Nhan Thuần Câu
Gần đây, Hàng Châu đang tổ chức Đại hội thể thao châu Á (Asian Games 19) một cách rầm rộ. Theo thông tin trên mạng, để đăng cai sự kiện quốc tế này, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chi số tiền khổng lồ 300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 41 tỷ USD).
Như đã thấy trong video, toàn bộ thành phố Hàng Châu đã biến thành một thành phố tương lai, với những tòa nhà độc đáo và kỳ quan đô thị công nghệ cao ở khắp mọi nơi, cùng lễ khai mạc đẹp như mơ.
Đại hội thể thao châu Á chỉ là một sự kiện khu vực, quy mô không giống với Thế vận hội Olympic. Khi ông Hồ Cẩm Đào đăng cai Thế vận hội năm 2008, ĐCSTQ đang ở thời kỳ đỉnh cao, các nhà lãnh đạo từ nhiều nước lớn như Hoa Kỳ và Nga đều tham dự Thế vận hội.
Vào thời điểm ông Tập Cận Bình tổ chức Thế vận hội Mùa đông, đất nước đang suy tàn, khung cảnh đã rất tồi tàn. Đại hội thể thao châu Á Hàng Châu lần này chỉ có vài nguyên thủ của các quốc gia nhỏ bé đến góp vui, thật mất mặt. Nhưng ĐCSTQ vẫn phải bỏ ra một số tiền khổng lồ để tô vẽ vẻ bề ngoài.
Đối với Đại hội thể thao châu Á lần này, Chính phủ [Trung Quốc] đã không tiếc tiền đầu tư mạnh tay, ngay cả nhà vệ sinh cũng được trang trí bằng mặt tiền công nghệ cao.
Tại địa điểm tổ chức tiệc, các món sơn hào hải vị đều được đưa lên bàn ăn. Mục tiêu là để “những người dân quê mùa” từ khắp châu Á được trải nghiệm sự xa hoa của Trung Quốc trong thời kỳ thịnh vượng.
Đồng thời, khán phòng tại địa điểm thi đấu cũng chật kín nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước được tuyển dụng. Người dân bình thường không còn cách nào khác là phải xem truyền hình tại nhà. Ngay cả những người cổ vũ cho đội tuyển Triều Tiên cũng không phải người Triều Tiên, mà là người Trung Quốc.
Hai người đồng hương vùng Đông Bắc của tôi phải tự trả phí để đi xem Đại hội thể thao châu Á. Khi đi tàu điện ngầm, họ phát hiện ra họ là 2 hành khách duy nhất trên toàn bộ chuyến tàu điện ngầm. Lý do là người dân Hàng Châu được lệnh ở nhà. Trên tuyến đường giao thông bên ngoài, cứ vài bước lại có lính gác, xe cộ ra vào bị hạn chế.
Điều này hoàn toàn đảo ngược mục đích ban đầu của thể thao và làm mất đi mục tiêu thông thường là toàn dân tham dự, nâng cao khả năng cạnh tranh và thể lực của người dân.
Khi người dân Hàng Châu phải ở trong nhà, không thể xem trực tiếp các trận đấu và không thể khơi dậy niềm yêu thích tham gia thể thao, thì Đại hội thể thao châu Á tiêu tốn 300 tỷ nhân dân tệ chỉ là một ngày “tận hưởng” của ông Tập Cận Bình.
300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 41 tỷ USD) chỉ nhằm phô trương sự giàu có của mình. Vẻ ngoài “mới phất” này chính là biểu hiện của sự tự ti và nông cạn.
Việc loại người dân khỏi sự kiện này chứng tỏ Đại hội thể thao châu Á chỉ là công trình thể hiện thành tích của ông Tập Cận Bình, nhằm phô trương bộ mặt quốc gia và không liên quan gì đến người dân.
Những sự kiện thể thao lớn như vậy đã đảo ngược hoàn toàn hiểu biết của chúng ta về thể thao và các cuộc thi đấu. Những tuyển thủ tham dự sự kiện chỉ là công cụ cho ĐCSTQ tô vẽ cho diện mạo của mình.
Vì sao mọi người không thể tham gia một cuộc thi thể thao tiêu tốn một số tiền khổng lồ như vậy? Chẳng lẽ cả thành phố đều nhiệt tình tham gia, bán hết vé, hàng ngàn người xuống đường vui chơi thì chính quyền lại thất vọng?
Kỳ thực không phải vậy, quan chức địa phương đề phòng người dân như quân trộm cướp. Họ chỉ lo nếu lỡ không may xảy ra chuyện, sẽ bị cấp trên trách phạt, người trên trách kẻ dưới, “chiếc mũ ô sa” khó có thể bảo toàn.
Chỉ cần toàn bộ sự kiện diễn ra an toàn và không có trường hợp tử vong hay sập nhà thì 300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 41 tỷ USD) đều xứng đáng.
Sự xa hoa của các ông trùm địa phương của ĐCSTQ đã trở thành xu hướng. Họ chú ý đến sự phô trương và chi tiêu kiểu “ném tiền qua cửa sổ”. Sẽ không phải là một bữa tiệc cấp nhà nước nếu không có khung cảnh giang sơn tráng lệ trên bàn ăn, như mô hình cung điện của nhà Đường ở Tây An, mô hình thủy trấn Giang Nam ở Hàng Châu, và mô hình vùng đất Hoàng Hà và sông Trường Giang ở Bắc Kinh.
Trên đời này, có ai phải ăn uống trước một bàn ăn đầy phong cảnh giả mới có được cảm giác ngon miệng hay không? Bàn ăn lớn đến nỗi những vị khách ngồi ăn cùng lúc thậm chí còn không nhìn rõ mặt nhau.
Những người phục vụ bưng bê thức ăn cho mọi người, còn thực khách mạnh ai nấy ăn. Một bữa tiệc như vậy giống với bị hình phạt nhiều hơn, hoàn toàn đảo lộn mục đích ban đầu của tiệc chiêu đãi là để thư giãn và giao lưu thân thiện.
Mục đích của bữa tiệc bị đảo ngược, mục đích xây dựng cơ sở hạ tầng và các trận thi đấu đều bị đảo ngược. Cái giả được coi là thật, cái xấu được coi là đẹp, cái ác được coi là tốt, “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”. Khi lớp tô vẽ của đất nước này được trút bỏ, thì còn lại những gì?
Á vận hội chỉ kéo dài một tháng. Sau khi trận thi đấu kết thúc, tất cả địa điểm, cơ sở vật chất chỉ để làm cảnh. Những bàn ăn lớn thủy trấn Giang Nam trong nháy mắt biến thành khu vườn bỏ hoang.
Đồng thời, việc sa thải nhân viên, cắt giảm lương trên khắp cả nước vẫn sẽ diễn ra, nền kinh tế đang trong tình trạng kiệt quệ không thể phục hồi. Những lời bàn tán về sự sụp đổ đang tràn lan khắp nơi.
Gần đây, do khó khăn về tài chính, chính quyền thành phố Thiên Tân còn ngang nhiên yêu cầu trụ trì bố thí. 300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 41 tỷ USD) để đăng cai Á Vận Hội chi bằng phân bổ 10 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,37 tỷ USD) giải nguy cho Thiên Tân?
Đại hội thể thao châu Á Hàng Châu hoành tráng và xa hoa không khỏi gợi nhớ đến cảnh lang thang cơm đường cháo chợ của các nạn nhân trong thảm họa lũ lụt ở Trác Châu, tỉnh Hà Bắc.
Trong nhà hào môn nồng mùi rượu thịt, ngoài đường tuyết lạnh chất đống xương khô. Chỉ nhắc đến thời Đường khi thịnh vượng, mà không nói đến thời Đường lúc suy vi, quy luật muôn đời của lịch sử vẫn là:
“Sơn ngoại thanh sơn, lâu ngoại lâu,
Tây Hồ ca vũ kỷ thời hưu?”
Tạm dịch:
“Núi xanh trùng điệp, lầu các tầng tầng lớp lớp,
Tiếng ca múa trên Tây Hồ có khi nào ngớt chăng?”
(Trích “Đề Lâm An để” của Lâm Thăng)
Nhan Thuần Câu