Thủ tướng Úc Anthony Albanese đang tìm cách thắt chặt mối quan hệ với Philippines thông qua các cuộc đàm phán song phương trực tiếp với Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. vào ngày 8/9.
Động thái này diễn ra sau tuyên bố hồi tháng 8 rằng Úc sẽ nỗ lực hợp tác chặt chẽ hơn với Philippines về các vấn đề quốc phòng và an ninh.
Ông Albanese ngày 7/9 tuyên bố rằng “Philippines là quốc gia quan trọng đối với lợi ích của Úc”.
“Chúng tôi duy trì mối quan hệ kinh tế vững chắc với Philippines. Chúng tôi cũng có sự hợp tác mạnh mẽ về các thỏa thuận quốc phòng và ngoài ra chúng tôi còn có cộng đồng hải ngoại lớn mạnh ở Úc”.
Ông Albanese nhấn mạnh rằng sau 20 năm, ông đã trở thành Thủ tướng Úc đầu tiên tổ chức cuộc hội đàm song phương chính thức với nhà lãnh đạo Philippines.
“Tối qua, tôi đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Marcos cùng Phu nhân, và tôi rất vui mừng được thảo luận thân mật với họ tại bữa tối do Tổng thống [Indonesia] Widodo tổ chức. Ông Widodo rất mong chờ chuyến thăm này”, ông Albanese cho biết.
Philippines mong muốn nâng cấp quan hệ với Canada lên tầm ‘đối tác chiến lược’
Cuộc hội đàm song phương diễn ra chỉ vài tuần sau khi Phó Thủ tướng Úc Richard Marles tuyên bố rằng Canada và Philippines sẽ nỗ lực nâng cấp quan hệ ngoại giao song phương lên tầm “đối tác chiến lược”.
Phát biểu tại Manila hôm 25/8, ông Marles cho biết hai nước mong muốn “hợp tác chặt chẽ hơn với nhau, xây dựng khả năng tương tác ở cấp độ cao và đảm bảo rằng lực lượng phòng thủ của hai nước ngày càng xích lại gần nhau hơn”.
Phó Thủ tướng Úc cho biết: “Hai quốc gia chúng tôi cam kết tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Chúng tôi cam kết hướng tới một thế giới mà các tranh chấp được giải quyết thông qua việc áp dụng luật pháp quốc tế”.
“Hòa bình được duy trì thông qua việc bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ có thể triển khai và chức năng của nó trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng tôi thấy trật tự này đang chịu áp lực trên toàn thế giới”.
Ông Marles cho biết ông coi mối quan hệ quốc phòng ngày càng sâu sắc giữa Úc với Philippines là con đường để duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Ông nói: “Những gì chúng tôi sẽ làm là củng cố năng lực quân sự để tăng cường trật tự dựa trên luật lệ và tạo điều kiện để thể hiện trật tự đó”.
“Và theo nghĩa đó, điều chúng tôi hướng tới là hòa bình. Do đó, tôi tin rằng thông điệp này từ trước đến nay vẫn luôn quan trọng”.
Căng thẳng với Trung Quốc tạo động lực cho mối quan hệ Úc – Philippines thêm bền chặt
Mối quan hệ quân sự giữa hai nước đang được củng cố vào thời điểm Philippines đang trải qua căng thẳng leo thang với Trung Quốc về yêu sách của nước này đối với các lãnh thổ của Philippines ở Biển Đông.
Hồi tháng 8, chính phủ Philippines đã lên án việc tàu hải cảnh Trung Quốc sử dụng vòi rồng “quá mức và xâm phạm” để ngăn chặn một tàu tiếp tế Philippines thuyên chuyển quân lực, thực phẩm, nước, và nhiên liệu mới đến Bãi cạn Thomas thứ hai (Bãi Cỏ Mây). Đây là một phần của Quần đảo Trường Sa nằm trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Bắc Kinh tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với gần như toàn bộ diện tích 1,3 triệu dặm vuông (khoảng 2.589.988 km vuông) ở Biển Đông, cũng như hầu hết các đảo trong khu vực này.
Khu vực này bao gồm quần đảo Trường Sa, một quần đảo gồm 100 đảo và rạn san hô nằm trong vùng lãnh hải của Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Đây là vụ việc mới nhất trong hàng loạt cuộc đụng độ giữa hai nước. Trước đó, Trung Quốc được cho là đã chiếu “tia laser cấp độ quân sự” vào một tàu của Lực lượng Tuần duyên Philippines ở Biển Đông. Vào thời điểm đó, tàu của Philippines đang hỗ trợ nhiệm vụ tiếp tế cho hải quân nước này tại Bãi Cỏ Mây.
Vụ việc diễn ra vào ngày 6/2, khi chiếc tàu BRP Malapascua của Lực lượng Tuần duyên Philippines đang hỗ trợ hải quân nước này vận chuyển lương thực và nhu yếu phẩm tới một tiền đồn quân sự trên Bãi Cỏ Mây xa xôi thuộc Quần đảo Trường Sa.
Khi tàu cách Bãi Cỏ Mây 10 hải lý (khoảng 20 km) thì một tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 5205 bất ngờ chiếu tia laser 2 lần, gây “mù tạm thời” (trong khoảng 10 – 15 giây) với thủy thủ đoàn đang làm nhiệm vụ trên tàu, các quan chức Manila cho biết.
Quần đảo Trường Sa là nơi tranh chấp chủ quyền của 6 quốc gia và lãnh thổ: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Năm 2016, Tòa án La Haye ra phán quyết ủng hộ hành động pháp lý của Philippines. Tuy nhiên, phán quyết có tác động nhỏ đến các động thái của ĐCSTQ, tiêu biểu là việc các tàu Trung Quốc thường xuyên xâm phạm các vùng biển của Philippines.
Lực lượng vũ trang Philippines cho biết trong một bài đăng trên Facebook rằng hành động của tàu Trung Quốc cấu thành hành vi “cố tình coi thường sự an toàn của những người trên tàu” và vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Trong một tuyên bố được hãng tin AP đưa tin, quân đội Philippines cho biết “các hành động tấn công quá mức nhằm vào các tàu Philippines” gần bãi cạn này đã ngăn cản một trong hai tàu Philippines vận chuyển các nhu yếu phẩm thiết yếu cho quân đội bảo vệ bãi cạn này.
Quân đội Philippines đã kêu gọi lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc và Quân ủy Trung ương Trung Quốc “hành động thận trọng và có trách nhiệm để tránh những tính toán sai lầm và tai nạn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người dân”.
Theo The Epoch Times
Lam Giang biên dịch