Trông người người càng vắng bóng

Lưu Trọng Văn

clip_image001

1.

Biết gã đang ở Montreal, Giáo sư kinh tế kiêm nhà văn Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng hú giục gã: Tới ngay Quebec, tôi dẫn ông đến vái tượng cụ Nguyễn Trãi.

Vượt 300 km hết ba giờ xuyên qua những cánh rừng bạt ngàn đang hong nắng thu để hóng vàng tươi, chàng giáo sư mê văn chương Nguyễn Mạnh Hùng lập tức dẫn gã đi viếng tượng cụ Nguyễn Trãi.

Cuốc bộ qua các lâu đài cổ, các con phố cổ đặc sì Pháp của Quebec đến công viên Parc de L’Arti Lerie, đầu này công viên là bức tượng nhà thơ Nga vĩ đại Pushkin, còn đầu kia công viên là tượng nhà thơ Ukraine vĩ đại Shevchenko. Nga và Ukraine lúc này đây đang đì đùng đạn bom, đang thương tâm máu chảy, Pushkin và Shevchenko bên dòng sông Saint Lawrence êm đềm xứ Phong thu này cùng trầm mặc cái lẽ đời, nào hay.

Và điều bất ngờ là giữa hai bức tượng ấy lại là tượng Nguyễn Trãi, nhà chiến lược nhân văn của Việt Nam.

Người đã “Lấy Đại nghĩa thắng hung tàn”, đã “Lấy Chí nhân thay cường bạo”. Người căm giận bọn cùng binh độc vũ mà da diết tấm lòng vì con người với tuyên ngôn:

HOÀ BÌNH LÀ GỐC CỦA NHẠC.

Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng trầm ngâm trước bức tượng Nguyễn Trãi mà UNESCO và chính quyền thành phố Quebec dựng lên để tôn vinh nhà Nhân văn kiệt xuất của Việt Nam với khuôn mặt và chòm râu đầy vẻ khinh mạn cái ác, cái bất nhân rồi đọc lời Nguyễn Trãi tâu với vua Lê Lợi:

“Xin bệ hạ yêu nuôi nhân dân, để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu, đó là không mất cội gốc của nhạc vậy”.

2.

Chàng trai 19 tuổi Nguyễn Mạnh Hùng du học tại Mỹ rồi trở thành giáo sư giảng dạy về kinh tế tại Canada. Năm 1978 ông là một trong số rất ít Việt kiều được mời về Việt Nam đầu tiên. Thủ tướng Phạm Văn Đồng hỏi Nguyễn Mạnh Hùng: Làm thế nào để kinh tế Việt Nam phát triển?

Ông Hùng đã kể cho cụ Đồng nghe: “Tôi được cán bộ của thủ tướng đưa đến gặp bà con nông dân. Bà con nói mà mắt không nhìn thẳng vào mắt tôi. Sau đó tôi một mình quay lại gặp bà con. Bà con nhìn vào mắt tôi nói khác điều bà con vừa nói.

Thưa thủ tướng, để kinh tế Việt Nam phát triển, việc đầu tiên là phải để cho người làm kinh tế nói thật. Nói thật mà không phải sợ hãi bất cứ ai.”

Nguyễn Mạnh Hùng kể gã nghe: “Hồi mới về nước tôi được trải thảm đỏ đón chào. Nhưng khi tôi chỉ nói thật những gì là thực trạng thì tôi bị xa lánh dần. Tôi nói thẳng với một vị lãnh đạo: Thưa anh, anh biết không, Việt Nam là đất nước nông nghiệp, nhưng người nông dân không đủ no, không thể giàu lên nhờ nông nghiệp. Tôi nói với bà con, nếu nhà nước chỉ thu của bà con 30% thì bà con nghĩ sao? Mấy cụ nông dân bèn quỳ xuống chắp tay vái tôi khóc và nói: Nếu ông khuyên nhà nước thực hiện điều ấy thì chúng tôi rước ông là Thành hoàng của xã chúng tôi.

Vị lãnh đạo kia sầm mặt lại.

Tuy vậy, người vẫn thành tâm lắng nghe tôi là cụ Phạm Văn Đồng, cụ bảo tôi viết một bản đề xuất về phát triển kinh tế Việt Nam. Tôi viết 32 trang đánh máy, nêu lên thực trạng và những chính sách sai lầm phải bãi bỏ và những việc cần phải làm…”

Kết quả sao? Gã hỏi.

Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng, người đam mê nghiên cứu cụ Nguyễn Trãi không trả lời ngay câu hỏi của gã mà đọc câu thơ của cụ Nguyễn Trãi:

“Tuấn kiệt như sao buổi sớm,

Nhân tài như lá mùa thu,

Việc bôn tẩu thiếu kẻ đở đần,

Nơi duy ác hiếm người bàn bạc,

Tấm lòng cứu nước, vẫn đăm đăm muốn tiến về đông,

Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả.

Thế mà:

Trông người, người càng vắng bóng, mịt mù như nhìn chốn bể khơi.”

Sau đó thì sao à?

Thì ông Lê Đức Thọ nói thẳng với tôi: Dọn cỗ cho rồi mà không biết.

Sau đó thì sao à?

Từ năm 1982 tôi bị cấm về nước.

3.

Ông Hùng cùng gã thả bộ dọc sông Saint Lawrence mùa này lác đác đưa đẩy vài chiếc lá phong vàng vẩy ứa đỏ rụng theo gió mớm thu. Bước chân người bước vào tuổi 80 vãi nhịp rồi. Ông chợt cười, cái cười phất phơ sự khinh mạn rồi khẽ hát: Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Ông à, tôi và Trịnh Công Sơn đã từng đi dạo dọc con sông này. Sơn hỏi tôi: Toa có buồn không? Tôi chỉ cười. Trịnh Công Sơn im lặng.

Sau đó tôi lại được về nước. Tôi được biết, chính Trịnh Công Sơn đã nói với ông Võ Văn Kiệt để mời tôi về. Ông Kiệt đâu có lạ gì tôi, chính ông đã dự đám cưới của tôi. Tôi còn nhớ như in trong đám cưới ấy Trần Mạnh Hảo đọc ông nghe bài thơ “Khóc Nguyên Hồng” và chính ông đã rất xúc động trước câu thơ của Hảo:

“Những người Việt Nam vượt biên chết chìm trên biển…”

clip_image003
clip_image005
clip_image007

Nguồn: FB Lưu Trọng Văn

Related posts