Việt Nam cần chú ý đừng lọt bẫy chiến thuật “tằm ăn dâu” của Trung Quốc!

Trương Nhân Tuấn

3-9-2023

Bản đô năm 2023 mà Trung Quốc mới công bố. Ảnh trên mạng

Trung Quốc (TQ) vừa phát hành bộ bản đồ mới, vào cuối tháng tám 2023, có vẻ để thay thế bộ bản đồ cũ xuất bản vào tháng bảy năm 2006. Động thái này của TQ gây sự phản đối mạnh mẽ ở nhiều quốc gia như Ấn độ, VN, Phi, Mã lai, Indonesia…

Bộ bản đồ 2006 gồm các bản đồ: Trung Quốc Chính Khu 中国政区, Trung Quốc Địa Thế 中国地势, Trung Quốc Thủy Hệ 中国水系 và Trung Quốc Giao Thông 中国交通. Nhân dịp này tôi có viết bài phân tích ý nghĩa cũng như mục đích của TQ. Bài còn sót lại trên trang Blog “Quê choa” của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Không biết sao ông Lập vẫn còn giữ bài viết này. Bởi vì ông này đã “tuyệt giao” với tôi từ khi tôi viết bài nói về Hoàng Phủ Ngọc Tường. Bài của tôi đăng trên blog cá nhân Yahoo. Như mọi người đều biết, Yahoo đã chấm dứt dịch vụ blog, do đó các bài vở tôi đăng trên đây khoảng năm 2000 đều mất hết.

Ý kiến của tôi về việc TQ công bố tập bản đồ Trung Quốc Chính Khu 2006. Dẫn:

“Việc công bố này nhằm xác định với các nước trên thế giới các đặc tính về địa lý nhân văn hay địa lý kinh tế cũng như lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc. Đặc biệt bản đồ “Trung Quốc Chính Khu” có bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời vùng biển chung quanh được vẽ bằng chín gạch đứt khúc hình chữ U.

Từ lúc đó, hầu hết (nếu không nói là tất cả) các tấm bản đồ thế giới do TQ xuất bản, hay do các nước Tây phương xuất bản, đều có ghi chú Hoàng Sa và Trường Sa thuộc TQ. Cũng từ thời điểm đó, tất cả các công bố khoa học, các bài viết, các giáo án… của các trí giả người Hoa có liên quan đến hình thể địa lý của nước Trung Hoa bắt buộc phải sử dụng các tấm bản đồ chính thức của nhà nước Trung Quốc đã công bố từ thời điểm đó.

Việc này dĩ nhiên đem lại hậu quả là các công bố khoa học (về địa lý nhân văn hay địa lý kinh tế có liên quan Trung Quốc) trên các tạp chí quốc tế, nếu có đính kèm bản đồ, nó sẽ là một trong các bản đồ đã ghi trên”.

Ý kiến của tôi không điểm nào sai, ngoài việc không dự đoán được hệ quả của “tam công chiến pháp”, trong đó có “dư luận chiến”. Đây là chiến pháp (đấu tranh) nhằm tạo dư luận (quốc tế) thuận lợi cho yêu sách về lãnh thổ của TQ. TQ đã thành công cho “chèn” bản đồ trung quốc Chính khu (trong đó có yêu sách đường chữ U ở Biển Đông) vào phim ảnh, nói chung các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, không chỉ của TQ, mà còn trong các phim ảnh của Mỹ, Hàn v.v… Phim Barbie của Warner Bros bị VN cấm chiếu gần đây cũng vì lý do “có bản đồ giống như bản đồ chín đoạn”.

Về ý nghĩa pháp lý của việc công bố bản đồ, các quốc gia như Mã lai cho rằng đó là một “Tuyên bố đơn phương”. Cá nhân tôi có viết khá nhiều bài về ý nghĩa của một “Tuyên bố đơn phương”. Trong đó có bài viết về tấm hộ chiếu TQ có in bản đồ chữ U.

Một “Tuyên bố đơn phương” sẽ có hiệu lực pháp lý nếu không gặp sự chống đối từ các quốc gia khác (có liên quan đến vấn đề đó). Thí dụ, một quốc gia (như TQ) muốn thiết lập “vùng nhận dạng phòng không – ADIZ”. Quốc gia này phải công bố trước quốc tế văn bản cùng bản đồ ghi rõ tọa độ đính kèm. Quốc gia nào không đồng thuận thì lên tiếng bác bỏ. Sự im lặng của quốc gia trong trường hợp này có nghĩa là “đồng thuận ám thị”.

Về hiệu lực các bản đồ, tập quán quốc tế không nhìn nhận hiệu lực về “ranh giới hay chủ quyền lãnh thổ” thể hiện trong các bản đồ, ngoại trừ các bản đồ đính kèm với các văn bản (kết ước quốc tế).

Có lẽ vì vậy mà các quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp v.v.. không quan tâm nhiều đến việc TQ công bố bản đồ.

Bởi vì một đường ranh giới chỉ được vạch ra bởi hai bên. Ranh giới do một bên tự tiện vẽ ra chỉ có ý nghĩa là một “yêu sách”. Với điều kiện việc vẽ bản đồ do một cơ quan có thẩm quyền (quốc gia) phụ trách.

Tức là, theo tôi, các chi tiết trên bản đồ (2006 hay 2023) của TQ chỉ có mục đích “yêu sách về lãnh thổ”.

Bản đô năm 2006 của Trung Quốc. Ảnh trên mạng

Tuy nhiên, các quốc gia nào thấy có quan hệ, như lãnh thổ hay hải phận quốc gia bị TQ yêu sách, như Ấn độ, VN, Mã lai, Phi, Indonesia… cần phải lên tiếng, thậm chí phải có hành vi mạnh mẽ, để bác bỏ các yêu sách của TQ.

Trong bản đồ mà TQ vừa công bố 2023, nếu so sách với bản đồ 2006 (Trung quốc Chính khu) ta thấy vùng Biển Đông không thay đổi. Vẫn là đường chữ U 10 đoạn.

Tuy nhiên, trên quan điểm pháp lý, người ta không phân biệt đường 9 đoạn, 10 đoạn hay 11 đoạn. Người ta muốn biết, trước hết, “đường (9, 10, hay 11 đoạn đứt khúc” của TQ có ý nghĩa là gì?

TQ chưa bao giờ chính thức công bố về ý nghĩa của “đường đứt đoạn” trên bản đồ. Các học giả TQ, như ZOU Keyuan và LIU Xinchang (trong bài The Legal Status of the U-shaped Line in the South China Sea and Its Legal Implications for Sovereignty, Sovereign Rights and Maritime Jurisdiction) cho rằng đó là “ranh giới trên biển”, tương tự kiểu “Vạn lý trường thành” của TQ.

Vấn đề là qui ước quốc tế, đường biên giới luôn được do hai bên hoạch định và đường này luôn là “đường vạch liền”, đậm nét, ghi rõ trên bản đồ. Mặt khác không có đường biên giới nào do một bên “áp đặt” hết cả.

Thứ hai, TQ không có căn cứ (pháp lý) nào để khẳng định chủ quyền lãnh thổ và hải phận, thể hiện qua tấm bản đồ chữ U.

Tức là đường 9, 10 hay 11 đoạn không có ý nghĩa gì cả.

Các quốc gia thành viên LHQ hiện nay chỉ biết đến tấm bản đồ “chữ U 9 đoạn” mà TQ gởi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa khoảng năm 2009 (nếu tôi nhớ không lầm).

Trở lại ý kiến tôi viết hôm qua. Theo tôi các ý kiến của các học giả VN trên các trang báo quốc tế về vụ TQ công bố bản đồ là “không thuyết phục”.

Thí dụ, trên RFI, phỏng vấn nhà nghiên cứu Hoàng Việt. Nguyên văn như sau:

“Trả lời RFI Việt ngữ hôm qua, chuyên gia về Biển Đông Hoàng Việt ghi nhận bản đồ mới này cho thấy là Trung Quốc không hề từ bỏ yêu sách đường 9 đoạn (còn được gọi là đường lưỡi bỏ), mà thậm chí tăng lên thành 10 đoạn, với thêm một đoạn ở phía đông đảo Đài Loan. Cho nên, Đài Bắc cũng đã lên tiếng phản đối”.

Ý kiến của học giả này hiển nhiên không thuyết phục, nếu ta so sánh hai bản đồ TQ 2006 và 2023. Đường chữ U không hề thêm bớt. Cả hai bản đồ đều vẽ đường đứt khúc 10 đoạn.

Còn vụ “TQ không hề bỏ yêu sách đường 9 đoạn”. Không biết tin này đến từ đâu? TQ có thể thay thế chai đựng rượu nhưng rượu của TQ không hề thay đổi. Đó là đường chữ U 9 đoạn (hay 10, 11 đoạn) là “đường ranh giới” của TQ, tương tự “vạn lý trường thành”.

Ý kiến thêm của tôi về vụ “tam công chiến pháp” của TQ (bao gồm dư luận chiến, tâm lý chiến và pháp lý chiến). Tôi cho rằng các nhận định của các học giả VN về “tam công chiến pháp” của TQ là không đầy đủ. Điều quan trọng nhứt, theo tôi VN cần chú ý hàng đầu (để đừng lọt bẫy của TQ). Đó là chiến thuật “tầm ăn dâu”. TQ từ thượng cổ luôn sử dụng một phương cách để lấn đất, lấn biển của Việt Nam: biến một vùng không có tranh chấp thành có tranh chấp. Sau đó từ vùng có tranh chấp trở thành lãnh thổ (hay hải phận hoặc lãnh hải, nội thủy) của TQ.

Related posts