Vụ Việt Á: Chênh lệch về số tiền chi hối lộ tới hàng trăm tỷ đồng
Người phát ngôn Bộ Công an lý giải sự chênh lệch doanh thu và phần trăm hối lộ trong vụ án Việt Á giữa số liệu ban đầu so với kết luận điều tra được ban hành.
Hồi đầu tháng 6, Bộ Công an cho biết Việt Á kiếm lãi khoảng 4.000 tỷ đồng và chi khoảng 800 tỷ để bôi trơn.
Thế nhưng, trong kết luận điều tra đã ban hành, cơ quan điều tra nêu rõ số tiền Việt Á đã hưởng lợi bất chính là hơn 1.200 tỷ đồng và số tiền chi để đưa hối lộ chỉ là hơn 106 tỷ đồng.
Trọng chứng hơn trọng lời khai…
Giải thích về sự chênh lệch trên, ông Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, sau khi khởi tố vụ án, Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và các bị can liên quan khai nhận công ty có tổng doanh thu và lợi nhuận khoảng 4.000 tỷ đồng.
Bị cán Việt cũng khai sử dụng 20-25%, tương ứng khoảng 800 tỷ đồng để chi ngoài hợp đồng cho các đơn vị đối tác mua kit xét nghiệm, đầu tư thiết bị và các vật phẩm y tế khác.
“Đây là lời khai ban đầu của các bị can, cơ quan điều tra và người phát ngôn Bộ Công an đã cung cấp cho cơ quan báo chí. Tuy nhiên trong kết luận điều tra được ban hành hồi tháng 8 có sự chênh lệch về con số. Lý do của sự chênh lệch này là không thể sử dụng lời khai ban đầu của các đối tượng để làm căn cứ đưa vào kết luận điều tra vì phải trọng chứng hơn trọng lời khai”, ông Xô nói.
Ông Xô cũng cho rằng chỉ khi nào có đủ căn cứ chứng minh là việc đưa tiền cho ai, đưa bao nhiêu tiền thì mới có thể khởi tố, điều tra, kết luận và đề nghị truy tố. Theo đó, chứng cứ rõ đến đâu thì kết luận đến đó.
“Ngoài việc Cơ quan Cảnh sát điều tra thì Bộ Công an cũng phân công, ủy thác cho công an 61 tỉnh/ thành phố điều tra vụ Việt Á. Đến nay, một số địa phương vẫn đang trong quá trình điều tra để làm rõ số tiền thu lợi bất chính và bôi trơn”, ông Xô cho hay.
Trước đó, ngày 18/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 38 bị can trong vụ Công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19.
Trong những người đề nghị truy tố, có nhiều người giữ chức vụ cao như: cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh; Cựu Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng; cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc…
Bị can Phan Quốc Việt – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á – bị đề nghị truy tố hai tội danh đưa hối lộ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong năm 2020 và 2021, Việt Á sản xuất 8,7 triệu kit test và tiêu thụ được 8,3 triệu kit. Doanh nghiệp được nhà nước thanh toán 2.250 tỷ đồng và hưởng lợi 1.235 tỷ đồng. Cơ quan công an xác định lợi nhuận định mức Việt Á được hưởng khi kinh doanh kit test chỉ là 5%. Nhưng Việt Á lại bán kit với giá gấp 3 lần chi phí sản xuất nên hơn 1.235 tỷ đồng chênh lệch giữa giá bán và giá sản xuất bị quy kết là “hưởng lợi bất chính”.
Trong vụ án này, bị can Việt và đồng phạm bị cáo buộc thông thầu để tiêu thụ gần 680.000 kit test tại CDC Hải Dương, Bắc Giang, Nghệ An, Bình Dương, gây thiệt hại 222 tỷ đồng.
Ngoài ra, công an các địa phương đã khởi tố 111 người khác. Công an 15 tỉnh thành đã khởi tố 15 vụ án vi phạm về đấu thầu và xác định Việt Á tiêu thụ 560.000 kit test, gây thiệt hại 180 tỷ đồng.
Như vậy, bị can Việt cùng đồng phạm còn bị cáo buộc vi phạm đấu thầu trong khi tiêu thụ hơn 1,2 triệu kit test tại các cơ sở y tế, gây thiệt hại 402 tỷ đồng.
Tổng số tiền mà bị can Việt đã hối lộ các quan chức trong vụ án này bị kết luận là hơn 106 tỷ đồng.
Phạm Toàn
Tin lời sang Myanmar làm ‘việc nhẹ, lương cao’, người đàn ông bị tra tấn
Được giới thiệu và lời hứa sẽ lo toàn bộ chi phí xuất cảnh sang Myanmar làm việc tại Công ty game với mức lương 30 triệu/tháng, sang đến nơi, người đàn ông ở Bạc Liêu bị giam giữ, đánh đập, bỏ đói, buộc tạo các tài khoản game ảo để lừa đảo tiền của người khác.
Ngày 8/9, tin từ Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu cho hay vừa phối hợp với Tổ chức trẻ em Rồng Xanh giải cứu thành công anh G.Q.T (SN 1981, ngụ xã Long Điền, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), là nạn nhân của đường dây đưa lao động Việt Nam sang Myanmar trái phép dưới hình thức thủ đoạn “việc nhẹ lương cao”.
Trước đó, khoảng giữa tháng 7/2023, hoàn cảnh khó khăn, anh T. đi tìm việc nhiều nơi và được bạn bè giới thiệu làm quen với người phụ nữ Myanmar tên Elly Sung.
Người phụ nữ này hứa sẽ lo toàn bộ chi phí để anh xuất cảnh sang Myanmar làm việc tại Công ty game với mức lương 30 triệu/tháng.
Theo sự hướng dẫn của Elly Sung, ngày 24/7, anh T. ra Hà Nội, tại đây, được một người phụ nữ khác đưa sang Lào thông qua Cửa khẩu quốc tế Tây Trang (tỉnh Điện Biên), sau đó nhập cảnh trái phép vào Myanmar.
Sang đến Myanmar, chẳng những không được làm việc tại Công ty như đã thỏa thuận, anh T. còn bị các nghi phạm giam giữ tại một tòa nhà cao tầng, sống chung với hàng chục lao động Việt Nam khác, bị ép buộc tạo các tài khoản game ảo để lừa đảo tiền của người khác.
Anh T. không đồng ý làm việc trái pháp luật này thì bị các nghi phạm nhốt lại và đánh đập, bỏ đói trong nhiều ngày liền.
Sau đó, anh T. đã bỏ trốn và liên hệ với gia đình để đến Công an tỉnh Bạc Liêu trình báo.
Nhận tin báo, ngày 25/8, lực lượng chức năng đã giải cứu anh T. và đưa về tỉnh Bạc Liêu vào ngày 7/9.
Qua trường hợp trên, người dân không nên tin theo những lời mời gọi từ những người không quen biết. Khi phát hiện có biểu hiện nghi vấn liên quan đến tội phạm này cần trình báo cơ quan công an gần nhất, Công an tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo.
Thạch Lam
Việt Nam: Đề xuất có giấy phép mới được livestream trên mạng xã hội
“Chỉ các mạng xã hội có giấy phép hoặc có thông báo hoạt động với Bộ TT&TT mới được cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream)”.
Đề xuất trên do bà Nguyễn Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), nói tại Hội thảo góp ý dự thảo nghị định thay thế sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, ngày 8/9.
Bà Huyền cho biết hiện nay trên các mạng xã hội trong nước và mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam xuất hiện tính năng “livestream” là tính năng cho phép tài khoản mạng xã hội truyền tải trực tuyến video theo thời gian thực.
Đây là hình thức thông tin tác động, ảnh hưởng nhanh tới xã hội, cơ quan soạn thảo nhận thấy cần phải bổ sung quy định để quản lý tính năng này.
Cụ thể, theo bà Huyền, chỉ các mạng xã hội có giấy phép mạng xã hội (tổ chức, doanh nghiệp trong nước) hoặc có thông báo hoạt động với Bộ TT&TT (với tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam) mới được cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream). Các hoạt động chuyên ngành cung cấp dưới hình thức livestream phải tuân thủ quy định về pháp luật chuyên ngành.
Cũng tại dự thảo nghị định sửa đổi, Bộ TT&TT đề xuất bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ Internet đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật.
Bởi qua thực tế công tác quản lý nhà nước, cơ quan soạn thảo nhận thấy “cần phải bổ sung thêm biện pháp xử lý nhanh với những cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ internet để cung cấp nội dung chống phá Đảng và Nhà nước trên môi trường mạng, nhất là sử dụng dịch vụ livestream trên các mạng xã hội”.
Do đó, cơ quan soạn thảo đã bổ sung quy định yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet ngừng hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ Internet đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ Internet để cung cấp nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, theo yêu cầu của Bộ TT&TT.
Góp ý về dự thảo nghị định sửa đổi, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc Điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN, cho rằng khả năng truy cập là một vấn đề quan trọng. Vì vậy, việc chặn nội dung mà không có hướng dẫn rõ ràng, không xét đến bản chất toàn cầu của Internet sẽ có nguy cơ cô lập Việt Nam khỏi xu hướng Internet mở toàn cầu.
“Các yêu cầu tạm khoá và khoá vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung, chặn và gỡ bỏ ứng dụng là quá nhiều và không khả thi về mặt vận hành”, ông Thành nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) đề xuất quy trình chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật theo báo cáo của người dùng theo các bước.
Theo đó, sau khi người dùng thông báo nội dung vi phạm sẽ chặn quyền truy cập đến nội dung vi phạm. Tiếp đó, sẽ thông báo đến người dùng có nội dung bị báo cáo vi phạm pháp luật. Trong thời gian này, người đăng tải nội dung bị báo cáo thực hiện quyền phản đối. Cuối cùng, khôi phục quyền truy cập hoặc tiếp tục chặn quyền truy cập khi bắt đầu quá trình kiện tại tòa.
Theo ông Đồng, quy định về người dùng thông báo nội dung vi phạm cần đảm bảo nhà cung cấp dịch vụ cho phép người dùng báo cáo vi phạm bằng hình thức trực tuyến. Người dùng phải giải thích rõ ràng lý do cho rằng nội dung báo cáo là vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, người dùng cung cấp đường link dẫn đến nội dung được cho là vi phạm. Người dùng cung cấp thông tin liên hệ của người gửi báo cáo vi phạm. Người dùng tuyên bố về xác nhận gửi báo cáo nội dung vi phạm và được cảnh báo về việc lạm dụng quyền báo cáo có thể dẫn đến chịu trách nhiệm pháp lý.
Minh Long