Bác sỹ gợi ý ‘cho vui vẻ’ mới cấp thuốc ung thư bị đình chỉ công tác
Nam bác sĩ N.Q.C. ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM bị một cô gái trẻ tố cáo gợi ý ‘cho vui vẻ’ mới cung cấp thuốc trị ung thư.
BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với bác sỹ N.Q.C (công tác tại Khoa Y học hạt nhân).
Theo ông Dũng, bác sỹ C. tạm thời sẽ được chuyển về phòng tổ chức, làm tường trình rõ sự việc.
Bác sĩ C. trước đó bị chị T.T.K.T. (SN 2002, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) tố cáo đã lợi dụng sự quẫn bách cần thuốc điều trị ung thư cho mẹ chị để gợi ý “vui vẻ” và có hành vi xâm hại tình dục chị tại một địa chỉ ở quận Tân Bình.
Chị T. khẳng định khi tố cáo hành vi của bác sỹ C. không vì mục đích đòi hỏi bất cứ điều gì cho cá nhân. Chị T. muốn tố giác để các trường hợp khác cảnh giác không rơi vào hoàn cảnh như chị.
Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khẳng định bác sĩ C. không phải là bác sĩ trực tiếp điều trị cho mẹ của chị K.T.. Việc liên hệ giữa người nhà và bác sĩ C. cũng từ các mối quan hệ bên ngoài, không liên quan đến quá trình điều trị tại bệnh viện.
“Lợi dụng nỗi đau của thân nhân và người bệnh để làm việc này là hành vi đáng lên án. Nếu có sự việc, thì xử lý để cảnh báo, cảnh tỉnh chính bác sĩ này và để các bác sĩ khác trong bệnh viện lưu ý”, ông Dũng nói.
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cũng đã làm việc với ông C., yêu cầu giải trình các nội dung phản ánh trong đơn.
Tuy nhiên, ông N.Q.C. không thừa nhận hành vi xâm hại tình dục, chỉ thừa nhận có tư vấn và cho tặng thuốc (tại nhà của ông N.Q.C.).
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết do nội dung phản ánh liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, tạo làn sóng bức xúc và phẫn nộ trong toàn ngành, do đó yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Ung bướu xem xét tạm thời ngưng công tác chuyên môn của bác sĩ N.Q.C. tại bệnh viện để tập trung giải trình.
Phạm Toàn
Trưởng nhóm ‘Bông hồng đen’ bị xử phạt 7,5 triệu đồng
Bà Đinh Thị Út (SN 1971), Trưởng nhóm Bông hồng đen, bị phạt 7,5 triệu đồng, vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Quyết định trên vừa được Thanh tra Sở Y tế Hải Phòng đưa ra sau khi có kết quả làm việc và kiểm tra của Sở với nhóm Bông hồng đen và một số học sinh cư trú tại quận Đồ Sơn.
Theo Sở Y tế, nhóm “Bông hồng đen” gồm 5 thành viên có cùng mong muốn hỗ trợ cộng đồng trong công tác phòng chống HIV, nhóm tự phát, không có quyết định thành lập hội, nhóm, không có đăng ký kinh doanh.
Thời gian qua, một số học sinh tại quận Đồ Sơn đến tham gia những buổi tư vấn phòng chống HIV của nhóm, được nhận 50.000 – 100.000 đồng/buổi.
Tuy nhiên, các em bị lấy dấu vân tay, thông tin cá nhân, lấy máu xét nghiệm HIV (kết quả âm tính) mà chưa được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của người đó.
Sở Y tế cũng cho biết tại thời điểm lấy máu xét nghiệm, có em chưa đủ 15 tuổi. Tuy nhiên, có trường hợp học sinh đã khai sai thông tin cá nhân về tuổi, địa chỉ.
Liên quan đến sự việc này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết nhóm Bông hồng đen triển khai cung cấp một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng là “phù hợp với chủ trương đã nêu tại Chiến lược quốc gia về chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Quá trình xét nghiệm HIV tại cộng đồng cũng không có nguy cơ làm lây nhiễm HIV từ người xét nghiệm sang người được xét nghiệm”.
Thông tin về độ tuổi người được xét nghiệm có thể không đảm bảo tính chính xác do người tham gia xét nghiệm tự thông báo về tuổi và không xuất trình các giấy tờ cá nhân trong quá trình thực hiện.
Về kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc HIV, nhóm Bông hồng đen thực hiện theo 2 cách là sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh lấy máu đầu ngón tay và sử dụng sinh phẩm tự xét nghiệm bằng dịch miệng.
Đây là hai kỹ thuật xét nghiệm đã được WHO khuyến nghị làm xét nghiệm tại cộng đồng bao gồm xét nghiệm không chuyên và tự xét nghiệm.
Bộ Y tế cũng đã ban hành Hướng dẫn xét nghiệm tại cộng đồng và Hướng dẫn các kỹ thuật xét nghiệm HIV, trong đó cho phép sử dụng hai kỹ thuật này để thực hiện xét nghiệm sàng lọc tại cộng đồng, do quá trình thực hiện đơn giản, đảm bảo không gây lây nhiễm.
Bộ Y tế nhận định các tổ chức cộng đồng đóng vai trò rất lớn trong việc tìm ca nhiễm mới HIV, giúp kiểm soát dịch HIV tại Việt Nam.
Theo báo cáo của các địa phương từ năm 2019 đến nay, các nhóm cộng đồng đã đóng góp xét nghiệm HIV và phát hiện khoảng 30-50% tổng số ca phát hiện mới hằng năm. Ở các tỉnh trọng điểm về HIV, mức đóng góp của các tổ chức này là cao hơn, lên tới 50-70%.
Ngoài ra, các tổ chức cộng đồng cũng trực tiếp cung cấp các dịch vụ phòng, chống khác can thiệp giảm hại (cấp phát và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch, bao cao su, chất bôi trơn) và giới thiệu người đến cơ sở y tế để nhận dịch vụ điều trị dự phòng lây nhiễm HIV (PrEP) hoặc điều trị ARV nếu người đó bị nhiễm HIV…
Minh Long
Lừa bán phụ nữ sang Trung Quốc, 6 người bị đề nghị truy tố
Các bị can đã tổ chức đường dây lừa bán 11 phụ nữ sang Trung Quốc để hưởng lợi. Trong số những nạn nhân, có người chưa đủ 16 tuổi, có người đang mắc bệnh lý tâm thần, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Ngày 23/8, thông tin từ Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu cho hay cơ quan này vừa kết thúc điều tra và chuyển Viện KSND tỉnh này đề nghị truy tố 6 bị can trong đường dây dụ dỗ, tổ chức đưa 11 phụ nữ Việt Nam sang bán cho người Trung Quốc.
Các bị can gồm:
Lương Thị Hải (SN 1992, ngụ xã Quang Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) bị đề nghị truy tố về các hành vi Mua bán người, Mua bán người dưới 16 tuổi, Cưỡng đoạt tài sản, Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép;
– Phạm Thị Tú (SN 1962, ngụ xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) bị đề nghị truy tố về hành vi Mua bán người, Mua bán người dưới 16 tuổi, Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép;
– Nguyễn Thị Ngọc Hà (SN 1978, ngụ huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng) bị đề nghị truy tố về hành vi Mua bán người dưới 16 tuổi;
– Huỳnh Mộng Linh (SN 1978, ngụ xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu); Thạch Thị Thu Nga (SN 1978, ngụ xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu); – Nguyễn Thị Tuyền (SN 1993, ngụ xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) cùng bị truy tố về hành vi Mua bán người
Kết luận điều tra của cơ quan chức năng cho thấy vào năm 2015, bị can Hải xuất cảnh sang Trung Quốc đi làm thuê và sau đó lấy chồng, sinh sống tại tỉnh Hà Nam.
Trong quá trình sinh sống tại đây, Hải biết nhiều đàn ông Trung Quốc có nhu cầu lấy vợ người Việt Nam nên đã cùng chồng câu kết với nhiều người tìm kiếm, đưa phụ nữ Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc gả bán thông qua hình thức môi giới hôn nhân để thu lợi bất chính.
Năm 2018, thông qua các trang mạng xã hội về việc mai mối phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc, Hải quen biết với bị can Tú, Hậu, Linh.
Các bị can này đã cấu kết với nhau tìm kiếm phụ nữ tại nhiều tỉnh, thành ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh lân cận có nhu cầu tìm việc làm hoặc lấy chồng Trung Quốc để dụ dỗ thuyết phục đưa sang Trung Quốc.
Phạm Thị Tú là người trực tiếp hoặc thông qua nhiều người khác tìm kiếm phụ nữ. Những người đồng ý thì được tú chụp hình ảnh, giấy CMND rồi gửi cho Hải.
Nhận được thông tin từ Tú, Hải liên hệ, gửi thông tin những người phụ nữ Việt Nam cho một số người ở khu vực biên giới để thuê họ đưa sang Trung Quốc theo đường mòn, lối mở qua biên giới các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng với chi phí 40 triệu đồng đồng/người.
Khi Hải thông báo thời gian, Tú sẽ đưa những người phụ nữ đến sân bay Cần Thơ hoặc sân bay Tân Sơn Nhất để đưa ra Hà Nội, rồi tiếp tục đưa sang Trung Quốc.
Sau đó, những phụ nữ Việt Nam được đưa đến một khách sạn ở tỉnh Hà Nam hoặc được đưa đến nhà của bị can Hậu cũng ở tỉnh Hà Nam. Vợ chồng Hải trông coi, tìm người mai mối bán cho đàn ông Trung Quốc, với tiền chi phí từ 10 – 12 triệu đồng/người. Người nào không đồng ý thì bị đánh đập, hăm dọa, ép buộc phải đồng ý lấy chồng.
Những phụ nữ đồng ý lấy chồng Trung Quốc, tùy thuộc vào độ tuổi, ngoại hình từng phụ nữ, những người đàn ông Trung Quốc phải trả cho vợ chồng Hải từ 200 – 400 triệu đồng/người.
Sau đó Hải chuyển tiền về Việt Nam cho Tú từ 140 – 160 triệu đồng/người. Khi nhận được tiền, Tú đưa cho người thân của nạn nhân từ 20 – 100 triệu đồng như đã thỏa thuận, số còn lại Tú hưởng lợi bất chính.
Sau khi trừ đi tất cả các chi phí, bị can Hải cùng chồng hưởng lợi số tiền từ 80 – 100 triệu đồng/người.
Nhiều phụ nữ Việt Nam sau khi lấy chồng bị ngược đãi, đánh đập, đòi về Việt Nam thì các bị can trên buộc người thân phải trả lại toàn bộ số tiền đã nhận trước đó và chi phí để đưa nạn nhân nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam.
Một số nạn nhân sau khi qua Trung Quốc bỏ trốn thì bị Hải và Hậu bắt lại, yêu cầu người thân của những người này phải đưa cho các bị can một số tiền nhất định rồi mới cho những người này đi.
Từ năm 2018 – 2021, các bị can đã đưa xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc nhiều phụ nữ Việt Nam, bán cho đàn ông Trung Quốc thông qua hình thức môi giới hôn nhân và tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép để thu lợi bất chính, cũng như cưỡng đoạt tài sản của người khác.
Công an tỉnh Bạc Liêu xác định từ năm 2019 – 2022, với vai trò chủ mưu, cầm đầu, Hải và Tú đã câu kết chặt chẽ với các bị can trên tìm kiếm, dụ dỗ và tổ chức đưa 11 phụ nữ Việt Nam gả bán cho người Trung Quốc để thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Thậm chí, trong số các nạn nhân, có người chưa đủ 16 tuổi, có nạn nhân là người có bệnh lý tâm thần, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Thạch Lam
Cặp vợ chồng điều hành đường dây buôn ma túy từ Điện Biên về Hà Nội tiêu thụ
Bằng những thủ đoạn hoạt động rất tinh vi, cặp vợ chồng ở Hà Nội câu kết với những người khác vận chuyển ma túy từ Điện Biên về Hà Nội tiêu thụ.
Ngày 23/8, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an TP. Hà Nội cho hay vừa phá vụ án ma túy, bắt giữ hai vợ chồng Lâm Quốc Huy (SN 1968) và Lê Thị Bích Hạnh (SN 1972, cùng trú tại số 40 ngách 75/281, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) cùng một số người khác có liên quan.
Theo điều tra của cơ quan công an, khoảng 9h ngày 2/6, trong lúc làm nhiệm vụ tại khu vực ngõ 37 phố Hồng Mai, thuộc địa phận phường Bạch Mai, tổ công tác đã phát hiện và bắt giữ Phạm Hùng Vương (SN 1964, trú tại tập thể Mai Hương, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Tang vật bị thu giữ gồm: 1,930 gam heroin, 500.000 đồng và một số đồ vật, tài sản có liên quan.
Tại nhà Vương ngay thời điểm khám xét, có mặt 2 vợ chồng Lâm Quốc Huy và Lê Thị Bích Hạnh. Tổ công tác đã mời luôn cả hai người về trụ sở để xác minh vụ việc.
Tại cơ quan công an, hai vợ chồng khai nhận đã câu kết với Nguyễn Thị Thu Hương (SN 1970, trú tại phường Văn Miếu, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) vận chuyển ma túy từ Điện Biên về Hà Nội tiêu thụ.
Cơ quan CSĐT đã khám xét khẩn cấp chỗ ở của Huy, phát hiện và thu giữ tang vật gồm: 1 bánh heroin và 7 túi nilon đựng heroin, tổng khối lượng là 591,79 gam; 1 cân điện tử dính ma túy; 34 triệu đồng cùng một số đồ vật, tài sản có liên quan.
Tiếp tục, Cơ quan CSĐT cũng khám xét khẩn cấp chỗ ở của Hương, phát hiện và thu giữ 1,62 gam heroin; 1,3 triệu đồng cùng một số đồ vật, tài sản có liên quan.
Lực lượng chức năng nhận định để đối phó với cơ quan chức năng, nhóm này dùng nhiều thủ đoạn hoạt động rất tinh vi.
Hạnh là người thường xuyên đi Điện Biên để đặt ma túy nhưng không trực tiếp vận chuyển ma túy mà thuê một người nghiện ma túy từ Hà Nội đi cùng lên Điện Biên để nhận hàng mang về điểm hẹn, sau đó bàn giao cho Huy.
Để tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng, mỗi lần giao dịch ma túy, Hạnh thuê nhiều người khác nhau và liên tục thay đổi phương tiện di chuyển.
Trong chuyên án này, tổng số vật chứng thu giữ liên quan đến các đối tượng gồm: 595,34 gram heroin; 1 cân điện tử dính heroin; 35,8 triệu đồng cùng một số đồ vật, tài sản có liên quan.
Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra.
Ngọc Mai