Jackhammer Nguyễn
5-1-2021
Ngày 5/1/2021, tòa án thành Hồ kết án anh Phạm Chí Dũng, một cây bút chỉ trích chế độ Hà Nội, 15 năm tù giam và 3 năm quản chế sau khi mãn án, tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.
Anh Dũng là con trai của ông Phạm Văn Hùng, một người thuộc nhóm “buông rèm chấp chính” ở thành ủy thành Hồ, Trưởng an Tổ chức đảng, trước đây.
Màu đỏ của lý lịch anh Dũng không hề nhạt hơn các trang lý lịch của Nguyễn Thanh Nghị (con Nguyễn Tấn Dũng), Nguyễn Xuân Anh (con Nguyễn Văn Chi),… và còn đậm hơn nhiều so với các tay chơi mới phất như Lê Trương Hải Hiếu (con Lê Thanh Hải), hay Đào Ngọc Dung (cháu vợ cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An).
Nhóm “gia đình cách mạng gộc” này, còn gọi là các “thái tử đỏ” sau khi nhà nước cộng sản bắt đầu làm ăn với phương Tây, họ đang là những người nắm nền kinh tế, chính trị ở Việt Nam hiện nay.
“Thái tử đảng” Phạm Chí Dũng cũng được chế độ “chuẩn bị” rất kỹ càng, anh được học kinh tế và kỹ thuật quân sự, hai ngành quan trọng đối với sự tồn tại của nhà nước cộng sản hiện nay. Anh được đưa vào làm ở Ban Nội chính, cũng có phần liên quan đến việc “buông rèm chấp chính” như cha anh trước kia. Anh Dũng còn là sĩ quan an ninh, thanh gươm và lá chắn của chế độ, và dĩ nhiên, đảng viên đảng cộng sản.
Thời điểm anh Dũng chính thức không còn “đỏ” nữa là vào năm 2012, khi anh bị bắt trong vài tháng vì một số bài báo chống tham nhũng. Điều trớ trêu đáng nói ở đây là, khi viết những bài báo chống tham nhũng ấy, anh đã làm một công việc mà Đảng giao cho mình, là chức năng của Ban Nội chính Thành ủy. Anh tuyên bố bỏ đảng năm 2013, kể từ đó tôi có dịp chuyện vãn nhiều với anh.
Phạm Chí Dũng là một trong những người tôi có trao đổi nhiều nhất, trong số những người chỉ trích chế độ cộng sản ở Việt Nam. Thế hệ anh Dũng cũng là thế hệ của tôi, một thế hệ chia làm đôi, rõ rệt sau biến cố lịch sử năm 1975. Anh Dũng thuộc nhóm “gia đình cách mạng gộc”, tôi thuộc nhóm “thành thị tiểu tư sản”, có liên quan đến “ngụy quân ngụy quyền”.
Mặc dù tôi cũng lớn lên trong lòng chế độ cộng sản, nhưng để hiểu rõ chi tiết về cấu trúc guồng máy của Đảng Cộng sản, có thể nói anh Dũng là một cái kho vô tận. Nếu không có những người như anh Dũng giải thích, người bên ngoài đảng rất rối trí trước hàng loạt những thuật ngữ rất bí ẩn: Ban nội chính, ban tổ chức, ban bí thư, ban chấp hành trung ương, thường trực ban bí thư, bộ chính trị, ủy viên dự khuyết, quân ủy trung ương,… vô cùng rối rắm.
Con đường đi từ vị trí một “thái tử đỏ”, đến vị trí mà anh Dũng chọn cho mình, một cây bút độc lập, trong sự tiếp xúc với phương Tây là không hề dễ dàng. Từ những kiến thức kinh tế trong mái trường xã hội chủ nghĩa, đến sự vận hành của một xã hội tự do dựa trên nền tảng tư bản chủ nghĩa, là một trời một vực. Từ viết bài theo lối tuyên truyền của đảng đến phân tích, bảo vệ quan điểm độc lập của người viết, là một đoạn đường đi rất chông chênh.
Đối với tôi, anh Phạm Chí Dũng là một bỉnh bút hơn là một nhà báo đưa tin bình thường, vả lại khi đã bị “rút phép thông công” (từ của luật sư Nguyễn Mạnh Tường), thì hệ thống của Đảng sẽ rất kín kẽ đối với những con cừu đen (black sheep, theo văn hóa phương Tây) trước kia là “đỏ”.
Nhưng khó khăn lớn nhất đối với những “black sheep” như anh Dũng là sự mơ hồ, nhiều vùng xám của xã hội chính trị Việt Nam thời cộng sản này. Những băng nhóm trục lợi, ngoài mặt vẫn bám lấy giáo điều Mác Lê, những băng nhóm dân túy mỵ dân ít Mác Lê, thậm chí không có, nhưng vẫn trục lợi. Những người như anh Dũng phải bơi trong cái biển xám xịt lộn xộn, đó là điều không hề dễ dàng.
Và như tôi nói ở trên, khi đã trở thành “black sheep”, không còn là “princelings” (thái tử đảng) nữa, thì hệ thống sẽ khép lại, black sheep rất khó sinh tồn dưới những cái bóng của bọn hoạt đầu chính trị bên trên.
Dù sao đi nữa, khi anh Dũng từ bỏ vị trí thái tử đỏ, với con đường hoạn lộ mênh mông trong hệ thống “giai cấp mới” (New Class, từ của Milovan Djilas), thì đó là một sự can đảm và chính trực ít thấy, không phải như những kẻ “bất đồng tham nhũng” mà tôi từng đề cập đến trong những bài viết trên diễn đàn này.
Là người có khả năng trình bày phản biện khúc chiết và rõ ràng, sớm hay muộn thì anh Dũng cũng sẽ bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt, để triệt tiêu những chỉ trích trên không gian mạng, điều duy nhất họ còn lo ngại hiện nay.
Việc tuyên án 15 năm tù nặng nề, là lời cảnh cáo các black sheep khác, khi hào quang cách mạng của gia đình họ đã tàn phai, khi cách mạng muốn ăn thịt những đứa con của mình, khi một thế hệ mới những thái tử đỏ đang cầm quyền, nhiều thủ đoạn và tiền bạc.
Có lẽ anh Dũng cũng đã lường được tình trạng của mình. Ngay trước ngày anh bị bắt không lâu, trong một buổi tối Sài Gòn nóng bức, tôi cảm thấy trong ánh mắt của anh một sự buồn bã tuyệt vọng.
Trong suốt bài viết này tôi dùng đại từ nhân xưng Anh, không phải là Ông, để tránh sự xa cách buồn bã mà vốn dĩ thế hệ của chúng tôi đã không tránh khỏi, cũng như dân tộc này đã không tránh khỏi.