Từ chủ nghĩa xã hội đến tự do: Bầu cử sơ bộ ở Argentina phản ánh sự thay đổi tư tưởng

Từ chủ nghĩa xã hội đến tự do: Bầu cử sơ bộ ở Argentina phản ánh sự thay đổi tư tưởng
Hôm 07/08/2023, Nghị sĩ Argentina đồng thời là ứng cử viên tổng thống của Liên minh La Libertad Avanza (Đảng Tiến bộ Tự do), ông Javier Milei, có bài diễn thuyết trong buổi bế mạc chiến dịch tranh cử của mình cho cuộc bầu cử sơ bộ vào ngày 13/08, tại Nhà thi đấu Movistar ở Buenos Aires. Vòng đầu tiên của cuộc bầu cử cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 22/10. (Ảnh: Luis Robayo/AFP qua Getty Images)

Khi các quốc gia Mỹ Latinh nghiêng về chủ nghĩa xã hội, chiến thắng của chính trị gia theo chủ nghĩa tự do cánh hữu, ông Javier Milei, trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Argentina có thể cho thấy bối cảnh chính trị đang thay đổi.

Trong vài năm qua, chủ nghĩa xã hội đã giành được vị thế trong các cuộc bầu cử ở các quốc gia Mỹ Latinh. Bolivia, Brazil, Chile, Colombia, Cuba, Honduras, Mexico, Nicaragua, và Venezuela đều có các chính phủ theo xã hội chủ nghĩa.

Tổng thống Guillermo Lasso của Ecuador là ứng cử viên đầu tiên thuộc phái bảo tồn truyền thống đã đắc cử sau hai thập niên. Điều này khiến Ecuador, Uruguay, và Paraguay trở thành những quốc gia duy nhất ở Mỹ Latinh có chính phủ thiên hữu.

Có thể là sau nhiều năm phát triển trì trệ và các vấn đề đặc thù, người dân Mỹ Latinh đang tìm kiếm sự thay đổi. Nhiều quốc gia ở Nam và Trung Mỹ phải gánh chịu nạn tham nhũng, bạo lực, lo ngại về an ninh, bất ổn tiền tệ, lạm phát, nợ cao, và mức sống thấp.

Tình trạng chậm phát triển đã mở ra cơ hội cho chính sách ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc, với việc hầu hết các quốc gia Mỹ Latinh ký kết [tham gia] Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh và hủy bỏ sự công nhận của họ đối với Đài Loan. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Nam Mỹ, và nước này cũng tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng. Ngoài cam kết kinh tế, Trung Quốc đã tăng cường quan hệ quân sự với một số quốc gia Mỹ Latinh bằng cách cấp học bổng và đào tạo cho các thành viên trong lực lượng cảnh sát và quân đội.

Dù có đầu tư từ Trung Quốc, nhưng các vấn đề kinh tế vẫn tồn tại. Trước cuộc bầu cử sơ bộ ở Argentina, 40% dân số nước này sống trong cảnh đói nghèo. Argentina đã bị ảnh hưởng bởi lạm phát 115% và đồng tiền của họ gần như vô giá trị. Tồi tệ hơn, dự trữ ngoại tệ của Argentina đã bị âm khi nước này phải đối mặt với khả năng vỡ nợ do khoản nợ quá lớn của mình.

Argentina có thể vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nhưng các quốc gia phải cam kết thay đổi chính sách kinh tế để đủ điều kiện nhận gói cứu trợ tài chính. Những nỗ lực đáp ứng tiêu chuẩn của IMF đã khiến đồng peso của Argentina mất giá hơn nữa và gia tăng lạm phát. Do đó, khả năng nhận gói cứu trợ của IMF là rất khó.

Tên hiệu trên tòa nhà Quỹ Tiền tệ Quốc tế ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 05/04/2016. (Ảnh: Karen Bleier/AFP qua Getty Images)
Tên hiệu trên tòa nhà Quỹ Tiền tệ Quốc tế ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 05/04/2016. (Ảnh: Karen Bleier/AFP qua Getty Images)

Những vấn đề kinh tế này đang khiến người dân Argentina hướng về phía ông Javier Milei, một người theo chủ nghĩa tự do mà các hãng truyền thông chủ đạo gọi là “cực hữu”. Đảng của ông, Đảng Tiến bộ Tự do, đã chỉ trích “chế độ chính trị này.” Lặp lại khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ Vĩ đại Trở lại” của cựu Tổng thống Donald Trump, đảng của ông kêu gọi tái thiết Argentina. Giống như chiến lược “rút cạn đầm lầy” của Tổng thống Trump, ông Milei muốn thanh trừng chính phủ của “những tên cướp” này.

Ông cũng có kế hoạch làm cho việc sở hữu súng trở nên dễ dàng, sử dụng đồng dollar Mỹ làm tiền tệ chính thức, và giảm biên chế của chính phủ bằng cách loại bỏ các bộ y tế, giáo dục, và môi trường. Các doanh nghiệp quốc doanh sẽ bị đóng cửa hoặc tư nhân hóa. Ông Milei cũng cam kết cắt giảm thuế và bắt đầu thu phí các dịch vụ công cộng như hệ thống chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, ông dự định ban hành một chương trình kiểm soát ngân sách nghiêm ngặt hơn cả các tiêu chuẩn của IMF để đưa tài chính của đất nước đi vào ổn định.

Ông Milei đặt mục tiêu loại bỏ ngân hàng trung ương. Mục tiêu này phù hợp với hai thập niên kinh nghiệm của ông với tư cách là một giáo sư kinh tế, trong thời gian đó ông đã tích hợp trường phái kinh tế Áo với tư tưởng kinh tế truyền thống.

Hầu hết các nhà kinh tế học của Áo và những người theo chủ nghĩa tự do coi ngân hàng trung ương là một cơ quan chính phủ không được bầu và có quá nhiều quyền lực đối với cuộc sống của những công dân bình thường. Họ quy các vấn đề chẳng hạn như lạm phát và biến động kinh tế là do các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang gây ra. Việc ngân hàng trung ương thao túng lãi suất dẫn đến lạm phát và mất giá tiền tệ.

Trong bối cảnh lạm phát và đồng tiền mất giá liên tục, các nhà kinh tế Áo đặt ra câu hỏi: Nếu các tác nhân thị trường được tin cậy để tạo ra mức giá và số lượng tối ưu cho mọi thứ khác trong xã hội, thì tại sao việc phát hành tiền tệ và lãi suất lại phải do chính phủ quy định thay vì do thị trường tự do quyết định? Hệ tư tưởng này là lý do khiến ông Milei nhắm mục tiêu vào ngân hàng trung ương của Argentina.

Những người theo chủ nghĩa tự do và các nhà kinh tế Áo cũng tin vào tự do cá nhân. Phù hợp với giá trị này, ông Milei muốn thông qua luật cho phép những người trưởng thành đồng ý bán nội tạng của họ. Tuy nhiên, ông có kế hoạch tăng cường các hạn chế đối với việc phá thai. Mặc dù điều này có vẻ mâu thuẫn, nhưng những người theo chủ nghĩa tự do và các nhà kinh tế Áo coi việc phá thai là hành vi xâm phạm quyền của thai nhi.

Cuộc tổng tuyển cử của nước này sẽ diễn ra vào tháng Mười năm nay. Hiện chưa rõ liệu ông Milei có chiến thắng hay không, nhưng thành công của ông cho đến nay là bằng chứng cho thấy người dân mong muốn sự thay đổi.

Tuệ Minh biên dịch

Related posts