Tin thế giới sáng thứ Ba: Quốc hội Mỹ đã tránh được đóng cửa chính phủ

Quốc hội Mỹ đã tránh được đóng cửa chính phủ, nhưng ‘các trận chiến cam go’ vẫn còn

Quang cảnh bên ngoài Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Đồi Capitol, Washington D.C vào ngày 6 tháng 8 năm 2022. (Nguồn ảnh: Anna Rose Layden/Getty Images)

Quốc hội đã ngăn chặn việc Chính phủ đóng cửa vào tối thứ Bảy (30/9) bằng cách thông qua một dự luật chi tiêu tạm thời giúp các cơ quan chính phủ được cấp ngân sách đến giữa tháng Mười Một. Biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh các nhà lập pháp đã mệt mỏi tạm thời trì hoãn vài tuần trận chiến cam go về cắt giảm chi tiêu, viện trợ chiến tranh cho Ukraine và có thể là cả tương lai của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy.

Bất chấp những dự đoán của giới truyền thông, ông McCarthy đã vận động thông qua được một ‘nghị quyết tiếp tục’ vào phút cuối và tập hợp được sự ủng hộ đáng kể từ các thành viên Đảng Dân chủ để giữ cho các cơ quan chính phủ mở cửa trong 45 ngày và cung cấp 16 tỷ USD viện trợ thảm họa liên bang cho các cộng đồng người Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng ông McCarthy đã cắt bỏ mọi khoản hỗ trợ mới cho cuộc chiến của Ukraine chống lại Nga mà Nhà Trắng mong muốn.

Vài giờ sau đó, Thượng viện đã bỏ phiếu thông qua và Tổng thống Joe Biden cũng đã ký dự luật thành luật ngay trước nửa đêm để ngăn chặn chính phủ đóng cửa.

“Đây là tin tốt cho người dân Mỹ”, Tổng thống Biden nói sau khi ký luật.

Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện với kết quả 335 phiếu thuận và 91 phiếu chống. Có 209 phiếu thuận của dân biểu Đảng Dân chủ và 90 phiếu chống của dân biểu Đảng Cộng hòa.

Biện pháp này giúp các nhà lập pháp có thời gian giải quyết các tranh chấp gay gắt về quy mô viện trợ trong tương lai cho Ukraine khi nước này cố gắng đánh đuổi quân xâm lược Nga. Đồng thời để Đảng Cộng hòa thực hiện lời hứa với cử tri về việc cắt giảm chi tiêu và hoàn thành quy trình ngân sách thông thường, xem xét riêng lẻ tất cả 12 kế hoạch chi tiêu của cơ quan liên bang, một điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm.

Cảm xúc được đẩy lên cao trong cuộc họp kín của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện. “Ban lãnh đạo đã hứa hẹn đủ điều (với tiền của bạn) và chúng ta đã thất hứa”, Dân biểu Tim Burchett (Đảng Cộng hòa, Tennessee) viết trên mạng xã hội sau cuộc bỏ phiếu, bày tỏ sự chán ghét của ít nhất hai chục người bảo thủ tài chính muốn Hạ viện hoàn thành 12 dự luật chi tiêu trước lúc kết thúc năm tài khóa 2023 vào ngày 30 tháng 9.

Tuy nhiên, thỏa thuận ngân sách tạm thời này vẫn là một chiến thắng cho ông McCarthy, khi được đó giới truyền thông dự đoán ông sẽ khiến chính phủ phải đóng cửa. Đồng thời, thỏa thuận hôm thứ Bảy (30/9) cũng là một chiến thắng cho Đảng Cộng hòa ở Virginia, những người đang cố gắng giành lại quyền kiểm soát cơ quan lập pháp tiểu bang này trong cuộc bầu cử vào tháng Mười Một và lo ngại việc chính phủ đóng cửa sẽ là dấu chấm hết cho nỗ lực đó.

Tuy nhiên, vì còn thiếu một số phiếu bầu, ông McCarthy hôm 30/9 đã phải từ bỏ kế hoạch duy nhất chỉ có Đảng Cộng hòa ủng hộ nhằm cắt giảm chi tiêu của các cơ quan và buộc Tổng thống Biden phải đóng cửa biên giới lỏng lẻo ở phía Nam, vốn đã đang cho phép hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp tràn vào nước Mỹ kể từ khi Đảng Dân chủ nắm quyền.

Quyết định của ông McCarthy thông qua một dự luật cùng với Đảng Dân chủ đặt ra rủi ro chính trị đáng kể cho chính bản thân ông. Dân biểu Matt Gaetz (Đảng Cộng hòa, Florida) tuyên bố hôm Chủ Nhật (1/10) rằng ông sẽ tìm cách phế truất ông Kevin McCarthy khỏi vị trí Chủ tịch Hạ viện.

Ông Gaetz nói với đài CNN: “Tôi thực sự có ý định đệ đơn yêu cầu bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện McCarthy trong tuần này. Tôi nghĩ chúng ta cần phải loại bỏ biện pháp tình thế đó. Tôi nghĩ chúng ta cần tiếp tục tiến lên với lãnh đạo mới có thể tin cậy được”.

Sau cuộc bỏ phiếu hôm thứ Bảy (30/9), ông Gaetz cáo buộc ông McCarthy đã vi phạm thỏa thuận mà ông ta đã hứa với những người phe bảo thủ vào tháng Một để giành được ghế chủ tịch Hạ viện, nhưng lại tỏ ra e ngại về việc liệu ông có theo đuổi kiến nghị để lật ghế của Chủ tịch hay không. Thay vào đó, ông Gaetz đã kêu gọi các nhà lập pháp Hạ viện và Thượng viện hoàn thành công việc xem xét 12 dự luật chi tiêu liên bang trước thời hạn mới là ngày 17 tháng 11.

“Những người bảo thủ trong Hạ viện đã buộc ông McCarthy đồng ý các biện pháp bảo vệ chi tiêu vào tháng Một. [Nhưng] ông ấy đã thổi bay những rào chắn bảo vệ đó. Động thái đó là điều đã đưa chúng ta đến hoàn cảnh hiện tại”, ông Gaetz viết trên X.

Ông Gaetz nói thêm: “Cách duy nhất để cứu nước Mỹ khỏi bị sụp đổ tài chính là thông qua các dự luật chi tiêu theo từng chủ đề có thể được xem xét ở cấp độ chương trình”.

Ông McCarthy đã bảo vệ thỏa thuận tài chính tạm thời đạt được vào phút chót trước hạn đóng cửa là cần thiết để tiếp tục tài trợ cho quân đội và cứu trợ thiên tai cho các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề từ Florida đến Hawaii. Nhưng ông cũng nói rõ rằng ông cam kết hoàn thành 12 dự luật chi tiêu mà ông Gaetz và phe bảo thủ của ông ta đã theo đuổi kể từ tháng Một.

Ông McCarthy nói với các phóng viên: “Chúng tôi cần thêm thời gian để hoàn thành công việc”.

Sau đó, ông McCarthy viết trên X: “Tôi vừa ký và gửi dự luật tạm thời ngắn hạn này tới Nhà Trắng để tài trợ cho quân đội của chúng ta, cung cấp cứu trợ khẩn cấp và giữ cho chính phủ hoạt động trong khi Quốc hội quay trở lại làm việc theo trật tự bình thường.”

Dân biểu Đảng Cộng hòa Florida Byron Donalds chỉ trích gay gắt biện pháp tạm thời ngắn hạn đã được Hạ viện và Thượng viện thông qua, nói rằng Đảng Cộng hòa chẳng thu được gì từ nó.

“Thành thật mà nói, chúng tôi không thu được gì từ nghị quyết tiếp tục này”, ông Donalds nói trên chương trình “Fox News Sunday.”

Ông Donalds nói thêm: “Biên giới vẫn chưa được đảm bảo an ninh ở đất nước chúng ta. Tại sao vậy? Đó là bởi vì ông Joe Biden và Đảng Dân chủ đã làm theo cách của họ. Các thành viên Đảng Dân chủ rất hài lòng với những gì họ đạt được. Tôi nghĩ đây là một thỏa thuận khủng khiếp đối với người dân Mỹ”.

Anh Nguyễn (Theo Just the News)

Trung Quốc: Một người phụ nữ từng bán đứa con của chính mình bị kết án tử hình vì buôn bán trẻ em

Kane ZhangLynn Xu

Trung Quốc: Một người phụ nữ từng bán đứa con của chính mình bị kết án tử hình vì buôn bán trẻ em
Một người phụ nữ khóc khi đoàn tụ với con trai, một trong những đứa trẻ được giải cứu khỏi một nhóm buôn người ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, ngày 6/5/2005. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Tới từ Vân Nam, một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc, một người phụ nữ nghèo khó đã bán chính đứa con của mình rồi bắt cóc hàng chục đứa trẻ khác để bán trong suốt 3 năm vào khoảng 30 năm trước. Một tòa án địa phương gần đây đã kết án tử hình bà.

Vào ngày 18/9, một tòa án ở Quý Dương, tỉnh Quý Châu, đã buộc tội bà Yu Huaying và đồng phạm bắt cóc 11 đứa trẻ từ năm 1993 đến năm 1996 tại tỉnh Quý Châu và thành phố Trùng Khánh, sau đó bán chúng tới Hàm Đan và một nơi khác ở tỉnh Hà Bắc, phía bắc Trung Quốc.

Người phụ nữ 60 tuổi thú nhận rằng bà bắt đầu kinh doanh buôn người bằng chính đứa con ruột của mình với giá giao dịch là 5.000 CNY (nhân dân tệ) (khoảng 684 USD). Theo truyền thông nhà nước, kể từ đó, bà không bao giờ biết chuyện gì đã xảy ra với đứa trẻ.

Hồ sơ tòa án cho thấy bà Yu sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở tỉnh Vân Nam với bốn anh chị em, trong đó bà là con út. Bà chỉ đi học được hai năm và bỏ học để đi làm vì nghèo.

Tỉnh Vân Nam phía Tây Nam Trung Quốc có lượng dân số nghèo lớn nhất đất nước vào năm 2019.

Ông Lai Yiming, một nhân viên truyền thông, nói với The Epoch Times vào ngày 23/9 rằng trong một xã hội thiếu đạo đức như Trung Quốc, các vùng nông thôn của Trung Quốc nghèo đến mức những kẻ buôn người lớn lên trong nghèo đói. “Người nghèo bị đói nghèo thúc đẩy phải làm bất cứ điều gì cần thiết để có tiền”.

Ông Lai giải thích thêm rằng kể từ khi nắm quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tẩy não dân tộc, hủy hoại nền tảng quyền lực cổ xưa vốn bắt nguồn từ các quan niệm truyền thống về tín ngưỡng Đạo giáo và Phật giáo.

Ông Lai nói: “Nếu một người có niềm tin vào Thần thánh trong lòng, người đó sẽ không làm những việc như buôn bán người”.

Việc các phương tiện truyền thông chính thức đưa tin về vụ án thu hút được nhiều sự quan tâm. Nhưng điều đáng chú ý là vụ việc của bà Yu xảy ra cách đây hơn 30 năm khi bà bị thúc đẩy bởi hoàn cảnh nghèo khó của cá nhân, theo ông Lai. Những lá bài có thông tin chi tiết về những đứa trẻ mất tích được trưng bày vào ngày 31/3/2007 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: China Photos/Getty Images)

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số băng nhóm tội phạm đã coi bắt cóc và buôn bán trẻ em như một phương tiện làm giàu, trong đó các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương như Hà Nam, Hà Bắc, Sơn Đông, Thiên Tân, Bắc Kinh, Trùng Khánh, Phúc Kiến và Quảng Đông là điểm đến của nạn buôn bán trẻ em.

Số liệu từ Công an Trung Quốc cho biết, chỉ riêng năm 2013 đã xảy ra 40.000 vụ buôn người liên quan đến 24.000 trẻ em bị bắt cóc trên toàn quốc.

Sự yếu kém của cảnh sát

Một cư dân ở Hợp Phì, tỉnh Giang Tô, với hoá danh là Qin Yao nói với The Epoch Times vào ngày 22/9 rằng cảnh sát không giúp được gì cho vụ mất tích của cháu trai bà và gia đình đã tự mình tìm kiếm suốt 20 năm mà không tìm thấy cháu.

Hai mươi năm trước, chị dâu của bà Qin đã đưa con trai đi cùng bà bán hàng trong thị trấn, nhưng cậu bé 4 tuổi đã biến mất chỉ vài phút sau khi bà bỏ mặc cậu bé một mình.

Ông Lai tin rằng cảnh sát ĐCSTQ tham nhũng và kém hiệu quả trong việc giải quyết các vụ án dân sự và hình sự nói chung. Cảnh sát Trung Quốc không chủ động giải quyết các vụ bắt cóc trẻ em và truy tìm tung tích trẻ em bị buôn bán. Họ thường chờ đợi người thân hoặc người bị buôn bán cung cấp manh mối và trình báo tội phạm cho cảnh sát.

Chẳng hạn, vụ án của bà Yu xảy ra cách đây gần 30 năm và chỉ được giải quyết khi nạn nhân trình báo kẻ ác, ông Lai dẫn lời các phương tiện truyền thông nhà nước cho biết.

Ông Lai cho biết, trẻ em bị bắt cóc từ nhiều nơi khác nhau cuối cùng phải đăng ký tại đồn công an địa phương. Ông cho biết thêm: “Giả sử công an kiểm tra kỹ giấy đăng ký mới của một đứa trẻ; những kẻ buôn người sẽ không thể hợp pháp hóa những đứa trẻ mà họ mua và điều này sẽ làm giảm số vụ bắt cóc trẻ em”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Ấn Độ chuẩn bị phóng tàu vũ trụ thứ 2 lên sao Hỏa

(Ảnh minh họa: joshimerbin/Shutterstock)

Ấn Độ đang chuẩn bị thực hiện vụ phóng tàu vũ trụ thứ 2 lên sao Hỏa, 9 năm sau khi đất nước này tạo nên lịch sử bằng việc phóng thành công một tên lửa lên quỹ đạo quanh Hành tinh Đỏ trong lần phóng đầu tiên.

Cụ thể, hôm 2/10 vừa qua, quan chức Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cho biết tàu quỹ đạo sao Hỏa Sứ mệnh 2, có tên không chính thức là Mangalyaan-2, sẽ mang theo 4 thiết bị để thực hiện các nghiên cứu bao gồm bụi liên hành tinh, bầu khí quyển và môi trường của sao Hỏa. Các thiết bị này đang ở những giai đoạn phát triển khác nhau.

Dự kiến, trong sứ mệnh thứ hai này, Ấn Độ sẽ thực hiện Thí nghiệm Bụi quỹ đạo sao Hỏa (MODEX), thí nghiệm Huyền bí Vô tuyến (RO), Máy quang phổ ion năng lượng (EIS) và Thí nghiệm thăm dò Langmuir và điện trường (LPEX). Các kết quả nghiên cứu có thể giúp giải thích về dòng bụi trên sao Hỏa, liệu có bất kỳ vành đai nào (như giả thuyết) xung quanh sao Hỏa hay không và cũng xác nhận liệu bụi là liên hành tinh hay đến từ Phobos hay Deimos (hai mặt trăng của sao Hỏa).

Nghiên cứu về bụi có thể giúp giải thích kết quả thí nghiệm RO. Trong khi đó, thí nghiệm RO đang được phát triển để đo cấu hình mật độ electron và trung tính. Thiết bị này về cơ bản là một máy phát vi sóng hoạt động ở băng tần X có thể giúp hiểu được hành vi của bầu khí quyển sao Hỏa.

Các nhà nghiên cứu của ISRO cũng đang phát triển EIS để mô tả các hạt năng lượng Mặt Trời và các hạt gió Mặt Trời siêu nhiệt trong môi trường sao Hỏa. Dụng cụ sẽ đo các hạt tích điện năng lượng cao.

LPEX sẽ cho phép đo mật độ số electron, nhiệt độ electron và sóng điện trường, tất cả đều sẽ mang lại bức tranh rõ hơn về môi trường plasma trên sao Hỏa.

Ngày 5/11/2013, Ấn Độ đã phóng tàu vũ trụ Mangalyaan thăm dò sao Hỏa và tàu mất 11 tháng (đến ngày 24/9/2014) đã tới quỹ đạo hành tinh này. Tàu mang theo 5 thiết bị khoa học để nghiên cứu các đặc điểm bề mặt, hình thái, khoáng vật và bầu khí quyển của sao Hỏa.

Với thành công của sứ mệnh này, ISRO đã trở thành cơ quan vũ trụ thứ 4 trên thế giới đưa tàu vũ trụ lên quỹ đạo sao Hỏa và là cơ quan đầu tiên làm được như vậy trong lần phóng đầu tiên.

Phan Anh

Ukraina kết hợp HIMARS và UAV thành cặp ‘song sát’

UAV Shark xuất hiện trước tổ hợp HIMARS. (Ảnh: Eurasian Times).

Gần đây, Ukraina đã kết hợp UAV Shark với hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS, làm gia tăng hiệu quả các vụ tấn công nhằm vào vũ khí Nga.

Báo eurasian times cho biết vào ngày 30/9, các trang theo dõi chiến sự Nga – Ukraina đã đăng tải bức ảnh cho thấy UAV Shark của Kyiv xuất hiện trước hệ thống HIMARS.

Ukraina đang sử dụng UAV Shark như biện pháp để cải thiện độ chính xác của các cuộc tấn công dùng tên lửa, và pháo binh khi nhằm vào mục tiêu Nga. Nga đã mất một số hệ thống phòng không, pháo tên lửa như TOS-1A và súng cối hạng nặng như Tyulpan 203mm trong 3 tháng qua.

Các thông tin về việc UAV Shark-HIMARS, được ghép đôi thành cặp “song sát” lần đầu tiên xuất hiện vào giữa tháng 9. Cơ quan tình báo Ukraina trước đó nói rằng, Shark sẽ được dùng để truy dò mục tiêu tấn công cho HIMARS.

Ukraina cũng công bố đoạn video mà họ mô tả là cặp “bài trùng” HIMARS – Shark đã phá hủy 5 tổ hợp pháo Buk của Nga.

Shark do tập đoàn Ukrspecsystems của Ukraina sản xuất, có hệ thống liên lạc được mã hóa, camera và hệ thống quang điện tử công nghệ “Full HD” có thể phóng to hình ảnh gấp 30 lần.

Tầm hoạt động tối đa của thiết bị là 60km, thời gian bay hơn 2 giờ, trần bay 2.000m và sải cánh 1,91m. Nó có thể đạt tốc độ tối đa 150km/h.

Trong khi đó, HIMARS là tổ hợp pháo phản lực cơ động cao do Mỹ cung cấp cho Ukraina. Tổ hợp này có tầm bắn khoảng 80km đối với đạn pháo thông thường và có thể lên tới 300km với tên lửa chiến thuật.

Liên Thành

Nga rung chuyển bởi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái

Nga đã bị tấn công bởi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV).

Bộ Quốc phòng Matxcova cho biết, Nga đã bị tấn công bởi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) ở ít nhất hai khu vực khác nhau vào sáng ngày 1/10, các video lan truyền trực tuyến cho thấy các UAV đang bay trên đất Nga.

Một đoạn video được cho là quay ở vùng Smolensk của Nga, cho thấy một tiếng nổ lớn khi một chiếc UAV bay qua.

Chính quyền Matxcova hôm Chủ nhật cho biết: Ukraina đã tiến hành một loạt cuộc tấn công bằng UAV vào lãnh thổ Nga, nhưng khẳng định lực lượng phòng không của nước này đã chặn các phương tiện không người lái.

Theo Bộ Quốc phòng Nga: Ukraina đã tấn công khu vực Krasnodar của Nga bằng một UAV “kiểu máy bay” vào khoảng 8 giờ sáng Chủ nhật theo giờ Matxcova. Hãng thông tấn nhà nước Nga Tass đưa tin, sáu máy bay dự kiến ​​đến sân bay Sochi, trên bờ Biển Đen ở khu vực Krasnodar, đã phải chuyển hướng đến các sân bay thay thế vì cuộc tấn công của máy bay không người lái.

Kênh Telegram “Shot” đưa tin rằng, một UAV cánh cố định Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đã được sử dụng trong cuộc tấn công vào Krasnodar.

Chính quyền Matxcova cho biết: Chỉ một giờ sau, thêm ba UAV nữa bị lực lượng phòng không Nga tiêu diệt trên khu vực Smolensk, giáp biên giới với đồng minh trung thành của Nga là Belarus.

Điện Kremlin sau đó cho biết vào lúc 10 giờ sáng theo giờ Matxcova, lực lượng phòng không đã chặn thêm UAV của Ukraina trên bầu trời Smolensk.

Thống đốc khu vực Smolensk – Vasily Anokhin viết trong một bài đăng trên Telegram vào hôm Chủ nhật rằng: “Tổng cộng, 5 UAV loại máy bay đã bị lực lượng phòng không và tác chiến điện tử của Bộ Quốc phòng Nga tiêu hủy trên Smolensk và các vùng ngoại ô của Smolensk”. Ông Anokhin cho biết,không có thiệt hại hay thương vong nào từ cuộc tấn công UAV.

Truyền thông nhà nước Nga cũng đưa tin về một chiếc UAV bay qua Belgorod, gần biên giới với Ukraina, mặc dù Bộ Quốc phòng Nga chưa cung cấp thông tin cập nhật về thông tin này.

Liên Thành

Related posts