Tin VN trưa thứ Ba: Năm 2019 – 2022: Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam

Năm 2019 – 2022: Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam

Việt Nam sẽ hưởng lợi về kinh tế nhiều hơn khi nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ trong thời gian tới. (Ảnh minh họa: baochinhphu.vn)

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, nhiều năm qua, Mỹ và khối đồng minh (EU, Nhật Bản,…) vẫn luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, do đó giúp cán cân thương mại Việt Nam thặng dư lớn khi giao thương. Trong khi đó, ở chiều ngược lại Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc (nguyên vật liệu sản xuất, thiết bị điện tử,…) để phục vụ các doanh nghiệp FDI nên luôn trong tình trạng nhập siêu.

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị xuất – nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 435 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10%; nhập khẩu giảm 16,2%.

Về thị trường, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị ước đạt 62,3 tỷ USD. Còn Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị ước đạt 68,1 tỷ USD .

Cụ thể, cán cân thương mại với Mỹ thặng dư ước đạt 53 tỷ USD; xuất siêu sang EU ước đạt 19,6 tỷ USD; xuất siêu sang Nhật Bản 1,5 tỷ USD.

Ngược lại, nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 32,3 tỷ USD; nhập siêu từ Hàn Quốc 17,3 tỷ USD (chủ yếu nhập xăng dầu thành phẩm giá trị cao); nhập siêu từ ASEAN 5,2 tỷ USD.
Bảng tổng hợp số liệu: Hạo Thiên / Trí Thức VN (Nguồn: Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê)

Theo ghi nhận lũy kế giai đoạn năm 2019 – 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt 343 tỷ USD, nhập khẩu về chỉ 58 tỷ USD, tương đương giúp cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư (xuất siêu) tới 285 tỷ USD.

Với thị trường EU, Việt Nam xuất siêu 102 tỷ USD, trong đó xuất khẩu là 163 tỷ USD và nhập về 61 tỷ USD.

Còn đối với Trung Quốc, Việt Nam liên tục nhập siêu, thống kê giai đoạn nói trên là âm 185 tỷ USD (năm 2019: -34 tỷ USD; năm 2020: -36 tỷ USD, năm 2021: -54 tỷ USD và năm 2022: -61 tỷ USD).

Chiều hôm qua (ngày 10/9), trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Việt Nam loan tin đã nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ.

Trước đó, Việt Nam cũng có mối liên kết đối tác nói trên với 4 quốc gia khác gồm: Trung Quốc (năm 2008), Nga (năm 2012), Ấn Độ (năm 2016) và Hàn Quốc (năm 2022).

Hạo Thiên

Việt Nam: “Loạn” giá sầu riêng khi các bên tranh mua

“Loạn” giá sầu riêng bởi các bên tranh mua, làm sai quy trình mã số vùng trồng xuất khẩu. (Ảnh minh họa: moit.gov.vn)

Theo truyền thông trong nước, giá sầu riêng thời gian qua bất ổn định bởi các bên tranh nhau mua và thiếu sự quản lý mã số vùng trồng dùng xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp Việt có nguy cơ thua ngay chính sân nhà.

Mở cửa được thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất là Trung Quốc, từ tháng 9/2022 đến nay, giá sầu riêng của Việt Nam tăng vọt và neo ở mức cao. Tại các vùng trồng, chi phí sản xuất 1kg sầu riêng chỉ 20.000 đồng, nhưng giá hiện lên mức 50.000 – 90.000 đồng/kg tuỳ loại, nông dân thu lãi lớn, theo báo Việt Nam Net.

Tại hội nghị diễn ra ở Đắk Lắk hôm 11/9, ông Vũ Đức Côn – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết những tháng đầu năm là mùa nghịch, giá sầu riêng lên tới 150.000 – 200.000 đồng/kg. Vào chính vụ, giá sầu riêng không biến động nhiều.

Đây cũng là lúc sầu riêng Việt Nam trùng với mùa vụ của một số nước khu vực là Thái Lan, Malaysia.

“Sầu riêng tại Tây Nguyên gần như thu hoạch cuối cùng so với cả nước cũng như các quốc gia lân cận, nên giá luôn khá cao”, ông Côn nói.

Theo vị này, ở Đắk Lắk có 3 hình thức thu mua sầu riêng. Thứ nhất, một số doanh nghiệp đặt cọc với người sản xuất, cách thời điểm thu hoạch 1-2 tháng bằng hợp đồng mua bán. Số tiền đặt cọc khoảng 30% giá trị theo sản lượng bán xô tại vườn.

Thứ hai, một số hộ tự chốt giá với doanh nghiệp tại thời điểm sầu riêng bắt đầu ra hoa do người dân cần tiền để đầu tư phân bón, thuốc BVTV… chăm sóc cây.

Thứ ba, một số đối tượng thương lái, “cò” vào tận vườn để chốt giá 80.000-90.000 đồng/kg. Ông Côn cho rằng hình thức thứ 3 này đang gây nhiễu giá thị trường.

Ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Vạn Hòa, đơn vị có hệ thống cơ sở đóng gói tại Đăk Lăk lên đến 30.000 m2, công suất hoạt động khoảng 100.000 tấn một năm, cho biết phải bù lỗ vì sầu riêng bị “thổi giá”, nông dân bẻ kèo, theo báo Vnexpress.

Ông Trung dẫn chứng trước khi sầu riêng vào vụ một tháng, các vùng trồng đã được doanh nghiệp liên kết trước đó nhưng vẫn bị nông dân bẻ cọc vì các cò, lái vào trả giá cao hơn.

“Nếu doanh nghiệp ký kết thu mua với nông dân giá 60.000-80.000 đồng một kg, nhiều cơ sở vãng lai sẵn sàng trả 90.000 đồng, thậm chí 100.000 đồng khiến nông dân bẻ cọc”, ông Trung cho hay.

Theo ông Trung, việc này khiến công ty gặp khó trong hoàn thành đơn hàng cho đối tác, phải bù lỗ sau mỗi chuyến hàng xuất khẩu. Với tình trạng trên, doanh nghiệp càng làm sẽ càng lỗ. Việc duy trì cam kết với các đối tác bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngoài ra, ông này cho biết còn tình trạng đáng báo động là vùng trồng của các hợp tác xã đều được phía Trung Quốc cấp mã nhưng khi thương lái và cơ sở vãng lai thu mua họ lại sử dụng mã vùng trồng khác để đóng gói.

Nếu để tình trạng này tiếp diễn, các lô hàng không đáp ứng được quy định của Trung Quốc và làm mất uy tín hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường.

Đức Minh

Vào lớp lúc 6h45, phụ huynh than khổ vì giờ học của con quá sớm

Theo nhiều phụ huynh, giờ vào lớp của học sinh quá sớm cũng tội cho các cháu phải dậy sớm khi còn ngái ngủ, giờ tan học sớm cũng khiến cho phụ huynh phải sắp xếp, cắt cử người đi đón vì cha mẹ chưa tan làm.

Khi năm học mới bắt đầu cũng là lúc nhiều phụ huynh than vãn vì giờ học của các con quá sớm khiến nề nếp sinh hoạt của gia đình bị đảo lộn theo.

Để kịp 6h30 đưa con đến trường để 6h45 vào lớp học, một phụ huynh có con học lớp 1 Trường Tiểu học Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi cho biết cứ 5h30 là cha mẹ phải gọi con dậy, mẹ thì lo đồ ăn sáng, cha thì cho con làm vệ sinh cá nhân, thay quần áo.

Cả nhà vội vội vàng vàng, trẻ bị ép ăn sáng khi còn ngái ngủ thấy rất tội.

Do trường không học bán trú nên học sinh sẽ về nghỉ trưa và vì giờ vào học quá sớm nên giờ tan học cũng sớm, hôm con học 4 tiết thì 9h55 đã phải đi đón con, học 5 tiết thì đón lúc 10h35. Giờ về lỡ cỡ nên gia đình phải sắp xếp cắt cử người đi đón con vì cha mẹ vẫn còn giờ làm.

Nhiều gia đình có con học cấp 1 ở các tỉnh thành khác cũng cho biết giờ học của con vào lúc 6h45 thì con phải đến trường lúc 6h30. Có trường còn cho học sinh vào lớp lúc 6h30 hoặc 6h40 để truy bài đầu giờ.

Một phụ huynh có con học lớp 1 ở tỉnh Hưng Yên nói: “6h40 vào lớp nghĩa là con phải có mặt ở trường 6h30 và 6h con đã phải đi học. Nếu đi muộn sẽ có sao đỏ chấm điểm ảnh hưởng đến thành tích của con và lớp. Giờ vào học quá sớm khiến cả mẹ lẫn con sáng nào cũng vất vả”.

Do đó, nhiều phụ huynh chia sẻ và mong muốn nhà trường nên có sự điều chỉnh linh hoạt về giờ học của học sinh trong khoảng 7h-7h30.

Bên cạnh đó, giờ về của các trường khác nhau cũng gây khó khăn cho việc đưa đón con của các phụ huynh, nhất là người đi làm cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, công nhân… vì chưa hết giờ làm việc của mình lại đến giờ đi đón con.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi – cô Bùi Thị Mai cho hay trên toàn huyện, từ nhiều năm nay đã áp dụng thời khóa biểu này. Học sinh vào lớp 6h45 để sinh hoạt đầu giờ 15 phút, 7h các em vào học chính thức.

Vào học sớm để buổi trưa sẽ cho các em tan trường vào lúc 10h hoặc 10h35 (tùy theo tiết học). Trường chưa tổ chức bán trú nên cho các em về sớm để ăn trưa, ngủ nghỉ để học tiếp buổi chiều. Việc vào học sớm cũng giúp học sinh có thể tan học sớm, có thời gian nghỉ trưa dài hơn.

Ngọc Mai

Vụ dàn cảnh bán dự án ‘ma’: TGĐ CT Lộc Phúc cùng 22 người bị khởi tố

Nguyễn Văn An (giữa) – Tổng Giám đốc Công ty Lộc Phúc bị khởi tố, bắt giam. (Ảnh: congan.dongnai.gov.vn)

Từ ngày 31/8 đến nay, đã có khoảng 60 người là nạn nhân tố cáo Công ty Lộc Phúc lừa đảo với số tiền giao dịch lên đến hơn 70 tỷ đồng.

Ngày 10/9, Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 22 người thuộc Công ty CP xây dựng kinh doanh Lộc Phúc (Công ty Lộc Phúc), địa chỉ tại quận Tân Bình, TP.HCM, để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Các quyết định và lệnh trên đã được Viện KSND tỉnh Đồng Nai phê chuẩn.

Theo đó, những người bị khởi tố, bắt tạm giam gồm: Nguyễn Văn An (SN 1996, Tổng Giám đốc Công ty Lộc Phúc) và 21 người là các trưởng ban, trưởng phòng, kế toán, tổ trưởng của Công ty Lộc Phúc và người đóng giả khách hàng mua bất động sản trong vụ dàn cảnh bán dự án “ma”.

Qua phản ánh của nhiều người dân và quá trình theo dõi, ngày 31/8, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với công an các địa phương liên quan phát Công ty Lộc Phúc đang tổ chức sự kiện mở sàn giao dịch để môi giới cho hàng chục khách hàng đến xem dự án “ma” tại xã An Viễn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Trong đó, hơn 20 người bao gồm Nguyễn Văn An đã bị tạm giữ để điều tra.

Lực lượng công an cũng tiến hành khám xét trụ sở công ty, niêm phong, thu giữ nhiều tang vật gồm: 50 thùng tài liệu, nhiều máy tính, thiết bị điện tử; hơn 2,4 tỷ đồng, 18.000 yên Nhật, 3.500 USD và 24,3 lượng vàng; 2 xe ô tô 4 chỗ ngồi, 5 xe ô tô loại 52 chỗ.

Ngày 9/9, qua điều tra mở rộng, Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt khẩn cấp Huỳnh Hữu Tường (SN 1991, ngụ phường Thảo Điền, TP.Thủ Đức, TP.HCM), là chủ Công ty Lộc Phúc, người chủ mưu và điều hành tổ chức lừa đảo này và thuê bị can An làm Tổng giám đốc.

Từ tháng 6/2022, Công ty Lộc Phúc bắt đầu triển khai các dự án “ma” tại một số địa phương và quảng bá rầm rộ.

Từ ngày 31/8 đến nay, cơ quan chức năng đã tiếp nhận trình báo của khoảng 60 khách hàng là nạn nhân, tố cáo về hành vi lừa đảo mua bán bất động sản “ma” của Công ty Lộc Phúc, với số tiền giao dịch lên đến hơn 70 tỷ đồng.

Vụ án đang được Công an tỉnh Đồng Nai nhanh chóng điều tra.

Thạch Lam

Related posts