Gần đây, các chỉ huy Ukraine cho biết, việc Kyiv sử dụng pháo hạng nặng do phương Tây cung cấp trong các cuộc xung đột ở gần Bakhmut đang gây thiệt hại đáng kể cho phòng tuyến của đối phương. Trong khi đó, Crimea tiếp tục trở thành một nỗi đau lớn của Nga khi hứng chịu liên tiếp những đòn tấn công huỷ diệt của Ukraine. Đã có những thượng tướng và trung tướng Nga thương vong sau các đòn tập kích chính xác bằng tên lửa.
Theo phía Ukraine, pháo 155 mm được Mỹ và các đồng minh NATO cung cấp là một trong những vũ khí chủ chốt giúp họ giành được các bước tiến ở khu vực Bakhmut, nơi Nga đã kiểm soát từ tháng 5.
Một chỉ huy đơn vị tên Oleksandr cho biết lực lượng vũ trang Ukraine “phụ thuộc rất nhiều” vào pháo hạng nặng, bao gồm pháo Krab do Ba Lan sản xuất và pháo tự hành M109 do Mỹ sản xuất.
Anh nói: “Ngay cả một khẩu pháo cũng có thể xoay chuyển tình thế hoàn toàn. Một khẩu pháo cũng có thể chặn được một cuộc tấn công. Điều quan trọng nhất là nhắm bắn vào nơi cần thiết. Người Nga không thích khí tài của chúng tôi”.
Anh Oleksandr, 30 tuổi, mô tả Klishchiivka – một ngôi làng trên địa hình cao phía nam Bakhmut – là một trong những nơi mà Nga đang nỗ lực chiến đấu để giành lại. “Chúng tôi sẽ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Chúng ta sẽ tiếp tục thành công trong nỗ lực đạt được đà tiến”.
Các chỉ huy Ukraine đã mô tả việc giành được Klischiivka và Andriivka gần đó là bước đệm chiến lược để giành lại Bakhmut. Đây được xem là một trong những thành quả quan trọng nhất trong cuộc phản công của Ukraine bắt đầu vào tháng 6 sau một thời gian dài Kyiv đã phải vật lộn để chọc thủng phòng tuyến kiên cố của Nga.
Theo Newsweek, khi chiến sự Nga – Ukraine diễn ra gần 19 tháng, các diễn biến trên tiền tuyến củng cố một nhận định của các chuyên gia quân sự trước đó rằng, pháo binh là “vua chiến trường”. Các hệ thống pháo và hỏa lực có sức công phá lớn, được xem là vũ khí gây ra phần lớn thương vong cho cả 2 bên trên tiền tuyến.
Theo các chuyên gia, cuộc chiến mặt đất giữa Nga và Ukraine giờ đây đã chuyển thành cuộc chiến tiêu hao và bên nào có thể đảm bảo được tiềm lực pháo binh dồi dào hơn có thể chiếm được ưu thế lớn trên tiền tuyến. Trên mặt đất, pháo binh là lực lượng nòng cốt cho các nỗ lực tấn công và phòng vệ.
Ví dụ, pháo thường sẽ được sử dụng để bao vây lực lượng đối thủ bằng hỏa lực dồn dập từ các phía để buộc họ phải rút lui. Tương tự, pháo cũng được triển khai dọc theo các khu vực giới tuyến, tạo thành một lớp bảo vệ để chặn đà tiến của đối phương.
Kết hợp với các thiết bị trinh sát như radar phản pháo, UAV, pháo binh có uy lực tấn công mạnh mẽ đối thủ khi nắm được vị trí chính xác của các mục tiêu.
Xuyên thủng phòng tuyến chính quân Nga
Trong khi đó, Ukraine đang liên tục tuyên bố xuyên thủng các phòng tuyến của Nga ở cả miền Nam và miền Đông, coi đây là bước tiến quan trọng trong chiến dịch phản công kéo dài gần 4 tháng qua.
Trả lời phỏng vấn truyền thông ngày 22/7, ông Oleksandr Tarnavsky, chỉ huy mũi phản công của Ukraine ở mặt trận phía nam, cho biết các đơn vị của Ukraine đã chọc thủng phòng tuyến của Nga gần Verbove ở mặt trận Zaporizhia.
Ông nói: “Ở sườn trái gần Verbove, chúng tôi đã chọc thủng phòng tuyến của Nga. Chúng tôi tiếp tục tiến công. Không nhanh như mong đợi, không như trong các bộ phim về Thế chiến II”.
Verbove gần Tokmak, một thành phố nhỏ ở Zaporizhia nhưng đóng vai trò là trụ cột trong tuyến phòng thủ thứ hai của Nga ở miền Nam Ukraine. Tokmak cách chiến tuyến hiện tại ở Zaporizhia khoảng 16km, nằm trên tuyến đường dẫn tới thành phố Melitopol và tới Biển Azov.
Quân đội Ukraine hồi đầu tháng 9 cho biết, các lực lượng nước này đã chọc thủng tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga xung quanh thị trấn Robotyne, ở phía đông bắc Tokmak.
Theo Bộ Quốc phòng Anh, Nga đang ra sức tăng cường hệ thống phòng thủ xung quanh Tokmak do lo ngại quân đội Ukraine có thể tiến đánh và giành quyền kiểm soát thành phố này. Hệ thống này được tăng cường bằng các trạm kiểm soát, hệ thống phòng thủ răng rồng chống tăng và đào các chiến hào mới.
Ukraine bắt đầu chiến dịch phản công từ tháng 6. Giới chức nước này thừa nhận tốc độ phản công không nhanh như mong đợi, song đã đạt được những kết quả quan trọng, trong đó có việc chọc thủng phòng tuyến của Nga ở miền Nam.
Kyiv những tuần qua khẳng định quân đội đã vượt qua được phòng tuyến đầu tiên của đối phương tại Zaporizhzhia, trong khi giới chức địa phương do Nga chỉ định mô tả rằng quân đội Ukraine có bước tiến không đáng kể. Đầu tháng 9, quân đội Nga thừa nhận đã rút lui chiến thuật khỏi làng Robotyne, một trong những cứ điểm trọng yếu trên phòng tuyến thứ nhất ở Zaporizhzhia.
Trong tuần này, CNN cũng ghi nhận các đơn vị Ukraine còn cách Tokmak khoảng 20 km, bị ngăn cản tiến quân bởi nhiều lớp phòng thủ của quân đội Nga. Một số video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy các đơn vị Ukraine có thể đã vượt qua phòng tuyến Nga gần làng Verbove.
Tướng Tarnavsky tiết lộ rằng cả Ukraine và Nga không sử dụng đội hình quy mô lớn cấp đại đội, tiểu đoàn hay lữ đoàn trong mặt trận Zaporizhzhia. Thay vào đó, các bên triển khai các nhóm tác chiến nhỏ với số lượng 10-15 người mỗi nhóm.
Lực lượng Nga tính toán vị trí phòng ngự rất chính xác và hiệu quả, khiến các đơn vị Ukraine mất nhiều thời gian để tấn công. Dù vậy, mũi tiến quân ở mặt trận phía nam không sử dụng nhiều phương tiện cơ giới, nên không chịu nhiều ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết.
Ông Oleksandr cũng cho rằng đột phá lớn vẫn chờ Ukraine ở phía trước. “Tôi nghĩ nó sẽ xảy ra sau khi chúng tôi giành lại Tokmak. Hiện tại, họ đang dựa vào độ sâu của tuyến phòng thủ ở đó”.
Theo ông, chiến dịch phản công sẽ được coi là thành công khi lực lượng Ukraine ít nhất tiếp cận được Tokmak. “Tokmak là mục tiêu tối thiểu. Mục tiêu tổng thể là tiến đến và khôi phục đường biên giới của chúng tôi”.
Tại mặt trận miền Đông, ông Oleksandr cho biết việc sử dụng vũ khí hạng nặng do phương Tây cung cấp trong trận chiến ác liệt đang diễn ra ở ngoại ô Bakhmut, tỉnh Donetsk đang gây thiệt hại đáng kể cho phòng tuyến của Nga.
Ông Oleksandr cho biết lực lượng vũ trang Ukraine “phụ thuộc rất nhiều” vào pháo hạng nặng, bao gồm pháo Krab do Ba Lan sản xuất và pháo tự hành M109 của Mỹ.
“Ngay cả một khẩu pháo cũng có thể xoay chuyển hoàn toàn tình thế. Nó cũng có thể ngăn chặn một cuộc tấn công. Điều quan trọng là nhắm vào nơi cần thiết”.
Vị chỉ huy này cho biết thêm rằng: “Vũ khí của chúng tôi gây khó chịu cho người Nga. Đó là những gì chúng tôi thu thập được khi chặn tín hiệu liên lạc của họ. Họ nói rằng chúng tôi đã liên tục tạo ra địa ngục và họ luôn tự hỏi chúng tôi còn lại bao nhiêu đạn”.
2 tướng Nga thương vong
Ở một mặt trận khốc liệt khác là Crimea, quân đội Ukraine đã giáng những đòn chí mạng vào lực lượng Nga và các căn cứ chỉ huy tại đây.
Trong thông báo trên Telegram ngày 23/9, Lực lượng Đặc nhiệm Ukraine (SOF) cho biết chiến dịch tập kích tên lửa vào trụ sở Hạm đội Biển Đen Nga có tên “Crab Trap” (Bẫy Cua) được ấn định để tiến hành vào lúc các thành viên cấp cao của hải quân Nga đang họp. Cuộc tấn công đã khiến hàng chục người chết và bị thương, “gồm cả chỉ huy cấp cao” của Hạm đội Biển Đen. Kế hoạch táo bạo và tỉ mỉ của SOF đã giúp họ tấn công trụ sở Hạm đội Biển Đen đúng lúc và chính xác.
Kyrylo Budanov, lãnh đạo Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR), ngày 23/9 tuyên bố vụ tập kích một ngày trước đó nhằm vào trụ sở Hạm đội Biển Đen ở thành phố Sevastopol, bán đảo Crimea, khiến “ít nhất 9 người thiệt mạng và 16 người bị thương”.
Theo ông Budanov, trong số những người bị thương có thượng tướng Alexander Romanchuk, người đang ở tình trạng rất nghiêm trọng. Trung tướng Oleg Tsekov bất tỉnh. Ông Romanchuk được cho là chỉ huy cao nhất của lực lượng Nga trong chiến dịch phòng thủ chống lại đợt phản công của Ukraine tại Zaporizhia. Còn Trung tướng Oleg Tsekov là chỉ huy của lữ đoàn bộ binh cơ giới độc số 200, thuộc Quân khu miền Bắc của Nga.
Phía Nga cố gắng giảm nhẹ thiệt hại khi Bộ Quốc phòng nước này ngày 22/9 cho biết Ukraine tập kích tên lửa nhằm vào thành phố Sevastopol, khiến trụ sở Hạm đội Biển Đen hư hại và “một quân nhân mất tích”. Phòng không Nga hạ 5 tên lửa của Ukraine trong trận tập kích nói trên.
Các cuộc tấn công liên tiếp vào Crimea dường như là tuyên bố của Ukraine rằng dù chiến dịch phản công chậm chạp, họ vẫn có khả năng gây tổn thất cho Nga. Vụ tấn công khiến các chỉ huy cấp cao Nga thương vong được cho là bằng chứng ấn tượng nhất cho thấy sự tự tin của Ukraine trong nỗ lực tấn công mục tiêu Nga ở Crimea, đồng thời thể hiện cơ sở hạ tầng quan trọng trên bán đảo dễ bị tổn thương đến mức nào.
Đây là một trong loạt vụ tập kích được Ukraine tiến hành nhắm vào Crimea thời gian qua.
Hôm 21/9, cuộc tấn công phối hợp bằng tên lửa và máy bay không người lái vào sân bay quân sự ở thành phố Saky hôm 21/9 đã gây ra “thiệt hại nghiêm trọng”, theo các nguồn tin từ Cơ quan An ninh Ukraine (SBU).
Ukraine còn làm suy yếu hệ thống phòng không của Nga trên bờ biển phía tây bắc bán đảo, tập kích ụ tàu chính cùng cơ sở sửa chữa tàu ở Sevastopol, phá hỏng một tàu ngầm tấn công và một tàu đổ bộ.
Hôm 20/9, đám khói lớn bốc lên từ căn cứ hải quân gần Sevastopol. Chính quyền địa phương nói rằng một số UAV tự sát đã bị bắn hạ. Tuy nhiên, quân đội Ukraine cho biết họ đã tập kích thành công một sở chỉ huy của Nga gần Verkhniosadove, cách Sevastopol vài km.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), trụ sở tại Washington, Mỹ, hình ảnh vệ tinh cho thấy lực lượng Ukraine “đã tấn công Trung tâm Liên lạc số 744 trực thuộc Bộ Tư lệnh Hạm đội Biển Đen”, cho thấy Kyiv đang thực thi chiến lược rõ ràng nhắm vào các cơ sở hạ tầng của hạm đội.
Người phát ngôn Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine Andrii Yusov cho hay Nga đang sử dụng Crimea làm “trung tâm hậu cần”, nên bán đảo trở thành mục tiêu hợp pháp của Ukraine. Ông Yusov nói: “Mục đích cuối cùng của chúng tôi là giành lại Crimea”.
Có rất nhiều lý do đằng sau việc Ukraine liên tiếp tấn công nhắm vào Crimea. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, đây là dấu hiệu cho thấy dù tiến độ phản công ở tiền tuyến bị đình trệ, Ukraine vẫn có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho quân đội Nga, từ đó gieo hy vọng, nâng cao tinh thần chiến đấu của toàn lực lượng.
Đây cũng là một phần trong nỗ lực sâu rộng hơn của Ukraine ở Crimea, Zaporizhzhia, Donetsk và Lugansk, nhằm gây thiệt hại cho các trung tâm hậu cần, nhiên liệu, bảo trì hay sở chỉ huy Nga, qua đó làm gián đoạn khả năng tiếp tế cho tiền tuyến.
Hạm đội Biển Đen đã tham gia vào hàng trăm cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình nhằm vào Ukraine và đe dọa hoạt động tại các cảng thương mại của nước này. Bất kỳ gián đoạn nào đối với căn cứ hậu cần, sở chỉ huy của Moscow đều được coi là một chiến thắng với Kyiv, đặc biệt là sau khi Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen hồi tháng 7.
Ukraine lâu nay vẫn cố gắng làm suy yếu hệ thống phòng không Nga ở Crimea. Nỗ lực đó giờ đây đã được đền đáp khi tên lửa Neptune của Ukraine hay tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp có khả năng tiếp cận các mục tiêu sâu bên trong Crimea.
Theo Oleksandr Musiienko, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Luật Quân sự Ukraine, các cuộc tấn công vào những cơ sở quân sự của Nga ở Crimea có hai mục tiêu.
Mục tiêu đầu tiên là làm suy yếu năng lực của Hạm đội Biển Đen, cả tàu nổi lẫn tàu ngầm, nhằm giúp Ukraine thiết lập khả năng kiểm soát khu vực phía tây bắc Biển Đen. Mục tiêu thứ hai là giảm bớt các cơ sở quân sự ở Crimea mà Nga có thể sử dụng để hỗ trợ lực lượng ở phía nam, nơi đang đối đầu với cuộc phản công của Ukraine”.
Các cuộc tấn công nhằm vào Crimea còn là tuyên bố cho thấy Kyiv không hoàn toàn hành động dựa trên ý chí của Washington. Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ giấu tên gần đây chỉ trích việc Ukraine tăng cường tập kích Crimea, cho rằng chiến lược đó sẽ không thể tạo ra thay đổi mang tính quyết định. “Tốt hơn là họ tập trung vào chiến dịch phản công”, quan chức này nói.
Ukraine trong khi đó cho rằng nhắm mục tiêu vào bất cứ thứ gì liên quan đến Hạm đội Biển Đen đều đáng giá. Lữ đoàn hải quân đánh bộ số 810 thuộc Hạm đội Biển Đen được cho là đang tham gia hoạt động phòng thủ quan trọng ở phía tây tỉnh Zaporizhzhia.
Theo ISW, Hạm đội Biển Đen vẫn là lực lượng mạnh có khả năng bổ sung vào khả năng tấn công của Nga, nhưng sức mạnh này đang trở nên yếu đi theo từng tuần, sau mỗi lần Ukraine tấn công. Các cuộc tập kích của Ukraine nhằm vào Hạm đội Biển Đen có thể sẽ đạt được những tác động vượt xa việc làm suy giảm năng lực hải quân Nga
Nga có những tính toán riêng khi nỗ lực kiểm soát Biển Đen. Việc sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và phong tỏa Biển Azov đều giúp Nga hạn chế tối đa khả năng tiếp cận của hải quân Ukraine và bóp nghẹt hoạt động xuất khẩu hàng hải của nước này.
Tuy nhiên, theo nguồn phân tích quốc phòng Oryx của Hà Lan, kế hoạch của hải quân Nga gần 2 năm qua đang bế tắc. Tại khu vực Biển Đen, đã có 16 tàu chiến của Nga bị hư hại hoặc phá hủy mặc dù áp đảo về sức mạnh hải quân và không quân.
Mỗi tổn thất đều đặt ra một thách thức dài hạn mới đối với ngành đóng tàu của Nga, vốn đang bị hạn chế bởi căng thẳng kinh tế, các lệnh trừng phạt quốc tế và vẫn trong tình trạng phụ thuộc nhiều vào các nhà máy đóng tàu của Ukraine. Việc thay thế các tàu bị phá hủy hoặc hư hỏng nặng sẽ mất nhiều năm.
Kyiv đang liên tục hối thúc phương Tây viện trợ các vũ khí tiên tiến như máy bay chiến đấu F-16, hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân tầm xa MGM-140. Quân đội Ukraine tham vọng đặt toàn bộ Crimea trong tầm ngắm. Tuy nhiên, về lâu dài, Ukraine cần nhiều hơn ngoài máy bay chiến đấu, tên lửa chống hạm và máy bay không người lái của hải quân để bảo vệ Biển Đen. Để có thể thiết lập quyền kiểm soát lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, Ukraine còn cần đến một hạm đội.
Viên Minh (Tổng hợp)