Một số yếu tố đang khiến nền kinh tế ban đêm của Hong Kong mất đi tính sôi động.
Hong Kong từng nổi tiếng với “nền kinh tế ban đêm” đầy sôi động, và có biệt danh là “Thành phố không bao giờ ngủ”. Tuy nhiên, sau 3 năm xảy ra đại dịch, trong khi các lĩnh vực khác nhau dần trở lại bình thường như trước đại dịch, “nền kinh tế ban đêm” của Hong Kong vẫn chưa được hồi sinh. Ngành công nghiệp quán bar báo cáo hoạt động kinh doanh giảm 20% so với thời kỳ đại dịch, xếp sau các cơ sở ăn uống khác. Ngoài ra, những thay đổi trong cách chi tiêu của khách du lịch Trung Quốc đại lục, lượng khách qua đêm giảm và sự cạnh tranh gia tăng từ các khu vực lân cận đều góp phần vào tình hình mờ nhạt của “nền kinh tế ban đêm” của Hong Kong.
Thuật ngữ “kinh tế ban đêm” dùng để chỉ các hoạt động kinh tế chủ yếu có sự tham gia của người dân và khách du lịch và diễn ra trong khoảng thời gian từ 6 giờ chiều tới 6 giờ sáng ngày hôm sau, bao gồm nhiều hoạt động kinh doanh như ăn uống, quán bar giải trí, mua sắm, thể dục, phim ảnh, hòa nhạc, các hoạt động văn hóa và giải trí khác nhau, các quầy bán hàng ở chợ đêm và biểu diễn đường phố. Cuộc sống về đêm đầy màu sắc này tượng trưng cho sức sống và tính thời thượng ở các thành phố lớn và là một yếu tố thu hút khách du lịch đáng kể. Gần một nửa lượng chi tiêu ở nhiều thành phố lớn diễn ra vào ban đêm, và người ta tin rằng tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn ở Macau.
Cạnh tranh gay gắt
Nhiều thành phố ở châu Á đã phát triển “nền kinh tế ban đêm” và nhiều khu vực đã nỗ lực rất nhiều để thu hút khách du lịch quay trở lại thành phố của họ sau thời gian cách ly. Ví dụ như Đài Bắc đã có nền kinh tế chợ đêm trong nhiều năm. Tuy nhiên, chính quyền thành phố Đài Bắc đang tìm cách biến các địa điểm ăn uống và giải trí truyền thống này thành một nền tảng sáng tạo để giới thiệu văn hóa và nghệ thuật. Ngay cả các thành phố của Trung Quốc cũng đang mở các quầy hàng ven đường để thúc đẩy tiêu dùng sau đại dịch. Kể từ tháng 9, thành phố Thâm Quyến đã hồi sinh chợ đêm bằng cách chỉ định địa điểm cho các quầy hàng hoạt động dựa trên nguyên tắc “thuận tiện cho công chúng, bố trí hợp lý và giám sát có trật tự”.
Trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các khu vực lân cận, mặc dù chính quyền Hong Kong nhấn mạnh tiêu dùng tư nhân và thương mại dịch vụ là “hai đầu tàu” thúc đẩy tăng trưởng trong nửa cuối năm nay, tiêu dùng cá nhân vẫn chậm lại, giảm từ mức tăng trưởng 13% trong quý đầu tiên xuống 8,5% trong quý thứ hai. Thật vậy, các chính sách trong thời kỳ đại dịch đã thay đổi thói quen của người dân Hong Kong, khiến họ giảm bớt việc đi chơi và chi tiêu vào ban đêm. Hơn nữa, khi kỳ nghỉ hè đang đến gần, nhiều người dân mong muốn đi du lịch nước ngoài tới các điểm đến như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Điều này càng làm suy yếu “nền kinh tế ban đêm” của Hong Kong.
Ngay cả khi khách du lịch Trung Quốc đại lục đến thăm Hong Kong, việc thiếu các điểm tham quan ban đêm sáng tạo ngoài những điểm nổi bật truyền thống như “Bản giao hưởng ánh sáng” ở Tsim Sha Tsui (Tiêm Sa Chủy) và Chợ đêm Phố Temple đồng nghĩa với việc khách du lịch có xu hướng chỉ tham quan trong ngày rồi trở về và tránh ở lại qua đêm. Khi việc lưu trú qua đêm không được khuyến khích, điều đó trực tiếp làm giảm cơ hội tiêu tiền của họ ở Hong Kong, càng làm tổn hại đến “nền kinh tế ban đêm” của thành phố.
Các cửa hàng đóng cửa sớm, đường phố vắng lặng
Các khu vực từng nhộn nhịp, chẳng hạn như khu du lịch Vịnh Causeway và Mong Kok, giờ đây chứng kiến hầu hết các cửa hàng đóng cửa trước 8 giờ tối và các nhà hàng ngừng nhận yêu cầu từ 9 giờ 30 tối. Đường phố trở nên yên tĩnh vào lúc 10 giờ tối, các doanh nghiệp đổ xô đóng cửa sớm do lượng khách hàng ngày càng giảm. Với ít khách hàng hơn, các chủ cửa hàng phải vật lộn với giá thuê và chi phí lao động cao, dẫn đến việc đóng cửa sớm và cắt giảm ca làm việc của nhân viên, tạo ra một vòng luẩn quẩn.
Ngoài ra, Hong Kong hiện thiếu các sự kiện văn hóa, giải trí quy mô lớn. Ngay cả những ngôi sao quốc tế như Taylor Swift cũng đã chọn tổ chức các buổi hòa nhạc trong chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới của họ ở các thành phố châu Á khác như ở Nhật Bản và Singapore, khiến Hong Kong, được mệnh danh là “thủ đô sự kiện”, bị loại ra khỏi các điểm đến lưu diễn của họ, dẫn đến khả năng thiệt hại hàng triệu USD.
Trong khi có một số đề xuất phục hồi chợ đêm để thu hút khách du lịch, điều đáng chú ý là Hong Kong đã cố gắng mở lại “Sheung Wan Gala Point” vào tháng 09/2002, với hơn 300 gian hàng. Tuy nhiên, cuối cùng số lượng đã giảm xuống chỉ còn hơn 20 gian hàng trong vòng một năm do lượng người qua lại kém và các vấn đề vận hành. Thành viên Hội đồng Lập pháp khi đó là Li Cheuk-yan (ông Lý Trác Nhân) đã chỉ ra rằng những nỗ lực của chính phủ nhằm kích thích nền kinh tế địa phương đã có một khởi đầu đầy hứa hẹn nhưng thiếu sự theo dõi sau đó, và việc phục hồi sự phát triển của “nền kinh tế ban đêm” đòi hỏi nhiều thứ hơn là chỉ đơn giản lặp lại các chiến lược của quá khứ.
Một yếu tố xã hội nội tại thách thức sự hồi sinh của “nền kinh tế ban đêm” là dòng dân cư liên tục rời đi. Từ năm 2020 đến năm 2022, Hong Kong đã mất đi tổng số 187.300 người và sự trở lại bất ngờ được công bố gần đây của “dân số di động” đã không giúp ích gì cho vận mệnh của thành phố. Trong sự sụt giảm dân số, nhóm tuổi 20-24, vốn nổi tiếng với sở thích sống về đêm, có mức giảm đáng kể nhất. Một thập kỷ trước, dân số từ 15 đến 39 tuổi đã vượt quá 2,5 triệu người, nhưng số liệu mới nhất (tính đến tháng 6 năm nay) đã giảm xuống dưới 2,1 triệu người, giảm hơn 400.000 người. Từ một góc độ khác, khi dân số Hong Kong già đi, số lượng cư dân từ 65 tuổi trở lên ước tính sẽ tăng từ 1,45 triệu trong năm qua lên 2,74 triệu vào năm 2046, làm dấy lên mối lo ngại về sự phát triển của “nền kinh tế ban đêm”.
Thành công của London
“Kinh tế ban đêm” có tiềm năng to lớn nếu được quy hoạch và phát triển phù hợp. Theo dữ liệu từ “Báo cáo kinh tế ban đêm năm 2023” của Vương quốc Anh, “nền kinh tế ban đêm” đã tạo ra hơn 1,66 triệu vị trí việc làm ban đêm vào năm 2011, con số này đã tăng lên 1,95 triệu vào năm 2019. Mặc dù có thời điểm nó giảm 8% trong thời kỳ đại dịch, bây giờ nó đã gần như hồi phục hoàn toàn.
Ngay cả trong năm 2021 đầy thử thách, “nền kinh tế ban đêm” của Vương quốc Anh vẫn ở mức đáng kể, với quy mô tổng thể khoảng 93,7 GBP (tỷ bảng Anh) (khoảng 119,5 tỷ USD), chiếm khoảng 4,1% GDP của cả nước (giảm từ mức 5,1% vào năm 2019) . Theo báo cáo nghiên cứu của Ernst & Young, riêng trung tâm tài chính London đóng góp gần 40% doanh thu “nền kinh tế ban đêm” của Vương quốc Anh.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch