Cựu quan chức cấp cao nêu lên các vấn đề lớn còn tồn tại trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc. Đó là các vấn đề như nợ đọng, bong bóng bất động sản, và đặc biệt là tình trạng dư cung.
Một cựu quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là người hiếm khi lên tiếng công khai về các vấn đề bất động sản của Trung Quốc. Ông vừa lên tiếng chỉ trích rằng hiện nay có quá nhiều ngôi nhà ở Trung Quốc bị bỏ trống, đủ cho hơn 1,4 tỷ người, trong khi những người có đủ sức mua chắc chắn sẽ không mua được hết tất cả số nhà này.
Vào thứ 7 (23/9), ông He Keng, cựu Phó giám đốc Cục Thống kê Quốc gia, đã nói rõ tại “Hội nghị Phát triển Kinh tế Thực Trung Quốc” tổ chức tại Đông Quản rằng thực sự có một số vấn đề mà nền kinh tế Trung Quốc hiện đang gặp phải.
Ông tin rằng các vấn đề dài hạn và mang tính cơ cấu chủ yếu là vấn đề bất động sản và gánh nặng nợ nần.
Ông He Keng tập trung vào những vấn đề tồn tại trong lĩnh vực bất động sản. Đầu tiên là vấn đề nợ đọng. “Tôi đã tính toán cách đây vài năm và thấy rằng tỷ lệ nợ trên tài sản của hầu hết các công ty bất động sản hàng đầu đều vượt quá 90%. Đây là mức rất cao. Cho nên bây giờ mới lộ ra rằng một số công ty bất động sản nợ hàng nghìn tỷ mỗi lần, điều đó rất nghiêm trọng”, ông giải thích.
Thứ hai, tình trạng dư cung bất động sản. Ông cho rằng, tiếp tục phát triển thị trường bất động sản trong bối cảnh lượng nhà trống rất lớn là không khôn ngoan.
“Hiện tại có bao nhiêu căn nhà trống? Những con số mà mỗi chuyên gia đưa ra đều rất khác nhau. Người cực đoan nhất cho rằng số lượng căn nhà trống hiện tại đủ chỗ cho 3 tỷ người”. Ông nói: “Con số ước tính này có thể hơi cao nhưng có thể là 1,4 tỷ người”.
Ông He Keng cho rằng với rất nhiều nhà trống, việc phát triển mạnh mẽ lĩnh vực bất động sản tại thời điểm hiện nay là không khôn ngoan. “Các doanh nghiệp bất động sản phải chuyển mình và chủ động sớm”.
Thứ ba, bong bóng thị trường bất động sản quá lớn. Ông He Keng cho rằng Trung Quốc cần từ từ thu nhỏ bong bóng này.
Ông He Keng cho rằng theo quy luật của nền kinh tế thị trường, giá nhà sẽ tăng khi cần tăng và giảm khi cần giảm. Chỉ bằng cách thu nhỏ bong bóng và tạo điều kiện mua nhà cho những người thực sự cần nhà và có đủ sức mua thì thị trường bất động sản mới trở nên sôi động. Một khu phức hợp dân cư và thương mại đang được xây dựng ở Nam Ninh, vùng Quảng Tây của Trung Quốc, vào ngày 9/11/2021. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
Tình thế khó khăn của ngành bất động sản
Ngành bất động sản, từng là xương sống của nền kinh tế Trung Quốc, đã suy giảm kể từ năm 2021. Các nhà phát triển bất động sản nổi tiếng như Evergrande và Country Garden đã trải qua những vụ sụp đổ hoặc vỡ nợ, đồng thời tâm lý của người mua nhà cũng trở nên trì trệ.
Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tính đến cuối tháng 8, tổng diện tích xây dựng nhà chưa bán được là 648 triệu mét vuông.
Reuters ước tính dựa trên diện tích nhà trung bình 90m2, có 7,2 triệu căn nhà chưa bán được. Điều này không bao gồm số lượng lớn các dự án nhà ở đã được bán nhưng chưa hoàn thành do vấn đề về dòng tiền, cũng như nhiều ngôi nhà được các nhà đầu cơ mua vào năm 2016 khi thị trường được cải thiện lần gần đây nhất.
Để giảm bớt tình thế tiến thoái lưỡng nan về bất động sản, chính phủ Trung Quốc gần đây đã nới lỏng chính sách hạn chế mua nhà ở, nới lỏng các tiêu chí xác định mua nhà lần đầu (những căn nhà mua lần đầu có thể được hưởng thêm chiết khấu và trợ cấp), đồng thời giảm tỷ lệ trả trước cho ngôi nhà thứ nhất và thứ hai.
Tuy nhiên, ông Lu Ting, nhà kinh tế trưởng của Nomura Securities China, cho rằng vào cuối chu kỳ này, doanh số bán bất động sản ở các thành phố lớn sẽ ổn định hoặc thậm chí tăng trở lại, còn đối với nhiều thành phố vừa và nhỏ, trong trường hợp lạc quan nhất, doanh số bán bất động sản sẽ không còn xấu đi nữa.
Bài bình luận mới nhất của hãng truyền thông Trung Quốc “Caixin” cho biết, hiện tại, nền tảng tài chính địa phương và bất động sản của Trung Quốc đã trở thành hai “tê giác xám” [một mối đe dọa lớn nhưng bị bỏ qua] liên hợp, đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định của hệ thống tài chính Trung Quốc.
Trong nỗ lực đảo ngược hướng dư luận, Tân Hoa Xã, cơ quan truyền thông chính thức của ĐCSTQ, mới đây đã đăng tải các bài báo bác bỏ “thuyết về sự sụp đổ kinh tế ở Trung Quốc”. Không ngờ nó lại gây ra tranh cãi lớn hơn.
Bảo Nguyên biên dịch