trong khi dọn dẹp đống đổ nát, nâng tổng số người thiệt mạng lên 35”, Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cho biết trong một tuyên bố ngày 15/8.
“Các hoạt động cứu hộ đang tiếp tục”, Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga cho biết thêm, đồng thời xác nhận rằng ít nhất 80 người bị thương do vụ nổ và hỏa hoạn xảy ra sau đó.
Theo chính quyền địa phương, lực lượng cứu hỏa và nhân viên cứu hộ đã dập tắt đám cháy lớn do vụ nổ ban đầu gây ra.
Ông Sergey Mekilov, người đứng đầu chính quyền Cộng hòa Dagestan, thuộc Liên bang Nga, cho biết ít nhất 3 trẻ em đã thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn bắt nguồn từ vụ nổ.
Con số thương vong dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi nhiều thi thể được kéo ra khỏi đống đổ nát.
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ nổ. Tuy nhiên, vụ việc được cho là xảy ra gần một trạm xăng trên đường cao tốc Astrakhan-Makhachkala ở ngoại ô thành phố.
Makhachkala là thủ đô của Cộng hòa Dagestan, lãnh thổ cực nam của Liên bang Nga và nằm cách thủ đô Moscow khoảng 1.600 km.
Dagestan nằm ở phía Tây Biển Caspi thuộc khu vực Bắc Kavkaz.
Theo các nguồn tin từ phương tiện truyền thông Nga, Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga đã mở một cuộc điều tra hình sự để xác định nguyên nhân của vụ nổ thảm khốc.
Ông Melikov nói với các phóng viên tại hiện trường vụ nổ: “Nguyên nhân và bản chất của vụ nổ đang được xác định”.
Ông cho biết các thùng nhiên liệu bên cạnh trạm xăng dường như đã phát nổ, thiêu rụi trạm xăng và các tòa nhà lân cận.
“Các dịch vụ khẩn cấp vẫn tiếp tục hoạt động. Việc sơ tán [nạn nhân] đến các cơ sở y tế gần như đã hoàn tất”, Thống đốc Melikov cho biết.
Phát biểu trước người dân địa phương, ông Melikov nói thêm: “Tình hình đã được kiểm soát”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân, trong khi chính quyền địa phương ở Dagestan đã tuyên bố một ngày quốc tang.
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân của vụ nổ ở Makhachkala nhưng có khả năng có người đứng sau vụ việc.
Tuy nhiên, vụ việc xảy ra sau một loạt các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gần đây vào một số khu vực của Nga.
Những điều này đặc biệt nghiêm trọng ở Bán đảo Crimea, nơi Moscow đã xâm chiếm và sáp nhập vào năm 2014.
Hôm 12/8, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng hệ thống phòng không và thiết bị gây nhiễu điện tử đã bắn hạ 20 máy bay không người lái đang tiếp cận trên bầu trời Crimea.
Bán đảo chiến lược có rất nhiều mục tiêu quân sự tiềm năng, bao gồm cảng Sevastopol, nơi đồn trú của Hạm đội Biển Đen đáng gờm của Nga.
Hôm 24/7, một kho đạn dược ở khu vực Dzhankoi của Crimea đã bốc cháy sau một cuộc tấn công có chủ đích của 17 máy bay không người lái. Một tuần sau, Bộ Quốc phòng Nga báo cáo một cuộc tấn công tương tự khác có sự tham gia của 25 máy bay không người lái.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ nhiều lần khẳng định nước này “không khuyến khích hoặc tạo điều kiện cho các cuộc tấn công bên trong nước Nga”.
Tuy nhiên, liên quan đến các cuộc tấn công vào Crimea, Washington xác nhận khẳng định này bằng cách tuyên bố: “Bán đảo Crimea là một phần của Ukraine, không phải của Nga”.
Các khu vực của Nga giáp Ukraine, đặc biệt là Belgorod và Kursk, cũng là mục tiêu thường xuyên của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong những ngày và tuần gần đây.
Hôm 14/8, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng họ đã đánh chặn và bắn hạ một số máy bay không người lái ở Belgorod mà không gây ra bất kỳ thiệt hại nào.
Một ngày trước đó, thống đốc vùng Belgorod thông báo rằng hai máy bay không người lái đã bị bắn hạ ở quận Graivoronsky và Belgorodsky, một trong số đó đã khiến một bé gái 10 tuổi bị thương.
Cùng ngày, một máy bay không người lái đã bị bắn hạ ở vùng Kursk.
The Epoch Times không thể xác minh độc lập các tuyên bố này.
Ngay cả thủ đô của Nga cũng không tránh khỏi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lẻ tẻ.
Cuối tháng trước, máy bay không người lái đã tấn công một khu tài chính ở trung tâm thành phố Moscow hai lần trong ba ngày, một trong số đó đã làm hư hại một công trình kiến trúc cao tầng.
Mặc dù thực tế là không có ai thiệt mạng hoặc bị thương trong các cuộc tấn công, song Moscow vẫn coi đây là “hành động khủng bố” của Kyiv.
Về phần mình, như thường lệ, Ukraine đã ăn mừng các vụ tấn công trong khi từ chối nhận trách nhiệm.
Ông Mykhailo Podolyak, một cố vấn hàng đầu của Tổng thống Ukraine, cho biết Nga nên chuẩn bị tinh thần cho “nhiều máy bay không người lái không xác định hơn, nhiều sự sụp đổ hơn, nhiều xung đột dân sự hơn và nhiều chiến tranh hơn”.
Hôm 24/7, một máy bay không người lái đã bị bắn rơi ở trung tâm Moscow, cách không xa tòa nhà Bộ Quốc phòng Nga, trong khi chiếc thứ hai đâm vào một tòa nhà văn phòng gần đó.
Sau cuộc tấn công đó, ông Mykhailo Fedorov, Phó Thủ tướng Ukraine, cảnh báo: “Cho dù điều gì xảy ra, sẽ còn nhiều vụ tương tự hơn nữa”.
Tính đến thời điểm viết bài này, giới chức Kyiv vẫn chưa đưa ra bình luận nào về vụ nổ không rõ nguyên nhân ở Dagestan.
Cũng không có dấu hiệu nào từ Moscow cho thấy Kyiv phải chịu trách nhiệm về sự kiện này.
Theo The Epoch Times
Lam Giang biên dịch
Triều Tiên cảnh báo xung đột hạt nhân cận kề
Tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục nóng lên khi mới đây Bình Nhưỡng tiếp tục rằng thế giới đang cận kề một cuộc xung đột hạt nhân và kêu gọi Mỹ từ bỏ chính sách thù địch với Triều Tiên.
Phát biểu tại Hội thảo An ninh Moscow ngày 15/8, Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Kang Sun-nam cho rằng việc Mỹ triển khai các phương tiện hạt nhân đến Hàn Quốc gần đây đang đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực một cuộc xung đột hạt nhân.
“Mỹ đang đẩy Đông Bắc Á đến bờ vực một cuộc chiến hạt nhân. Kể từ đầu năm nay, Mỹ đã triển khai các phương tiện hạt nhân chiến lược đến Hàn Quốc, trong đó có tàu ngầm hạt nhân, máy bay ném bom chiến lược, biên đội tàu sân bay hạt nhân và tiến hành các cuộc tập trận chung quy mô lớn mô phỏng chiến tranh toàn diện với chúng tôi”, ông Kang Sun-nam nói.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên, các cuộc tập trận chung của Mỹ ở khu vực là chưa từng có tiền lệ cả về quy mô, tần suất và độ dài thời gian. “Câu hỏi hiện giờ không phải là liệu xung đột hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên có nổ ra hay không, mà là ai phát động, phát động khi nào và như thế nào”, ông này nhấn mạnh.
Thời gian gần đây, Bình Nhưỡng liên tục đưa ra những cảnh báo nóng về hạt nhân.
Hôm 20/7, chính ông Kang Sun-nam đe dọa: “Việc triển khai tàu ngầm hạt nhân chiến lược và các tài sản chiến lược khác ngày càng rõ ràng có thể phù hợp các điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân được quy định trong luật pháp Triều Tiên”.
Phía Triều Tiên cho rằng, sự hiện diện của tàu ngầm hạt nhân Mỹ tại khu vực là mối đe dọa trực tiếp đối với Bình Nhưỡng.
Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ra thông cáo cứng rắn đáp trả những đe dọa từ Triều Tiên.
“Trong trường hợp Triều Tiên tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ – Hàn, họ sẽ lập tức đối mặt sự đáp trả kiên quyết, áp đảo và tức thì từ liên minh”, Bộ này nhấn mạnh, thêm rằng hành động đó sẽ dẫn đến sự “kết thúc” của Triều Tiên.
Hồi tháng 7, tàu ngầm chiến lược USS Kentucky của Mỹ đã cập cảng thành phố Busan, phía nam Hàn Quốc. Đây là tàu ngầm có khả năng triển khai tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân (SSBN) lớp Ohio. Mỹ thường giữ bí mật tối đa điểm đến của tàu ngầm hạt nhân chiến lược và chỉ công khai cảng chúng ghé thăm khi muốn phát thông điệp răn đe. Lần gần nhất Mỹ triển khai tàu ngầm hạt nhân tới Hàn Quốc là năm 1981.
Ngoài ra, Nhóm Tham vấn Hạt nhân Mỹ – Hàn cũng đã họp lần đầu vào tháng 7. Hàn Quốc khẳng định, động thái triển khai tàu ngầm SSBN là một trong các biện pháp phòng vệ “chính đáng” trước những mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên. Hàn Quốc bác bỏ cáo buộc của Triều Tiên cho rằng liên minh Washington – Seoul tạo ra mối đe dọa đến nước này.
Trước đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un kêu gọi “tăng cường mạnh mẽ” năng lực sản xuất tên lửa của Triều Tiên. Ông cũng kêu gọi quân đội diễn tập với những vũ khí mới nhất để sẵn sàng đối phó với một cuộc xung đột tiềm tàng.
Căng thẳng giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên đang leo thang, trong bối cảnh Bình Nhưỡng tiếp tục phóng thử tên lửa còn Seoul và Washington tăng cường hợp tác quân sự.
Viên Minh (Tổng hợp)