Mưu đồ thâm hiểm của Bắc Kinh khi công bố bản đồ sai trái ‘đường 10 đoạn’

Nguyên Vũ

Mưu đồ thâm hiểm của Bắc Kinh khi công bố bản đồ sai trái 'đường 10 đoạn'
Mưu đồ thâm hiểm của Bắc Kinh khi công bố bản đồ sai trái ‘đường 10 đoạn’. (Chụp video TGTĐ)

Những màn rượt đuổi trên biển kịch tính như phim hành động:
Những ngư dân bị khủng bố đến thất thần;
Những tiếng loa ông ổng dọa nạt từ tàu hải cảnh Trung Quốc;
Hình ảnh loạt vòi rồng nước phun xối xả, và chiếc tàu cá đã xơ xác, nát bươm, hốt hoảng chạy trốn khỏi ngư trường truyền thống.
Những sóng gió ngoại giao cao hơn sóng Biển Đông;
Và những phán quyết quốc tế bị coi rẻ

Cuối tháng 8/2023, Biển Đông lại lần nữa dậy sóng vì hành động lấn chiếm lãnh hải ngang ngược của chính quyền Trung Nam Hải, căn cứ vào cái mà họ gọi là “Đường 10 đoạn” hoặc “Đường 9 đoạn”.

Đường 9 đoạn là gì?

Đường chín đoạn còn gọi là Đường lưỡi bò, Đường chữ U, Đường chín khúc… là tên gọi dùng để chỉ khu lãnh hải tại Biển Đông mà Trung Hoa Dân Quốc và kế tiếp đó là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chủ trương và đơn phương tuyên bố chủ quyền. Nó xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1948 dưới thời chính quyền Trung Hoa Dân Quốc.

Thoạt tiên, đây là “Đường 11 đoạn” và xuất hiện công khai lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1948 trong phụ lục “Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải” của “Bản đồ khu vực hành chính Trung Hoa Dân Quốc” do Cục Phương vực Bộ Nội chính Trung Hoa Dân Quốc phát hành.

Đường này được vẽ đại khái, không có tính chuyên môn, giống như chỉ là tiện tay vẽ ra. Có khi nó bị rút mất 2 đoạn, từ 11 đoạn xuống còn 9 đoạn vào năm 1953, rồi lại tăng lên một đoạn thành 10 đoạn năm 2014.

Trong suốt một thời gian dài, “Đường lưỡi bò” chỉ thể hiện trên bản đồ, không có tuyên bố và hành động khẳng định đi kèm. Đến năm 2003, Tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biển đã bác bỏ chính sách về Đường 9 đoạn. Ngược lại, nhà nước Trung Quốc vào năm 2009 lại gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, dựa trên Đường 9 đoạn, đã tuyên bố quyền tối cao đối với “các đảo ở Biển Đông và các vùng biển lân cận”, làm thổi bùng lên những tranh chấp trong khu vực, giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.

Vào ngày 12 tháng 7 năm 2016, trong vụ kiện chủ quyền của Philippines, Tòa án Trọng tài thường trực theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) bác bỏ Đường 9 đoạn với lý do “không có căn cứ pháp lý cho việc Trung Quốc nêu quyền lịch sử với các tài nguyên nằm trong vùng biển trong Đường chín đoạn”. Rõ ràng, Đường 9 đoạn là phi pháp. Song, Trung Nam Hải chẳng coi phán quyết này ra gì.

Đường 9 đoạn có căn cứ lịch sử không?

Như đã nói, Đường 9 đoạn không có căn cứ lịch sử, nó chỉ xuất hiện từ năm 1948.

Ngày 28/3/2014, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một tấm bản đồ cổ sau tiệc chiêu đãi. Tấm bản đồ có tên China Proper (Trung Quốc đích thực), do nhà bản đồ học người Pháp Jean-Baptiste Bourguignon d’Anville vẽ, dựa trên các cuộc khảo sát địa lý do các nhà truyền giáo Dòng Tên thực hiện trước đó, và được một nhà xuất bản ở Đức xuất bản năm 1735. Bản đồ thể hiện lãnh thổ Trung Quốc vào đầu thời Càn Long (khoảng 1735-1740), là thời cực thịnh khi mà lãnh thổ Trung Quốc rộng lớn nhất. Dẫu vậy, nó không bao gồm Đường lưỡi bò bao trọn quần đảo Hoàng Sa và các quần đảo trên Biển Đông.

Chúng ta cũng nhớ rằng, vào thời gian này, các Chúa Nguyễn của Việt Nam đang khai thác Hoàng Sa.

Một nhà sưu tập người Việt là ông Trần Thắng đã sưu tập được 75 bản đồ Trung Quốc được xuất bản trong vòng 400 năm, từ bản đồ năm 1618 đến 2008, các bản đồ này đều do các nước phương Tây phát hành. Ông Thắng nói rằng: “Dù bản đồ xuất bản tại Trung Quốc hay tại phương Tây, chúng có chung một điểm là đảo Hải Nam là điểm cuối nằm ở phía nam của Trung Quốc. Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ thuộc về Trung Quốc.”

Người ta không khỏi nghi ngờ rằng Đường 9 đoạn là một sản phẩm biên tạo. Đối với các bên liên quan, nó rõ ràng là một sự vô lý. Nhưng vô lý rành rành mà vẫn được chính quyền Trung Quốc sử dụng, thì họ có dụng ý gì đây?

“Chỉ hươu bảo ngựa” và quyền thuật chính trị của những nhân vật Pháp gia

Năm 209 TCN, thái giám Triệu Cao trở thành thừa tướng của nước Tần, ông ta thao túng triều chính, qua mặt cả hoàng đế Tần Nhị Thế. Để thử lòng các quan viên trong triều đình nước Tần, Triệu Cao đã cho dắt một con hươu đến trước mặt Tần Nhị Thế và nói: “Tâu bệ hạ, thần đã tìm cho ngài một con ngựa đẹp”.

Tần Nhị Thế cãi lại: “thừa tướng nói sai rồi, đây rõ ràng là một con hươu mà”.

Triệu Cao nói: “Đây rõ ràng là ngựa. Mọi người nói xem, đây là hươu hay ngựa?”.

Triệu Cao lần lượt hỏi quan viên nhà Tần như vậy. Những người dám nói đấy là hươu sau đó đều bị Triệu Cao trị tội. Một số người im lặng không dám nói gì. Còn lại là rất nhiều người vào hùa với ông ta, nói rằng: “đây là ngựa”, khiến cho Tần Nhị Thế cũng thấy hoang mang, tưởng mình loạn trí.

Triều đình nước Tần trị quốc bằng Pháp gia. Triệu Cao cũng là một nhân vật theo Pháp gia. Pháp gia có một đặc điểm đó là cấm 3 loại tự do: tự do hành động, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng. Hàn Phi Tử, nhân vật đại diện của Pháp gia, từng nói rằng: “Pháp gian trá, cao nhất là cấm cái tâm, tiếp đến là cấm nói, tiếp đến là cấm làm”.

Triệu Cao cố ý đưa ra một kết luận mà ai cũng biết là vô lý, nhưng bởi họ sợ hãi quyền thế của ông ta, họ đa phần không dám lên tiếng phản bác. Thực tế là hễ ai dám nói sự thật đều bị trừng phạt. Đó là âm mưu chính trị, là “Thuật” của Triệu Cao.

Trong Pháp gia có “Pháp”, “Thuật”, “Thế”. “Pháp” là ác Pháp – thứ luật pháp làm ra không phải để hỗ trợ đạo lý, mà là công cụ của kẻ cai trị bức hại nhân dân. “Thuật” là âm mưu chính trị. “Thế” là quyền lực độc tài.

Đảng Cộng Sản Trung Quốc – truyền nhân của Pháp gia và thuật “chỉ hươu bảo ngựa”

Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), kể từ thời Mao Trạch Đông đã tôn sùng Pháp gia, và từ thời Mao cũng đã tràn ngập những điều vô lý. Những ai dám nói lên sự thật đều bị bức hại. Bằng chứng lịch sử là không thiếu.

Sau màn diễn hoang đường của cuộc vận động Đại Nhảy Vọt với những mục tiêu không tưởng như là: làm hai vụ lúa một năm ở Hồ Nam – nơi vốn chỉ làm được một vụ do điều kiện bất khả kháng về khí hậu; Rồi là sản xuất thép đuổi kịp Anh quốc trong vòng 15 năm; Hoặc sản lượng lúa đạt 60 tấn, rồi 120 tấn, 180 tấn/ha; Hoặc là toàn dân diệt chim sẻ v.v. kết quả là khoảng 20 triệu người Trung Quốc chết đói và nền kinh tế nước này dậm chân tại chỗ hàng chục năm sau đó.

Trong Hội nghị Lư Sơn năm 1959, có thành viên hội nghị nào mà không ngầm đồng ý với quan điểm của tướng Bành Đức Hoài rằng Đại Nhảy Vọt mà Mao cổ động là ngu xuẩn? Nhưng đó chính là “con ngựa” của Mao mà chỉ có Bành Đức Hoài dám gọi đúng bản chất của nó là “con hươu”. Kết quả là ông ta bị bắt buộc phải ký vào một nghị quyết kết tội và khai trừ mình ra khỏi chính quyền trung ương.

Hay như phong trào tu luyện Pháp Luân Công trước tháng 7/1999 được chính quyền ĐCSTQ thừa nhận là tốt. Từ đài truyền hình trung ương CCTV cho đến các tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình địa phương, các tổ chức thuộc Bộ Công An; từ các quan chức trung ương và địa phương đến người dân thường Trung Quốc… đều hết lời ca ngợi hiệu quả tích cực của môn này với sức khỏe của người tập, cũng như nâng cao đạo đức xã hội, góp phần cải thiện an ninh và các vấn đề y tế v.v.

Chủ tịch quốc hội Trung Quốc khi đó là Kiều Thạch nói rằng: “Pháp Luân Công chỉ có trăm điều lợi mà không có một điều hại”.

Năm 1998, cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ từng viết thư cho Bộ an ninh Công cộng, trong đó ông nói rằng Pháp Luân Công đã giúp tiết kiệm cho chính phủ một số tiền rất lớn về thuốc men, và công an nên tập trung sức lực để giữ gìn an ninh thay vì hành hung các đệ tử Pháp Luân Công.

Nhưng sau tháng 7/1999, khi tổng bí thư Giang Trạch Dân phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công, thì rất nhiều những cơ quan truyền thông lớn nhỏ trước kia đã từng ca ngợi Pháp Luân Công đều quay ngoắt lại phỉ báng môn tu luyện này. Hễ ai còn nói Pháp Luân Công là tốt thì đều gặp rắc rối.

Pháp Luân Công vẫn là Pháp Luân Công, nhưng chính sách của ĐCSTQ đã thay đổi.

Có phải là Giang Trạch Dân đã dắt ra con hươu của Triệu Cao? Để xem ai dám bảo nó là con ngựa.

Sự im lặng hàng chục năm của Trung Quốc về đường lưỡi bò có dụng ý gì?

Sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989 và bị phương Tây chỉ trích, cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã đề ra một chính sách đối ngoại nổi tiếng là “thao quang dưỡng hối”. Ý của nó là Trung Quốc nên thúc đẩy kinh tế của mình, xây dựng quốc lực mà không gây hấn với các nước.

Là nhân vật lãnh đạo hạt nhân thuộc một Đảng chính trị tôn sùng Pháp gia, có lẽ Đặng hiểu rằng “Thế” – hay là sức mạnh của Trung Quốc vẫn chưa đủ. Chưa đủ “Thế” thì chưa thể dùng “Thuật” và áp đặt “Pháp”. Nhưng khi vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010 – chỉ sau Mỹ, Trung Quốc cho rằng “Thế” của mình đã đủ, có thể công khai về Đường lưỡi bò, cùng tuyên bố chủ quyền đối với 75% diện tích Biển Đông – một thứ “Thuật” “chỉ hươu bảo ngựa”; và áp đặt những “ác Pháp” ví như cấm các nước khác đánh bắt cá trong khu vực Đường lưỡi bò của Trung Quốc.

Liệu Trung Quốc có thể thành công không? Và ngoại giới cần phải làm gì?

Thử đề xuất giải pháp ứng phó với đường lưỡi bò

Trung Quốc khẳng định chủ quyền lãnh hải dựa trên Đường lưỡi bò để thử phản ứng của các quốc gia Đông Nam Á và ngoại giới, cũng giống như Triệu Cao dắt ra con hươu để thử lòng quan viên triều Tần. Trung Quốc có thể sử dụng các biện pháp vũ lực, hoặc thông qua ngoại giao lôi kéo, mua chuộc để đạt được mục đích của mình, nhưng không phải với liên minh các nước ASEAN mà với từng nước một. Đó là lý do Trung Quốc chỉ muốn đàm phán với riêng từng nước ASEAN.

Có nước thì Trung Quốc sử dụng lợi ích kinh tế, có nước thì mua chuộc giới tinh hoa, có nước thì đe dọa dùng biện pháp quân sự, có nước thì sử dụng con bài về chung ý thức hệ cộng sản v.v. tương tự như cách Trương Nghi phụng mệnh Tần Vương đến từng nước thời Chiến Quốc để kết thân hay đe dọa, hoặc gây mâu thuẫn nội bộ các nước… với mục đích phá vỡ chiến lược hợp tung 6 nước chống Tần của Tô Tần trước đó.

Sau này, tổng kết lại nguyên nhân 6 nước thất bại và diệt vong, danh sĩ Tô Tuân đời Tống cho rằng: không phải vì quân đội 6 nước yếu kém, mà là do từng nước hối lộ nước Tần, hy vọng Tần chỉ dữ dằn với nước khác mà buông tha nước mình. Con trai ông là danh sĩ Tô Triệt lại cho rằng, mấu chốt nằm ở chỗ Tần muốn diệt được 6 nước, thì phải “bước qua xác” Hàn và Ngụy, do vị trí địa lý của hai nước này, do vậy chỉ cần 6 nước hỗ trợ cho Hàn và Ngụy, thì Tần không làm gì được. Còn người con trai lớn là Tô Thức lại cho rằng, vấn đề là tại con người mỗi nước đã bị mua chuộc.

Bất luận ra sao, nguyên nhân thất bại của 6 nước có thể thấy ngay trên bề mặt đó là vì thấy lợi quên nghĩa, nên liên minh tan rã và bị nước Tần tiêu diệt. Lịch sử vẫn thường lặp lại.

Bài học lịch sử ấy là điều các quốc gia Đông Nam Á không được quên trong cuộc phòng ngự với Trung Quốc. Liên minh ASEAN chỉ có thể giữ được chủ quyền của mình khi biết đưa lợi ích chung lên cao hơn lợi ích riêng, đồng thời phối hợp tốt với những cường quốc có lợi ích gián tiếp ở Biển Đông như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và phương Tây. “Thế” của Trung Quốc đang đi xuống, theo thời gian sẽ có biến hóa xảy ra.

Nguyên Vũ

Related posts