Anh Nguyễn
Hai cựu thù Hoa Kỳ và Việt Nam đã gạt bỏ những khác biệt và nâng mối quan hệ lên tầm đối tác chiến lược toàn diện. Các cuộc đàm phán để bán một lượng lớn khí tài quân sự từ Hoa Kỳ cho Việt Nam đang được tiến hành. Thỏa thuận vũ khí tiềm năng này gây ra những lo ngại nghiêm trọng cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Tin tức gần đây về các cuộc đàm phán Mỹ-Việt cho thấy chính quyền Biden đang xem xét thương vụ bán vũ khí lớn nhất chưa từng có kể từ khi quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt được thiết lập. Thỏa thuận này có thể bao gồm việc bán máy bay chiến đấu F-16 để củng cố mối quan hệ đối tác đã được nâng cấp giữa hai nước. Thỏa thuận dự kiến sẽ được hoàn tất vào năm 2024.
Các cuộc thảo luận sơ bộ về thỏa thuận vũ khí bắt đầu trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden vào ngày 10/9. Trước đó, các nhà đàm phán đã tổ chức các cuộc họp trong suốt tháng Tám tại Hà Nội, New York và Washington D.C. Các điều khoản cụ thể của thỏa thuận vẫn chưa được xác định.
Ngoài ra, các báo cáo cho thấy do những hạn chế về tài chính của chính phủ Việt Nam, Hoa Kỳ đang xem xét tài trợ đặc biệt để giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào các loại vũ khí giá rẻ do Nga sản xuất.
Hoa Kỳ và Việt Nam vẫn chưa bình luận chính thức về những báo cáo này.
Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền leo thang với ĐCSTQ ở Biển Đông, Việt Nam khẩn trương yêu cầu vũ khí tiên tiến của Mỹ, bao gồm cả máy bay chiến đấu F-16, để củng cố khả năng phòng thủ trên biển.
Phần lớn trang thiết bị quân sự của Việt Nam có nguồn gốc từ Liên Xô cũ và Nga. Ước tính từ năm 2013 đến năm 2017, ngân sách quân sự hàng năm của Việt Nam đã tăng từ 3,8 tỷ USD lên xấp xỉ 4,9 tỷ USD, với 80% vũ khí được mua từ Nga. Việt Nam cũng phụ thuộc vào Nga trong việc bảo trì trang thiết bị quân sự.
Tuy nhiên, xung đột Ukraine đã khiến vũ khí và tài nguyên của Nga chuyển hướng khỏi Việt Nam, cũng khiến Việt Nam gặp khó khăn trong việc mua thêm thiết bị và phụ tùng thay thế. Cuộc xung đột đó cũng cho thấy lợi thế đáng kể của hệ thống quân sự NATO trên toàn thế giới. Vì vậy, Việt Nam coi việc mua vũ khí tiên tiến của Mỹ là một bước đi hợp lý.
Vào tháng 5 năm 2016, Hoa Kỳ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí đối với Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt và đột phá quan trọng trong quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam. Sau đó, Hoa Kỳ tặng hai tàu khu trục tuần tra “Hamilton” đã nghỉ hưu và hơn mười tàu tuần tra xa bờ “Metal Shark” cho Việt Nam. Việt Nam đặt tên hai tàu khu trục tuần tra được Hoa Kỳ tặng là CSB8020 và CSB8021 và để Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng. Ngoài ra, Hoa Kỳ đã bán cho Việt Nam ba máy bay huấn luyện tua bin cánh quạt T-6 được quốc tế công nhận, cùng với việc đào tạo phi công và cung cấp phụ tùng thay thế.
Nhà bình luận chính trị và nhân vật truyền thông, ông Tang Jingyuan, hiện đang cư trú tại Hoa Kỳ, đã chia sẻ với The Epoch Times vào ngày 27 tháng 9 rằng những tin tức gần đây về các cuộc đàm phán vũ khí giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cho thấy khả năng tăng cường hợp tác quân sự trong tương lai giữa hai nước. F-16 là hệ thống vũ khí toàn diện thể hiện sự nâng cấp hoàn chỉnh bao gồm các khía cạnh tình báo, huấn luyện, dữ liệu và ngôn ngữ. Kế hoạch Mỹ bán máy bay chiến đấu F-16 cho Việt Nam sẽ dần dần chuyển đổi toàn bộ hệ thống quân sự của Việt Nam từ mô hình Liên Xô sang mô hình NATO, đồng thời củng cố mối liên kết bền chặt trong quan hệ đối tác lâu dài giữa hai nước Mỹ – Việt.
Việt Nam hoàn thành mảnh ghép cuối cùng trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ
Trả lời câu hỏi của phóng viên hãng tin TASS của Nga trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 25/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã đưa ra khẳng định trái chiều, bày tỏ hy vọng rằng các nước liên quan sẽ “từ bỏ suy nghĩ quyền bá và tư tưởng về Chiến tranh Lạnh, chấm dứt khiêu khích và kích động chạy đua vũ trang”.
Vào ngày 24 tháng 9, Thời báo Hoàn cầu của ĐCSTQ đã đăng một bài báo trích dẫn quan điểm có thẩm quyền từ quân đội Trung Quốc, nói rằng Hoa Kỳ nhằm mục đích thiết lập một chỗ đứng khác ở Đông Nam Á thông qua các điều kiện gia tăng, chẳng hạn như việc sử dụng các căn cứ không quân và hải quân của Việt Nam, tạo thành một vòng vây quân sự ở Biển Đông để ngăn chặn Trung Quốc. Bài báo khẳng định Việt Nam “sẽ không dễ dàng chấp nhận” đề xuất của Mỹ.
Ông Tang Jingyuan cho rằng việc nâng cấp toàn diện quan hệ Mỹ – Việt chắc chắn là rất nhạy cảm đối với ĐCSTQ. Việt Nam chiếm vị trí địa lý quan trọng ở Đông Nam Á và Biển Đông. Nếu Việt Nam liên kết quân sự với Hoa Kỳ, nghĩa là cùng với Nhật Bản, Đài Loan và Philippines sẽ tạo ra sự ngăn chặn chiến lược đối với Trung Quốc. Đây là một tình huống khó lòng chấp nhận đối với ĐCSTQ, vốn đã cảm nhận sự răn đe này và giải thích lý do tại sao Trung Quốc lại dùng đến những lời tố ngược, ám chỉ Hoa Kỳ đang tham gia vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới và theo đuổi bá quyền. ĐCSTQ chủ ý tránh nhắc đến Việt Nam vì không muốn đẩy Việt Nam lại gần Hoa Kỳ hơn.
Việt Nam có thể trở thành một chỗ đứng khác của Hoa Kỳ ngoài Philippines
Vào tháng Hai, Philippines đã mở mới bốn căn cứ quân sự cho quân đội Mỹ. Hiện tại, quân đội Mỹ có thể sử dụng 9 căn cứ quân sự ở đó, bao gồm làm nơi luân chuyển binh sĩ, lưu trữ vũ khí, tiếp tế và hỗ trợ hậu cần khác.
Ông Dương Hải Bình (Yang Haiping), một nhà lãnh đạo Hoa kiều nổi tiếng ở San Francisco, từng tham gia Chiến tranh Việt Nam, đã tuyên bố trong chương trình “Góc nhìn toàn cảnh” (Pinnacle View) của đài NTD ngày 14 tháng 9 rằng Hoa Kỳ hiện đang đoàn kết tất cả các nước để chống lại ĐCSTQ. Ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Philippines, mảnh ghép cuối cùng là Việt Nam. Đó là mảnh ghép cuối cùng và hiệu quả nhất trong việc ngăn chặn ĐCSTQ. Chuyến thăm Việt Nam của ông Biden là mảnh ghép cuối cùng của chiến lược châu Á-Thái Bình Dương.
Việc nâng cấp từ cựu thù thành đối tác chống lại ĐCSTQ đánh dấu một sự thay đổi chiến lược quan trọng trong quan hệ Mỹ – Việt.
Chiến tranh Việt Nam là một cuộc xung đột chống lại ĐCSTQ
Trong Chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ đã đóng một vai trò quan trọng, hỗ trợ chính phủ miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống lại miền Bắc cộng sản.
Ông Dương Hải Bình (Yang Haiping), một cựu chiến binh người Mỹ gốc Hoa từng chiến đấu ở Việt Nam, đã làm sáng tỏ sự liên quan của nhiều bên. Ông nói với The Epoch Times: “Người ta kỳ vọng rằng các cố vấn và kỹ sư Liên Xô sẽ tham gia Chiến tranh Việt Nam, nhưng khi chiến tranh leo thang, người ta phát hiện ra rằng họ đang chiến đấu bên cạnh Quân đội Cộng sản Trung Quốc. Các sĩ quan cấp cao và cấp trung của Quân đội Bắc Việt đều là sĩ quan Cộng sản Trung Quốc, vũ khí, thực phẩm, v.v. của họ đều do ĐCSTQ cung cấp. Hơn 300.000 quân Cộng sản Trung Quốc đã chiến đấu ở Việt Nam trong trang phục lính Bắc Việt”.
Sự tham gia của ĐCSTQ được đề cập rõ hơn trong Tập II (1949-1978) của quyển ‘Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc’, trong đó ghi lại sự hỗ trợ kỹ thuật và quân nhân của ĐCSTQ tại Việt Nam. ĐCSTQ đã cung cấp sự hỗ trợ đáng kể, bao gồm các đơn vị chiến đấu phòng không và viện trợ hậu cần, “tổng cộng hơn 320.000 nhân sự”, điều này nhấn mạnh mức độ tham gia sâu sắc của ĐCSTQ trong chiến tranh Việt Nam.
ĐCSTQ đã thành lập 17 trường hàng không tại sân bay Tường Vân ở Vân Nam để giúp Việt Nam đào tạo phi công trình độ cao.
Các đơn vị hỗ trợ hậu cần của ĐCSTQ chịu trách nhiệm vận chuyển hàng viện trợ cho Việt Nam từ Trung Quốc và các nước cộng sản khác như Liên Xô, Bắc Triều Tiên và Mông Cổ. ĐCSTQ cũng cung cấp một số lượng lớn bệnh viện dã chiến, trạm tiếp tế, nhà kho cũng như các loại vật tư quân sự khác nhau cho Bắc Việt.
Mối quan hệ ĐCSTQ-Việt Nam
Mối quan hệ của ĐCSTQ với Việt Nam bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm động lực địa chính trị, quan hệ kinh tế và lợi ích tư tưởng.
Trong thời kỳ trăng mật giữa ĐCSTQ và Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), ĐCSTQ đã cung cấp bất cứ thứ gì ĐCSVN yêu cầu. Chỉ riêng năm 1971, ĐCSTQ đã ký 7 thỏa thuận hỗ trợ miễn phí với ĐCSVN, tương đương khoảng 1,6 tỷ USD. Từ năm 1971 đến năm 1973, trong khi quan hệ Trung Quốc-Mỹ được cải thiện và hòa giải, ĐCSTQ đã hỗ trợ nhiều nhất cho ĐCSVN, với thỏa thuận hỗ trợ lên tới khoảng 4 tỷ USD. Thời gian sau đó, do những tác động bất lợi của Cách mạng Văn hóa của ĐCSTQ đối với nền kinh tế trở nên rõ ràng và ĐCSTQ đã không thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của ĐCSVN.
Do sự rạn nứt của ĐCSTQ với Đảng Cộng sản Liên Xô, quan hệ Trung Quốc-Mỹ bắt đầu gắn kết do có chung lợi ích trong việc chống Liên Xô. Cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã đến thăm Bắc Kinh vào ngày 21/2/1972, đánh dấu sự cải thiện trong quan hệ song phương Mỹ-Trung.
Vào tháng 1 năm 1973, Hoa Kỳ và ba chính phủ lâm thời của Việt Nam đã ký Hiệp định Hòa bình Paris. Trong vòng hai tháng sau đó, toàn bộ quân đội Mỹ đồn trú tại Việt Nam đều rút lui, chỉ còn lại lực lượng nhỏ như lính gác đại sứ quán. Tháng 8 năm 1973, toàn bộ quân chiến đấu giúp đỡ Việt Nam của cộng sản Trung Quốc cũng trở về nước.
Trong nỗ lực giành được sự ưu ái của ĐCSVN, Liên Xô bắt đầu cung cấp viện trợ đáng kể và vô điều kiện cho ĐCSVN, bao gồm cả vật tư quân sự, bắt đầu từ năm 1971. Khoản viện trợ này vượt xa những gì Trung Quốc đưa ra. ĐCSVN không hài lòng với việc Trung Quốc rút lại ủng hộ và coi sự “bình thường hóa quan hệ Mỹ – Trung” là “phản bội cách mạng”. Kết quả là ĐCSVN hoàn toàn hướng về phía Liên Xô.
Năm 1974, Bắc Việt (do ĐCSVN kiểm soát) bắt đầu tấn công chính quyền miền Nam Việt Nam. Hoa Kỳ từ bỏ nỗ lực hỗ trợ miền Nam Việt Nam và thay vào đó sơ tán quân Mỹ và người tị nạn còn lại. Năm 1975, Việt Nam được thống nhất dưới sự kiểm soát của ĐCSVN.
Ông Tang Jingyuan khẳng định quỹ đạo hướng về phương Tây của Việt Nam xuất phát từ những cân nhắc về lịch sử và địa chính trị. Các tranh chấp lãnh thổ âm ỉ với ĐCSTQ ở Biển Đông và hệ quả từ việc Việt Nam phản đối chế độ Khmer Đỏ đã đóng vai trò then chốt trong định hướng ngoại giao của Việt Nam đối với Hoa Kỳ.
Về tương lai, ông Tang Jingyuan dự đoán Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc đồng thời thúc đẩy quan hệ ngoại giao và quân sự chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ.
Anh Nguyễn (Theo The Epoch Times)