PHÂN TÍCH: Báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ xác định Trung Quốc cộng sản là mối đe dọa vũ khí sinh học chính

Một báo cáo của Bộ Quốc phòng về chiến tranh sinh học nói Trung Quốc là ‘một thách thức đáng gờm” đối với Hoa Kỳ, sau nhiều thập niên tồn tại các mối đe dọa của ĐCSTQ.

PHÂN TÍCH: Báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ xác định Trung Quốc cộng sản là mối đe dọa vũ khí sinh học chính
Nhân viên y tế chuyển một bệnh nhân đã qua đời đến một chiếc xe tải đông lạnh dùng làm nhà xác tạm thời, tại Trung tâm Bệnh viện Brooklyn ở thành phố New York, vào ngày 09/04/2020. (Ảnh: Angela Weiss/AFP qua Getty Images)

Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã phác thảo chiến lược quốc gia để đáp ứng những thách thức do các mối đe dọa sinh học gây ra.

Tuần trước (18-24/09), Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) đã đưa ra một thông báo cấm Viện Virus học Vũ Hán (WIV) nhận tài trợ liên bang trong 10 năm vì các thí nghiệm tăng chức năng của viện này.

Thông báo đó được đưa ra khi các nghị sĩ Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện thúc giục Bộ trưởng HHS Xavier Becerra tuân thủ một cuộc điều tra của Quốc hội về nguồn gốc của Covid-19. Trong khi đó, hôm thứ Hai (25/09), Vương quốc Anh xác nhận rằng hội nghị thượng đỉnh toàn cầu sắp tới về trí tuệ nhân tạo sẽ tập trung vào tiền năng mà AI có thể tạo ra vũ khí sinh học, khi Thủ tướng Rishi Sunk cảnh báo về một “cơ hội mong manh” để giải quyết mối đe dọa này.

Các nhà phân tích quốc phòng tiếp tục thảo luận về Đánh giá Tình hình Phòng thủ sinh học năm 2023 (pdf), được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ công bố hồi tháng trước (tháng Tám). Báo cáo này là một tài liệu toàn diện phác thảo sự sẵn sàng chiến lược của quốc gia trước các mối đe dọa an ninh sinh học tiềm ẩn.

Báo cáo được công bố sau hơn hai thập niên với các mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) liên quan đến tiềm năng sử dụng công nghệ sinh học như một hình thức “chiến tranh không giới hạn” chống lại các quốc gia phương Tây. Báo cáo đề cập đến hậu quả tàn khốc của đại dịch COVID-19, khiến hàng triệu người tử vong trên toàn cầu.

Chỉ vài tuần trước khi báo cáo được công bố hôm 17/08, Bộ Quốc phòng tuyên bố sẽ đầu tư thêm 300 triệu USD mỗi năm trong 5 năm tới để đề phòng các mối đe dọa sinh học đã biết và đang phát sinh. Theo một bài báo trên tạp chí Quốc phòng Quốc gia, khoản đầu tư đó tiếp thêm tối đa khoảng 1.4 tỷ USD được phân bổ trong năm 2022 cho các hoạt động phòng thủ hóa học, sinh học, phóng xạ, và hạt nhân.

Hôm 28/07, bà Deb Rosenblum, trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách các chương trình hạt nhân, hóa học, và sinh học, đã đưa ra thông báo cảnh báo về “sự hội tụ sinh học” — sự kết hợp giữa khoa học sinh học với các công nghệ mới nổi.

Trung Quốc: Một ‘thách thức đáng gờm’

Đánh giá Tình hình Phòng thủ sinh học gọi Trung Quốc, kế tiếp là Nga, Bắc Hàn, Iran, và các “tổ chức cực đoan bạo lực” không được nhắc tên, là “thách thức đáng gờm” đối với Bộ Quốc phòng.

Bản đánh giá lưu ý rằng Chiến lược Quốc phòng Quốc gia, được ban hành năm 2022, “mang đến một tầm nhìn để Bộ Quốc phòng tập trung giải quyết thách thức đáng gờm của chúng ta” — cụ thể là, một đối thủ cạnh tranh đang đạt được tiến bộ đáng kể trong việc thách thức khả năng phòng thủ của Hoa Kỳ — “ngay cả khi chúng ta kiểm soát các mối đe dọa còn lại của một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.”

Đánh giá Tình hình Phòng thủ sinh học đã nêu rõ bốn mục tiêu mà Bộ Quốc phòng phải ưu tiên trước năm 2035 để chống lại các mối đe dọa sinh học:

1. Bảo vệ quốc gia trước mối đe dọa đa lĩnh vực ngày càng tăng do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) gây ra;

2. Ngăn chặn các cuộc tấn công chiến lược chống lại Hoa Kỳ cũng như các đồng minh và đối tác của mình;

3. Ngăn chặn sự xâm lược, đồng thời sẵn sàng chiếm thế thượng phong trong xung đột khi cần thiết — ưu tiên thách thức của CHND Trung Hoa ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sau đó là thách thức của Nga ở châu Âu;

4. Xây dựng một Lực lượng Liên hợp và hệ sinh thái quốc phòng kiên cường.

Trong bốn mục tiêu ưu tiên này, thì các mối đe dọa chủ yếu đến từ hai chế độ: ĐCSTQ và Nga, trong đó ĐCSTQ hai lần được nêu tên còn Nga thì một lần.

Nhiệt tình ủng hộ chiến tranh không giới hạn

Báo cáo lưu ý rằng các ấn phẩm của Trung Quốc “đã gọi sinh học là một lĩnh vực chiến tranh mới.”

Vào những năm 1990, quân đội Trung Quốc đưa ra khái niệm chiến tranh không giới hạn, một hình thức chiến tranh tổng lực vượt qua ranh giới quân sự và sẵn sàng sử dụng mọi công nghệ sẵn có.

Hai đại tá Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), Kiều Lương (Qiao Liang) và Vương Tương Tuệ (Wang Xiangsui), đã đặt ra khuôn khổ và các chiến thuật cho cách tiếp cận này trong cuốn sách xuất bản năm 1999 có nhan đề “Unrestricted Warfare” (“Siêu Hạn Chiến”) của họ. Họ đưa vũ khí sinh hóa vào như một phần trong chiến lược tiến tới một “cuộc cách mạng trong chiến tranh.”

Chiến tranh sinh học, về bản chất, thể hiện tất cả đặc điểm của chiến tranh không giới hạn, trong đó quy tắc đầu tiên là “không có luật lệ, không có gì cấm đoán.”

Hơn một thập niên sau khi cuốn sách đó được xuất bản, một cuốn sách của tác giả Quách Kế Vệ (Guo Jiwei), được xuất bản năm 2010, có nhan đề “War for Biological Dominance” (“Chiến tranh Giành Thống trị Sinh học”) đã nhấn mạnh tác động của sinh học đối với chiến tranh trong tương lai. Ông Quách Kế Vệ là một giáo sư kiêm bác sĩ trưởng tại Đại học Quân y số 3 của PLA, đồng thời là tác giả của một bài báo năm 2006 trên Tạp chí Quân y PLA có tiêu đề “Quyền chỉ huy của công nghệ sinh học và cuộc chinh phục nhân từ trong phe đối lập quân sự.”

Truyền thông nhà nước Trung Quốc tiếp tục nhiệt tình ủng hộ chiến tranh không giới hạn trong thập niên tới.

Ngày 23/01/2014, tờ Tin tức Quốc phòng Trung Quốc đã phát hành một bài báo có tiêu đề “Chiến tranh di truyền sẽ làm biến đổi một cách căn bản chiến tranh của nhân loại.”

“Vũ khí di truyền có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau,” bài báo này viết. “Thông qua con người, phi cơ, phi đạn, hoặc pháo binh, người ta có thể đưa vi khuẩn bị biến đổi gen, côn trùng mang vi khuẩn, và vi sinh vật có gen gây bệnh vào các con sông lớn, các thành phố, hoặc các trục giao thông chính của các quốc gia khác, để những vi sinh vật như virus có thể lây lan và nhân lên một cách tự nhiên, do đó khiến con người và động vật, trong thời gian ngắn, mắc phải một căn bệnh nan y nào đó.”

Đối với tác giả của bài báo này, thì việc sát hại hàng loạt hoặc làm bị thương những thường dân vô tội rõ ràng không phải là vấn đề đáng lo ngại.

“Ngoài ra, vũ khí di truyền có thể sử dụng các kỹ thuật chỉnh sửa gene tùy theo nhu cầu cụ thể. Chẳng hạn, chúng ta có thể chèn các gene gây tổn hại tinh thần con người vào một số sinh vật. Nếu người thuộc một nhóm dân tộc nào đó bị nhiễm các gene làm suy giảm trí thông minh này, thì họ sẽ mất đi năng lực trí tuệ bình thường,” ông này viết.

Chiến trường vô hình

Ngày 10/11/2017, Nhật báo PLA đã xuất bản một bài xã luận có tiêu đề “Vũ khí di truyền sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chiến tranh trong tương lai,” mô tả “chiến trường vô hình” trong tương lai này như sau:

“Một bên có thể sử dụng vũ khí di truyền trước cuộc chiến tranh, gây ra sự tàn phá về nhân lực và môi trường sống của bên kia, dẫn đến sự diệt vong của một quốc gia, vì cả quốc gia mất đi hiệu quả chiến đấu và bị chinh phục mà không đổ máu … Chiến trường tương lai sẽ trở thành một chiến trường vô hình.”

Năm sau đó, các tác giả của một bài báo đăng trên trang China Military — trang tin tức Anh ngữ của PLA — giải thích rằng bằng cách lợi dụng sự khác biệt về di truyền giữa các chủng tộc khác nhau, vũ khí di truyền có thể sát hại hoặc vô hiệu hóa một nhóm người bị nhắm mục tiêu, trong khi cứu một nhóm người không xác định khỏi bị tổn hại.

“Các nghiên cứu đã cho thấy rằng 99.7% đến 99.9% DNA của con người là giống nhau, và những khác biệt nhỏ là chìa khóa để phân biệt các chủng tộc khác nhau. Do đó, mỗi quốc gia và chủng tộc có một bộ di truyền riêng, dựa vào đó, về mặt lý thuyết, vũ khí di truyền có thể được phát triển để nhắm mục tiêu có chọn lọc các gene chủng tộc cụ thể, từ đó sát hại hoặc làm bị thương một chủng tộc cụ thể nào đó,” bài báo viết.

Bài báo này chỉ ra phương diện thực tế của việc “sử dụng 50 triệu USD để xây dựng một kho vũ khí di truyền” mà “sẽ có khả năng sát thương cao hơn nhiều so với một kho vũ khí hạt nhân tốn 100 tỷ USD để xây dựng.”

Năm 2020, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có câu nói nổi tiếng: “Phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang suy tàn.” Câu nói này đã trở thành cơ sở cho một kiểu “ngoại giao chiến lang” gây hấn và đối đầu mới. Phản ánh kiểu ngoại giao này là các cuộc thảo luận chủ chiến về chiến tranh sinh học trên truyền thông nhà nước và ấn phẩm quân sự của Trung Quốc, làm dấy lên những lo ngại trong chính phủ Hoa Kỳ.

Mối quan hệ của Viện Virus học Vũ Hán với quân đội Trung Quốc

Đánh giá Tình hình Phòng thủ sinh học liên tục trích dẫn bản chất sử dụng kép của công nghệ sinh học — tiềm năng cho cả mục đích hợp pháp và bất hợp pháp — cả trong lĩnh vực quân sự và dân sự.

Đáng chú ý, Viện Virus học Vũ Hán (WIV), có thể là một đầu mối của virus corona mới, là một viện nghiên cứu kết hợp quân sự-dân sự điển hình.

Một tài liệu ngày 15/01/2021 do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố cho biết: “Mặc dù WIV tự cho thấy họ là một tổ chức dân sự, nhưng Hoa Kỳ xác định rằng WIV cộng tác trong các ấn phẩm và các dự án bí mật với quân đội Trung Quốc. WIV đã tham gia vào nghiên cứu bí mật, bao gồm các thí nghiệm trên động vật trong phòng thí nghiệm, thay mặt cho quân đội Trung Quốc ít nhất kể từ năm 2017.”

Tháng 05/2021, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã nhắc lại trong một cuộc phỏng vấn với Fox News rằng viện này đã tiến hành công trình nghiên cứu quân sự cùng với nghiên cứu dân sự của mình.

Ông nói: “Điều tôi có thể nói chắc chắn là thế này: chúng tôi biết rằng họ đã tham gia vào các nỗ lực có liên quan đến Quân Giải phóng Nhân dân bên trong phòng thí nghiệm đó, vì vậy công trình nghiên cứu quân sự được thực hiện cùng với những gì họ tuyên bố chỉ là nghiên cứu dân sự thông thường.”

Xem xét lại thời kỳ ban đầu của đại dịch là rất quan trọng. Ngày 25/01/2020, chưa đầy hai ngày sau khi Vũ Hán bị phong tỏa, một chuyên gia về chiến tranh sinh học của PLA, Thiếu tướng Trần Vi (Chen Wei), đã dẫn đầu một nhóm đến Vũ Hán để phụ trách viện này. Về mặt chính thức, Tướng Trần được phái đến Vũ Hán để tạo ra một loại vaccine chống lại virus COVID-19, điều mà nhóm của bà đã làm được — với tốc độ vượt trội.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sự hiện diện của Tướng Trần tại Viện Vũ Hán xác nhận mối liên hệ giữa phòng thí nghiệm Vũ Hán và quân đội Trung Quốc.

Một báo cáo điều tra chung của tạp chí Pro-Publica và Vanity Fair, xuất bản hồi tháng 10/2022, dẫn lời các chuyên gia cho biết tốc độ mà nhóm của Tướng Trần phát triển một loại vaccine là “không thực tế, nếu không muốn nói là bất khả thi.”

Các chuyên gia giấu tên cho biết phòng thí nghiệm này “chắc hẳn đã có quyền truy cập vào trình tự bộ gene của virus trước tháng 11/2019, vài tuần trước khi Trung Quốc chính thức thừa nhận rằng virus đang lây lan.”

Hồi tháng 05/2023, một người trong cuộc giấu tên nói với The Epoch Times rằng sự hiện diện của chuyên gia chiến tranh sinh học này tại WIV là bằng chứng rõ ràng cho một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm. Ông nói rằng vị tướng này rất có thể được cử đến Vũ Hán để “dọn dẹp mớ hỗn độn.” Cẩm An biên dịch

Related posts