Bắt 4 cán bộ hải quan ‘bảo kê’ đường dây buôn lậu 150 tỷ đồng từ Trung Quốc
Bốn cán bộ hải quan tỉnh Bình Phước bị bắt do cáo buộc nhận hối lộ để bỏ qua việc nhập lậu hàng hóa trị giá 150 tỷ đồng.
Ngày 12/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cho biết đã phát hiện đường dây buôn lậu sợi polyester do nhóm người Trung Quốc móc nối với những người Việt Nam, trong đó các cán bộ hải quan thực hiện.
Kết quả điều tra xác định nhóm người Trung Quốc chỉ đạo Bạch Tấn Cường (SN 1980, quận 4) thành lập Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Sunview (công ty Sunview); chỉ đạo Võ Thanh Tuấn (SN 1987, ngụ huyện Nhà Bè) thành lập Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Long Tân Vina (cùng đặt trụ sở ở tỉnh Bình Phước) để đứng tên nhập khẩu.
Trên thực tế, đây là những công ty ma nhằm tạo điều kiện cho việc mở tờ khai nhập khẩu hàng hóa tại Chi cục Hải quan Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Bạch Tấn Cường yêu cầu nhân viên là Nguyễn Vĩnh Hòa (SN 1988) và Huỳnh Thị Huyền Trâm (SN 1988) làm giả hóa đơn, chứng từ ngoại thương (invoice) của các công ty bán hàng tại Trung Quốc.
Những người này tự điều chỉnh thông tin chi tiết về hàng hóa từ sợi polyester (có mức thuế chống bán phá giá là 17,45%) sang sợi đơn mono-pylamen polyurethan (có mức thuế chống bán phá giá là 0%).
Sau khi giảm trọng lượng hàng hóa thực tế, nhóm đã làm thủ tục khai báo hải quan hàng hóa nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) để nhập lậu số lượng lớn mặt hàng sợi polyester.
Võ Thanh Tuấn cũng sử dụng thủ đoạn này khi sử dụng pháp nhân Công ty Long Tân Vina để nhập lậu mặt hàng sợi polyester.
Để không bị kiểm tra thực tế hàng hóa khi làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa, Bạch Tấn Cường và Võ Thanh Tuấn đã đưa hối lộ cho một số công chức hải quan thuộc Đội thủ tục hàng hóa nhập khẩu – Chi cục Hải quan Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) với số tiền 3,5 triệu đồng/container.
Do đó, các container sợi polyester của Công ty Sunview và Công ty Long Tân Vina đứng tên nhập khẩu sau khi làm thủ tục bốc dỡ hàng hóa từ cảng Cát Lái (TP.HCM) được vận chuyển trực tiếp về các kho tại quận 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh mà không phải đưa về Chi cục Hải quan Chơn Thành để làm thủ tục kiểm hóa và thông quan hàng hóa.
Ngày 21/8, Công an TPHCM phát hiện Công ty Sunview mở tờ khai nhập khẩu và được Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn (khu vực I) tiến hành niêm phong hải quan, bàn giao cho Công ty vận chuyển về Chi cục Hải quan Chơn Thành để kiểm tra thực tế và hoàn thành thủ tục thông quan.
Tuy nhiên, lô hàng này được vận chuyển về kho hàng ở quận 8 để bốc dỡ mà không vận chuyển về Chi cục Hải quan Chơn Thành theo quy định.
Kết quả kiểm tra phát hiện seal niêm phong hải quan đã bị cắt bỏ, hàng bên trong container là sợi polyester, xuất xứ Trung Quốc, không đúng với chủng loại hàng hóa khai báo tại tờ khai nhập khẩu.
Khám xét khẩn cấp 4 địa điểm là công ty và các kho hàng có liên quan, Công an TP.HCM phát hiện, thu giữ các tài liệu, chứng từ, chữ ký số, dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động nhập khẩu sợi polyester của 2 công ty trên và hơn 700 tấn sợi các loại không có hóa đơn chứng từ.
Ngoài ra, nhóm này khai đã móc nối với một số công chức thuộc Chi cục Hải quan Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) để không thực hiện thủ tục kiểm tra thực tế hàng hóa.
Từ tháng 3 đến thời điểm bị phát hiện, nhóm này đã nhập lậu 258 container mặt hàng sợi polyester với tổng giá trị hàng hóa ước tính gần 150 tỷ đồng.
Khám xét khẩn cấp nơi làm việc của một số công chức hải quan Chi cục Hải quan Chơn Thành (tỉnh Bình Phước), cảnh sát phát hiện, thu giữ 21 bộ hồ sơ tờ khai hải quan luồng đỏ đã thông quan của 2 công ty nêu trên và nhiều tài liệu có liên quan.
Bước đầu, 4 cán bộ thuộc Chi cục Hải quan Chơn Thành gồm Trương Thị Lệ Hằng, Nguyễn Xuân Tùng, Nguyễn Thị Kim Anh, Nguyễn Tiến Dũng thừa nhận từ tháng 3 đến nay, các cán bộ đã không thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định của Luật Hải quan đối với các container do 2 công ty trên đứng tên nhập khẩu.
Họ chỉ ký xác nhận, đóng dấu công chức hải quan trên biên bản bàn giao hàng nhằm thu lợi bất chính tổng số tiền hơn 500 triệu đồng.
Đến nay, Công an TP.HCM đã khởi tố Bạch Tấn Cường, Nguyễn Vĩnh Hòa, Huỳnh Thị Huyền Trâm, Võ Thanh Tuấn về tội Buôn lậu; khởi tố Trương Thị Lệ Hằng, Nguyễn Xuân Tùng, Nguyễn Thị Kim Anh, Nguyễn Tiến Dũng về tội Nhận hối lộ.
Phạm Toàn
Cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm chi 100.000 USD ‘chạy án’ trước khi bị bắt
Công an cáo buộc ông Đặng Việt Hà khi đương chức Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam lo sợ hành vi nhận hối lộ bị phát hiện nên chi 100.000 USD nhờ Nguyễn Văn Chung ‘chạy án’.
Ngày 12/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Lại Thái Phong (SN 1987) – Phó Phòng Kiểm định xe cơ giới (trước đây là Phó Chánh Văn phòng Cục Đăng kiểm) về tội Môi giới hối lộ và Nguyễn Văn Chung (SN 1979, thường trú TP. Hà Nội) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan điều tra, ông Đặng Việt Hà, nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (đã bị bắt giam vào tháng 1/2023 về tội nhận hối lộ) lo sợ sai phạm bị phát hiện nên đã thông qua Lại Thái Phong đưa cho Nguyễn Văn Chung 100.000 USD để tìm cách thu thập thông tin “chạy án” cho mình.
Dù biết không thực hiện được, Nguyễn Văn Chung vẫn nhận tiền và chiếm đoạt số tiền trên.
Trong đại án đăng kiểm, ông Đặng Việt Hà bị cáo buộc nhận tiền “hàng tháng, hàng quý” của các trung tâm đăng kiểm ở nhiều tỉnh thành.
Ông Tô Ân Xô, người phát ngôn của Bộ Công an, nhận định đại án này là vụ tham nhũng có tổ chức, hành vi sai phạm tiêu cực có hệ thống, được tổ chức xuyên suốt từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm, Phòng kiểm định xe cơ giới đến giám đốc nhiều trung tâm đăng kiểm. Công an phát hiện có sự móc nối chặt chẽ giữa nhân viên kiểm định của Cục Đăng kiểm và các trung tâm để cấp giấy chứng nhận cho xe dưới chuẩn thông qua các công ty sân sau.
Hiện Công an TP.HCM và công an tại hơn 30 tỉnh thành đã khởi tố hơn 60 vụ án về sai phạm đăng kiểm xe cơ giới, với tổng cộng trên 500 người bị điều tra về hàng loạt tội danh. Trong suốt 28 năm hoạt động, đây là lần đầu ngành đăng kiểm có số lượng người bị khởi tố kỷ lục.
Phạm Toàn
Phú Thọ: Nữ hiệu trưởng bị ‘tố’ đánh bài trong phòng làm việc
Liên quan đến tin nữ hiệu trưởng trường Mầm non Gia Cẩm (TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) bị cấp dưới “tố” đánh bài trong phòng làm việc, bà này đã lên tiếng về vụ việc.
Ngày 12/9, nói với Báo Lao Động, bà Trần Thị Ngọc Tân – Hiệu trưởng trường Mầm non Gia Cẩm cho biết: “Hiện tại sự việc vẫn đang trong quá trình thanh tra, sau khi có kết luận của cơ quan thanh tra, tôi sẽ trả lời báo chí sau. Vì tôi đang là người trong cuộc, hiện tại dù có nói thế nào thì cũng là quan điểm cá nhân”.
Trước đó, bà Bùi Thị Mai – giáo viên của trường Mầm non Gia Cẩm đã gửi đơn tố cáo hiệu trưởng nhà trường đến UBND thành phố Việt Trì với 12 hành vi: Việc thu tiền các phụ huynh và cả các giáo viên không đúng; không thực hiện chế độ thai sản, khen thưởng theo quy định; phân công công việc trong nhà trường không hợp lý, không đồng nhất với báo cáo; đánh bài trong phòng làm việc… khiến nhiều giáo viên trong trường lo lắng, bức xúc.
Về việc đánh bài, trong đơn tố cáo, bà Mai cho biết vị hiệu trưởng này đã tổ chức, lôi kéo các giáo viên khác chơi bài vào buổi trưa các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6 (sau khi cho trẻ ăn cơm xong từ khoảng 11h đến hơn 14h) ngay trong phòng hiệu phó, phòng hiệu trưởng, riêng ngày thứ 7 tổ chức chơi bài cả ngày tại phòng y tế. Việc chơi bài diễn ra từ khoảng năm 2021 đến nay.
Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP. Việt Trì, việc xử lý đơn đã được gia hạn lần thứ 2, hiện các cơ quan chức năng vẫn đang xác minh.
Bảo Khánh
Đường dây sản xuất, lưu hành tiền giả liên tỉnh bị phát hiện
Nhóm 9 nghi phạm trong đường dây sản xuất và lưu hành tiền giả liên tỉnh đã bị cơ quan công an phát hiện.
Ngày 11/9, thông tin từ Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết cơ quan ANĐT Công an tỉnh đã triệt phá và khởi tố vụ án hình sự, bắt giữ 9 nghi phạm để điều tra về hành vi sản xuất, lưu hành tiền giả quy mô lớn tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Trước đó, Công an tỉnh Quảng Ninh biết được nguồn tin liên quan 2 nam thanh niên lưu hành tiền giả tại một số địa điểm tại TP. Hạ Long, khi bị người dân phát hiện đã bỏ trốn.
Qua điều tra, cơ quan công an xác định và bắt giữ 2 thanh niên lưu hành tiền giả mệnh giá 500.000 đồng để mua sắm hàng hóa tại tỉnh Quảng Ninh là Nguyễn Xuân Thiệp và Phan Mạnh Hùng (cùng SN 2005, trú phường Giếng Đáy, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh).
Thiệp và Hùng khai nhận thông qua mạng Facebook mua tiền Việt Nam giả mang về tiêu thụ tại một số địa điểm tại TP. Hạ Long, Cẩm Phả.
Số tiền giả trên Thiệp và Hùng lên mạng mua từ tài khoản Facebook “Trần Hoài Nam” và người giao hàng có Zalo “Trung Anh td” tại khu công nghiệp VSIP (tỉnh Bắc Ninh).
Lời khai của 2 nghi phạm trên đã hé lộ một đường dây mua bán và lưu hành tiền giả rất tinh vi, xảo quyệt.
Các nghi phạm chọn địa điểm sản xuất tiền giả ở sát cạnh một con sông. Khi lực lượng chức năng ập vào kiểm tra, một số nghi phạm đã nhanh chóng vơ tài liệu và một số thiết bị máy móc ném qua cửa sổ xuống sông. Lực lượng chức năng phải trục vớt các tài liệu lên để điều tra.
Qua điều tra, truy xét đường dây mua bán, tiêu thụ tiền giả thông qua mạng internet, cơ quan điều tra đã làm rõ một nhóm nghi phạm ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, thuê địa điểm tại Hà Nội, dùng các thiết bị máy móc chuyên sản xuất, làm tiền giả, làm giả các loại giấy tờ của cơ quan tổ chức (bằng giả, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, căn cước công dân giả…); sau đó thông qua mạng xã hội, quảng cáo tìm người có nhu cầu mua để tiêu thụ.
Chỉ trong vòng 15 ngày, công an đã xác định điều hành nhóm nghi phạm trên là Nguyễn Văn Đại (SN 1994) và Hồng Tuấn Thành (SN 2003, cùng ở Ý Yên, Nam Định); Lê Bá Toàn (SN 1993, trú tại Nam Giang, Thọ Xuân, Thanh Hoá, đã có tiền án về tội Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức) và một số nghi phạm giúp sức khác.
Lê Bá Toàn khai do biết Đại và Thành đang sản xuất giấy tờ giả nên đã gặp và trao đổi cách làm tiền giả để tiêu thụ. Toàn là người hướng dẫn Đại, Thành cách làm tiền giả. Đại thuê nhà tại Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội, mua máy móc thiết bị để sản xuất tiền giả;
Khi đã sản xuất được, Toàn tìm kiếm khách hàng để tiêu thụ, Toàn thuê Hoàng Trung Hoà (SN 1997) và Vì Văn Ninh (SN 2003, cùng trú tại Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) thực hiện việc giao tiền giả cho khách hàng.
Nguyễn Xuân Thiệp và Phan Mạnh Hùng (có địa chỉ tại Giếng Đáy, Quảng Ninh) là một trong số khách hàng mua tiền giả của Toàn. Toàn đã sai Hoà, Ninh đến Bắc Ninh giao 7 triệu đồng tiền Việt Nam giả cho Thiệp, Hùng, sau đó Thiệp, Hùng mang về Quảng Ninh tiêu thụ.
Toàn phụ trách việc tiêu thụ tiền giả, tính đến thời điểm bị bắt, Toàn đã tiêu thụ tổng cộng 160 triệu đồng tiền giả, mệnh giá 500.000 đồng do Đại và Thành sản xuất.
Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố vụ án hình sự, bắt giữ 9 nghi phạm, gồm: Toàn, Đại, Thành, Hoà, Ninh, Thiệp, Hùng, Việt, Hải, về các hành vi liên quan.
Đồng thời, cơ quan chức năng cũng đã thu giữ 40,5 triệu đồng tiền Việt Nam giả, loại mệnh giá 500.000đ; nhiều giấy tờ giả (bằng giả, căn cước công dân giả…) và nhiều máy móc, thiết bị trong dây chuyền làm tiền giả (máy tính, USB, máy in màu 3D, máy ép plastic dùng sản xuất tiền giả…) cùng nhiều đồ vật, tài liệu khác.
Vụ việc hiện đang được Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục điều tra.
Ngọc Mai