Sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang vươn ra toàn cầu

Nguồn: Craig Singleton, “中国的军事力量正走向全球”, The New York Times, 08/09/2023

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Địa điểm các quan chức Mỹ suy đoán là tiền đồn quân sự ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc trong vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sắp được xây dựng xong tại căn cứ hải quân Ream trên lãnh thổ Campuchia. Điều này thể hiện một diễn biến lớn trong chiến lược phòng thủ khu vực của Bắc Kinh. Ngoài việc tạo điều kiện cho các cuộc phiêu lưu quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, căn cứ địa mới này còn có thể cung cấp cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc một điểm tập kết, giám sát và tác động đến các tuyến đường biển quan trọng như eo biển Malacca, nơi ước tính khoảng 40% hàng hoá thương mại của thế giới đi qua.

Thế nhưng căn cứ hải quân Ream cũng làm sáng tỏ việc Bắc Kinh sử dụng rộng rãi hơn các chiến lược sáng tạo đổi mới để thách thức sức mạnh quân sự của Mỹ, điều có thể tác động nghiêm trọng đến Washington và các đồng minh.

Nhiệm vụ tăng cường quân sự của Trung Quốc tập trung vào việc thiết lập cái gọi là các “địa điểm chiến lược quan trọng” dọc theo các tuyến đường thương mại, năng lượng và tài nguyên chính của Trung Quốc, đặc biệt là các tuyến từ Trung Quốc đi qua eo biển Malacca đến Ấn Độ Dương và Vịnh Aden. Trung Quốc đã nói rõ rằng những địa điểm chiến lược đó nhằm mục đích “hỗ trợ cho các hoạt động quân sự ở nước ngoài” và “thực thi ảnh hưởng chính trị và quân sự” của họ ở nước ngoài.

Tin tình báo và hình ảnh có nguồn công khai cho thấy Trung Quốc đang đặt nền móng cho mạng lưới này, từ Djibouti ở Đông Phi, tới Guinea Xích Đạo trên bờ biển Đại Tây Dương của châu Phi và Quần đảo Solomon ở Nam Thái Bình Dương đều có các dự án đã hoàn thành hoặc có thể được xây dựng trong tương lai.

Chiến lược quốc phòng của Trung Quốc xưa nay luôn tập trung vào việc bảo vệ lãnh thổ gần nước mình. Thế nhưng khi sức mạnh quân sự và lợi ích ở nước ngoài ngày càng tăng, Bắc Kinh đã chuyển sang triển khai các thiết bị quân sự ở nước ngoài xa hơn. So với Mỹ, Trung Quốc vẫn ở thế rất bất lợi về mặt chiến thuật. Mỹ có hàng trăm căn cứ quân sự ở hơn 80 quốc gia, đây là một mạng lưới rộng lớn và tốn kém. Nhưng Trung Quốc hiện có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới. Điều đó, cộng với chiến lược mới của họ – chiến lược tinh giản hơn và tiết kiệm chi phí hơn chiến lược trải rộng “ở khắp mọi nơi” của Mỹ – có thể làm suy yếu các lợi thế của Mỹ, làm cho khi xảy ra xung đột, Bắc Kinh sẽ có khả năng tấn công các mục tiêu quân sự hoặc các mục tiêu có giá trị cao khác, hoặc khi xung quanh Trung Quốc xảy ra xung đột khu vực, Trung Quốc có thể làm suy yếu khả năng của Mỹ trong việc chuyển quân đến các vùng đó.

Khi xây dựng cấu ​​trúc nói trên, Trung Quốc đang tận dụng nền tảng đã được xây dựng bởi Sáng kiến khổng lồ ​​“Một Vành đai, một Con đường” của mình. Sáng kiến ​​này bắt đầu từ 10 năm trước và tập trung vào việc khôi phục cơ sở hạ tầng tại các cảng trên khắp thế giới với mục tiêu mở rộng sức mạnh kinh tế và chính trị của Trung Quốc. Các dự án từng là dự án thương mại này nay đang chuyển đổi thành tài sản quân sự.

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đầy lo lắng không cần nhìn đâu xa ngoài Djibouti — “cứ điểm chiến lược” đầu tiên ở nước ngoài của Trung Quốc. Năm 2015, Trung Quốc bắt đầu xây dựng một cảng dân dụng đa năng ở Djibouti, nằm tại giao điểm giữa Biển Đỏ với Ấn Độ Dương. Cảng này ở gần Trại Lemonnier của quân đội Mỹ và đã phát triển thành một căn cứ được bảo vệ nghiêm ngặt. Theo cơ quan tình báo Stratfor, nó bao gồm hơn 2,3 hecta công sự ngầm — một kỹ thuật Quân Giải phóng Trung Quốc thường dùng để giấu các khẩu pháo và các loại đạn dược tránh bị vệ tinh do thám phát hiện.

Những thay đổi tương tự cũng đang được thực hiện tại Cảng Khalifa ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nơi một tập đoàn vận tải biển Trung Quốc xây dựng và vận hành một cảng container thương mại. Các quan chức chính quyền Biden tin rằng Trung Quốc đang xây dựng một cơ sở quân sự bí mật ở đó, cách căn cứ không quân UAE, nơi đóng quân của một đơn vị Không quân Mỹ quan trọng, khoảng 80 dặm. Tại Pakistan, Bắc Kinh gần đây đã bàn giao hai tàu hộ vệ hải quân để bảo vệ một dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD, bao gồm cảng Gwadar do Trung Quốc đầu tư, nơi Trung Quốc được cho là đang xem xét việc thiết lập một căn cứ hải quân.

Trong tương lai, các địa điểm chiến lược mới của Trung Quốc có thể được hình thành, các căn cứ ấy có thể trở thành địa điểm tập trung cấp cao cho các lực lượng vũ trang hoặc cơ sở để giám sát quân đội nước ngoài. Trong các trường hợp khác, Trung Quốc có thể ký kết thỏa thuận với các quốc gia sở tại cho phép tài sản quân sự hoặc quân nhân của Trung Quốc được tiếp liệu, sửa chữa và lưu trú trong thời gian ngắn.

Nhưng các cuộc chiến trong tương lai sẽ không chỉ liên quan đến tàu chiến và máy bay. Chúng sẽ bao gồm các yếu tố chiến tranh mạng, chiến tranh điện tử và chiến tranh không gian. Chính phủ Trung Quốc cũng đang chuẩn bị giành chiến thắng trong lĩnh vực mới này.

Khoảng 10 năm trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã yêu cầu Quân đội Giải phóng Nhân dân xây dựng “các lý thuyết, chế độ, hệ thống thiết bị, chiến lược và chiến thuật quân sự mới” để triển khai “chiến tranh thông tin”. Lực lượng chi viện chiến lược của Trung Quốc là đơn vị phụ trách không gian, không gian mạng, thông tin liên lạc và chiến tranh tâm lý của Quân Giải phóng, chịu trách nhiệm biến ý tưởng đó thành hiện thực. Lực lượng này hiện duy trì hiện diện tại 4 tiền đồn đã biết ở Argentina, Pakistan, Kenya và Namibia, nơi vận hành những trạm theo dõi và đo lường từ xa cho chương trình không gian quân sự của Trung Quốc. Theo các nguồn tin, gần đây người ta phát hiện thấy Trung Quốc đã thiết lập một trạm nghe trộm ở Cuba; và các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã thiết lập cơ sở hạ tầng tình báo tín hiệu trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Theo các báo cáo tình báo bị rò rỉ của Mỹ, nhân viên [Trung Quốc] tại những địa điểm này và các địa điểm tiềm năng khác có thể tiến hành các hoạt động “từ chối, khai thác hoặc chiếm đoạt” các vệ tinh của Mỹ. Họ cũng có thể tiến hành chiến tranh mạng và chiến tranh nhận thức chống lại các thiết bị hạ tầng của Mỹ hoặc đồng minh – đây là một thành phần cốt lõi trong chiến lược của Trung Quốc nhằm làm suy yếu ưu thế quân sự của Mỹ, kể cả việc phát tán thông tin giả trên sóng điện của đối thủ để làm suy yếu khả năng ra quyết định của họ.

Những “địa điểm quan trọng” này có thể làm cho Trung Quốc có khả năng phân tán sức chú ý của lực lượng Mỹ và đồng minh ở các chiến trường khác nhau, làm cho các lực lượng đó quá căng thẳng, đồng thời lợi dụng mối quan hệ kinh tế và quân sự chặt chẽ hơn của Bắc Kinh với các nước khác để gây áp lực với các nước đó, hạn chế việc sử dụng các căn cứ của Mỹ. Nếu Trung Quốc sử dụng bộ khung ở nước ngoài này trong cuộc xung đột về Đài Loan, điều đó sẽ tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho các nhà hoạch định chính sách của Mỹ, buộc họ phải lựa chọn giữa việc bảo vệ Đài Loan và đối phó với các hành động dương đông kích tây của Trung Quốc ở những nơi khác.

Tuy nhiên, trong vài năm qua, khi Trung Quốc triển khai chiến lược có ảnh hưởng sâu rộng này, chính phủ Mỹ dường như thường ở thế phản ứng bị động. Khi còn làm việc trong chính phủ Mỹ, tôi nhận thấy Washington luôn đợi cho đến khi các thỏa thuận tiếp cận của Trung Quốc tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Guinea Xích đạo và Quần đảo Solomon được hoàn tất hoặc gần như hoàn tất thì mới cử các phái đoàn cấp cao đến thông báo cho các chính phủ đó biết về những rủi ro tiềm ẩn của thiết bị quân sự Trung Quốc.

Các nhà hoạch định chính sách ở Washington cần phải nhận thấy chiều sâu chiến lược trong các hành động của Trung Quốc và vạch ra một chiến lược phủ đầu bao gồm việc áp dụng các biện pháp khuyến khích hoặc trừng phạt để thuyết phục chính phủ sở tại từ chối việc mở rộng quân sự của Trung Quốc. Nên cử một quan chức cấp cao được trao quyền lãnh đạo công tác này.

Đầu tiên, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ nên chuyển sự chú ý sang quốc gia Gabon nhỏ bé ở Tây Phi. Trong những năm gần đây Trung Quốc đã phát triển mối quan hệ quân sự đáng kể với Gabon. Các căn cứ ở Gabon hoặc Guinea Xích đạo gần đó – vốn đã được Mỹ xác định có thể là mục tiêu căn cứ của Quân Giải phóng – sẽ cho phép Trung Quốc lần đầu tiên triển khai sức mạnh vào Đại Tây Dương.

Bắc Kinh đang bí mật áp dụng các hành động có thể định hình lại cục diện quân sự toàn cầu. Mỹ nhất định không thể lại đuổi theo một cách bị động mà cần phải xây dựng chiến lược duy trì vị thế dẫn đầu.

Craig Singleton là nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại Quỹ Bảo vệ các nền Dân chủ (Foundation for Defense of Democracies). Trước đây ông từng đảm nhiệm một số cương vị an ninh quốc gia trong chính phủ Mỹ hơn một thập kỷ, chủ yếu tập trung vào Đông Á.

Related posts