James R. Gorrie
Vụ phá sản của công ty phát triển bất động sản Evergrande có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế Trung Quốc tại thời điểm hiện nay và trong tương lai gần?
Với việc nhà phát triển bất động sản Evergrande giờ đã chính thức phá sản, điều tồi tệ nhất có phải đã qua? Hay nó chỉ là dấu hiệu của nhiều vụ đổ vỡ hơn nữa trong một nền kinh tế vốn đã mong manh?
Có vẻ như là vế sau.
Đúng vậy, sự thất bại của Evergrande đã được dự đoán từ lâu vì nó đã diễn ra trong hơn một năm qua. Evergrande cũng không phải là công ty phát triển duy nhất của Trung Quốc đang chìm trong khó khăn (không một chút nào). Nhà phát triển bất động sản Country Garden cũng có nguy cơ vỡ nợ, đổ thêm dầu vào ngọn lửa có nguy cơ lây lan.
Sự phụ thuộc không bền vững vào bất động sản
Nhưng sự sụp đổ của Evergrande không đột nhiên xảy ra. Thay vào đó, đó là kết quả của nhiều thập kỷ quản lý kém các yếu tố kinh tế và các chính sách ngu ngốc do các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa ra. Hơn nữa, thất bại của China Evergrande không chỉ là thất bại về kinh tế; nó cũng là một thất bại biểu tượng.
Lĩnh vực phát triển bất động sản chiếm tới 1/3 nền kinh tế Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Sự phát triển của ngành này đã mang lại một mức độ thành công về tài chính và tăng trưởng cho nền kinh tế, thứ mà ĐCSTQ vẫn luôn sử dụng để nắm chắc quyền lực. Xét cho cùng, thỏa thuận giữa ĐCSTQ và người dân Trung Quốc dựa trên một điều đơn giản. ĐCSTQ sẽ cung cấp việc làm, tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế, và đổi lại, người dân Trung Quốc sẽ không can thiệp vào chính trị.
Thật không may, vì bất động sản đã mang lại rất nhiều việc làm, sự giàu có và cải thiện vật chất ở Trung Quốc, ĐCSTQ đã phụ thuộc quá nhiều vào lĩnh vực phát triển bất động sản. Nó đã tài trợ một lượng lớn các dự án phát triển trên khắp Trung Quốc, những dự án không cần thiết và hoàn toàn không mang lại lợi nhuận, lãng phí và chứa đầy những vụ hối lộ, thứ khiến nhiều quan chức Trung Quốc trở thành triệu phú.
Vào những năm 2010, Trung Quốc đã xây dựng những thành phố hoàn chỉnh, cùng với trung tâm thành phố, tòa nhà văn phòng, chung cư, cửa hàng, trung tâm thương mại, hệ thống tàu điện ngầm, công viên, v.v. Chúng có thể không bao giờ được sử dụng. Số lượng những “thành phố ma” này, như cách chúng được gọi, lên tới hàng trăm và thậm chí hàng nghìn, với đủ số căn hộ để chứa toàn bộ dân số của Vương quốc Anh.
Tất nhiên, việc đặt gần một phần ba nền kinh tế vào tay một lĩnh vực phụ thuộc chủ yếu vào nợ nần và chứa đầy tham nhũng là không bền vững.
Hơn nữa, vì ĐCSTQ đã tài trợ cho rất nhiều dự án khổng lồ mà không có nhu cầu thực sự hoặc tính hợp lý về kinh tế, nên việc phân bổ lao động và vật liệu một cách hiệu quả chưa bao giờ là ưu tiên hàng đầu.
Các câu hỏi mà ĐCSTQ đặt ra liên quan đến phát triển bất động sản thường không phải là về tác động kinh tế thực sự hay tính bền vững. Thay vào đó, các mối quan tâm chính là về lòng trung thành với đảng, những đảng viên nào cần được đền đáp từ dự án để các khoản vay được phê duyệt, số tiền có thể kiếm được và việc duy trì liên kết chính trị với cấp trên.
Tất nhiên, ưu tiên chính trị của các quan chức ĐCSTQ cũng là giữ cho người dân có việc làm, trong lúc các quan chức đang làm giàu cho chính mình. Kết quả là, các nguồn lực tài chính và vật chất bị lãng phí cho các dự án này đã tăng lên đến mức không thể đo lường được, cũng như mức nợ được sử dụng để tài trợ cho chúng.
Ngoài ra, hãy nhớ rằng khoản nợ dùng để thanh toán cho các dự án phát triển như vậy thường không bao giờ được chính dự án trả hết mà thay vào đó chỉ chuyển thành các khoản vay lớn hơn trong các phương tiện tài trợ của chính quyền địa phương, sau đó thường được xử lý bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC). Chúng ngày càng phình to.
Chỉ là sự khởi đầu
Nhưng cho dù các nhà lãnh đạo có cố gắng đưa ra lời ngụy biện nào, điều đó cũng không làm giảm bớt tác động hoặc tầm quan trọng của sự sụp đổ của Evergrande – một thảm họa kinh tế. Các hiệu ứng lan toả đã diễn ra trong nền kinh tế trong nhiều tháng và có khả năng gia tăng, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đã chao đảo ít nhất kể từ năm 2020 với các biện pháp phong toả không khoan nhượng, hà khắc do dịch bệnh COVID của ĐCSTQ, thậm chí còn sớm hơn do các lệnh trừng phạt của Mỹ và thuế quan.
Ngày nay, Evergrande không phải là công ty duy nhất phá sản ở Trung Quốc. Những lý tưởng và sự đáng tin cậy của ban lãnh đạo ĐCSTQ cũng đã phá sản. Sự sụp đổ của Evergrande gửi một tín hiệu rõ ràng đến người dân Trung Quốc rằng các nhà lãnh đạo đảng không thể đưa đất nước đi đến thịnh vượng, hoặc thậm chí duy trì đất nước một khi đất nước đã đạt được điều đó với sự hỗ trợ to lớn của các quốc gia phương Tây bằng tiền bạc, công nghệ và bí quyết của họ. Ngay cả các nhà quản lý danh mục đầu tư ở Trung Quốc cũng đang chuẩn bị các khách hàng của họ để đối mặt với những tin tức xấu hơn.
Tương lai vô vọng
Sự thất bại của ĐCSTQ ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
Kỳ vọng tăng trưởng đã bị hạ xuống – một lần nữa – trong năm nay và không có kỳ vọng cải thiện vào năm 2024. Đầu tư nước ngoài cũng giảm, thị trường nhà đất đang cho thấy sự yếu kém và tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tệ đến mức nhà nước không công bố báo cáo. Vào tháng 6 năm nay, con số này là hơn 20%, đây chắc chắn là một mức đánh giá thấp so với thực tế. Trên thực tế, nó có thể cao tới 50%.
Những người trẻ tuổi, tương lai của Trung Quốc theo mọi nghĩa, không bị choáng ngợp như cha mẹ họ trước một nền kinh tế đang phát triển. Ngược lại, họ vỡ mộng. Hơn nữa, khuyến nghị rỗng tuếch của Tập Cận Bình rằng thanh niên thất nghiệp nên học cách “ăn đắng nuốt cay” đang bị bỏ ngoài tai, cũng giống như những bài rao giảng chính trị kiểu Mao của ông, vốn bị chính những tâm hồn trẻ tuổi bất mãn bác bỏ.
Khoảnh khắc “cho người trẻ ăn bánh đắng” của ông Tập là chủ nghĩa tinh hoa độc hại và hoàn toàn là cách để ông Tập đổ lỗi và quy trách nhiệm lên thế hệ trẻ cho những thất bại sâu sắc của mình với tư cách là nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, và họ biết điều đó.
Tất cả những gì họ thấy là sự thất bại, vô vọng và tương lai của họ bị hủy hoại khi phần còn lại của nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục sụp đổ. Họ không muốn có con, không tin vào ĐCSTQ và không tin vào ông Tập.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch
Tác giả James R. Gorrie sống tại Nam California. Ông là tác giả của cuốn sách The China Crisis (Cuộc khủng hoảng Trung Quốc) và nhiều bài đăng trên blog: TheBananaRepublican.com.