Hải Đăng
Tổng thống Joe Biden hôm Chủ Nhật (10/9) đã khẳng định rằng ông không nỗ lực khởi phát một cuộc “chiến tranh lạnh” với Trung Quốc khi ông lần đầu tới thăm Việt Nam. Ông cho biết mục tiêu ông là đem đến sự ổn định trên khắp thế giới thông qua việc củng cố các mối quan hệ của Mỹ với Việt Nam và các quốc gia khác ở châu Á.
‘Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện’
Trong cuộc hội đàm giữa lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại trụ sở trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vào chiều tối ngày 10/9, Việt Nam và Mỹ đã chính thức xác nhận nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức cao nhất theo thang đánh giá quan hệ quốc tế của Việt Nam, chuyển từ “đối tác toàn diện” lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”. Đây là một sự chuyển biển đột phá trong quan hệ Mỹ – Việt mà theo cách gọi của ông Biden là đi lên từ “quá khứ cay đắng” của Chiến tranh Việt Nam.
Trong nhiều tháng qua, phía Mỹ đã nỗ lực để nâng cấp mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam và cũng nhận được sự hưởng ứng từ Hà Nội. Ngoại giới đánh giá rằng quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” giữa Mỹ và Việt Nam là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm tăng cường mạng lưới đồng minh khắp châu Á và Thái Bình Dương trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và trên toàn cầu ngày càng gia tăng.
Ông Biden đã cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách bẻ cong trật tự quốc tế hiện hành theo ý chí của họ.
“Một trong những điều đang xảy ra bây giờ là Trung Quốc bắt đầu thay đổi một số quy tắc cuộc chơi về thương mai và các vấn đề khác”, ông Biden nói.
Tuy nhiên, ông Biden đã kiềm chế nhắc đến Trung Quốc trong khi tới Việt Nam và nhấn mạnh việc củng cố quan hệ với Hà Nội không nhằm kiềm chế Bắc Kinh.
Ông Biden phát biểu trong cuộc họp báo tại Hà Nội hôm 10/9: “Chúng tôi có cơ hội để củng cố các liên minh trên toàn thế giới nhằm duy trì ổn định. Đó là tất cả mục đích của chuyến đi này. Đây không phải là về kiềm chế Trung Quốc. Đây là để đạt được nền tảng ổn định”.
Ông Biden cũng nói Việt Nam muốn thể hiện sự độc lập của mình và các công ty Mỹ muốn có được lựa chọn thay thế cho các nhà máy ở Trung Quốc. Ông bày tỏ hy vọng với mối quan hệ đối tác mới được nâng cấp giữa hai nước, tiến triển sẽ đạt được trong lĩnh vực ứng phó khí hậu, kinh tế và các vấn đề khác.
Ông Biden đã gọi Việt Nam là “người bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.
Lãnh đạo Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đã cam kết rằng đất nước ông sẽ làm việc hết sức để thực hiện thỏa thuận ngoại giao với Mỹ. “Chỉ khi đó chúng ta mới có thể nói nó là thành công”, ông Trọng cam kết với ông Biden khi hai ông họp báo chung.
Ông Biden trước đó trong cuộc hội đàm riêng với ông Trọng đã mô tả Mỹ và Việt Nam là “những đối tác quan trọng trong thời khắc quan trọng”. Tuy nhiên, ông Biden đã không đặc biệt thảo luận về việc sự gia tăng địa chính trị và kinh tế của Trung Quốc đã đóng góp thế nào vào tiến trình nâng cấp quan hệ ngoại giao Mỹ – Việt. Tất nhiên, ngoại giới đều cho rằng thật khó để giải thích về mối quan hệ nồng ấm Mỹ – Việt hiện nay mà không liên hệ với tầm ảnh hưởng trong khu vực của Trung Quốc.
Việt Nam trước nay vẫn công khai với quốc tế về “đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa đa dạng hóa” của mình. Hà Nội đã đang tìm cách tạo đối trọng trong các mối quan hệ của họ với các quốc gia khác, đặc biệt là với các nước lớn. Trước khi nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức cao nhất với Mỹ, Việt Nam đã thiết lập “đối tác chiến lược toàn diện với” Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc lần lượt trong các năm 2008, 2012, 2016 và 2022.
Trong khi đó, trong những năm qua, Mỹ đã đang đầu tư mạnh mẽ vào việc củng cố các liên minh tại Ấn Độ – Thái Bình Dương, trong đó có đối thoại an ninh Bộ Tứ với Ấn Độ, Úc và Nhật Bản, và hiệp định AUKUS với Anh và Úc.
Quan hệ thương mại Mỹ – Việt
Kim ngạch thương mại Mỹ – Việt đã tăng tốc từ năm 2019. Nhưng phía Mỹ đánh giá rằng có những giới hạn để hai bên có thể đẩy mạnh giao thương hơn nữa nếu Việt Nam không có những cải thiện về cơ sở hạ tầng, kỹ năng lao động và quản trị chính phủ.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Raimondo nói rằng những CEO tại Mỹ mà bà nói chuyện đánh giá cao Việt Nam là nơi để đa dạng chuỗi cung ứng mà trước đại dịch COVID-19 Mỹ bị phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
“Dù đó là Việt Nam hay Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, thì các công ty đang thực sự xem xét kỹ những quốc gia này là những nơi để phát triển kinh doanh hơn nữa. Nhưng thực sự họ cần phải cải thiện lực lượng lao động, nơi ăn ở, cơ sở hạ tầng và minh bạch trong điều hành chính phủ”, bà Raimondo nói.
Mỹ nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đã tăng gần gấp đôi từ năm 2019, đạt mức 127 tỷ USD hàng năm, theo Cục Thống kê Mỹ. Con số này là bằng ¼ so với Mỹ nhập hàng hóa từ Trung Quốc, theo số liệu năm 2022.
Mỹ đặc biệt muốn hợp tác sâu hơn với Việt Nam về chất bán dẫn và đất hiếm. Mối quan hệ đối tác vừa nâng cấp giữa hai nước cũng có bao gồm một thỏa thuận về chất bán dẫn, trong đó Mỹ cam kết giúp Việt Nam phát triển khả năng và mở rộng sản xuất. Trong thỏa thuận này có điều khoản hợp tác về đất hiếm.
Việt Nam hiện là quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc và các quan chức Mỹ nói Việt Nam có vai trò quan trọng trong kế hoạch của Mỹ về đa dạng hóa và củng cố chuỗi cung ứng.
Trở ngại về vấn đề nhân quyền
Tổng thống Biden nói ông đã đưa vấn đề nhân quyền ra trong cuộc họp với ông Trọng và đã cam kết sẽ “tiếp tục cuộc đối thoại thẳng thắn của chúng tôi về vấn đề đó”.
Theo tổ chức Quan sát Nhân Quyền, Việt Nam là điểm đen về tôn trọng quyền con người. Những người chỉ trích chính phủ tại Việt Nam luôn phải đối mặt với đe dọa, quấy rối và bỏ tù sau những phiên tòa bất công, cũng có có những báo cáo về cảnh sát dùng nhục hình để ép nghi phạm nhận tội.
Mặc dù ông Biden thường chỉ trích tình trạng nhân quyền của Trung Quốc, nhưng ông gần như im lặng về vấn đề này ở Việt Nam và các nhà hoạt động nhân quyền lo ngại rằng ông chủ Nhà Trắng sẽ không dấy chủ đề này lên trong các cuộc gặp với giới chức Việt Nam.
Hải Đăng