Bà nói: “Sẽ có một rủi ro rất lớn khi AI được phát triển sai, theo một cách mà không thực sự cải thiện cuộc sống của chúng ta mà thực tế còn gây ra nhiều rủi ro hơn.”
Một giám đốc điều hành cao cấp của công ty bất vụ lợi Open AI đã cảnh báo rằng, cũng như mối đe dọa hiện hữu tiềm tàng do trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra, công nghệ này cũng “vô cùng gây nghiện” và nhân loại có thể trở thành “nô lệ.”
Bà Mira Murati, Giám đốc công nghệ (CTO) của Open AI và được mệnh danh là “Người phụ nữ quyền lực nhất trong lĩnh vực AI,” cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm tại Lễ hội Đại Tây Dương (The Atlantic Festival) ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn rằng khả năng xác định rõ sở thích và mối quan tâm của người dùng của công nghệ này đang gây ra nguy cơ khiến AI thậm chí còn gây nghiện hơn cả các công nghệ hiện có như mạng xã hội và trò chơi máy tính.
Bà giải thích: “Với khả năng này và khi khả năng này được nâng cấp đến một mức độ nhất định, thì có thể là chúng ta sẽ tạo ra AI sai cách và AI trở nên vô cùng gây nghiện, và chúng ta kiểu như sẽ trở thành nô lệ cho AI.”
Nữ doanh nhân gốc Albania này cũng nhấn mạnh rằng các nhà nghiên cứu cần phải xác định cách mọi người phản ứng với công nghệ gây nghiện nhằm giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn.
“Chúng ta thực sự không biết gì ngay từ đầu. Chúng ta phải khám phá, chúng ta phải học hỏi, và chúng ta phải khảo sát tỉ mỉ,” bà Murati giải thích. “Có một rủi ro đáng kể khi tạo ra AI, phát triển sai AI, theo một cách thực sự không cải thiện cuộc sống của chúng ta mà trên thực tế còn gây ra nhiều rủi ro hơn.”
Bà tiếp tục: “Tôi nghĩ về điều đó dưới góc độ đánh đổi: Công nghệ này mang lại bao nhiêu giá trị trong thế giới thực và chúng ta giảm thiểu rủi ro đến mức nào.”
Người phụ nữ 34 tuổi này cũng thảo luận về tác động không thể tránh khỏi của AI đối với thị trường việc làm, với hàng triệu nhân viên có khả năng mất việc do tự động hóa. Theo một nghiên cứu của Goldman Sachs công bố đầu năm nay, con số đó có thể lên tới 300 triệu người.
“Giống như mọi cuộc cách mạng trọng đại, tôi nghĩ rất nhiều việc làm sẽ bị mất—có lẽ sự tác động đến việc làm sẽ lớn hơn bất kỳ cuộc cách mạng nào khác,” bà Murati nói. “Và chúng ta phải chuẩn bị cho lối sống mới này.”
Được thành lập vào năm 2015, OpenAI là một tổ chức nghiên cứu AI với mục tiêu được tuyên bố là phát triển AI theo những cách có lợi cho nhân loại. Sản phẩm nổi tiếng nhất của công ty này hiện nay là ChatGPT, một mô hình ngôn ngữ có thể trả lời hiệu quả số lượng gần như không giới hạn các câu hỏi của người dùng.
Các thành viên hội đồng sáng lập của OpenAI bao gồm hai ông Elon Musk và Sam Altman. Ông Musk đã rời khỏi hội đồng quản trị vào năm 2018, và kể từ đó đã công khai bày tỏ sự không tán thành đối với việc công ty chuyển từ mô hình nguồn mở bất vụ lợi sang cạnh tranh như một nền tảng nguồn đóng.
Định hình tương lai ngay trong hiện tại
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí TIME hồi tháng Hai năm nay, bà Murari cũng thảo luận tương tự về việc thế giới đang đối mặt với một “thời điểm độc nhất vô nhị” về việc làm thế nào để ứng phó với những nguy cơ của AI.
“Đây là một thời điểm duy nhất trong lịch sử mà chúng ta có khả năng tác động đến cách AI định hình xã hội. Và điều này diễn ra theo cả hai hướng: công nghệ định hình chúng ta và chúng ta định hình công nghệ,” bà chia sẻ trong cuộc phỏng vấn. “Có rất nhiều vấn đề khó lường. Làm cách nào để quý vị có thể khiến mô hình đó thực hiện điều quý vị muốn AI làm, và làm cách nào để bảo đảm rằng AI tuân theo ý định của con người, và cuối cùng là phục vụ nhân loại?”
“Ngoài ra còn có hàng tấn câu hỏi liên quan đến tác động xã hội, và có rất nhiều câu hỏi về đạo đức và triết học mà chúng ta cần xem xét,” bà Murari nói thêm. “Và điều quan trọng là chúng ta cần đưa ra những tiếng nói khác nhau, như các triết gia, nhà khoa học xã hội, nghệ sĩ, và những người thuộc lĩnh vực nhân văn.”
Tuệ Minh biên dịch