Jessica Mao • Olivia Li
Tài sản của gia đình Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường được cho là đã bị phơi bày bởi một nguồn ẩn danh trên Internet.
Thông tin chưa được xác minh được công bố trên một nền tảng tiếng Trung ở nước ngoài vào ngày 22/9 ám chỉ rằng khối tài sản của gia đình ông Lý lên tới 90 tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 12,3 tỷ USD).
Là nhân vật đứng thứ hai trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thông tin cá nhân của ông Lý phải được bảo mật tuyệt đối.
Các chi tiết bị cáo buộc về vợ và con gái của Thủ tướng cũng được công khai. Bài đăng cung cấp các chi tiết được cho là về vợ ông, bà Lâm Hoàn (Lin Huan), bao gồm ngày sinh, trường đại học mà bà đã tốt nghiệp và địa chỉ nhà đã đăng ký của bà.
Dựa trên tình trạng thị trường hiện tại, một căn hộ sang trọng mang tên bà trong thông tin được công bố trị giá 24 triệu CNY (khoảng 3,28 triệu USD).
Ngoài ra, bà Lâm được cho là còn duy trì mối quan hệ thân thiết với hơn chục doanh nhân và tập đoàn, trong đó có ông Cao Hồng Băng (Gao Hongbing), giám đốc Viện nghiên cứu Alibaba.
Bài đăng trực tuyến cũng tuyên bố rằng thông qua mối liên hệ của bà Lâm với ông Cao, ông Lý Cường đã đầu tư ít nhất 20 tỷ CNY (khoảng 2,74 tỷ USD) vào Ant Group của ông Jack Ma, một tập đoàn dịch vụ tài chính. Thậm chí, số tiền có khả năng lên tới 50 tỷ CNY (khoảng 6,85 tỷ USD).
Ngoài ra, tính cả cổ phần của ông Lý trong các công ty như Yunda Express, YTO Express Group, Hengdian Group và công ty chẩn đoán y tế hàng đầu Dian Diagnostics Group, một ước tính thận trọng cho thấy tài sản của gia đình ông vào khoảng 80 tỷ đến 90 tỷ CNY (khoảng 10,96 tỷ USD đến 12,33 tỷ USD).
Ông Tập không tin tưởng hoàn toàn ông Lý vì Jack Ma
Tác giả bài viết còn khẳng định nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tin tưởng ông Lý Cường vì cô Lý Dĩnh (Li Ying – con gái ông Lý) là con gái đỡ đầu của ông Tập, nhưng đồng thời ông Tập cũng không thể hoàn toàn tin tưởng ông Lý vì vợ ông là bà Lâm quá thân thiết với ông Jack Ma, người sáng lập Tập đoàn Alibaba.
Bài đăng tiết lộ thông qua bà Lâm, ông Cao và những người khác, ông Lý đã thuyết phục ông Jack Ma quay trở lại Trung Quốc nhằm đảo ngược nhận thức rằng môi trường kinh tế Trung Quốc đang xấu đi.
Ông Lý đã công khai ca ngợi ông Jack Ma và khoe khoang về mối quan hệ cá nhân thân thiết của họ nhiều lần trước khi Tập đoàn Alibaba và Ant Group bị chính quyền trung ương trừng phạt.
Nhiều người tin rằng những lời chỉ trích của ông Jack Ma đối với các cơ quan quản lý Trung Quốc vào năm 2020 đã khiến ông Tập vô cùng khó chịu.
Thắng thầu nhờ ảnh hưởng chính trị
Con gái của ông Lý, cô Lý Dĩnh, sinh năm 1988, học chuyên ngành kiến trúc ở trường đại học và hiện cô đang làm việc trong một công ty kiến trúc được thành lập vào tháng 9/2011 với số vốn đăng ký là 300.000 USD, theo thông tin từ bài đăng trực tuyến.
Tác giả của bài đăng còn tuyên bố thêm rằng trong nhiệm kỳ của ông Lý với tư cách là tỉnh trưởng tỉnh Chiết Giang, công ty kiến trúc của cô Lý Dĩnh đã giành được một số hợp đồng với chính phủ tại tỉnh này, bao gồm Thư viện thành phố Ninh Ba và tòa nhà trụ sở của Tập đoàn Nhật báo Ninh Ba.
Tác giả ngụ ý rằng công ty của cô đã có thể thắng thầu những dự án kiến trúc lớn này nhờ ảnh hưởng của ông Lý.
Hơn nữa, người đại diện theo pháp luật của công ty được cho là ông Hardie Christopher Forbes, quốc tịch Anh. Tác giả nghi ngờ ông Forbes là chồng của cô Lý.
Ở Trung Quốc, việc một người phương Tây làm con rể hoặc con dâu sẽ gây ra sự kỳ thị đối với bất kỳ quan chức cấp cao nào, và lòng trung thành của quan chức đó sẽ bị nghi ngờ.
Tác giả cũng cho rằng mặc dù cô Lý đã thắng thầu một số dự án ở Thượng Hải, Ninh Ba và Bắc Kinh nhưng cô đã thất bại trong việc đấu thầu một dự án ở Thâm Quyến, Quảng Đông, vì Thâm Quyến là lãnh thổ của bà Tập Kiều Kiều, chị gái của ông Tập.
“Có thể thấy ông Lý Cường không có bất kỳ mối quan hệ cá nhân nào với bà Tập Kiều Kiều”, bài đăng cho biết.
Cuộc chiến trong nội bộ phe Tập
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), một học giả tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Thông tin ở Washington, D.C., cho biết vụ việc phản ánh một cuộc chiến khốc liệt trong cấp cao nhất của ĐCSTQ.
Ông nói rằng sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ được tổ chức vào tháng 10 năm ngoái, tất cả các phe phái khác đều bị hạ bệ hoặc bị trục xuất, chỉ còn lại các quan chức trong phe Tập Cận Bình nắm quyền. Ông Tập từ đó trở thành nhà lãnh đạo tối cao với quyền lực tuyệt đối.
“Ông Tập Cận Bình đã đích thân lựa chọn các thành viên Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ cũng như các quan chức cấp tỉnh và cấp bộ sau khi tiến hành các cuộc phỏng vấn. Bề ngoài, tất cả họ đều đi theo sự dẫn dắt của ông Tập Cận Bình, nhưng trên thực tế, họ đang đấu tranh với nhau”, ông Lý Hằng Thanh nói.
Nhà bình luận thời sự tại Mỹ Trần Phá Không (Chen Pekong) đồng ý rằng có lý do để nghi ngờ rằng nguồn thông tin này có thể đến từ bên trong phe Tập, vì dường như các phe chống Tập khó có thể thu thập thông tin chi tiết như vậy.
Đồng thời, không thể loại trừ việc chính ông Tập muốn trừng phạt ông Lý.
Ông Trần nói: “Bây giờ có người nói rằng ông Tập Cận Bình đang nổi cơn thịnh nộ và đặc biệt nhắm vào những người bạn thân cận của mình vì ông ấy cho rằng sự phản bội của những người bạn thân cận của mình là điều không thể chấp nhận được nhất”.
Trở lại tháng 10 năm ngoái, khi ông Tập và những người trung thành với ông nắm quyền kiểm soát cơ cấu quyền lực hàng đầu của ĐCSTQ, chuyên gia về Trung Quốc Thạch Sơn đã dự đoán rằng sự độc quyền quyền lực của ông Tập có thể gây ra một cuộc đấu tranh trong nội bộ của ông, giống như những cuộc đấu tranh trong thời Mao Trạch Đông.
Vào ngày 22/10/2022, trong một cuộc phỏng vấn với NTD TV, một hãng truyền thông liên kết với The Epoch Times, ông Thạch nói: “Cuộc đấu tranh trong phe Tập sẽ giống với cuộc đấu tranh trong nội bộ phe cánh của Mao Trạch Đông trong Cách mạng Văn hóa. Trong số những người thân cận của Mao, một số thậm chí còn chết bi thảm hơn cả những đối thủ chính trị của Mao”.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch