Theo WSJ hôm 29/9, từ 2 tháng trước một quản lý cấp cao của công ty Kroll tư vấn quản lý rủi ro của Mỹ đã bị cấm rời khỏi Trung Quốc, đây là trường hợp gần nhất về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cấm xuất cảnh đối với nhân viên của các công ty nước ngoài.
Vụ việc xảy ra vào thời điểm các công ty nước ngoài ngày càng lo lắng về triển vọng kinh tế ảm đạm của Trung Quốc và điều kiện hoạt động ngày càng khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp nước ngoài ở nước này.
Nguồn thạo tin cho biết, vào tháng 7 giám đốc điều hành chi nhánh Hồng Kông của công ty Kroll là Michael Chan (chuyên tái cơ cấu doanh nghiệp) đã đến Đại Lục, sau đó ông thông báo với công ty rằng ông không thể rời khỏi. Chan đang tham gia vào điều tra một vụ án cách đây vài năm, ông có hộ chiếu Hồng Kông cho phép đi lại tự do ở Trung Quốc và vẫn đang làm việc.
Công ty Kroll cung cấp dịch vụ điều tra và thẩm định doanh nghiệp cũng như tư vấn tái cơ cấu và phá sản, mô hình kinh doanh của công ty này tương tự như mô hình kinh doanh của Tập đoàn Mintz của Mỹ.
Nhiều tiền lệ khác
Theo Reuters, đầu năm nay nhà chức trách ĐCSTQ đã đột kích văn phòng Bắc Kinh của Tập đoàn Mintz bắt giữ toàn bộ 5 nhân viên của tập đoàn này tại Trung Quốc, nhà chức trách cũng thẩm vấn các nhân viên tại văn phòng Thượng Hải của công ty tư vấn Bain & Co của Mỹ. Ngoài ra với lý do “an ninh quốc gia”, Cơ quan Quản lý Không gian mạng ĐCSTQ đã thẩm tra các sản phẩm do nhà sản xuất chip Micron Technology của Mỹ bán tại Trung Quốc, trong khi đó một trong 4 công ty kế toán quốc tế lớn là Deloitte đã đình chỉ hoạt động kinh doanh tại Bắc Kinh trong 3 tháng và bị phạt nặng vì “thiếu sót kiểm toán”.
Nhà chức trách ĐCSTQ cũng bắt giữ một nhân viên của hãng dược phẩm Astellas Pharma của Nhật Bản. Các văn phòng ở các thành phố Trung Quốc của công ty tư vấn mạng Capvision cũng bất ngờ bị cảnh sát đột kích, họ bị cáo buộc vi phạm luật an ninh quốc gia. Khách hàng của Capvision bao gồm các công ty nước ngoài.
Đầu tháng này, tờ Financial Times đưa tin một nhân viên ngân hàng cấp cao tại Nomura Holdings Inc. của Nhật Bản đã bị cấm rời khỏi Trung Quốc, ông đang phải hợp tác với cuộc điều tra về công ty nơi ông từng làm việc.
Vài tháng trước Phòng Thương mại Mỹ đã có cảnh báo, trong một môi trường mà rủi ro không thể được đánh giá đúng đắn và sự không chắc chắn về mặt pháp lý đang gia tăng thì các nguồn đầu tư nước ngoài sẽ thấy không được chào đón.
Khuyến nghị cân nhắc đi đến Trung Quốc
Ngày 1/7, ĐCSTQ bắt đầu thực thi phiên bản sửa đổi của “Luật Phản gián”, khiến niềm tin vào Trung Quốc của các công ty Mỹ tụt xuống đáy.
Các nhóm nhân quyền cho biết lệnh cấm xuất cảnh của ĐCSTQ có thể kéo dài trong nhiều năm, trong những năm gần đây nhà cầm quyền thường xuyên sử dụng các hạn chế đi lại để tạo điều kiện cho các cuộc điều tra tội phạm, đe dọa những người bất đồng chính kiến và thậm chí tạo đòn bẩy trong các tranh chấp với các công ty và chính phủ nước ngoài.
Chính quyền ĐCSTQ thường xuyên áp đặt lệnh cấm xuất cảnh đối với người Trung Quốc và người nước ngoài đang bị điều tra hoặc hỗ trợ điều tra của nhà chức trách. Những người bị cấm xuất cảnh thường chỉ biết rằng họ bị cấm khi họ có ý định rời khỏi Trung Quốc.
Do vấn đề lệnh cấm xuất cảnh của ĐCSTQ, Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyến nghị mọi người cân nhắc việc đi đến Trung Quốc.
Hiệu ứng của Luật Phản gián
Theo RFI Pháp, phiên bản “Luật Phản gián” sửa đổi của ĐCSTQ có hiệu lực từ ngày 1/7, một mặt gây nản chí mọi hoạt động của người nước ngoài, mặt khác phá hoại nỗ lực của ĐCSTQ trong thu hút đầu tư và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo thông tin, các giám đốc điều hành nước ngoài lo ngại rằng luật mới cho phép cơ quan chức năng ĐCSTQ kiểm tra điện thoại di động và máy tính bị nghi ngờ cũng như các cơ sở tổ chức và cá nhân khác, đồng thời các hoạt động kinh doanh bình thường như thu thập thông tin đối thủ và đối tác trên thị trường cũng có thể bị quy kết phạm pháp. Luật mới của ĐCSTQ cũng xem vấn đề tấn công mạng thông qua “thuê nhờ các tổ chức gián điệp hoặc người đại diện” nhắm vào các cơ quan nhà nước, các đơn vị liên quan đến bí mật hoặc cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng… là hành vi gián điệp. Luật mới của ĐCSTQ cũng bổ sung thêm các quyền thực thi pháp luật hành chính chống gián điệp, chẳng hạn như trong phần “điều tra và xử lý” được tăng cường “quyền thực thi pháp luật hành chính” như “truy xuất dữ liệu, trát đòi hầu tòa, truy vấn thông tin tài sản, và cấm xuất nhập cảnh”.
Trung tâm An ninh và Phản gián Quốc gia Mỹ (NCSC) cảnh báo các công ty ở Trung Quốc rằng, dưới danh nghĩa “bảo vệ bí mật an ninh quốc gia”, luật mới sẽ cho phép nhà chức trách ĐCSTQ cơ sở pháp lý nhiều hơn để kiểm soát các công ty Mỹ ở Trung Quốc, định nghĩa mơ hồ về “an ninh quốc gia” trong luật mới của ĐCSTQ sẽ ảnh hưởng đến đời sống kinh doanh bình thường. NCSC cũng nhắc nhở rằng luật mới có thể buộc nhân viên Trung Quốc của các công ty Mỹ phải hỗ trợ công tác tình báo của nhà chức trách Trung Quốc.
Tổ chức nhân quyền quốc tế “Những người bảo vệ” (Safeguard Defenders) đã đưa ra một báo cáo vào ngày 2/5, đặc biệt nhắc nhở rằng phiên bản mới của “Luật Phản gián” mà ĐCSTQ thúc đẩy sẽ áp dụng lệnh cấm xuất cảnh đối với tất cả các hoạt động bị nghi ngờ là gián điệp, chỉ cần nhà chức trách thấy người nào không ưa là có thể không cho phép họ xuất cảnh bất kể quốc tịch họ mang.
Safeguard Defenders cảnh báo ĐCSTQ không ngừng mở rộng phạm vi hạn chế xuất cảnh, qua đó thường xuyên sử dụng các biện pháp như tịch thu hộ chiếu, từ chối cấp hoặc gia hạn hộ chiếu, trừng phạt những người hoạt động nhân quyền và gia đình họ, các nhóm tôn giáo, phóng viên truyền thông nước ngoài, dùng họ như con tin ngoại giao.
Theo các thông tin trước đó của Financial Times và Bloomberg, để đối phó với mối đe dọa từ luật mới, cơ quan điều tra ngành công nghệ của Mỹ là Forrester Research sẽ dần đóng cửa các văn phòng tại Trung Quốc; tương tự, ngân hàng Morgan Stanley cũng đã điều chuyển khỏi Trung Quốc hơn 200 nhân viên R&D.
Tiêu Nhiên, Vision Times