Hồng Kông ngừng công bố một số dữ liệu ca tử vong liên quan đến vắc-xin

Gia Huy

Niềm tin của công chúng về tính an toàn của vắc-xin do Trung Quốc sản xuất bị xói mòn thêm khi chính phủ Hồng Kông thông báo những thay đổi trong cách tính các ca tử vong liên quan đến vắc-xin.

Tính đến ngày 30/5, số người Hồng Kông tử vong sau khi tiêm vắc-xin đã lên tới 80 người. Tổng cộng 23 phụ nữ mang thai bị sẩy thai sau khi tiêm vắc-xin. Hiện tại, chính quyền Hồng Kông cung cấp cho người dân 2 loại vắc-xin COVID-19, bao gồm vắc-xin Sinovac sản xuất tại Trung Quốc Đại Lục và BioNTech của Đức (Ảnh minh họa: Getty Images)

Hôm 1/6, Ủy ban Chuyên gia về Vắc-xin của Hồng Kông thông báo rằng cơ quan này sẽ không tính các trường hợp tử vong sau tiêm chủng không có mối tương quan chặt chẽ với vắc-xin COVID-19, và họ sẽ chỉ tính các trường hợp tử vong có “khả năng” liên quan đến tiêm chủng.

Vắc-xin được sử dụng tại Hồng Kông hầu hết được sản xuất tại Trung Quốc.

Đến nay, Ủy ban này không thừa nhận bất kỳ mối liên hệ nhân quả nào giữa vắc-xin COVID-19 và các trường hợp tử vong.

Theo số liệu mới nhất của Cơ quan quản lý bệnh viện Hồng Kông, tính đến ngày 30/5, số ca tử vong trong số những người được tiêm chủng đã lên đến 80. Ngoài ra, có 23 phụ nữ mang thai đã bị sẩy thai sau khi tiêm vắc-xin.

Ông Law Cheuk Yiu, phó chủ tịch của Liên minh Nhân viên Cơ quan quản lý Ngành Dịch vụ khách hàng (dịch vụ – du lịch – khách sạn – nhà hàng), nói với The Epoch Times rằng cũng có những trường hợp tử vong tại các quốc gia khác sau khi tiêm vắc-xin COVID-19, nhưng cho dù chúng có liên quan trực tiếp đến vắc-xin hay không, thì dữ liệu vẫn được công bố, và người dân có thể chọn một loại vắc-xin phù hợp dựa trên dữ liệu. Vì vậy, điều này giúp mọi người tương đối an toàn hơn khi những thông tin đó minh bạch.

Hiện tại, chính phủ Hồng Kông cung cấp hai loại vắc-xin COVID-19: Sinovac sản xuất tại Trung Quốc Đại Lục, và BioNTech (BNT) của Đức do công ty Shanghai Fosun tiếp thị.

Kể từ khi bắt đầu tiêm vắc-xin vào tháng 2, chính phủ Hồng Kông đã cung cấp thông tin chi tiết về số ca tử vong và tác dụng phụ gây ra bởi vắc-xin COVID-19. Điều này đã giúp người dân địa phương và cộng đồng quốc tế đánh giá những rủi ro của việc tiêm vắc-xin COVID-19, cũng như tỷ lệ tử vong của vắc-xin sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, việc tiếp cận thông tin này đã bị chặn sau thông báo ngày 1/6 của chính quyền Hồng Kông.
Thông tin về vắc-xin do Trung Quốc sản xuất không minh bạch

Việc thiếu minh bạch đã đặt ra nhiều nghi vấn về tính hiệu quả và an toàn của vắc-xin do Trung Quốc sản xuất. Về tính hiệu quả, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã thừa nhận rằng tỷ lệ bảo vệ của vắc-xin do Trung Quốc sản xuất không cao. Gần đây vào ngày 10/4, tại Hội nghị Quốc gia về Vắc-xin và Sức khỏe, ông Cao Phúc (Gao Fu), giám đốc Trung Tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh của ĐCSTQ, thừa nhận rằng khả năng bảo vệ của vắc-xin do Trung Quốc sản xuất không cao, và một số loại vắc-xin nên được tiêm luân phiên để cải thiện hiệu quả tiêm chủng.

Trung Quốc có một hồ sơ lâu dài về việc sản xuất vắc-xin giả mạo và bị lỗi. Hiện hàng trăm triệu người Trung Quốc đã được tiêm vắc-xin chống lại virus corona, nhưng chính quyền cộng sản Trung Quốc không cung cấp bất kỳ dữ liệu nào về các trường hợp tử vong hoặc tác dụng phụ liên quan đến vắc-xin.

Thông báo ngày 1/6 của chính phủ Hồng Kông được đưa ra cùng ngày Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt vắc-xin Sinovac để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Đây là vắc-xin thứ hai do Trung Quốc sản xuất được WHO phê duyệt sau Sinopharm.

Mặc dù cả hai loại vắc-xin này không cung cấp dữ liệu chi tiết về các thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn III, nhưng cả 2 loại vắc-xin đều được WHO phê duyệt để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp quốc tế.

Trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, Tiến sĩ Đổng Vũ Hồng (Dong Yuhong), một chuyên gia của châu Âu về virus học và bệnh truyền nhiễm, đồng thời là nhà khoa học trưởng của một công ty công nghệ sinh học, đã chỉ ra rằng việc thiếu thông tin chi tiết về các thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn III, bao gồm việc thiết kế nghiên cứu, dữ liệu về mức độ an toàn và hiệu quả của thử nghiệm lâm sàng, đã ngăn cộng đồng học thuật và công chúng biết chi tiết. Do đó, rất khó để đánh giá mức độ an toàn của vắc-xin khi tiêm cho số lượng người nhiều hơn.

Tiến sĩ Đổng khẳng định: “Bất chấp sự cấp thiết [của vắc-xin nhằm đối phó] với đại dịch, nhưng cách tiếp cận như vậy không tuân thủ các quy tắc công nghiệp quốc tế về việc phê duyệt phát triển vắc-xin.”

ĐCSTQ đã bán vắc-xin Sinovac cho hơn 45 quốc gia, chủ yếu ở Mỹ Latinh, châu Phi, và Đông Nam Á.

Gia Huy (Theo The Epoch Times)

Related posts