Bạn đang thực sự bỏ phiếu về cái gì trong cuộc Trưng Cầu Dân Ý vào Tháng 10 tới đây?

Nguyễn Nhân Trí

Trên tờ phiếu bầu, chính phủ yêu cầu bạn bỏ phiếu hoặc “Thuận” (Yes) hoặc “Chống” (No) về một dự luật đề xuất thay đổi Hiến pháp để lồng vào đó 2 điều:

1/Công nhận dân tộc bản địa (Aboriginal và người đảo Torres Strait)

2/ Thành lập một Tiếng Nói (The Voice) của người dân bản địa để họ có quyền tiếp cận trực tiếp với Quốc hội và Chính Quyền Hành Pháp Liên Bang “về các vấn đề liên quan đến người Aboriginal và người đảo Torres Strait.” (1)

Thực tế không phải như vậy.

Trên thực tế, các ngôn từ trong dự luật đề xuất thay đổi Hiến pháp trên dẫn đến một số nguy cơ tiềm ẩn trọng đại sau đây:

1/ Quyền hạn của nhóm người này sẽ không có ranh giới vì từ ngữ của đề xuất sửa đổi Hiến pháp này không hạn chế quyền hạn của Tiếng Nói ở chỉ các vấn đề trực tiếp ảnh hưởng, hoặc chủ yếu ảnh hưởng đến người bản địa.

Ngay chính Noel Pearson, một trong những người thiết kế Tiếng Nói, xác nhận: “Hầu như không có vấn đề gì mà người bản địa không bị ảnh hưởng và họ không muốn góp ý kiến cho Quốc hội.” (2)

Và Megan Davis, người đã giúp phát triển Tiếng Nói, khi được hỏi về những vấn đề gì mà người Aboriginal (thông qua Tiếng Nói) muốn trao đổi với Quốc hội, bà nói: “Tại thời điểm này, hầu như là tất cả mọi vấn đề.” (3)

Điều này có nghĩa rằng Tiếng Nói đã được cố ý thiết kế để có thể xen vào bất kỳ cuộc tranh luận về mọi vấn đề trên toàn nước Úc miễn là nó được các thành viên của Tiếng Nói xem là có liên quan đến người Aboriginal.

Lorraine Finlay, Ủy viên Nhân quyền và cựu giảng viên luật Hiến pháp, cho biết: “Khó có thể nghĩ ra một vấn đề nào nằm ngoài phạm vi của Tiếng Nói trong hình thức đề xuất nầy” vì nếu một luật lệ hoặc chính sách áp dụng chung cho tất cả mọi công dân Úc thì chắc chắn cũng sẽ được xem là “có liên quan đến người Aboriginal.”

Tiếng Nói sẽ cũng giống như một chính phủ thứ hai, có thể tự do ảnh hưởng và phát triển chính sách về mọi vấn đề trong nước Úc. Tuy trên danh nghĩa thì những chính sách đó sẽ chỉ có dạng lời khuyên, nhưng theo lời của chính Thủ tướng Anthony Albanese, “Chỉ có một chính phủ rất can đảm mới dám dám gạt bỏ những lời khuyên của Tiếng Nói”. (4)

2/ Sự thiết lập của tổ chức chính trị này sẽ phá vỡ sự bình đẳng của công dân.

Cuộc trưng cầu dân ý này đang đòi hỏi chúng ta sửa đổi Hiến pháp để một nhóm người có quyền hạn đặc biệt được lựa chọn và thành hình hoàn toàn dựa trên sắc tộc của họ.

Bất kỳ công dân Úc nào khác nếu không được phân loại là người Aboriginal hay người đảo Torres Strait sẽ không được gia nhập nhóm này.

Điều này có nghĩa là chỉ có một nhóm người “được ưu đãi” nầy, và không ai khác, sẽ có quyền tham gia trực tiếp trong mọi quyết định liện quan đến chính sách quốc gia, đến việc lập luật và quản lý luật cho cả nước. Điều này hoàn toàn trái ngược với cái nguyên tắc rằng tất cả người dân Úc đều được đối xử bình đẳng không chỉ trước pháp luật, mà còn trước những người lập pháp luật và những người hành pháp.

Cuộc trưng cầu dân ý này đang yêu cầu nhân dân Úc tiếp nhận vào Hiến pháp một hệ thống đặc quyền ưu tiên thuần túy dựa trên sắc tộc.

Điều này sẽ phá hủy sự đoàn kết của đất nước Úc của chúng ta.

Lịch sử toàn thế giới đã nhiều lần cho thấy đặc quyền ưu tiên dựa trên sắc tộc thường không dẫn đến những hậu quả tốt đẹp.

3/ Các thỏa ước đòi hỏi quyền đất đai, bồi thường thiệt hại, và chủ quyền sẽ là cơn ác mộng liên tục và vô tận của toàn dân Úc nếu Tiếng Nói trở thành hiện thực.

Từ ngữ của đề xuất thay đổi Hiến pháp này cho phép chính phủ đương thời (một chính phủ tích cực ủng hộ những tác giả của bản Tuyên Ngôn Uluru và nhiệt tình cổ động việc thành lập Tiếng Nói) quyết định về cơ cấu, chức năng, quyền hạn và thủ tục của nhóm người được ưu đãi này SAU KHI cuộc trưng cầu dân ý đã xảy ra.

Một điều hầu như chắc chắn sẽ xảy ra là chính những tác giả của bản Tuyên Ngôn Uluru này sẽ là thành viên của Tiếng Nói. Và đây là một nhóm người sẽ được quyền có ảnh hưởng rất lớn trong mọi quyết định của Quốc hội cũng như của Chính Quyền Hành Pháp Liên Bang.

Điều đáng lo ngại ở đây là chính cũng những người này từ nhiều năm qua đã công khai cho biết rằng họ có một kế hoạch rõ ràng để đi từ việc thành lập một tiếng nói (The Voice) trong Hiến pháp đến việc dùng Thỏa Ước (Treaty) để đòi hỏi chính quyền Úc về quyền đất đai, bồi thường thiệt hại, và chủ quyền quốc gia. Họ hoàn toàn không hề che dấu mưu định nầy của họ.

Megan Davis, một trong những kiến trúc sư của bản Tuyên Ngôn Uluru, cho biết: “Tiếng Nói không thể tách rời khỏi việc điều phối để thực hiện những Thỏa Ước [với chính phủ Úc]”. Bà giải thích thêm, ‘Nếu chúng tôi có một Tiếng Nói đã được lồng vào trong Hiến pháp thì rất nhiều thứ khác có thể lan tràn theo ra từ đó, và đây sẽ là một chiếc neo bám chặt không thể tháo gỡ ra được khỏi Hiến pháp… nếu không thì sẽ rất khó khăn trong thời buổi này để dân tộc chúng tôi có thể điều đình các thỏa ước có lợi cho chúng tôi được.” (5)

Bà Megan Davis cũng giải thích rằng việc điều đình các thỏa ước sẽ liên quan đến tố tụng, “Tất cả đều liên quan đến các công ty luật lớn và nhiều vụ kiện tụng sẽ được dựng ra để diễn giải các thỏa ước và đó là điều chúng tôi cần có để tạo quyền lực cho chúng tôi, đó là cách để tiếng nói của chúng tôi được tăng cường.” (5)

Pat Anderson, chủ tịch Hội đồng Tham khảo Hiến pháp của Thủ tướng Albanese, nói thêm, “Nếu chúng tôi có Tiếng Nói thì chúng tôi và chính phủ Úc sẽ là hai chủ quyền của hai dân tộc đang thảo luận bình đẳng chứ không còn là vấn đề mất cân đối về quyền lực mà chúng tôi đang trải nghiệm hiện nay… chúng tôi sẽ tiếp quản tất cả mọi thứ xảy ra sau đó, với Tiếng Nói chúng tôi có thể lên tiếng với ưu thế và quyền lực.” (6)

Theo người dẫn đầu phong trào Yes, Noel Pearson, “… khi chúng tôi có một Tiếng Nói trong Quốc hội, chúng tôi sẽ tìm cách thương lượng một Thỏa Ước với Quốc hội Úc.” Ông nói rõ “cửa đầu tiên là sự điều chỉnh Hiến pháp, cửa thứ hai là cửa Thỏa Ước“. Và theo ông thì người bản địa cần phải ở “một vị trí mà chúng tôi không bao giờ có thể bị di dịch, một vị trí mà chúng tôi có thể thương lượng với tất cả quyền lực đạo đức và lịch sử mà chúng tôi có được bởi vì chúng tôi đã sở hữu mảnh đất này hơn sáu mươi nghìn thiên niên kỷ.” (7)

Với những nguy cơ tiềm ẩn đã trình bày ở trên, chúng ta cần phải suy nghĩ thận trọng trước khi bỏ phiếu vào ngày 14 Tháng Mười tới đây.

Và nên nhớ rằng đây là một thay đổi trong Hiến pháp mà trên thực tế sẽ không bao giờ tháo gỡ ra được.

Nguồn:

(1) https://aec.gov.au/referendums/learn/the-question.html

(2) https://www.ruleoflaw.org.au/voice-the-case-for-voting-no/#:~:text=This%20was%20made%20clear%20on,provide%20their%20advice%20to%20parliament.%E2%80%9D

(3) https://www.facebook.com/watch/?v=3350849728577048

(4) https://www.pm.gov.au/media/television-interview-abc-insiders-david-speers

(5) https://www.youtube.com/watch?v=D7xi7ikNjZ8

(6) https://www.search.org.au/uluru_statement_from_the_heart_pat_anderson_ao

(7) https://www.dailymail.co.uk/news/article-12481333/Noel-Pearson-Voice-treaty-video.html

Related posts