Hoa Kỳ hoàn thiện bộ quy tắc nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận gói tài trợ vi mạch trị giá 52 tỷ USD

Terri Wu

Bộ Thương mại đã công bố các quy định tài trợ cuối cùng của Đạo luật CHIPS nhằm hạn chế Trung Quốc được hưởng lợi từ khoản tài trợ 52 tỷ USD liên quan đến nguồn tài trợ theo Đạo luật CHIPS.

Hôm thứ Sáu (23/09), Bộ Thương mại đã công bố các quy tắc tài trợ cuối cùng theo Đạo luật Khoa học và CHIPS, nhằm ngăn Trung Quốc được hưởng lợi từ các gói tài trợ trị giá 52 tỷ USD cũng như xóa bỏ rào cản cuối cùng trước khi cung cấp 39 tỷ USD để sản xuất chất bán dẫn.

Những quy tắc này hạn chế bên nhận các khoản trợ cấp theo Đạo luật CHIPS đầu tư vào hầu hết các hoạt động sản xuất chất bán dẫn — tân tiến và theo công nghệ cũ — ở “các quốc gia ngoại quốc đáng lo ngại” trong 10 năm hoặc thực hiện nghiên cứu chung hoặc cấp phép công nghệ với “các tổ chức ngoại quốc đáng lo ngại” về công nghệ hoặc sản phẩm có liên quan đến an ninh quốc gia. Những quy tắc này cũng cấm người nhận sử dụng các khoản tài trợ để xây dựng, sửa đổi, hoặc cải tiến cơ sở sản xuất vi mạch bán dẫn bên ngoài Hoa Kỳ.

Theo thông cáo báo chí của bộ, Bộ Thương mại sẽ củng cố “các biện pháp bảo vệ” bằng cách rút lại toàn bộ trợ cấp liên bang trong trường hợp vi phạm.

Định nghĩa của Hoa Kỳ về “các quốc gia ngoại quốc đáng lo ngại” bao gồm Trung Quốc, Nga, Bắc Hàn, Iran, cũng như bất kỳ quốc gia nào khác do Bộ Ngoại giao xác định. Bộ trưởng Thương mại cũng có thể bổ sung thêm nhiều quốc gia vào danh sách có liên quan đến việc tài trợ theo Đạo luật CHIPS. Các tổ chức ngoại quốc đáng lo ngại bao gồm: các tổ chức do các nước ngoại quốc đáng lo ngại sở hữu hoặc kiểm soát, những tổ chức nằm trong danh sách tổ chức của Cục Công nghiệp và An ninh, và danh sách các Công ty Tổ hợp Công nghiệp-Quân sự Trung Quốc (NS-CMIC) của Bộ Ngân khố.

Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết trong thông cáo báo chí, “Một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Biden-Harris — được thực thi thông qua Đạo luật Khoa học và CHIPS — là mở rộng vai trò lãnh đạo công nghệ của Hoa Kỳ cũng như các đồng minh và đối tác của chúng ta. Những biện pháp này sẽ bảo vệ an ninh quốc gia của chúng ta và giúp Hoa Kỳ luôn dẫn đầu trong nhiều thập niên tới.”

“Đạo luật CHIPS dành cho nước Mỹ về căn bản là một sáng kiến an ninh quốc gia, và những biện pháp bảo vệ này sẽ giúp bảo đảm các công ty nhận trợ cấp của Chính phủ Hoa Kỳ không làm suy yếu an ninh quốc gia của chúng ta khi chúng ta tiếp tục phối hợp với các đồng minh và đối tác của mình để củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu và nâng cao an ninh nói chung của chúng ta.”

Các “biện pháp bảo vệ” này khá cụ thể; Bộ Thương mại cho biết sau khi các quy tắc lần đầu được đề xướng hồi tháng Ba, họ đã làm việc với nhiều tổ chức, bao gồm các đại diện ngành bán dẫn trong và ngoài nước, Bộ Quốc phòng và cộng đồng tình báo.

Ví dụ, những quy tắc này nêu rõ rằng sản xuất tấm bán dẫn được xem là sản xuất chất bán dẫn. Ngoài ra, việc “mở rộng trên thực tế” cho các cơ sở sản xuất vi mạch bán dẫn tân tiến được định nghĩa là bổ sung thêm phòng sạch — các phòng có bộ điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, và luồng không khí trong các nhà máy chế tạo vi mạch bán dẫn — hoặc các không gian thực tế khác có thể giúp cơ sở sản xuất tăng lên hơn 5%.

Tỷ lệ này là 10% khi áp dụng cho việc sản xuất theo công nghệ cũ. Tại một hội thảo trực tuyến hôm thứ Sáu (23/09), ông Vikram Viswanathan, giám đốc chính sách của Văn phòng Chương trình CHIPS tại Bộ Thương mại cho biết, ngoại lệ đối với việc mở rộng trên thực tế cho các nhà máy chế tạo vi mạch bán dẫn truyền thống sẽ yêu cầu “85% sản phẩm cuối cùng có chứa vi mạch bán dẫn phải được sử dụng hoặc tiêu thụ” ở “quốc gia ngoại quốc đáng lo ngại.”

Ông cũng nói rằng mặc dù Bộ Thương mại đã nhận được yêu cầu tăng hoặc loại bỏ các ngưỡng phần trăm nói trên, nhưng họ vẫn giữ nguyên những quy tắc cuối cùng này vì lý do an ninh quốc gia.

Tại phiên điều trần tại Hạ viện hôm thứ Ba, bà Raimondo nói rằng bộ của bà đang tạm dừng các khoản trợ cấp liên quan đến sản xuất chất bán dẫn cho đến khi các quy tắc cuối cùng được ban hành.

Bà cũng nói với các nhà lập pháp tại Ủy ban Khoa học, Không gian, và Công nghệ của Hạ viện rằng, “Toàn bộ mục đích của chương trình này là vì an ninh quốc gia, vì vậy chúng tôi không muốn một xu nào trong số tiền này sẽ giúp Trung Quốc vượt lên trước chúng tôi và chúng tôi không thể để các công ty nhận trợ cấp CHIPS thực hiện nghiên cứu và phát triển với một công ty khác vốn làm suy yếu an ninh quốc gia của chúng ta.”

Tại hội thảo trực tuyến này, ông Viswanathan làm rõ rằng các quy định sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất vi mạch bán dẫn theo công nghệ cũ hiện có ở Trung Quốc; điều họ tập trung vào là việc mở rộng.

Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo làm chứng trước Ủy ban Khoa học, Không gian, và Công nghệ của Hạ viện tại Tòa nhà Rayburn, tòa nhà văn phòng hoạt động của Hạ viện ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 19/09/2023. (Ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images)
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo làm chứng trước Ủy ban Khoa học, Không gian, và Công nghệ của Hạ viện tại Tòa nhà Rayburn, tòa nhà văn phòng hoạt động của Hạ viện ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 19/09/2023. (Ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images)

Với Hoa Kỳ, sản xuất vi mạch bán dẫn chính là vấn đề then chốt

Tuy nhiên, việc sản xuất vi mạch bán dẫn của Hoa Kỳ vẫn là vấn đề mấu chốt, ông James Lewis, giám đốc Chương trình Chính sách Công cộng và Công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với The Epoch Times.

Ông Lewis nói về “những biện pháp bảo vệ” được công bố hôm thứ Sáu, “Họ có ý định ngăn dòng tiền chảy vào Trung Quốc, đây là mối lo ngại lớn của Quốc hội. Có lẽ [những biện pháp đó] không cần thiết vì các công ty ngày càng không sẵn lòng đầu tư vào Trung Quốc vì rủi ro kinh doanh nhưng [đó] lại là yêu cầu chính trị.”

“Đạo luật CHIPS sẽ thành công nếu có nhiều nhà máy hơn ở Hoa Kỳ và sản lượng vi mạch bán dẫn của Hoa Kỳ tăng lên. Cho đến nay, vẫn chưa có tiến triển gì, nhưng đó chỉ là những ngày đầu,” ông nói thêm. “Tuy nhiên, Hoa Kỳ cần phải nhớ rằng đây là những mục tiêu duy nhất có giá trị và [cần] đẩy nhanh tốc độ thực hiện.”

“Đạo luật CHIPS là một ý tưởng hay, nhưng chúng tôi sẽ xem liệu Chính phủ có thể làm được chăng,” ông nói.

Ông Jeff Ferry, nhà kinh tế trưởng tại Liên minh vì một nước Mỹ Thịnh vượng (CPA), đồng ý rằng sản xuất chất bán dẫn trong nước là quan trọng và nói rằng hành động mới nhất của Bộ Thương mại là “một bước đi đúng hướng nhưng chưa đi đủ xa.” CPA là một tổ chức vận động đại diện độc quyền cho các nhà sản xuất có hoạt động sản xuất tại Hoa Kỳ.

Đặc biệt, ông nhận thấy định nghĩa về vi mạch bán dẫn “tân tiến” là có vấn đề.

“Về việc hợp tác với ngành vi mạch bán dẫn, chính phủ ông Biden đã xác định một phân khúc rất hẹp của ngành vi mạch bán dẫn là ‘tân tiến,’ và 90% còn lại của ngành vi mạch bán dẫn là ‘cũ.’ Đây là sự khác biệt phần lớn là giả tưởng ở chỗ quý vị có thể tạo ra các sản phẩm tân tiến bằng cách sử dụng cái gọi là vi mạch bán dẫn theo công nghệ cũ gần đây nhất,” ông Ferry nói với The Epoch Times. “Các vi mạch bán dẫn 7, 9 và 12 nanomet có thể thực hiện rất nhiều nhiệm vụ rất tân tiến.”

Các quy tắc tài trợ theo Đạo luật CHIPS đã được hoàn thiện vài tuần sau khi Huawei Technologies Co. của Trung Quốc ra mắt mẫu điện thoại thông minh mới sử dụng vi mạch bán dẫn 7-nanomet — một cột mốc lịch sử về sức mạnh điện toán mặc dù chậm hơn hai thế hệ so với thế hệ tân tiến nhất — hôm 29/08, trong lúc bà Raimondo đang công du tại Trung Quốc.

Ông Ferry xem bước đột phá nói trên của Huawei là một trường hợp cho thấy cần mở rộng các hạn chế đối với việc chuyển giao công nghệ và bán thiết bị. Ông nói: “Những gì chúng ta cần làm là mở rộng những hạn chế đó, gây khó khăn hơn cho họ, đồng thời, giảm tốc độ nghiên cứu và phát triển cũng như sản xuất trong nước [của họ].”

Bà Morgan Dwyer, giám đốc chiến lược của Văn phòng Chương trình CHIPS, cho biết tại hội thảo trực tuyến này, rằng Bộ Thương mại đã nhận được hơn 500 báo cáo đáng lo ngại và 100 đơn ghi danh trước.

Công nghệ kết hợp vi mạch bán dẫn được đưa vào các quy tắc

Bà Dwyer cũng xác nhận tại hội thảo trực tuyến rằng các hạn chế mở rộng cũng bao gồm công nghệ kết hợp các vi mạch chất bán dẫn. Cách kết hợp xếp chồng các vi mạch bán dẫn lên nhau giúp tăng sức mạnh tính toán. Ví dụ: thay vì phải tạo ra vi mạch bán dẫn 3-nanomet, người ta có thể xếp chồng các vi mạch bán dẫn 7-nanomet lại với nhau để đạt được sức mạnh tính toán tương tự.

Ông Dương Thụy Lâm (Ray Yang), một chuyên gia kỳ cựu trong ngành bán dẫn và là giám đốc của Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp (ITRI), một tổ chức nghiên cứu có uy thế ở Đài Loan, đã từng nói với The Epoch Times rằng việc kiểm soát công nghệ kết hợp sẽ là bước tất yếu tiếp theo để Hoa Kỳ kiềm chế các tham vọng về vi mạch bán dẫn của Trung Quốc, sau các lệnh trừng phạt đối với các thiết bị tân tiến vốn ngăn chặn Huawei có được vi mạch bán dẫn 7-nanomet.

The Epoch Times đã liên lạc với Bộ Thương mại để yêu cầu đưa ra bình luận.

Thanh Nguyên biên dịch

Related posts