Tin VN trưa thứ Hai: Nữ giám đốc trung tâm đăng kiểm ở Trà Vinh bị bắt

Nữ giám đốc trung tâm đăng kiểm ở Trà Vinh bị bắt

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh tống đạt quyết định đối với các bị can Phạm Thị Thanh Thùy. (Ảnh Công an tỉnh Trà Vinh)

Công an tỉnh Trà Vinh khám xét khẩn cấp tại Trung tâm đăng kiểm 84-02D, thu giữ 12.961 bộ hồ sơ kiểm định cùng nhiều tài liệu và thiết bị điện tử liên quan.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với 3 người về hành vi Giả mạo trong công tác, xảy ra tại Chi nhánh Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 84-02D (địa chỉ tại ấp Sâm Bua, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh).

Ba người gồm: Phạm Thị Thanh Thùy (sinh năm 1993, ngụ ấp Tân Thạnh, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) là Giám đốc Trung tâm 84-02D; Nguyễn Quốc Thống (sinh năm 1979, ngụ khóm 1, phường 9, thành phố Trà Vinh), nguyên Phó Giám đốc, kiêm Trưởng dây chuyền kiểm định Trung tâm 84-02D và Cao Châu (sinh năm 1986, ngụ phường 4, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng), nguyên nhân viên Văn phòng Trung tâm 84-02D.

Theo điều tra, vào ngày 24/9/2021, Trần Lập Nghĩa (sinh năm 1975, nơi thường trú số 28, đường số 32, phường Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM), là Chủ đầu tư Trung tâm 84-02D giả chữ ký của ông N.H.M.Q (sinh năm 1964, ngụ TP.HCM) ký quyết định thành lập Chi nhánh Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 84-02D và thuê Phạm Thị Thanh Thùy đứng tên người đại diện pháp luật.

Khi đi vào hoạt động, Trung tâm 84-02D chỉ có 4 người làm việc, trong đó có 2 người là đăng kiểm viên đủ điều kiện thực hiện việc đăng kiểm là ông Nguyễn Quốc Thống và một người khác.

Do thiếu đăng kiểm viên, ông Trần Lập Nghĩa chỉ đạo Cao Châu (không đầy đủ bằng cấp chuyên môn) thực hiện, đồng thời ký vào hồ sơ kiểm định, mục đích để hợp thức hóa hồ sơ nhằm đối phó Cục đăng kiểm Việt Nam khi có kiểm tra đột xuất.

Qua thu thập tài liệu, chứng cứ về quá trình hoạt động của Trung tâm 84- 02D xét thấy có dấu hiệu tội phạm, ngày 12/4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh khám xét khẩn cấp tại Trung tâm 84-02D thu giữ 12.961 bộ hồ sơ kiểm định cùng nhiều tài liệu và thiết bị điện tử có liên quan để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh.

Trong số hồ sơ này, có 11.582 bộ hồ sơ kiểm định có dấu hiệu sai phạm; cụ thể là hợp thức hóa hồ sơ, xâm phạm tính đúng đắn xác thực của nội dung các loại giấy tờ, hồ sơ kiểm định phương tiện xe cơ giới đường bộ và thu lợi bất hợp pháp số tiền trên 3,5 tỷ đồng, số tiền này được chuyển vào tài khoản cá nhân của Trần Lập Nghĩa.

Hiện tại, Trần Lập Nghĩa đang bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam về hành vi nhận hối lộ và giả mạo trong công tác.

Phạm Toàn

Chuyên gia: Không nên tiếp tục để Tập đoàn EVN độc quyền

EVN tiếp tục lỗ và muốn tăng giá điện để bù đắp, “vòng xoáy” lặp lại và người dân thiệt hại nhất. (Ảnh minh họa: Duc Huy Nguyen/Shutterstock)

Với số lỗ treo lơ lửng hàng chục nghìn tỷ đồng cùng với đề xuất quay về “cơ chế cũ” tăng giá điện để bù lỗ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra thông điệp “mất cân đối tài chính” để đẩy nhanh quá trình tăng giá từ 6 tháng/lần xuống còn 3 tháng/lần. Chuyên gia kinh tế cho rằng không nên tiếp tục để EVN độc quyền thị trường điện như hiện nay, mà nên để doanh nghiệp tham gia cạnh tranh, tạo động lực thay đổi.

Tại Diễn đàn nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, Tiến sỹ Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: “Không nên giao cho Tập đoàn EVN làm nhiệm vụ của Nhà nước nữa, để cho doanh nghiệp tự làm, tự cạnh tranh. Đến bây giờ, không có lý gì mà chúng ta không đánh giá được thị trường điện, vấn đề chỉ là e ngại, sợ nhiều quá thôi”, Tạp chí Kinh tế Việt Nam dẫn lời.

Ông Thiên cho biết tình hình méo mó của thị trường điện còn kéo dài nếu giữ cách quản lý như hiện nay.

Bởi vì, khi Nhà nước giữ cơ chế định giá để duy trì giá điện cố định sẽ ảnh hưởng đến cả cung và cầu. Nếu duy trì điện giá thấp nghĩa là đang khuyến khích tiêu dùng điện chứ không khuyến khích sản xuất điện.

Gần đây, khi giá điện và giá điện tái tạo được điều chỉnh, lập tức nguồn cung được bổ sung ngay, sản lượng điện tăng lên. Đây là yếu tố góp phần quan trọng thay đổi cán cân nguồn cung điện.

Còn ông Nguyễn Đình Cung, Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh “không thể can thiệp bằng mệnh lệnh” mà cần để thị trường vận hành.

Nếu EVN lỗ và bù đắp bằng cách tăng giá điện, như vậy tiếp tục lỗ thì tiếp tục tăng giá? Vấn đề sẽ mãi không giải quyết nếu vòng lặp này duy trì, ông Cung nhận định.

Tính riêng năm vừa qua, Tập đoàn EVN đã lỗ tới hơn 1 tỷ USD (chưa tính lỗ tỷ giá) và liên tục đưa ra “cảnh báo” mất cân đối tài chính với Chính phủ Việt Nam.

EVN muốn nhanh chóng tăng giá điện và đưa các khoản lỗ vào giá thành, tức để người tiêu dùng gánh các khoản lỗ của tập đoàn này.

Với vị thế độc quyền thị trường điện rất quan trọng, EVN gần như được đáp ứng các đề xuất với Bộ Công thương, cũng như các cơ quan Chính phủ.

Đơn cử như từ ngày 4/5/2023, EVN tăng giá thêm 3%, lên mức 1.920 đồng/kWh (chưa gồm VAT) nhưng tuyên bố chưa đủ bù lỗ. Hay đề xuất của tập đoàn này về việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng/lần còn 3 tháng/lần đều có thể được Chính phủ thông qua.

Dù các đề xuất nêu trên của EVN có góp phần vào giải quyết các vấn đề trước mắt nhưng nhiều chuyên gia khẳng định biện pháp lành mạnh cung cầu chính là cần phải xóa bỏ vị trí độc quyền ở thị trường điện của EVN.

Hạo Thiên

Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đội vốn thêm gần 3.700 tỷ đồng

Dù mới khởi công hơn 2 tháng nhưng dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đã đội vốn gần 3.700 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: mt.gov.vn)

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết sau hơn 2 tháng khởi công cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (dài 54 km), tính đến cuối tháng 8/2023, chi phí giải phóng mặt bằng bị đội lên gần 3.700 tỷ đồng so với kế hoạch được phê duyệt.

Bộ GTVT cũng cho biết tính đến cuối tháng vừa qua, các địa phương đã bàn giao mặt bằng được 120/452 ha đất, đạt gần 27%.

Trong đó, dự án thành phần 1 chưa bàn giao; dự án thành phần 2 đã bàn giao gần 6%, dự án thành phần 3 bàn giao gần 78%.

Theo báo cáo của địa phương, chi phí giải phóng mặt bằng được tính toán tại thời điểm hiện tại của các dự án thành phần dự kiến tăng khoảng 3.674 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Điều này dẫn đến tổng mức đầu tư dự án tăng hơn 3.665 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 59/2022/QH15 ngày 16/6/2022.

Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có chiều dài gần 54 km, đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Giai đoạn đầu, tuyến cao tốc được đầu tư với quy mô 4 – 6 làn xe, tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đầu tư công.

Tiến độ dự kiến hoàn thành toàn tuyến năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án vào năm 2026.

Trước đó, cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh sử dụng nguồn vốn ODA của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc có chi phí giải phóng mặt bằng tăng 353 tỷ đồng và chi phí xây dựng tăng 788 tỷ đồng

Các chi phí khác cũng tăng tương ứng như chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác tăng 80 tỷ đồng và chi phí dự phòng tăng 218 tỷ đồng. Tổng cộng chi phí tăng thêm là hơn 1.400 tỷ đồng.

Đức Minh

Related posts