Roger Garside
Việc nhà lãnh đạo Trung Quốc vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh G20 là điều chưa từng có, khó giải thích và khó hiểu. Việc ông Tập Cận Bình từ chối phát biểu tại diễn đàn BRICS ở Nam Phi, sự vắng mặt của ông trong thảm kịch lũ lụt ở Trung Quốc hồi tháng 7 – tháng 8 và việc ông tiếp tục vắng mặt trước công chúng trong suốt mùa hè cũng là những điều đáng chú ý.
Tôi tin rằng chuỗi vắng mặt này có liên quan đến một bí ẩn khác: Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đột nhiên ngã ngựa hồi tháng 7. Ông Tần đã nhanh chóng vụt sáng trở thành ngôi sao nổi tiếng với sự hậu thuẫn của ông Tập.
Ông Tần được bổ nhiệm làm Trợ lý Ngoại trưởng, Thứ trưởng ngoại giao, Ngoại trưởng và cuối cùng là Uỷ viên Quốc Vụ Viện (cấp trên bộ trưởng) trong vòng một năm sau khi đảm nhiệm việc sắp xếp nghi thức cho các cuộc hội đàm của ông Tập với các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Ông Tần được thăng chức từ Thứ trưởng lên thành Uỷ viên Quốc Vụ Viện chỉ trong ba tháng, một kỳ tích thường phải mất 5 năm. Các chuyên gia và những người trong cuộc ở Trung Quốc suy đoán rằng ông Tập đang thử thách tiềm năng của ông Tần để cân nhắc ông lên một vị trí cao hơn.
Năm 2010, ông Tần Cương giữ chức Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Vương quốc Anh. Chỉ sau 15 tháng ở London, ông được triệu tập về Bắc Kinh để đảm nhận vị trí Vụ trưởng Vụ Thông tin Bộ Ngoại giao, nơi ông giám sát mối quan hệ của Bộ Ngoại giao với truyền thông nước ngoài.
Cuối cùng ông được thăng chức Vụ trưởng Vụ Lễ tân, một chức vụ cũng không kém phần quan trọng trong bối cảnh của Trung Quốc lúc bấy giờ. Vị trí này đã giúp ông tiếp xúc trực tiếp với ông Tập.
Trong thời gian làm việc tại London, chàng trai khôi ngô và vui tính Tần Cương chắc chắn đã gặp “cô Phó Hiểu Điền”, Trưởng phòng của Đài Truyền hình Phượng Hoàng (Phoenix TV) có trụ sở tại Hong Kong.
Vào thời điểm đó, bà Phó đang ở giai đoạn đầu của sự nghiệp truyền hình rực rỡ của mình. Bà di chuyển từ London đến Hong Kong để dẫn chương trình đối thoại chính trị mang tên: “Đối thoại với các lãnh đạo thế giới”. Chính trong chương trình này, bà phỏng vấn những nhân vật nổi tiếng như Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, Tổng thống Nga Vladimir Putin và cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Bà Phó không sinh ra trong giới tinh hoa chính trị của Trung Quốc, nhưng bà tốt nghiệp hai trường đại học danh tiếng của đất nước cũng như Đại học Cambridge. Nền giáo dục ưu tú đó, cùng với sự thăng tiến nhanh chóng ở Phoenix, cho thấy bà đã giành được sự ủng hộ của những nhân vật vô cùng quyền lực.
Tuy nhiên, vào năm 2021, ông Tập đã sa thải những người đã thăng chức cho bà Phó tại Phoenix. Ông Lưu Trường Lạc, người đã điều hành Phoenix kể từ khi thành lập vào năm 1996, cùng với tất cả các Giám đốc điều hành cấp cao của ông đều bị sa thải.
Đây không phải là một cuộc cải tổ doanh nghiệp; đó là cuộc tranh giành quyền lực của ông Tập đối với đối thủ nguy hiểm nhất của ông trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), “Phe Thượng Hải”. Ông Lưu là thành viên chủ chốt của phe này, còn Phượng Hoàng là vũ khí mà ông Tập muốn kiểm soát.
Bà Phó đã liên lạc với ông Tần Cương vào thời điểm sự nghiệp của bà đang ở thế ngàn cân treo sợi tóc. Vào ngày 21/3/2022, bà di chuyển bằng máy bay riêng từ California đến Washington để thực hiện cuộc phỏng vấn với ông Tần Cương trong chương trình “Đối thoại với các nhà lãnh đạo thế giới”.
Cặp đôi tuyệt đẹp này được miêu tả là đứng cạnh nhau và quan sát khung cảnh trên sân thượng ở Washington trong một cảnh quay. Theo cư dân mạng Trung Quốc, sự ăn ý và thoải mái về mặt thể chất giữa họ là điều không thể bàn cãi.
Tám tháng sau, vào ngày 24/11, bà Phó hạ sinh một bé trai. Bà đặt tên con là Er-Kin, mà một số cư dân mạng chỉ ra rằng “Er-Kin” có thể là một cách chơi chữ trong tiếng Trung, có nghĩa là “Tần tử” (con trai của ông Tần).
Bốn tháng sau, khi ông Tần, lúc đó là Ngoại trưởng, đi cùng ông Tập tới Moscow, bà Phó đã đăng hai bài đăng mới trên mạng xã hội Trung Quốc, làm dấy lên nhiều suy đoán (chưa từng được xác nhận) rằng bà tuyên bố ông Tần là cha của con trai bà.
Ba tuần sau, vào ngày 10/4, bà Phó đăng lên Twitter một bức ảnh chụp bà với Er-Kin trên cùng một chiếc máy bay riêng đã chở bà đến Washington để phỏng vấn ông Tần một năm trước đó. Bà viết rằng chuyến bay đã đưa bà trở lại “tiền tuyến”, có lẽ là Trung Quốc. Kể từ đó, bà không còn xuất hiện trước công chúng nữa.
Nếu con đường quan lộ của bà Phó dựa trên mối quan hệ hợp tác với ông Tần thì đó sẽ là một rắc rối lớn, đồng thời một sự thật khác sẽ sớm được phơi bày.
Lần cuối cùng ông Tần Cương xuất hiện trước công chúng là vào ngày 25/6 trong cuộc gặp với các Ngoại trưởng Nga, Việt Nam và Sri Lanka, theo các phương tiện truyền thông đưa tin.
Ngày 11/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo ông Tần sẽ không tham dự cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Indonesia vì lý do sức khỏe.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội tràn ngập các đồn đoán rằng ông Tần Cương có quan hệ tình ái với bà Phó, cũng như những lý do khác dẫn đến việc ông “mất tích”.
Cơ quan kiểm duyệt Internet thường chặn tin đồn về quan chức cấp cao như ông Tần. Tuy nhiên, tôi tin rằng việc họ không làm như vậy là bằng chứng cho thấy họ đã nhận lệnh không phải từ người cố vấn của ông Tần, ông Tập, mà là từ các đối thủ của ông Tập.
Điều đáng lo ngại nhất đối với ông Tập là việc ông Vương Quang Á, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, yêu cầu chính thức điều tra ông Tần Cương về hành vi sai trái liên quan đến bà Phó.
Ông Vương không chỉ đơn giản là một cựu thứ trưởng. Vợ ông là con gái của Nguyên soái Trần Nghị (Chen Yi) – một trong “thập đại nguyên soái” của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ông Vương từng đảm nhiệm vị trí Đại diện Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc.
Gia đình vợ ông Vương có thể có lý do thuyết phục để hãm hại ông Tập. Ngay sau khi ông Tập lên nắm quyền và thể hiện rõ quyết tâm ngăn chặn cải cách chính trị và tập trung quyền lực vào tay mình, anh rể của ông Vương là Trần Tiểu Lộ đã cảnh báo việc đảo ngược các phương pháp chính trị mà Mao Trạch Đông đã sử dụng trong Cách mạng Văn hóa. Khi làm như vậy, ông đã nối gót cha mình, người dũng cảm phản đối Cách mạng Văn hóa và phải gánh chịu hậu quả vì điều này.
Ông Trần Tiểu Lộ từng là giám đốc đầu tiên của Tập đoàn Bảo hiểm An Bang, công ty bảo hiểm do cháu rể của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình thành lập và điều hành. Công ty này đã tích lũy tài sản trị giá 300 tỷ USD trước khi bị thanh lý, một quyết định hẳn đến từ ông Tập.
Khi Anbang rơi vào vòng lao lý, ông Trần bị giam giữ một thời gian ngắn, sau đó được trả tự do nhưng vẫn bị giám sát. Ông qua đời vài tháng sau đó. Nguyên nhân được cho là do ông lên cơn đau tim, chỉ ba tháng trước khi nhà sáng lập Anbang bị kết án 18 năm tù.
Việc ông Vương kêu gọi điều tra ông Tần Cương cho thấy ông Tần đang vướng vào làn đạn giữa những gia tộc và phe phái giàu có, quyền lực hơn ông rất nhiều.
Cơ quan an ninh Trung Quốc giám sát và báo cáo các quan chức cấp cao kỹ lưỡng đến mức ông Tập chắc hẳn đã biết chi tiết về đời tư của ông Tần, bao gồm cả các bài đăng trên mạng xã hội giữa ông Tần và bà Phó cũng như mối liên hệ của bà với Phe Thượng Hải, trước khi thăng chức cho ông Tần một cách chóng vánh.
Chắc hẳn ông Tập đã tính toán rằng mình có thể bảo vệ “người của mình” khỏi bị tấn công. Đúng là ông Tần đã có gia đình, nhưng chưa có Bộ trưởng Trung Quốc nào bị sa thải vì ngoại tình. Đúng là bà Phó đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình cho một tổ chức do phe Thượng Hải kiểm soát, nhưng ông Tập đã phá hủy quyền lực tập đoàn của những người chịu trách nhiệm đưa bà trở thành ngôi sao.
Nếu đó là những tính toán của ông Tập, thì các đối thủ của ông đã chứng minh ông sai.
Lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo Đảng vào năm 2012, ông Tập đã không thể bảo vệ một trong những người được ông đỡ đầu, và không chỉ ra bất kỳ người được ông đỡ đầu nào, mà cả người mà ông Tập đã đề bạt lên cấp cao nhất.
Hầu hết các nhà quan sát nước ngoài vốn quen coi ông Tập là người nắm toàn quyền đều bối rối không hiểu tại sao ông Tần lại bị cách chức. Tuy nhiên, tôi tin rằng cú ngã ngựa của ông Tần Cương đã làm suy yếu quyền lực của ông Tập trong giới lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ. Ông Tần tạm thời vẫn giữ chức Ủy viên Quốc Vụ Viện nhưng đã bị tước bỏ mọi quyền lực và không còn xuất hiện trước công chúng.
Đối với ông Tập, cú ngã ngựa của chiến lang Tần Cương đã đủ tồi tệ và là một sự cố hiếm gặp. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh mà ông Tập biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng mà không có lý do chính đáng và sau đó lại xuất hiện ở những nơi bất thường, chẳng hạn như vùng viễn tây hoặc đông bắc của Trung Quốc, thì sự việc thực chất còn tồi tệ hơn nhiều. Và chúng ta thậm chí còn chưa đề cập đến những biến động trong bộ chỉ huy quân sự cấp cao của Trung Quốc.
Chiến thắng vang dội của ông Tập tại Đại hội toàn quốc ĐCSTQ lần thứ 20 vào tháng 11/2022 đã không diễn ra như kế hoạch. Ông Tập đã bổ nhiệm những người ủng hộ ông vào vị trí lãnh đạo cao nhất, nhưng đó mới chỉ là khởi đầu của một cuộc tranh giành quyền lực lâu dài và chết chóc.
Ông Tập tưởng chừng như bất khả chiến bại lại mắc phải một điểm yếu chí mạng: Ông bảo vệ một hệ thống chính trị toàn trị đã tạo ra hàng loạt vấn đề sâu sắc và lâu dài mà nó không thể giải quyết được. Ông ấy không tạo ra những vấn đề này nhưng trong suốt một thập kỷ ông ấy đã phớt lờ và khuếch đại chúng. Vì vậy, bây giờ ông đang tê liệt vì bất lực khi chúng bị phơi bày trước bàn dân thiên hạ và trên toàn thế giới.
Kẻ thù của ông Tập, cả trong và ngoài nước, đang theo dõi chặt chẽ tình hình và âm mưu chống lại ông ở hậu trường. Cú ngã ngựa của ông Tần mới chỉ là thành quả đầu tiên mà họ hái được.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch