Tin VN sáng thứ Ba: Vạn Thịnh Phát lừa đảo 30.000 tỷ đồng của hàng chục ngàn nhà đầu tư

Vạn Thịnh Phát lừa đảo 30.000 tỷ đồng của hàng chục ngàn nhà đầu tư

Bà Trương Mỹ Lan (trái), Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. (Ảnh: bocongan.gov.vn)

Từ các hành vi gian dối trong phát hành trái phiếu, các bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo 30.000 tỷ đồng của 42.000 nhà đầu tư.

Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết trong buổi họp báo, chiều ngày 2/10.

Theo ông Thành, kết quả điều tra xác định từ năm 2018-2020, các nghi phạm có liên quan tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, các công ty con thuộc tập đoàn cùng một số đơn vị đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật trong phát hành trái phiếu.

Do số lượng bị hại trong vụ án rất lớn nên C03 đã ủy thác cho cơ quan điều tra công an các địa phương làm việc với các nhà đầu tư đã mua trái phiếu của Vạn Thịnh Phát.

Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan đã được C03 khởi tố từ đầu tháng 10/2022. Trong quá trình này, C03 đã khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Đồng thời, C03 cũng khởi tố và bắt tạm giam nhiều bị can khác có liên quan đến vụ án này.

Cuối tháng 3/2023, C03 đã khởi tố và bắt tạm giam 5 bị can thuộc đoàn thanh tra liên ngành đã từng tiến hành thanh tra Ngân hàng SCB, do bà Đỗ Thị Nhàn – Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II của Ngân hàng Nhà nước, làm Trưởng đoàn thanh tra. Bà Nhàn bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Minh Long

Vụ cháy ở phố Khương Hạ: Bộ Công an nói ‘trách nhiệm thuộc cấp xã/phường’

Hiện trường vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ. (Ảnh: hanoionline.vn)

Trả lời trách nhiệm của Bộ Công an trong công tác quản lý PCCC ra sao trong vụ cháy ở phố Khương Hạ, đại diện Bộ Công an cho rằng kiểu như chung cư mini ở Khương Hạ là thuộc quản lý của cấp xã (tương đương cấp phường).

Chiều ngày 2/10, tại buổi họp báo của Bộ Công an, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội, đã cung cấp thông tin thêm về quá trình điều tra vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, làm chết 56 người, 37 người bị thương.

Ông Tùng cho biết tất cả những người trong diện điều tra của vụ cháy, cơ quan điều tra đều mời lên làm việc. Hiện, cơ quan điều tra cũng đang đề xuất mời nhiều cán bộ đương chức lên làm việc.

Hiện cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với bị can Nghiêm Quang Minh (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), là chủ căn chung cư mini, để điều tra về tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Cơ quan điều tra cũng đang mở rộng hướng điều tra xem chủ chung cư mini này “có đồng phạm hay không”. “Đặc biệt cơ quan điều tra đang mở rộng làm rõ chủ chung cư mini này có liên quan đến nhóm quản lý Nhà nước hay không và có đủ căn cứ để xử lý hình sự hay không, theo quan điểm không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, ông Tùng nói và cho biết hiện công an TP đã đăng ký bổ sung đưa vụ án này vào diện theo dõi về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tại buổi họp báo, liên quan tới công tác quản lý về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) thời gian qua, đặc biệt là sau khi xảy ra vụ cháy ở phố Khương Hạ, khiến nhiều người tử vong, dư luận đặt câu hỏi trách nhiệm của Bộ Công an trong công tác quản lý PCCC ra sao?

Ông Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC-CNCH khẳng định, không có việc phạt cho tồn tại chung cư mini.

Tuy nhiên, theo ông Khương, đối với công trình chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Hà Nội vừa qua thuộc diện nhà ở riêng lẻ nên không thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC.

“Đại diện quản lý các công trình kiểu như chung cư mini ở Thanh Xuân là thuộc cấp xã (tương đương cấp phường)”, ông Khương khẳng định.

“Bộ Công an khẳng định không có chuyện xử lý rồi cho tồn tại các dạng chung cư mini. Tuy nhiên, đối với công trình chung cư mini ở Thanh Xuân phải tính tới công tác dân sinh, vì có nhiều gia đình, nhiều cá thể trong đó. Nếu đình chỉ hoạt động công trình sẽ liên quan tới an sinh. Do đó, theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an, phải rà soát, kiểm tra và đưa ra các giải pháp an toàn về PCCC để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện cháy. Khi có tình huống xảy ra thì giảm thiểu nguy cơ thiệt hại về người và tài sản”, ông Khương nói.

Nói với báo chí nhà nước hôm 18/9, Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng ở Hà Nội không chỉ có mỗi tòa chung cư mini bị cháy ở phố Khương Hạ xây sai phép (được cấp phép 6 tầng nhưng đã xây tới 9 tầng – PV) mà còn rất nhiều công trình xây dựng khác xây vượt tầng.

Theo ông Nghị, có một thực tế là xử phạt rồi để cho các công trình vi phạm trật tự xây dựng này tồn tại. Nếu chỉ phạt cho tồn tại thì chủ đầu tư sẽ “mong được phạt” để hợp thức hóa vi phạm. Bởi lẽ, họ kiếm được lợi nhuận rất lớn từ phần công trình vi phạm. Đối với khoản lợi nhuận này, chủ đầu tư sẽ dùng để chạy chọt, hối lộ, sau đó vẫn lãi nên cứ tiếp tục vi phạm.

Cũng theo ông Nghị, đối với công trình vi phạm được phạt rồi cho tồn tại, nếu bị kiểm tra, cán bộ sẽ báo cáo rằng họ đã đi kiểm tra và xử phạt rồi, nhưng chỉ xử phạt nửa chừng, không tiến hành cưỡng chế. Việc cán bộ quản lý, cán bộ địa phương phạt cho tồn tại là hình thức đồng phạm một cách hợp pháp với sai phạm nên cần phải xem xét, làm rõ trách nhiệm.

Đáng chú ý, ông Nghị cho biết “đằng sau mỗi công trình, chung cư mini xây vượt tầng so với giấy phép là cả một thế lực lớn “chống lưng”. “Không phải mình đương đầu với chủ công trình vi phạm đâu, mình còn đương đầu với cả cái anh chống lưng đó”, ông Nghị nói.

Tuy nhiên, ông Nghị không nêu rõ cụ thể thế lực chống lưng là ai, tổ chức nào…

Vụ cháy chung cư mini xảy ra vào đêm 12 và rạng sáng 13/9. Sau 7 ngày xảy ra vụ thảm họa cháy kinh hoàng, đến ngày 19/9, Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an đã có bản kết luận giám định nguyên nhân vụ cháy.

Theo kết luận giám định, điểm xuất phát cháy nằm ở khu vực giáp tường phía nam, cách tường phía đông khoảng 2,3 m thuộc tầng 1 bên trong khu chung cư mini.

Nguyên nhân gây cháy được xác định do chập mạch đường dây dẫn điện vào bình ắc quy thuộc phần đầu xe mô tô sử dụng động cơ xăng (loại xe tay ga) đặt giáp tường phía nam tầng 1 gây ra hỏa hoạn, theo thông báo từ cơ quan điều tra.

Cũng theo kết luận giám định, lửa sau đó cháy lan vào khu vực cáp điện, các hộp công tơ điện gắn trên tường ở tầng 1 và cháy lan ra xung quanh dẫn đến vụ hỏa hoạn kinh hoàng.

Hoàng Minh

Vụ Việt Á: Người phụ nữ nào đã mời được ông Nguyễn Thanh Long đến dự lễ tặng kit test?

Các bị can Nguyễn Bạch Thùy Linh (trái) và Nguyễn Thị Thanh Thủy. (Ảnh: bocongan.gov.vn)

Dù chỉ là chuyên viên nhà xuất bản, Nguyễn Thanh Thủy lại có mối quan hệ cá nhân giúp Việt Á đủ điều kiện xuất khẩu, mời được quan chức đến dự lễ trao tặng test xét nghiệm, trong đó có cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long.

VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh và 37 bị can khác trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương.

Trong số này, Nguyễn Bạch Thùy Linh (Giám đốc Công ty TNHH MTV SNB Holdings) và Nguyễn Thị Thanh Thủy (cựu chuyên viên NXB Giáo dục Việt Nam) bị truy tố về tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi theo khoản 3, Điều 366 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt 5-10 năm tù.

Theo cáo buộc, bà Thủy và Linh có mối quen biết từ trước với Phan Quốc Việt (Chủ tịch Công ty Việt Á). Tháng 3/2020, khi biết công ty này được cấp số đăng ký lưu hành tạm thời test xét nghiệm COVID-19, hai phụ nữ chủ động đến gặp Việt để đề nghị kế hoạch hợp tác.

Họ thỏa thuận, thống nhất với Chủ tịch Việt Á về việc công ty này giao cho bà Thủy thông qua Công ty Giang San (do Linh và chồng là ông Ngô Mê Giang sở hữu) làm đại lý cấp 1, độc quyền xuất khẩu test xét nghiệm của Việt Á.

Cuối tháng 3/2020, bà Trần Vũ Mai Hoàng (em họ bà Thủy) là nhân viên Công ty Capitaland (Singapore) nói với bà Thủy và Linh về việc sẽ ủng hộ Việt Nam một số lượng hàng hóa (trị giá 1 triệu USD) phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Trước đề nghị trên, bà Thủy và Linh nói rằng Công ty Giang San là đại lý cấp 1 của Việt Á. Họ gợi ý lãnh đạo Công ty Capitaland mua test xét nghiệm COVID-19 do Công ty Việt Á sản xuất với tổng trị giá 1 triệu USD để tặng Việt Nam. Sau đó, phía Capitaland đã đồng ý với một vài điều kiện kèm theo nhằm tăng uy tín cho doanh nghiệp ở thị trường Việt Nam.

Thời điểm đó, Công ty Việt Á chưa được cấp số đăng ký lưu hành chính thức, chưa đủ điều kiện xuất khẩu test xét nghiệm. Một số điều kiện mà Công ty Capitaland đưa ra Phan Quốc Việt không thực hiện được.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy nói mình có mối quan hệ cá nhân với lãnh đạo cấp cao. Do đó, nữ chuyên viên này hứa giúp Việt trong việc can thiệp, tác động đến lãnh đạo các bộ, ngành để đáp ứng điều kiện của Capitaland.

Tin lời bà Thủy, Phan Quốc Việt đã đồng ý chi 40% giá trị hợp đồng test xét nghiệm cho bà Thủy và Linh. Mục đích để nữ chuyên viên có thể can thiệp, tác động giúp Công ty Việt Á đủ điều kiện xuất khẩu test xét nghiệm.

Đề nghị ông Nguyễn Thanh Long đến dự lễ tặng kit test

Ngày 2/4/2020, Công ty Việt Á ký được hợp đồng bán 40.000 test COVID-19 cho Công ty Capitaland, với giá trị hợp đồng là 1 triệu USD (khoảng 23,58 tỷ đồng). Ngay hôm sau, phía Capitaland thanh toán số tiền này cho Công ty Việt Á.

Cùng thời gian này, Nguyễn Thị Thanh Thủy đã trực tiếp gọi điện thoại, đề nghị ông Nguyễn Thanh Long (khi đó là Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế) đến dự lễ trao tặng test xét nghiệm của Công ty Capitaland.

Sau khi đồng ý, ông Long còn nhắn tin số điện thoại của lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam để bà Thủy gọi điện mời tham dự buổi lễ.

Ngày 7/4/2020, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức lễ tiếp nhận test xét nghiệm do Công ty Capitaland ủng hộ Việt Nam mua từ Công ty Việt Á. Hôm đó, cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng có mặt.

Đến ngày 9/4/2020, theo yêu cầu của bà Thủy, Phan Quốc Việt đã chỉ đạo nhân viên Công ty Việt Á chuyển hơn 8 tỷ đồng (40% của 1 triệu USD theo thỏa thuận) cho Công ty Giang San. Nhận được tiền, Linh đã chuyển lại cho bà Thủy 2 tỷ đồng và bà Trần Vũ Mai Hoàng 500 triệu đồng.

Với những hành vi trên, VKS cáo buộc các bị can Nguyễn Thị Thanh Thủy và Nguyễn Bạch Thùy Linh đã gợi ý để Công ty Capitaland ký hợp đồng mua test xét nghiệm từ Việt Á nhằm hưởng lợi bất chính 40% giá trị hợp đồng.

“Để hoàn thành hợp đồng và nhận được tiền, bị can Thủy đã lợi dụng mối quan hệ cá nhân với lãnh đạo cấp cao để can thiệp, tác động Nguyễn Thanh Long có mặt tại buổi lễ trao test xét nghiệm Công ty Capitaland ủng hộ Chính phủ Việt Nam, theo đúng yêu cầu của Công ty Capitaland”, cáo trạng nêu rõ.

Qua phi vụ trên, Nguyễn Thị Thanh Thủy và Nguyễn Bạch Thùy Linh được hưởng lợi 8,085 tỷ đồng tiền % ngoài hợp đồng. Trong đó, bà Thủy hưởng lợi 2 tỷ đồng, Linh hưởng lợi 6,085 tỷ đồng.

Phạm Toàn

Related posts