Mặc dù Nam Hàn có những ràng buộc về mặt kinh tế với Trung Quốc, nhưng mối bang giao giữa hai nước đã có những dấu hiệu căng thẳng kể từ khi Tổng thống Yoon nhậm chức.
Trong một loạt diễn biến mới đây, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề nghị một chuyến thăm cấp quốc gia tới Nam Hàn, báo hiệu một chương mới trong mối quan hệ chiến lược giữa hai nước. Cử chỉ này được xem như là một phần của sáng kiến lớn hơn nhằm thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Các chuyên gia cho rằng lời đề nghị của ông Tập là một biện pháp đối phó với liên minh đang phát triển giữa Bắc Hàn và Nga — một liên minh có thể phá vỡ ảnh hưởng lâu dài của Trung Quốc trong khu vực.
Nam Hàn vẫn là cường quốc duy nhất có khả năng chống lại Bắc Hàn về mặt quân sự, khiến nước này trở thành một yếu tố quan trọng trong tính toán của Trung Quốc. Hơn nữa, ông Tập đặt mục tiêu phá bỏ liên minh ba bên hiện có giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Nam Hàn, đặc biệt trong bối cảnh chính phủ đương nhiệm của Nam Hàn do Tổng thống Yoon Suk Yeol đứng đầu có lập trường phản đối cộng sản.
Những lo ngại ở Bắc Kinh
Mặc dù Nam Hàn có những ràng buộc về mặt kinh tế với Trung Quốc, nhưng mối bang giao giữa hai nước đã có những dấu hiệu căng thẳng kể từ khi Tổng thống Yoon nhậm chức. Không giống như người tiền nhiệm Moon Jae-in, người duy trì một chính sách thân thiện với Trung Quốc, Tổng thống Yoon đã tiếp tục duy trì các chuẩn mực ngoại giao được thiết lập từ lâu của Nam Hàn, làm dấy lên lo ngại ở Bắc Kinh.
Thống kê từ Hiệp hội Thương mại Quốc tế Nam Hàn (KITA) tiết lộ một thay đổi đáng chú ý: Sự phụ thuộc của Nam Hàn vào thị trường xuất cảng Trung Quốc đã giảm từ 26.8% vào năm 2018 xuống còn 19.5% trong quý 1 năm 2023.
Sự sụt giảm này tương ứng với những nỗ lực của Nam Hàn trong việc tuân thủ chặt chẽ hơn các chính sách của Hoa Kỳ, vốn liên quan đến việc hạn chế xuất cảng chất bán dẫn tân tiến sang Trung Quốc. Hậu quả là xuất cảng sang Trung Quốc giảm mạnh 29.8% trong quý 1 năm nay.
Nam Hàn cũng đang tích cực đa dạng hóa thị trường xuất cảng. Năm 2021, xuất cảng sang các quốc gia như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc, và Việt Nam đã tăng mạnh, với chỉ số Lợi thế So sánh Thị trường (MCA) từ 6 đến 7 — cao hơn đáng kể so với chỉ số 4 của Trung Quốc.
Nhà phân tích độc lập Chư Cát Minh Dương (Zhuge Mingyang) cho rằng sự phụ thuộc kinh tế ngày càng giảm của Nam Hàn vào Trung Quốc có thể gây ra những hậu quả địa chính trị sâu rộng. Bằng cách đa dạng hóa danh mục đầu tư kinh tế, Nam Hàn có nguy cơ làm nới lỏng sự kiểm soát của Trung Quốc, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt ảnh hưởng chiến lược đối với Bán đảo Triều Tiên.
Diễn biến này có thể giải thích rõ ràng lý do tại sao ông Tập đang nỗ lực phối hợp để hàn gắn mối bang giao với Nam Hàn, khi Trung Quốc ngày càng nhận thấy mình bị gạt ra ngoài lề nhiều hơn trong bối cảnh địa chính trị liên tục thay đổi.
Liên kết Hoa Kỳ-Nam Hàn-Nhật Bản tăng cường nhờ THAAD
Việc Mỹ lắp đặt Hệ thống Phòng thủ Hỏa tiễn Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) ở Nam Hàn từ lâu đã trở thành điểm gây tranh cãi đối với Trung Quốc. Dưới thời chính phủ tiền nhiệm của Tổng thống Moon Jae-in, Bắc Kinh đã gây áp lực thành công để hạn chế khai triển thêm. Tuy nhiên, chính phủ Nam Hàn đương nhiệm dưới thời ông Yoon đã đi chệch hướng đáng kể khỏi lập trường này, chọn cách liên minh chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Tháng 04/2017, Nam Hàn đã bật đèn xanh cho hệ thống chống hỏa tiễn THAAD của Hoa Kỳ, khiến Trung Quốc nhanh chóng có những hành động trừng phạt, bao gồm tẩy chay kinh tế và cấm vận văn hóa. Bắc Kinh cho rằng hệ thống này là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Tháng 11/2017, để giảm bớt căng thẳng, chính phủ Tổng thống Moon Jae-in đã cam kết thực hiện chính sách “ba không”: không khai triển thêm THAAD, không tham gia vào mạng lưới phòng thủ hỏa tiễn của Hoa Kỳ, và không tiến hành liên minh quân sự ba bên với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Bất chấp điều này, Trung Quốc vẫn tiếp tục trả đũa về kinh tế và văn hóa đối với Nam Hàn.
Sự đảo ngược chính sách dưới thời ông Yoon
Khi nhậm chức, ông Yoon đã phá bỏ cách tiếp cận giao hảo của người tiền nhiệm, tăng cường mối quan hệ quân sự với Hoa Kỳ và mong muốn giảng hòa với Nhật Bản. Chính phủ của ông Yoon đã thẳng thắn trong việc giao tiếp với Bắc Kinh; Ngoại trưởng Nam Hàn Park Jin đã làm rõ trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 08/2022 rằng chính sách “ba không” không mang tính ràng buộc.
Tại Hội nghị thượng đỉnh ở Trại David hôm 18/08, Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Nam Hàn đã ký kết “Các nguyên tắc Trại David” nhằm nâng cao hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế, và công nghệ. Ông Yoon khẳng định cam kết của Nam Hàn trong việc duy trì trật tự quốc tế và thúc đẩy an ninh, đồng thời nói thêm rằng mục đích của hội nghị thượng đỉnh phù hợp theo hướng kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.
Ông Robert Daly, nhà phân tích tại Trung tâm Wilson của Hoa Kỳ, lưu ý rằng hội nghị thượng đỉnh này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc hàn gắn mối bang giao Nhật Bản-Nam Hàn. Hiệp định ba bên này nhấn mạnh sự thất bại của những nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây chia rẽ giữa ba quốc gia, khiến Bắc Kinh bị cô lập về mặt địa chính trị.
Nhà phân tích độc lập Chư Cát Minh Dương nhận xét: “Chuyến thăm sắp tới của ông Tập Cận Bình tới Nam Hàn dường như nhằm kích động các phe phái thân Bắc Kinh trong nước và gây áp lực lên chính phủ ông Yoon.” Ông nói thêm rằng chuyến đi này cũng là để gây bất ổn cho liên minh đang vững mạnh giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Nam Hàn.
Cuộc gặp gỡ giữa ông Kim Jong Un và ông Putin tại Nga
Trong một diễn biến đáng ngạc nhiên, Bắc Hàn, từ lâu được coi là đồng minh thân cận của Trung Quốc, đang thực hiện những hành động ngoại giao khiến Bắc Kinh lo lắng. Nguyên là mối bang giao bắt nguồn từ sự phụ thuộc lẫn nhau, giờ đây tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Bắc Hàn dường như ngày càng mong manh.
Từ ngày 10 đến ngày 17/09, lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un đã thực hiện một chuyến thăm cao cấp kéo dài một tuần tới Nga. Cùng với một loạt cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, hành trình của ông Kim còn bao gồm các chuyến tham quan các cơ sở trọng yếu của Nga, như trung tâm sản xuất hàng không vũ trụ và căn cứ Hạm đội Thái Bình Dương. Theo truyền thông Bắc Hàn, các cuộc thảo luận diễn ra “chân thành và thẳng thắn,” đề cập đến một loạt vấn đề và các dự án hợp tác hiện tại, và kết thúc bằng “những thỏa thuận và sự đồng thuận hài lòng.”
Mặc dù các chi tiết cụ thể không được tiết lộ nhưng có nhiều suy đoán cho rằng Nga và Bắc Hàn có thể đã ký kết các thỏa thuận liên quan đến công nghệ quân sự và vũ khí. Ông Putin ám chỉ trong cuộc họp báo sau cuộc gặp rằng Nga sẽ giúp Bắc Hàn sản xuất vệ tinh, báo hiệu tham vọng mở rộng sang lĩnh vực hàng không vũ trụ của ông Kim.
Trong cuộc họp của Bộ Chính trị được tổ chức hôm 20/09, ông Kim đã chỉ thị đất nước của mình thực hiện các bước chủ động trong nhiều lĩnh vực khác nhau để nâng cao mối bang giao Bắc Hàn-Nga lên mức chưa từng có. Ông Kim kêu gọi tăng cường hợp tác liên ngành giữa hai nước và ủng hộ việc mở rộng hợp tác đa ngành.
Mối quan hệ đối tác mới được thành lập này đã thu hút sự quan tâm của Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Nam Hàn và đặc biệt gây khó chịu ở Trung Quốc. Bắc Hàn từ lâu đã đóng vai trò là tài sản chiến lược của Trung Quốc trong việc chống lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Nam Hàn. Một liên minh đáng kể giữa Bắc Hàn và Nga không chỉ có thể làm nới lỏng sự kiểm soát của Trung Quốc đối với đồng minh cũ này mà còn có thể tạo thành một mối đe dọa chiến lược đối với Trung Quốc. Hiện tại, Nam Hàn vẫn là quốc gia duy nhất có khả năng quân sự chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Hàn.
Ông Tập chật vật với áp lực gia tăng trong nước
Khi Trung Quốc vướng mắc trong các cuộc khủng hoảng ngày càng leo thang cả ở trong và ngoài nước, ông Tập nhận thấy mình phải đối diện với nhiều thách thức. Các nhà phân tích cho rằng những nỗ lực gần đây của ông nhằm hàn gắn mối bang giao với Nam Hàn có thể là một cố gắng tuyệt vọng nhằm lấy lại một chút hình tượng bề ngoài ổn định và thành công.
Nhà phân tích độc lập Chư Cát Minh Dương nhận định: “Mặc dù ông Tập Cận Bình nắm giữ quyền lực đáng kể, nhưng ông ấy phải đối mặt với sự phản đối gần như toàn diện trong chính Đảng Cộng sản. Hãy tưởng tượng áp lực to lớn mà ông ấy phải gánh chịu để duy trì quyền lực của mình.”
Những khó khăn của ông Tập càng trở nên phức tạp hơn bởi những thất bại gần đây trong chính sách ngoại giao. Ông Rahm Emanuel, Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản, đã công khai chỉ trích ông Tập là “bất tài” về kinh tế và là một “thất bại trong chính sách đối ngoại.” Cả Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng đều gọi ông Tập là “nhà độc tài.”
Nền kinh tế Trung Quốc đang trên bờ vực sụp đổ, với các cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong lĩnh vực địa ốc, nợ của chính quyền địa phương leo thang, và có những dấu hiệu đáng lo ngại về bất ổn tài chính ngay trong các thành phố được chính quyền trung ương trực tiếp quản lý như Thiên Tân. Ông Tập đã đáp trả bằng một cách tiếp cận nặng tay, thanh trừng quân đội và những người thân tín của ông, khiến ông Emanuel phải châm biếm rằng không một quan chức nào xung quanh ông Tập có khả năng “sống sót.”
Nhà bình luận chính trị Lê Dịch Minh (Li Yiming) tin rằng “nếu ông Tập có thể hàn gắn mối bang giao với Nam Hàn, thì điều đó sẽ đánh dấu một chiến thắng ngoại giao quan trọng, phần nào phục hồi danh tiếng ngày càng hoen ố của ông và giảm bớt áp lực nội bộ. Tuy nhiên, sự sụp đổ cuối cùng của Đảng Cộng sản dường như là một số phận không thể tránh khỏi.”
Ngay từ tháng Hai năm nay, nhà tài phiệt George Soros đã cảnh báo rằng bất kể sự siết chặt hiện thời của ông Tập đối với tất cả các công cụ đàn áp, sự tồn tại lâu dài của ông không được bảo đảm và giấc mơ thống trị chính trị và quân sự của ông chắc chắn sẽ không thể hoàn thành, và Đảng Cộng sản sẽ phải chuẩn bị cho “sự thay đổi chế độ hoặc cách mạng.”
Minh Ngọc biên dịch