Ông Dmitry Medvedev: Nga có thể sáp nhập thêm lãnh thổ
Ông Dmitry Medvedev tuyên bố rằng Nga sẽ chiến thắng ở Ukraine và lãnh thổ nước này sẽ tiếp tục được mở rộng với chiến dịch tại đây, theo hãng tin TASS.
“Chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ tiếp tục diễn ra đến khi chính quyền Kyiv bị đánh bại hoàn toàn và những lãnh thổ vốn của Nga được giải phóng khỏi đối phương. Chúng ta sẽ thắng lợi. Và nước Nga sẽ có thêm nhiều vùng lãnh thổ mới”, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết hôm 30/9.
Tuyên bố được ông Medvedev, người từng giữ chức tổng thống Nga nhiệm kỳ 2008-2012, đưa ra nhân dịp một năm Nga tổ chức trưng cầu dân ý sáp nhập 4 vùng Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson vào lãnh thổ.
Ông cho rằng cư dân tại những vùng này đã quyết định “trở về tổ quốc” trong cuộc trưng cầu dân ý. Medvedev nhận định cột mốc này thể hiện “sự đoàn kết, ý chí và quyết tâm của dân tộc Nga”.
Tổng thống Vladimir Putin ngày 30/9/2022 chủ trì lễ ký kết sáp nhập 4 vùng lãnh thổ mới vào Nga từ 4 tỉnh của Ukraine. Các tỉnh này có tổng diện tích 90.000 km2, chiếm 15% diện tích Ukraine và dân số ước tính khoảng 4 triệu người, song Nga chưa kiểm soát hoàn toàn tỉnh nào trong số đó.
Trong thông điệp kỷ niệm một năm sáp nhập 4 vùng vào lãnh thổ liên bang, ông Putin khẳng định đây là quyết định “dũng cảm và chính trực” của hàng triệu người Ukraine tại các địa phương.
Ukraine và phương Tây coi động thái này của Nga là vô nghĩa và bất hợp pháp. Kyiv cũng bác bỏ cáo buộc của Nga rằng họ đã phạm “tội ác diệt chủng” ở Donbass.
Ngoại trưởng Ukraine gọi cuộc trưng cầu dân ý Nga tổ chức ở 4 tỉnh là “giả tạo” và không có giá trị pháp lý. Cơ quan an ninh Ukraine cho biết đã lập danh sách những “cộng tác viên” giúp tổ chức bầu cử và cam kết sẽ trừng phạt họ.
Hồi tháng 2, Điện Kremlin tái khẳng định rằng Nga sẵn sàng đàm phán để chấm dứt xung đột ở Ukraine, nhưng sẽ không từ bỏ 4 tỉnh này. Trong khi đó, Kyiv tuyên bố họ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào nếu không có điều khoản Nga rút quân khỏi các vùng đang kiểm soát.
Người dân Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk và Lugansk tổ chức bỏ phiếu bầu tỉnh trưởng, lãnh đạo địa phương và nghị viện vùng vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9.
Cảnh sát biển Đài Loan bắt giữ Tàu cá vở sắt Trung Quốc và 17 ngư dân
Liên Thành
Một tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc cùng 17 thuyền viên đã bị lực lượng tuần tra bờ biển Đài Loan bắt giữ hôm 29/9.
Cảnh sát biển Đài Loan cho biết, vào lúc 8h sáng ngày 29/9, đơn vị Cảnh sát biển số 12 của Cục Cảnh sát biển Đài Loan đã nhận được thông báo từ Khu vực tuần tra thứ ba và tìm thấy một tàu “Phúc Kiến” quốc tịch Trung Quốc cách Tân Trúc 11 dặm về phía Tây Bắc và đang trong vùng nước cấm.
Xác định Tàu cá số hiệu “Xyu 6XX12” của Trung Quốc hoạt động vi phạm quy định. Đội cảnh sát biển ngay lập tức điều động tàu 10088 đến hiện trường ghi nhận, thu thập chứng cứ, đồng thời phát đi tín hiệu yêu cầu tàu cá đại lục dừng lại để kiểm tra.
Tuy nhiên, tàu cá Trung Quốc đã ngoan cố không hợp tác và manh động khi va chạm với tàu cảnh sát biển phía Đài Loan. Cảnh sát biển Đài Loan sau đó phải sử dụng vũ lực để khống chế.
Văn phòng chi nhánh Hạm đội Cảnh sát biển Đài Loan cho biết, tàu đại lục đã cố ý va chạm và khiến kính tàu cảnh sát biển Đài Loan bị vỡ, trang thiết bị trên tàu hư hỏng, lan can mạn trái biến dạng, bè cứu sinh hư hại. Rất may tất cả những người trên tàu đều an toàn.
Qua quá trình kiểm tra, lực lượng bảo vệ bờ biển phát hiện có 17 thuyền viên người Trung Quốc cùng số lượng đánh bắt trái phép khoảng 20.000kg.
Sau khi thu thập bằng chứng liên quan, phía Đài Loan áp tải tàu đại lục về Căn cứ Cảnh sát biển ở Cảng Đài Bắc để điều tra, với hành vi vi phạm “Quy định về quan hệ giữa người dân khu vực Đài Loan và khu vực đại lục”.
Dự kiến Tàu 10088 sẽ được sửa chữa trong thời gian sớm nhất sau khi vào cảng. Và phía Đài Loan cho biết, sẽ xử phạt nghiêm khắc tàu Trung Quốc đã cố ý gây ra vụ tai nạn theo quy định của pháp luật. Phía Văn phòng chi nhánh Hạm đội nộp đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại về thân tàu.
Văn phòng Hạm đội Cảnh sát biển Đài Loan cho biết, lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc đã chấm dứt và các tàu đánh cá của Trung Quốc đại lục đã xuất hiện ở vùng biển của Đài Loan. Để bảo vệ tài nguyên biển cũng như quyền và lợi ích của ngư dân, ngoài việc tăng cường tuần tra trong khu vực tài phán, họ còn hợp tác cùng với các đội bảo vệ bờ biển lân cận thực hiện các cuộc tuần tra mở rộng nhằm thể hiện quyết tâm bảo vệ tài nguyên biển của quốc gia.
Nga phát động tấn công bằng máy bay không người lái với số lượng kỷ lục vào Ukraina
Liên Thành
Nga đã tiến hành một loạt các cuộc không kích quy mô lớn vào ba khu vực của Ukraina từ sáng sớm hôm qua. Giới chức Ukraina cho biết một số máy bay không người lái Nga đã đánh trúng mục tiêu của họ.
Lực lượng phòng không Ukraina cho biết đã bắn hạ 34 trong số 44 máy bay không người lái loại “Shahed” đang trên đường bay tới.
Quân đội cho biết các cuộc tấn công nhắm vào khu vực Mykolaiv và Odesa ở phía Nam và Kirovohrad ở miền Trung của Ukraine .
Andriy Raikovych, thống đốc Kirovohrad, viết trên Telegram rằng, phía Ukraina đã có một đêm vô cùng khó khăn. Một số máy bay không người lái đã bị tiêu diệt. Tuy nhiên, cũng có những chiếc đã đánh trúng mục tiêu.
Thống đốc Kirovohrad cho biết trước mắt không có thương vong và không có thiệt hại về cơ sở hạ tầng dân sự và cũng.
Về phía mặt trận Mykolaiv hiện vẫn chưa có báo cáo về mức độ thiệt hại sau vụ tấn công.
Thống đốc vùng Odesa, Oleh Kiper cho biết, 44 máy bay không người lái là số lượng máy bay lớn nhất mà người Nga sử dụng cho một cuộc tấn công trong tháng này.
Nga được biết thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái tầm xa vào các các cơ sở ngũ cốc và hạ tầng các cảng của Ukraina.
Các quan chức Ukraina cảnh báo rằng sắp đến Nga sẽ tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng trong cái lạnh buốt giá của mùa đông.
Tổng thống Nga Putin ký lệnh tăng thêm 130.000 chiến binh từ giờ đến cuối năm
Theo nghị định ký hôm Thứ Sáu, Nga huy động nam giới từ 18 đến 27 tuổi nhập ngũ “với số lượng 130.000 người,” truyền thông nhà nước RIA (Nga) đưa tin. Sự việc diễn ra trong bối cảnh chiến tranh Ukraine bước sang tháng thứ 20, cuộc chiến lớn nhất Châu Âu kể từ Đại Thế chiến II, và Mỹ vẫn tiếp tục đổ tiền vào chiến trường này, bất chấp tình hình chiến sự trì trệ với chiến tuyến hầu như không thay đổi suốt 1 năm qua.
Nghị định viết: “Từ ngày 1/10 đến ngày 31/12/2023, thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với công dân từ 18 đến 27 tuổi không thuộc diện dự bị và thuộc diện bắt buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật Liên bang,” với “số lượng 130.000 người.”
Theo thông lệ, Nga ban hành các lệnh nhập ngũ vào 2 lần mỗi năm, vào mùa Xuân và mùa Thu. Đây là lệnh vào mùa Thu. Theo lệnh mùa Xuân năm nay, 147.000 quân đã được huy động.
Năm ngoái, Quốc hội Liên bang Nga đã bỏ phiếu giảm bớt tuổi tối đa nghĩa vụ quân sự từ 30 tuổi xuống 27 tuổi.
Như vậy, thời hạn nghĩa vụ quân sự là 1 năm, với đối tượng là nam giới từ 18 đến 27 (trừ những người đang tham gia hoạt động tương tự hoặc đang học tập nâng cao).
Theo RIA, ông Vladimir Tsimlyansky, Phó Tổng cục Điều động của Nga, nói rằng quân nhân nào hết thời hạn sẽ được giải ngũ lập tức và có trể trở về nhà.
Theo ông, tân binh sẽ được đưa đến các nơi trong lãnh thổ Nga, nhưng không phải tới các vùng lãnh thổ mà Nga chiếm được trong chiến tranh Ukraine kể từ 2/2022.
Chiến tranh Ukraine đã kéo dài suốt từ 2/2022 đến nay, với chính quyền Kiev được NATO hậu thuẫn, cầm đầu bởi Mỹ, chống lại quân Nga xâm lược.
Nga gọi đây là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, bảo vệ an ninh cho tổ quốc Nga khi NATO liên tục mở rộng về phía Đông, bảo vệ quyền lợi của người Nga đang bị chế độ Kiev phân biệt đối xử, và cáo buộc Mỹ cùng phương Tây đang tiến hành chiến tranh ủy nhiệm chống Nga.
Mỹ và các đồng minh nói họ đang bảo vệ tự do và dân chủ trên phạm vi toàn thế giới, và giúp nhân dân Ukraine chống lại chính quyền Putin bá quyền nước lớn.
Mỹ đã chi 114 tỷ đô la vào cuộc chiến này, dưới hình thức viện trợ cho Kiev. Khoản mới đây nhất là gói 300 triệu đô la viện trợ đang được vận động thông qua, ngay sau khoản 826 triệu đã được Quốc hội Mỹ thông qua hôm 28/9, bỏ qua những phản đối gay gắt của những người theo đường lối “cứng rắn” của Đảng Cộng hòa.
Chính quyền Kiev nhiều lần tỏ quyết tâm sẽ đuổi hết quân Nga, đòi lại toàn bộ lãnh thổ như biên giới năm 1991, quyết chiến đến cùng.
Nhật Tân
Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng truyền thông toàn cầu
Bộ Ngoại giao Mỹ báo cáo Bắc Kinh đang chi hàng tỷ USD mỗi năm để thao túng các phương tiện truyền thông toàn cầu, tiến hành các hoạt động mua cổ phần các “hãng tin công cộng và phi công cộng”, tài trợ cho những người có ảnh hưởng, triển khai đội ngũ dư luận viên, kiểm duyệt, thu thập số liệu, và mua bí mật các hãng tin nước ngoài. Mỹ cảnh báo xu hướng này có thể dẫn đến “thu hẹp mạnh mẽ” quyền tự do ngôn luận toàn cầu, Reuters đưa tin.
Báo cáo của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh tranh cãi giữa hai nước về những nỗ lực của Trung Quốc trong những năm gần đây nhằm mở rộng dấu ấn toàn cầu của các phương tiện truyền thông do chính phủ nước này kiểm soát, đặc biệt là khi cạnh tranh địa chính trị giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng gia tăng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tìm cách chống phá những hình ảnh tiêu cực về Trung Quốc mà họ cảm thấy đang lan ra ở truyền thông thế giới.
Lưu Bằng Vũ, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, bình luận rằng báo cáo của Mỹ nhằm mục đích làm gia tăng sự đối đầu về ý thức hệ và “bôi nhọ các chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc”.
Ông nói: “[Báo cáo của Mỹ] được viết với tâm lý Chiến tranh Lạnh, nó chỉ là một công cụ khác để kiềm chế Trung Quốc và củng cố quyền bá chủ của Mỹ. Trung Quốc cực lực phản đối những động thái như vậy.”
Trích dẫn các báo cáo công khai và “thông tin chính phủ mới thu được”, Trung tâm Tương tác Toàn cầu của Bộ Ngoại giao cho hay Bắc Kinh đã tạo ra hệ thống hoàn thiện về thông tin của riêng mình bằng cách thu hút giới tinh hoa chính trị và các nhà báo nước ngoài.
Trung Quốc cũng đã đầu tư vào mạng lưới vệ tinh và dịch vụ truyền hình kỹ thuật số ở các khu vực đang phát triển ưu tiên nội dung truyền thông do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn.
Việc thu thập số liệu của Trung Quốc ở nước ngoài “đã cho phép Bắc Kinh tinh chỉnh việc kiểm duyệt toàn cầu bằng cách nhắm mục tiêu vào các cá nhân và tổ chức cụ thể”, báo cáo viết, và: “Nếu không được kiểm soát, những nỗ lực của Bắc Kinh có thể dẫn đến… sự thu hẹp mạnh mẽ quyền tự do ngôn luận toàn cầu”.
Theo báo cáo, bất chấp chi phí nguồn lực chưa từng có dành cho chiến dịch này, Bắc Kinh đã gặp phải “thất bại lớn” khi nhắm mục tiêu vào các nước dân chủ, do sự phản đối của truyền thông địa phương và xã hội dân sự đối với những thứ tin tức bị bóp méo bởi bộ máy Bắc Kinh.
Nhật Tân
LHQ: 186,000 người tị nạn đã vượt biển đến châu Âu trong năm nay
Cơ quan Tị nạn Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết tính đến ngày 24/9, trong năm nay có hơn 2.500 người đã chết hoặc mất tích khi cố gắng vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu, trong khi khoảng 186.000 người đã đến được các nước châu Âu.
Nói trước Hội đồng Bảo an hôm thứ Năm (28/9), Giám đốc Ruven Menikdiwela của Văn phòng New York – Cao ủy LHQ về người tị nạn, cho hay trong số 186.000 người tị nạn hoặc người di cư đã vượt Địa Trung Hải thành công, có 83% (khoảng 130.000) đến Ý, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có khoảng 70.000 người. Những người khác đã đến Hy Lạp, Tây Ban Nha, Síp và Malta.
Năm nay, số người thiệt mạng hoặc mất tích khi vượt biển tăng cao so với năm ngoái. Tính đến ngày 24/9, trong năm nay đã phát hiện chết hoặc mất tích hơn 2500 người cố gắng vượt Địa Trung Hải, tăng đáng kể so với con số 1680 người cùng kỳ năm 2022.
Theo bà Menique Diweira, Cơ quan Tị nạn LHQ ước tính trong khoảng thời gian từ tháng 1 – 8, hơn 102.000 người tị nạn hoặc người di cư từ Tunisia đã cố gắng vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu, tăng 260% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, hơn 45.000 người tị nạn hoặc di cư từ Libya đã vượt biển sang châu Âu.
Bà cho biết các hành trình đường bộ từ các nước nam Phi cận Sahara đến các điểm xuất cảnh trên bờ biển Tunisia và Libya “vẫn là một trong những hành trình nguy hiểm nhất thế giới”.
Bà nói: “Mỗi bước đi của người di cư và người tị nạn đều trước nguy cơ thiệt mạng và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”.
Menique Diweira nói với LHQ rằng tỷ lệ người đi cư cao của Tunisia xuất phát từ bất an của cộng đồng người tị nạn, do các cuộc tấn công và phát ngôn thù hận có động cơ sắc tộc cũng như các vụ trục xuất tập thể khỏi Libya và Algeria.
Theo Trần Đình, Epoch Times