Chuyên gia: Bắc Kinh bỏ rơi Evergrande, Tập Cận Bình trút giận lên Hứa Gia Ấn

Chuyên gia: Bắc Kinh bỏ rơi Evergrande, Tập Cận Bình trút giận lên Hứa Gia Ấn
Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn đang tham dự một cuộc họp ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào ngày 5/6/2017. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

China Evergrande đã xác nhận rằng các biện pháp cưỡng chế đã được áp dụng đối với người sáng lập Hứa Gia Ấn với việc bị tình nghi phạm tội. Có tin cho biết trước và sau cơn bão Evergrande, ông Hứa đã chuyển một số tài sản của mình ra nước ngoài thông qua “ly hôn kỹ thuật” và thành lập quỹ ủy thác ở Mỹ.

Thông tin ông Hứa gặp chuyện được xác nhận

Vào ngày 28/9, China Evergrande đã đưa ra thông báo trên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong cho biết họ đã nhận được thông báo rằng giám đốc điều hành và chủ tịch hội đồng quản trị của Evergrande, ông Hứa Gia Ấn, đã phải chịu “các biện pháp cưỡng chế” do “nghi ngờ vi phạm pháp luật và phạm tội. Evergrande cũng thông báo cổ phiếu của công ty sẽ ngừng giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán từ ngày 28/9.

Các chuyên gia tin rằng chiến dịch nhắm mục tiêu vào Evergrande và người sáng lập họ Hứa của các cơ quan chức năng đã bước sang một giai đoạn mới là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong một cuộc phỏng vấn với phương tiện truyền thông đại lục “21st Century Business Herald”, một chuyên gia luật hình sự đã phân tích rằng dựa trên thông báo của Evergrande, ông Hứa bị mô tả là đối tượng tình nghi phạm tội và đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Trong trường hợp này, các biện pháp cưỡng chế có thể không ám chỉ biện pháp “quản thúc tại gia”, điều đã được đồn đại rộng rãi mới đây ở nước ngoài.

Ngày 27/9, Bloomberg tiết lộ ông Hứa Gia Ấn đã bị cảnh sát quản thúc vào đầu tháng này. Ông Hứa đã giao nộp hộ chiếu và CMND và chỉ được di chuyển trong một “nơi cư trú cụ thể”. Ông không được phép tùy ý ra ngoài, cũng không được liên lạc với thế giới bên ngoài.

Truyền thông địa phương Sohu thậm chí còn đưa tin rằng, vào ngày ông Hứa bị bắt đi, một chiếc xe cảnh sát của Cục Công an thành phố Quảng Châu đã xuất hiện gần văn phòng của ông Hứa. Các nhân chứng cho biết ông đã bị còng tay.

Ngày 21/9, cộng đồng người Hoa bắt đầu tung tin đồn ông Hứa bị bắt, đồng thời cho biết ông và các vệ sĩ đã chống cự quyết liệt.

Chuyên gia luật hình sự nói trên cho biết, xét từ thông tin công khai hiện nay, “Những vấn đề mà ông ấy (Hứa Gia Ấn) dính líu đến có khả năng liên quan đến nhiều tội danh. Chúng rất phức tạp và có thể mất nhiều thời gian để làm rõ”.

Ông Hứa Gia Ấn phát biểu trong cuộc họp báo bên lề kỳ họp thứ 4 của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 12, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 6/3/2016. (Ảnh: Etienne Oliveau/Getty Images)

Tẩu tán tài sản thông qua ly hôn kỹ thuật

Một nhà quan sát cấp cao trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp cho biết, khi Evergrande đang đứng trước cơn bão, ông Hứa đã lừa dối các chủ nợ bằng cách hô khẩu hiệu “Không bao giờ nằm ngửa”. Trong khi đó, ông đồng thời cũng đã thực hiện “ly hôn kỹ thuật trong im lặng” cùng bà Đinh Ngọc Mai (Ding Yumei) nhằm chuyển tài sản ra nước ngoài.

Theo quan sát viên này, phần lớn trong số hơn 90 tỷ cổ tức lũy kế được Tập đoàn Evergrande phân phối đã rơi vào tay ông Hứa và vợ cũ. Số tiền được chuyển ra nước ngoài thông qua các công ty nước ngoài ở Quần đảo Virgin thuộc Anh và Quần đảo Cayman, những công ty họ kiểm soát 100%, sau đó trải qua một cuộc “ly hôn kỹ thuật” và cuối cùng rơi vào túi của “vợ cũ ở nước ngoài” Đinh Ngọc Mai.

Theo thống kê trước đây của Qingliu Studio, gia đình ông Hứa đứng đầu về số cổ tức tích lũy mà các cổ đông lớn nhận được. Kể từ khi niêm yết vào năm 2009, China Evergrande đã trả cổ tức lũy kế 73,4 tỷ CNY (nhân dân tệ). Vợ chồng ông Hứa đã kiểm soát khoảng 70% vốn cổ phần của China Evergrande, đồng nghĩa với việc cổ tức tích lũy của hai vợ chồng đã vượt quá 50 tỷ CNY, chiếm 68,5%.

Ông Hứa được cho là đang thực hiện kế ve sầu thoát xác, tìm cách tẩu tán tài sản ra khỏi con tàu đắm Evergrande.

Người con trai thứ 2 bị cảnh sát bắt giữ

Một người trong cuộc tiết lộ với China Business News rằng các thành viên cốt cán của Evergrande bị bắt đi gần đây bao gồm ông Hứa Đằng Hạc (Xu Tenghe, hay Peter Xu), con trai thứ hai của ông Hứa, người từng lãnh đạo Evergrande Wealth.

Con trai thứ hai của ông Hứa được biết đến với cái tên Peter ở Evergrande. Thông tin của Peter hiếm khi xuất hiện trên các thông tin đại chúng. Lần gần đây nhất Peter nhận được sự chú ý là vào tháng 12/2021. Thông tin của Peter đã bị phơi bày với thế giới bên ngoài khi ông bán một căn nhà trên Đại lộ Sunset ở Los Angeles, Mỹ với giá chiết khấu 12,5 triệu USD.

Tại Evergrande, Peter lần đầu tiên phụ trách công việc kinh doanh của chi nhánh Pearl River Delta, sau đó được chuyển sang làm tổng giám đốc của Evergrande Wealth. Du Liang, người mà cảnh sát Thâm Quyến gần đây cho biết đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế hình sự, là cấp dưới của Peter.

Chuyên gia chỉ ra 4 vấn đề lớn từ diễn biến

Theo các chuyên gia phân tích, có nhiều nguyên nhân khiến ông Tập Cận Bình hy sinh nhân vật Hứa Gia Ấn để tế cờ.

Ngoài ông Hứa, nhiều giám đốc điều hành hiện tại và trước đây của Tập đoàn Evergrande và các công ty con đã bị bắt đi để điều tra. Đồng thời, các kênh tài chính của Evergrande bị chính quyền phong tỏa và việc tái cơ cấu nợ bị tạm dừng.

Evergrande đưa ra thông báo vào tối 24/9 rằng Tập đoàn Bất động sản Evergrande đang bị cơ quan quản lý điều tra nên không thể phát hành trái phiếu mới như một phần trong kế hoạch cơ cấu lại nợ. Việc tái cơ cấu nợ ở nước ngoài của Evergrande liên quan đến 30 tỷ USD. Kế hoạch ban đầu là chuyển một số khoản nợ hiện có thành trái phiếu mới để giảm bớt áp lực trả nợ.

Ông Yokogawa, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, cho biết trên “Yokogawa Viewpoint” rằng có vẻ như việc tái cơ cấu của Evergrande không còn khả thi nữa. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bác bỏ kế hoạch tái cơ cấu của Evergrande, điều này cho thấy Bắc Kinh có thể từ bỏ Evergrande.

Ông cho rằng việc Bắc Kinh phủ nhận kế hoạch tái cơ cấu Evergrande lần này và việc xử lý ông chủ Evergrande, Hứa Gia Ấn, phản ánh bốn vấn đề lớn: “Thứ nhất, ngành bất động sản Trung Quốc đang trong tình trạng nguy kịch và khó cứu vãn. ĐCSTQ đã bỏ cuộc, ít nhất là ở Evergrande”.

“Thứ hai là giới siêu giàu Trung Quốc, đặc biệt là những người tham gia vào lĩnh vực bất động sản, đã thông đồng với quyền lực trong quá trình khởi đầu và phát triển. Các công ty bất động sản dựa vào quyền lực, và nhiều người trong số họ là găng tay trắng của những người quyền lực [găng tay trắng: những người trung gian thực hiện các hành động bẩn thỉu như rửa tiền]… Ông [Hứa] đã từng là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc trong ba nhiệm kỳ và cũng từng là thành viên của Ủy ban Thường vụ Hội nghị Hiệp thương”. Ông Yokogawa cho rằng việc xử lý ông Hứa “không chỉ có nghĩa là ông ấy đã mất đi sự bảo vệ của các quan chức cấp cao mà còn có nghĩa là thời kỳ trăng mật giữa quyền lực và tiền bạc của Trung Quốc sắp sửa kết thúc”.

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nói chuyện với Phó chủ tịch lúc đó là Tăng Khâm Hồng trước khi bắt đầu phiên họp toàn thể thứ ba của Quốc hội, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 10/3/2008 (Feng Li/Getty Images)

Ông Yuan Hongbing, một học giả luật nổi tiếng sống ở Australia, từng khẳng định Evergrande có quan hệ với gia đình Tăng Khánh Hồng. “Điều này trong giới quan chức Trung Quốc ai cũng biết. Những người có liên hệ với ông Hứa Gia Ấn là em trai của ông Tăng Khánh Hồng, Tăng Khánh Hoài (Zeng Qinghuai), và con trai của Tăng Khánh Hồng là Zeng Wei. Bản thân ông Tăng Khánh Hồng không thể ra mặt. Ông Tăng Khánh Hoài đại diện cho gia đình Tăng Khánh Hồng”.

“Sở dĩ việc kinh doanh bất động sản của ông Hứa Gia Ấn ở Trung Quốc trở nên lớn như vậy là do có sự ủng hộ hết mình của ông Tăng Khánh Hoài. Tất nhiên, ông ấy cũng là găng tay trắng của gia đình Tăng Khánh Hồng”. Ông Yuan Hongbing cho biết có một câu nói lưu hành trong giới quan chức Bắc Kinh rằng giông bão ở Evergrande là do đích thân ông Tập Cận Bình châm ngòi. Cá nhân ông ra lệnh không cho phép các tổ chức tài chính tiếp tục cho Evergrande vay. Tất nhiên, ông Tập nhắm vào những người có quyền lực đằng sau công ty này.

Đã gần hai năm kể từ khi bê bối Evergrande nổ ra. Thế giới bên ngoài từng cho rằng Evergrande “quá lớn để sụp đổ”. Ông Hứa cũng đe dọa chính quyền Quảng Đông bằng một bức thư ngỏ nhằm có được nguồn tài chính.

Ông Yokogawa cho rằng vấn đề thứ ba phản ánh trong vụ việc của ông Hứa là việc Tập Cận Bình có thể đã mất kiên nhẫn với tình trạng “quá lớn để sụp đổ”. “Cái gọi là ‘quá lớn để sụp đổ’ thực chất là một vụ bắt cóc tống tiền liên quan tới tiền và quyền lực. Bạn phải bảo vệ tôi, nhưng bây giờ đe dọa ông Tập Cận Bình bằng điều này cũng vô ích”.

Ông Yokogawa cho rằng vấn đề thứ tư là việc Tập Cận Bình đang trút giận lên ông Hứa và trốn tránh trách nhiệm. Ông cho rằng có hai điều về Evergrande có tác động lớn đến ông Tập. Điều thứ nhất là việc bất động sản là đầu tàu của nền kinh tế Trung Quốc. Gần đây có tin ông Tập Cận Bình đang phàn nàn rằng tình trạng hỗn loạn kinh tế hiện nay là do chính phủ tiền nhiệm để lại, và bất động sản chắc chắn là điểm đen.

Ngoài ra, ông Tập hiện đang bị chỉ trích từ mọi phía. Ông coi những bất mãn và chỉ trích này bắt nguồn từ các vấn đề của triều đại trước. Evergrande là một bộ phận kinh tế của triều đại trước. “Vì vậy ông Tập Cận Bình trút giận lên Hứa Gia Ấn và coi ông ta như vật tế thần”.

Ông Yokogawa cho rằng ở Trung Quốc đại lục, vấn đề bất động sản không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị. Một khi ngành bất động sản sụp đổ sẽ có vấn đề về tài chính. Kết quả trực tiếp là công chức ở nhiều nơi hiện không được trả lương và toàn bộ hệ thống quan liêu không thể hoạt động.

Ông tin rằng vụ sụp đổ của Evergrande mới chỉ bắt đầu gây rắc rối cho toàn bộ bộ máy quan liêu của ĐCSTQ cùng với hoạt động của toàn bộ bộ máy nhà nước.

Bảo Nguyên tổng hợp

Related posts