Dữ liệu hôn nhân Trung Quốc: Đăng ký kết hôn quý II/2023 giảm mạnh, ly hôn tăng cao

Các cặp đôi đang chụp ảnh cưới tại một địa điểm ở Thanh Đảo, Trung Quốc, ngày 12/7/2019 (Ảnh minh họa: Alesya Avsievich / Shutterstock)

Số liệu đăng ký kết hôn ở Trung Quốc tiếp tục suy giảm, sau khi chạm mức thấp nhất trong 37 năm vào năm 2022, quý II năm nay dữ liệu đăng ký kết hôn Trung Quốc chỉ có 1,781 triệu cặp đôi, so với quý I thấp hơn là 366.000 cặp trong khi số đăng ký ly hôn tăng 35.000 cặp.

Hôm15/9, Bộ Nội vụ Trung Quốc công bố số liệu thống kê hôn nhân quý II/2023, cho thấy trong quý II năm nay toàn Trung Quốc có 1,781 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn và 676.000 vụ đăng ký ly hôn. So với quý quý I năm nay, số đăng ký kết hôn trong quý II năm nay giảm 366.000, trong khi số lượng đăng ký ly hôn tăng 35.000. So với cùng kỳ quý II năm ngoái, cả hai dữ liệu này lần lượt tăng 156.000 cặp đôi và 178.000 cặp đôi.

Trong những năm gần đây, thông tin số lượng cặp đôi kết hôn ở Trung Quốc đạt mức thấp kỷ lục đã thu hút sự chú ý rộng rãi. Theo thống kê của Bộ Nội vụ Trung Quốc, dữ liệu đăng ký kết hôn của Trung Quốc kể từ năm 2014 đã giảm dần qua từng năm: năm 2013 là 13,4693 triệu cặp đôi, năm 2019 giảm xuống dưới mốc 10 triệu, năm 2021 giảm xuống dưới mốc 8 triệu khi chỉ còn là 7,636 triệu cặp đôi; đến năm 2022 số lượng đăng ký kết hôn trên toàn Trung Quốc là 6,833 triệu cặp đôi, giảm 803.000 cặp so với năm trước (khoảng 10,5%).

Theo báo mạng Thanh niên Trung Quốc (China Youth), số lượng đăng ký kết hôn ở Trung Quốc đã chạm mức thấp kỷ lục trong 37 năm qua. Thống kê do Bộ Nội vụ Trung Quốc công bố ngày 9/6 năm nay cho thấy số lượng đăng ký kết hôn vào năm 2022 là 6,833 triệu cặp, số lượng đăng ký ly hôn là 2,1 triệu cặp, số lượng đăng ký kết hôn và ly hôn đều giảm so với năm trước.

Chủ đề trên weibo liên quan “Tại sao số vụ ly hôn Trung Quốc giảm trong 3 năm liên tiếp” đã làm dấy lên bàn luận sôi nổi của cư dân mạng Trung Quốc, theo đó nhiều người cho rằng đó là chưa kể có nhiều trường hợp muốn ly hôn nhưng không được hoặc chưa được tòa thụ lý/giải quyết… Có người cho rằng, vì muốn số liệu đẹp nên nhà chức trách hạn chế cho phép ly hôn, vấn đề thời gian tạm hoãn ly hôn là một cái bẫy…

Một người chia sẻ: “Chỉ kể vài trường hợp tôi thấy gần đây: thời kỳ sinh con do bạo lực gia đình muốn ly hôn nhưng bị từ chối; một người phụ nữ bị bạo hành gia đình 16 lần trong hai năm và đeo túi đựng phân suốt đời vẫn không ly hôn được; một người mẹ có 6 người con, bị ép sinh thêm nên xin ly hôn nhưng cô bị từ chối; với lý do trân trọng mối quan hệ gia đình nên tòa án từ chối cho phép ly hôn đối với những người đàn ông đã có gia đình nhưng đi gái mại dâm…”.

Về vấn đề giảm mạnh số người đăng ký kết hôn, dư luận Trung Quốc chỉ ra những lý do chính như vấn đề giá nhà là yếu tố hàng đầu, còn nhiều yếu tố khác như giáo dục, chăm sóc y tế, chi phí sinh con, kỳ vọng về tương lai ở Trung Quốc… Những vấn đề đó hiện tại chưa có giải pháp nào.

Có người chia sẻ: “Gánh nặng sinh kế người lao động Trung Quốc hiện nay liên quan bất động sản và giáo dục y tế cũng giống như thuế thân nhân thời nhà Thanh, thêm một người đồng nghĩa với nhiều gánh nặng hơn nên dân số Trung Quốc không thể tăng được. Sau đó, vua Ung Chính đã thực hiện ý tưởng về ​​chia đất, thay đổi thuế thân thành thuế tài sản, nhờ đó tạo động lực về mặt chính sách cho tăng trưởng dân số”…

Theo tin ngày 11/9 từ tờ “Quan sát Kinh tế” (Economic Observer) của Trung Quốc, tính đến năm 2021 toàn Trung Quốc có khoảng 239 triệu người độc thân (từ 15 tuổi trở lên). Về vấn đề này, giáo sư Yuan Xin của Trường Kinh tế thuộc Đại học Nankai Trung Quốc là Phó chủ tịch Hiệp hội Nhân khẩu học Trung Quốc cho biết, điều cần chú ý là tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao kéo dài trong khoảng 40 năm qua đã khiến nhiều người “độc thân bị động” (muốn kết hôn nhưng không thể). Ông chỉ ra rằng “Trung Quốc có hơn 30 triệu đàn ông không tìm được vợ trong nước”. Tuy nhiên một số cư dân mạng phản bác rằng: “Con số 30 triệu là đáng nghi ngờ, 50 triệu thì chuẩn hơn”.

Mộc Vệ

Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn.org. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự cho phép của Trí Thức VN.

Related posts