Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải gánh vác trọng trách an ninh lương thực của cả nước khi cung cấp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, “nồi cơm” của cả nước đang vơi đi mỗi ngày. Sạt lở không những làm xói mòn đất, nó đang khiến kinh tế của ĐBSCL bị “bào mòn”.
Hà bá nuốt chửng nhiều căn nhà
Thời gian vừa qua, tình hình sạt lở tại các tỉnh miền Tây trở nên vô cùng phức tạp và đang đe dọa đến cuộc sống của người dân địa phương. Chưa tính từ đầu năm, trong tháng 5 và tháng 6/2023 đã có rất nhiều vụ sạt lở xảy ra.
Tại Cần Thơ, vụ sạt lở xảy ra lúc 2h ngày 8/5 làm 10 căn nhà bị ảnh hưởng, ước tính thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng. Hiện trường sạt lở thuộc bờ sông thuộc xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền
Tại Đồng Tháp, vào ngày 12/5, vụ sạt lở trên tuyến bờ Tây kênh Cần Lố, đoạn chợ Nhị Mỹ thuộc xã Nhị Mỹ (huyện Cao Lãnh) dài 30m, sâu vào bờ từ 4-5m, uy hiếp năm căn nhà của người dân; 135 m2 đất tại khu vực sạt lở bị rơi xuống kênh, gây ảnh hưởng đến việc lưu thông vì mặt đường bờ Tây kênh Cần Lố chỉ còn rộng hơn 1m.
Tại Hậu Giang, trong đêm 20/5 và sáng 21/5 đã xảy ra ba vụ sạt lở tại huyện Châu Thành, làm mất hàng trăm m2 đất, chia cắt đường giao thông nông thôn. Vụ sạt lở xảy ra vào lúc 2 giờ ngày 21/5 ở kênh Mái Dầm, ấp Phú Trí B1, xã Phú Hữu, chiều dài sạt lở 20m, sâu vào bờ nơi rộng nhất khoảng 7m, diện tích đất bị mất khoảng 140m2.
Tối 1/6, một vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra tại địa bàn ấp Phụng An, xã Song Phụng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, khu vực này xảy ra sạt lở 1 đoạn bờ sông Rạch Mọp với chiều dài 70m. Vụ sạt lở lấn sâu vào bờ khoảng 23m, gậy thiệt hại đến tuyến ống dẫn nước sinh hoạt, đường dây điện, ảnh hưởng đến lưu thông đi lại và sản xuất của người dân.
Tại Long An, rạng sáng 9/6, một dãy nhà dài khoảng 30m xây dựng kiên cố ven sông Cần Giuộc (tỉnh Long An) bị kéo sụp xuống dòng nước.
Vụ sạt lở bờ sông Trà Ôn đoạn qua ấp Tích Lộc, xã Tích Thiện (Trà Ôn, Vĩnh Long) xảy ra đêm 15/6, nhấn chìm 4 ngôi nhà. Khu vực sạt lở dài 80m, lấn vào bờ 4 – 6m.
Tại An Giang, toàn tỉnh xảy ra 44 điểm sạt lở, sụt lún, rạn nứt đất bờ sông, kênh, rạch, với tổng chiều dài 2.188m (huyện đầu nguồn An Phú 17 điểm, 887m; các huyện Chợ Mới 10 điểm, 455m; Tri Tôn 3 điểm, 185m; Châu Phú 2 điểm, 45m; Thoại Sơn 1 điểm, 31m; TP. Long Xuyên 6 điểm, 351m; TX. Tân Châu 5 điểm), ảnh hưởng 79 căn nhà. Tính đến đầu tháng 7/2023, con số sạt lở, sụt lún đất bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn An Giang đã là 53 vụ, ảnh hưởng trực tiếp đến 87 căn nhà cần di dời khẩn cấp. Đây là con số đáng báo động.
Tại Cà Mau, huyện Đầm Dơi trở thành “điểm nóng” sạt lở của tỉnh. Trên địa bàn huyện đã có đến 39 vụ sạt lở đất ven sông, làm hư hỏng hoàn toàn 76m kè bê tông, 10 nhà dân, hơn 860m lộ nông thôn…
Ảnh hưởng kinh tế khó lường
Theo thống kê chưa đầy đủ, ĐBSCL có gần 500.000 hộ dân cần di dời để tránh sạt lở, trong đó hàng chục nghìn căn thuộc diện khẩn cấp. Từ năm 2015 đến nay, chính quyền mới tái định cư được khoảng 4% – hơn 21.606 hộ với tổng kinh phí 1.773 tỷ đồng.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Hậu Giang cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 23 điểm sạt lở, với tổng chiều dài hơn 500m; diện tích mất đất gần 2.600m2; ước thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Trường Ca – Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, vụ sạt lở tại ấp Mỹ Phước làm ảnh hưởng 7 căn nhà với chiều dài 50m, thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, riêng trong 7 tháng năm 2023, tổng thiệt hại do thiên tai xảy ra gần 68 tỷ đồng; trong đó toàn tỉnh đã xảy ra 98 điểm sạt lở, tăng 61 điểm so với cùng kỳ, làm mất 3.071m bờ sông, tăng 1.773m ước thiệt hại do sạt lở và sụt lún là 8,4 tỷ đồng.
Các địa phương vì thiếu kinh phí, thiếu quỹ đất, như An Giang đã nhiều năm xin Trung ương trợ cấp 1.400 tỷ đồng để di dời khẩn cấp 5.300 hộ. Trong tương lai xa là khoảng 20.000 hộ, tức cần khoảng 7.000 tỷ đồng, tương đương mức thu nội địa năm 2022 của tỉnh.
“Ở một lưu vực sông lớn như Mekong, mọi thứ đều được liên kết với nhau. Mất mát của lĩnh vực này, có thể lan tỏa sang nhiều ngành khác”, ông Marc Goichot, Quản lý Chương trình nước ngọt của WWF Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nói.
Theo chuyên gia này, tất cả ngành kinh tế đều phần nào phụ thuộc vào dòng sông. Lòng sông bị đào sâu ảnh hưởng đến nông nghiệp, thủy sản, chất lượng nước và cả cơ sở hạ tầng. Giảm phù sa, hay cát và sỏi cũng gây ra xói lở bờ sông, dẫn đến mất đất, sập nhà, sạt lở cơ sở hạ tầng.
Nguyên nhân thực sự của các vụ sạt lở
Sạt lở bờ sông giờ đây diễn ra ở khắp mọi nơi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và không còn tuân theo quy luật bên lở bên bồi. Tác động thời tiết chỉ là yếu tố nhỏ.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng hiện nay đáy sông Tiền và sông Hậu, hai con sông chính đã sâu hơn 3 – 4m so với thời điểm cách đây từ 20 đến 30 năm. Khi mà lòng sông sâu xuống thì đồng nghĩa với việc bờ sông cao lên và nặng hơn, mái cũng dốc hơn, dễ dàng đổ sụp xuống.
Việc khai thác cát ở bất cứ chỗ nào ở đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn vùng đồng bằng bởi sông có cơ chế là tái phân phối đáy. Nếu cát bị khai thác thành một hố sâu, thì cát ở nơi khác sẽ chảy về lấp lại làm bề mặt đáy sông ngày càng thấp hơn. Khi dòng chính sâu thì sẽ rút cát từ đáy sông nhánh, cũng rút dần vào mạng lưới kênh nhỏ hơn khiến cho sạt lở lan ra khắp đồng bằng. Những vùng dù không khai thác cát cũng bị sạt lở.
Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập hệ sinh thái vùng ĐBSCL, đặc điểm của sạt lở bờ sông của các tỉnh miền Tây là “ăn” đứt chân bờ, nhiều khi người dân sống bên trên không hay biết gì.
“Sạt lở thường diễn ra ở cuối mùa khô và đầu mùa mưa, bởi vì trong mùa khô thì mực nước của sông Mê Kông thấp. Như vậy so với bờ cao và nặng, chảy qua suốt mùa khô sẽ khiến bờ bị mỏi và đặc biệt khi dưới chân đã bị “đứt” rồi đến cuối mùa khô không còn chịu nổi”, thạc sĩ Thiện cho biết.
Tỷ trọng đầu tư không tương xứng
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giữ vị thế hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và trong giao thương với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Vùng có diện tích tự nhiên 39.734 km2 chiếm 12,2% diện tích cả nước; dân số khoảng 18 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước.
Đây là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước; đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp và hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu; đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.
Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư cho ĐBSCL hiện còn hạn chế. Tỷ trọng vốn đầu tư của ĐBSCL thấp, nguồn lực đầu tư công cũng “bỏ quên” ĐBSCL nhiều năm, đặc biệt trong xây dựng hạ tầng giao thông. Hệ quả là đường bộ nội vùng, cũng như kết nối liên vùng rất yếu kém, do vậy không hấp dẫn các nhà đầu tư.
Mật độ doanh nghiệp tại ĐBSCL năm 2021 chỉ là 3,53 doanh nghiệp trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động, trong khi bình quân cả nước là 8,32 doanh nghiệp. Vì thế, ĐBSCL là khu vực thu hút đầu tư nước ngoài thấp nhất nước.
Về mặt môi trường, các công trình thủy điện thượng nguồn làm giảm đáng kể lượng phù sa và cát do bị các hồ chứa giữ lại. Hệ quả là gây ra sạt lở bờ sông và làm đất bạc màu, nước mặn từ biển tràn vào làm hơn một nửa diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn gây suy giảm nguồn nước, dòng chảy thay đổi, đảo lộn hệ sinh thái ven sông vùng hạ lưu khiến đất đai ngày càng suy kiệt.
Các nhà khoa học cảnh báo, đồng bằng sông Cửu Long có thể đối mặt với thảm họa tan rã trong tương lai mà biểu hiện là tình trạng sạt lở nghiêm trọng bờ sông đang xảy ra. Do vậy, các biện pháp phòng chống sạt lở càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Thuỷ Tiên (tổng hợp)